Đình Tế còn gọi là Đình Con Voi, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn thờ Tản Viên Sơn Thánh và các vị thần: Đức mẹ sinh ra Tản Viên, công chúa Ngọc Hoa. Ban tả: Thờ đức Chúa ngàn Ba Chi Thành Hoàng bản thổ, Ban hữu thờ Chúa ngàn núi Lưỡi Hái.
Đình làng Tế còn có tên là Đình Con Voi. Có lẽ do ngoài cổng
trước cửa đình có tượng con voi nên người ta quen lấy tên con vật này gọi thành
tên đình cho tiện.
Vị trí địa lý:
Đình Tế nằm trên một gò cao. Phía Đông nhìn sang núi Tản,
phía Nam là dãy Lưỡi Hái, phía Bắc có núi Ba Chi, phía Tây là núi Đá Vôi . Hướng
đình nhìn về núi Tản, dựa lưng vào núi Ba Chi cách sông Đà khoảng 10 Km.
Đình Tế còn gọi là Đình Con Voi, xã Tất Thắng, huyện Thanh
Sơn thờ Đức Thánh Tản Viên. Đây là ngôi đình hiếm hoi còn lại của huyện Thanh
Sơn và huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Dầu vậy nay đình chỉ còn cổng cổ và hậu
cung. Do nghi môn đắp voi nên đình còn gọi là Đình Con Voi.
Đình Tế
Thời Hùng Vương dựng nước, đình thuộc trại Cự Thắng bộ Văn
Lang. Đến Công nguyên gọi là Tất Thắng thuộc huyện Gia Ninh quận Tân Xương. Từ
thế kỷ VI đến thế kỷ X thuộc huyện Thừa Hóa quận Phong Châu. Thời Lý-Trần, Tất
Thắng thuộc châu Đà Giang. Thời Lê thì thuộc huyện Thanh Nguyên phủ Lâm Thao trấn
Sơn Tây. Đến nhà Mạc do phạm húy nên đổi thành huyện Thanh Xuyên. Năm 1833, huyện
Thanh Xuyên tách thành hai huyện là Thanh Thủy và Thanh Sơn. Đến thời Pháp và
sau này còn có nhiều lần chia, hợp, đổi tên và ngày nay thì thuộc xã Tất Thắng
huyện Thanh Sơn tỉnh Phú thọ.
Lịch sử:
Đình Tế nằm trong một hệ thống đình đền thờ Tản Viên Sơn
Thánh thuộc Trấn Sơn Tây cũ như đền Lăng Xương, Đền Và…Truyền thuyết về các vị
thần linh của hệ thống đình, đền này nói chung tương tự như nhau, chỉ khác nhau
về thời gian xây dựng.
Đình Tế được xây dựng vào thời khai điền lập ấp làng Tế do
các dòng họ Bùi, Lã, Nguyễn, Đinh di cư từ Cao Phong (Hòa Bình) đến lập ấp vào
khoảng thời gian thuộc thế kỷ XVII – XVIII. Người có công to lớn trong việc
chiêu dân lập ấp tên tuổi còn được tryền tụng cho đến ngày nay là cụ Tổ Bùi Văn
Hà.
Đình Tế thờ Tản Viên Sơn Thánh và các vị thần: Đức mẹ sinh
ra Tản Viên, công chúa Ngọc Hoa. Ban tả: Thờ đức chúa ngàn Ba Chi Thành Hoàng bản
thổ, Ban hữu thờ chúa ngàn núi Lưỡi Hái.
Đình Con Voi là một di tích lịch sử cách mạng, là nơi tuyên
bố giải tán chính quyền phong kiến Đế quốc thành lập chính quyền cách mạng, là
nơi bầu cử đầu tiên của xã Hưng Thắng ( nay là Tất Thắng) thuộc nước Việt Nam
dân chủ cộng hòa, là trụ sở Ủy ban hành chính kháng chiến trong nhiều năm.
Lễ, Hội:
+ Hội xuân:
Vào ngày 08 tháng giêng âm lịch hàng năm. Ngoài phần lễ tế
đình, phần hội có các trò chơi : ném đúm, kéo co, đu quay, đu trà.
+Lễ Hạ Điền:
Vào ngày 15 tháng 6 âm lịch hàng năm: Sau khi xin được âm
keo ( Đồng tiền sấp ngửa) tại đình, chọn một thanh niên chưa vợ thuộc gia đình
sung mãn về mọi mặt vác một cây nêu bằng tre đi ra đồng. Chọn một thanh nữ chưa
chồng cấy lúa xung quanh gốc cây nêu.
Sau 3 ngày kể từ lễ Hạ Điền, dân làng mới được cấy lúa. Nếu
năm nào bị thiên tai, hạn hán, thầy Mo sẽ làm lễ gọi vía lúa. Lời khấn đại loại
như sau:
Lúa ở Mường trời
Lời Mường con kêu con gọi
Lúa về Mường này làm giàu làm có
Bao nhiêu khốn khó bay về Mường xa
Hỡi lúa nếp, lúa tẻ
Nghe lời Mường ta kêu gọi
Bông con vừa bằng vòi hái
Bông cái vừa bằng đuôi con trâu
Lúa về đây làm giàu cho dân bản
Lúa về đây làm cho dân bản no lòng
Lúa ơi, lúa à!
+Lễ Rằm Tháng Chạp:
Vào ngày 15 tháng cuối cùng của năm âm lịch, đình cũng được
tổ chức làm lễ như một cuộc tổng kết năm.
Khảo tả :
Đình Tế nằm trên một gò đất rộng chừng 1.500 m2. Phía trước
có cổng ra vào hai cột đồng trụ cao khoảng 8 mét, ba mặt đều có câu đối, có hai
cột con thấp hơn ở hai phía. Trên hai bức tườngcó đắp rồng chầu, phía ngoài có
một con voi, một con ngựa. Phía trong có hai võ sĩ hai con hổ và núi đá. Sân
đình đã được tôn tạo đổ bê tông. Đình chính nay đã bị mất chỉ còn lại cái hậu
cung. Phía trên câu đầu của tòa hậu cung là hình hổ phù được chạm khắc nổi trên
gỗ có bức gỗ được trổhình rồng cuộn mây. Phía trong là linh vị, hương án. Bức
tường xây ở hậu cung cũng có hình hổ phù đắp nổi.
Đình Tế đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ quy định là khu
vực cần bảo vệ di tích.
Đình Tế mang ý nghĩa to lớn về tâm linh và văn hóa. Rất mong
được các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài nước gia tâm đóng góp để tái dựng
và tôn tạo nhằm giữ gìn di tich văn hóa cho muôn đời con cháu mai sau.
Nguyễn Anh Tuấn biên soạn năm 2000