Đình Thạc Trục, thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc thờ phụng Minh Sơn đại thần, Quý Minh đại vương đã có công giúp vua Hùng thứ 18 đánh nhà Thục trong buổi đầu dựng nước và Bản cảnh thành hoàng Chí Đức đại vương.
Đây là công trình kiến trúc cổ duy nhất còn lại ở địa phương
còn giữ được hầu như nguyên vẹn.
Nhìn tổng thể, đình Thạc Trục với tòa đại đình bề thế, mái
thấp được tạo dáng bởi các đao đình cong vút nhẹ nhàng và thanh thoát; đình được
lợp bằng ngói âm dương. Phần kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc cổ cùng những tư
liệu viết bằng chữ Hán có giá trị nghiên cứu lịch sử và gìn giữ những phong tục
của địa phương.
Đình được xây theo kiểu chữ Đinh gồm tòa đại đình năm gian,
hai dĩ tòa hậu cung 2 tầng 4 mái bít đốc. Nhìn tổng thể, đình Thạc Trục với tòa
đại đình bề thế, mái thấp được tạo dáng bởi các đầu đao cong vút nhẹ nhàng và
thanh thoát, lợp bằng ngói âm dương.
Với những giá trị về kiến trúc và văn hóa độc đáo, đình Thạc
Trục đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 8 tháng 5 năm
1996. Lễ hội đình Thạc Trục được tổ chức vào ngày mùng 9 và mùng 10 hàng năm.
Đình Thạc Trục, thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Theo thần tích còn lưu giữ được ở đình, thủa xưa trong vùng
có ông Nguyễn Hành, vợ là Tân Du quê ở Đông Lăng Xương, huyện Thanh Xuyên, Phủ
Gia Hưng làm nghề đốn gỗ. Tuổi đã cao nhưng vẫn chưa có con nối dõi. Một đêm,
bà Tân Du được vị Sơn Thần báo mộng rằng “Con cả đời làm việc thiện nên trời sẽ
ban phúc cho”.
Sáng hôm sau, bà vào núi đốn củi và gặp “Ông Hổ”, khi về nhà
thấy trong người khác lạ; từ đó bà mang thai đến ngày mùng 4 tháng giêng, năm
Giáp Dần bà sinh hạ được 2 con trai đặt tên là Nguyễn Sáng và Nguyễn Hiển. Đến
năm 13 tuổi, 2 anh em đã học tinh thông văn võ. Thủa đó, Vua Hùng Duệ Vương mở
cuộc thi chọn người tài ra giúp nước, 2 anh em đã được tuyển dụng và phong chức
“ Chỉ huy sứ tả hữu tướng quân”.
Khi đất nước có biến, Tản Viên Sơn Thánh triệu 2 anh em và
phong cho Nguyễn Hiển là Hiển Công Quý Minh giữ chức chỉ huy sứ hữu tướng quân
phòng thủ Châu Đại Nam; Nguyễn Sáng là Sùng Công Cao Sơn giữ chức chỉ huy sứ tả
tướng quân phòng thủ miền Bắc. Một ngày kia, Quý Minh đem quân đến địa phận
thôn Phú Thịnh, xã Thạc Trục, Tổng Tử Du thấy nơi đây là nơi sơn thủy hữu tình,
rồng bao hổ bọc, nguồn nước trong lành nên đã phát lệnh dừng chân và cho lập đồn
để phòng thủ quân Thục.
Thôn Phú Thịnh bèn cử các bô lão đem lễ vật đến cầu làm thân
tự. Quý Minh đã chon 13 trai tráng khỏe mạnh của địa phương cho làm gia thần
nơi nội phủ lại ban cho dân làng 10 hốt bạc và phán rằng “Ta muốn ngày nay cho
đến vạn ức năm về sau, đây sẽ là nơi thờ phụng ta”.Vào một đêm, Quý Minh mộng
thấy mình được thần binh của Minh Sơn phù giúp đánh thắng giặc Thục ở Đại Nam,
quân Thục thua to phải giảng hòa với Hùng Duệ Vương.
Để tránh nạn binh đao, Tản Viên Sơn Thánh đã bàn với Hùng Duệ
Vương nhường ngôi cho Thục Phán và hóa cùng Cao Sơn. Để tưởng nhớ ân đức của
Minh Sơn, dân làng Phú Thịnh đã lập hai vị phối thờ cùng Quý Minh tại đình từ
đó. Các triều đại sau này đã sắc phong cho hai ông như: Phụ Quốc tả thánh Hiển
thánh đại vương,; triều Lê Đại Hành niên hiệu Thiên Phúc 980- 988 phong là
Đương cảnh thành hoàng linh phù chi thần; vua Trần Thái Tông phong là Linh ứng
anh triết đường lộ hiển hựu; Lê Thái Tổ phong là Cường tề cương vị anh linh và
ra sắc chỉ ban cho thôn Phú Thịnh, xã Thạc Trục trùng tu miếu điện phụng thờ
hàng năm.
Giống như bao lễ hội của các vùng quê khác, lễ hội đình Thạc
Trục gồm hai phần, phần lễ và phần hội. Theo tục lệ của làng Thạc Trục, hàng
năm cứ đến ngày mùng 9 tháng Giêng là nhiều gia đình trong làng lại làm bánh
dày và chè để dâng lên các Ngài. Theo các cụ cao niên của làng kể lại, khi các
Ngài đi dẹp gặc thắng trận, mở tiệc chiêu quân tại mảnh đất này; thấy dân tiểu
xã mọn, ít con trai, các Ngài liền ban cho lệnh cầu đinh.
Từ đó, dân làng ấm no, hạnh phúc, nhiều gia đình đông đủ cả
con trai lẫn con gái. Hội cầu đinh được tổ chức gồm hai trò chơi: bắt trạch
trong chum và leo cầu bóp vú. Đây là hai trò chơi mang ý nghĩa cầu tự sinh sôi,
vì vậy thu hút được rất đông người tham gia và đa phần trong số đó là các đôi vợ
chồng trẻ tới cầu tự. Ngoài ra, du khách
còn được hòa mình vào những trò chơi dân gian rất phong phú như: Đu tiên, bắt vịt
dưới ao, đánh cờ, chọi gà…
Mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ
nguồn của dân tộc và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống (tín ngưỡng phồn
thực), lễ hội đình Thạc Trục được huyện Lập Thạch chú trọng, xây dựng thành một
trong những điểm nhấn di sản văn hoá phi vật thể của huyện./.
Từ đó, dân làng ấm no, hạnh phúc, nhiều gia đình đông đủ cả
con trai lẫn con gái. Khi đến đình Thạc Trục vào đúng ngày hội xuân, mọi người
không chỉ được xem các phần tế lễ mà còn được hòa mình vào phần hội với những
trò chơi dân gian rất phong phú như : Đu tiên, bắt vịt dưới ao, đánh cờ, chọi
gà…Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống mà dân làng Thạc Trục đã dày công
gìn giữ.
Bài, ảnh: Thành Nam