Theo truyền thuyết dân gian, vị thần hoàng ở đình làng Cầu Bây, phường Thạch Bàn và đình Thống Nhất, phường Cự Khối là võ tướng tên gọi Lã Lang Đường phù tá cho Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân và em trai là Lã Lang Đế. Hai ông xuất thân từ vùng đất Tế Giang, Hưng Yên, là anh em họ với sứ quân Lã Đường.
Thăng Long – Hà Nội được hình thành và phát triển qua hàng
ngàn năm đã trở thành một trong những nơi tập trung nhiều di tích lịch sử văn
hóa nhất trong ca nước. Hệ thống di tích của Thủ đô đa dạng về chủng loại, sâu
sắc về nội dung, tiêu biểu về giá trị kiến trúc nghệ thuật, trong đó phải kể
đình Thạch Cầu Bây (Cầu Bây), phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
Đình Cầu Bây ở Thạch Bàn là di tích thờ vị tướng nhà Đinh Lã
Lang Đường có công phù tá cho Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.
Đình làng Ngô thờ tướng nhà Đinh Lã Lang Đế có công phù tá
cho Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân và đánh quân Ngô. Anh trai của vị tướng Lã
Lang Đế là Lã Lang Đường được thờ ở làng Cầu Bây bên cạnh làng Ngô.
Trước năm 2003, đình Thạch Cầu Bây nằm trên địa bàn thôn Thạch
Cầu, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm. Thạch Bàn có các thôn cổ: Cầu Bây, Cự Đồng,
Ngọc Trì, thôn Ngô và Thương Hội. Nguyên là đất của các xã Cự Linh, Cự Đồng, tổng
Cự Linh, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Sau này gộp thành một xã lấy tên là xã
Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Đến năm 1961 thuộc về Hà Nội. Năm 2003
thành lập quận Long Biên và Thạch Bàn được mang tên là phường Thạch Bàn. Hiện
nay, đình Thạch Cầu Bây thuộc tổ 1, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
Tấm bia đá dựng trong quán thôn Thạch Cầu tạo năm Vĩnh Hựu
thứ 4 (1738) do Quận công Phạm Khiêm ích soạn, ghi rõ. “Xưa kia sông Nghĩa Trụ
chảy qua làng Cầu Bây, năm đó có một bà Thái phi họ Trịnh bỏ tiền ra xây cây cầu
đá bắc qua sông Nghĩa Trụ, cầu gồm 17 chân cột nhân dân đi lại được thuận tiện.
Để ghi nhớ công ơn của bà, dân làng lập bia ghi công đức và đổi tên làng Cầu
Bây thành làng Thạch Cầu”.
Theo truyền thuyết ở địa phương thì đình Thạch Cầu Bây thờ
Lã Lang Đường – một vị tướng tài ba đã giúp Ngô Quyền đánh dẹp giặc ngoại xâm.
Ngô Quyền mất, ông lại phò nhà Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.
Sau khi ông mất, nhân dân thôn Thạch Cầu vô cùng thương tiếc và lập đình thờ
ông làm Thành hoàng làng.
Tuy nhiên, trong sách Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm
1990, Nguyễn Danh Việt dẫn truyện Độc Thị hay Nhị Đại vương, do quan Hàn lâm viện
Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) thì không thấy
tên Lã Lang Đường, mà lại có tích chuyện như sau: “…Lại nói Độc Thị hay Nhị Đại
vương vốn người Quảng Năng Bắc quốc cha họ Đỗ tên Thạc, mẹ Trần Thị Thọ, gia
đình làm việc tốt đến ngày 12 tháng 5 năm Mậu Tý sinh một cậu con trai đặt tên
là Cảnh Thạc. Năm 26 tuổi, ông cùng bọn Nguyễn Thư Tiệp, Phạm Bạch Họ, Lý Khuê,
Nguyễn Khoan, Kiều Công Hãn, Ngô Xương Xí,... Là Tá Đường, tất cả 12 người đều
tự xưng là 12 sứ quân cát cứ mỗi người một phương. Cảnh Thạc cũng tự xưng là một
sứ quân, đi tới phía nam phò giúp Ngô Vương Quyền đến khi Ngô Vương qua đời, họ
mỗi người một nẻo”.
Như vậy, trong Thần tích Độc Thị hay Nhị Đại vương có nhắc đến
Lã Tá Đường là một trong 12 sứ quân thời Đinh. Như vậy, có thể Lã Lang Đường là
Lã Tá Đường được nhắc đến trong câu chuyện này. Việc thờ các sứ quân thời Đinh
khá phổ biến vì khi xây dựng địa bàn cát cứ, các sứ quân rất chú ý chăm lo cho
dân trong khu vực mình cai quản, từ việc mở mang làng xóm đến phát triển nông
nghiệp. Do đó, việc làng Thạch Cầu thờ Lã Lang Đường (hay Lã Tá Đường) là điều
dễ hiểu.
Đình Thạch Cầu Bây tọa lạc trên một khu đất rộng cao ráo và
thoáng đãng, ngay đầu làng, phía trước đình là một ao sen nhỏ, nay có dựng một
cây cầu cong cong dẫn ra đài lục giác ở giữa ao. Hai bên cổng đình là cây đa và
cây đề cổ thụ tạo nên vẻ đẹp thâm nghiêm cho cảnh quan di tích.
Do tác động của thiên nhiên và những thăng trầm của lịch sử,
nhiều hạng mục kiến trúc cổ của đình đã bị mai một, nhưng đình vẫn bảo lưu được
những công trình kiến trúc như: cổng đình, sân đình, Tả, Hữu vu, Đại đình và Hậu
cung.
Nghi môn với 2 trụ biểu, trên đắp dạng kết hình trái giành,
dưới bổ ô lồng đèn, thân trụ đắp câu đối. Sân đình khá rộng, lát gạch Bát
Tràng. Tả, Hữu vụ được xây dựng theo kiểu tường hồi bít đốc, kiến trúc chủ yếu
là bào trơn đóng bén và soi kẻ, mái lợp ngói ta. Hiên của Hữu vụ dựng 1 bia đá
nhỏ đã bị mờ chữ. Nối dưới Hữu vu là một nhà khách 5 gian, lợp ngói ta.
Toà Đại đình gồm 3 gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay
ngai, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp dạng bờ đinh, chính giữa đắp lưỡng Long chầu
nguyệt. Xung quanh đình có hệ thống tường bao tạo thành một không gian khép
kín. Chính giữa Đại đình treo bức hoành phi ghi 4 chữ: “Thánh cung vạn tuế” (Đức
Thánh muôn năm).
Hậu cung đình là một ngôi nhà 3 gian chạy dọc, được nối với
gian giữa toà Đại đình. Hậu cung đình cũng xây theo kiểu tường hồi bít đốc, mái
lợp ngói ta, xung quanh xây tường bịt kín, nền lát gạch, cửa gỗ làm đơn giản.
Ngoài những di vật cổ đặc trưng, đình còn có một bộ sưu tập
phong phú về chất liệu và đa dạng về chủng loại như: cờ thần, bát bửu, 1 bia đá
nhỏ (40 x 60cm đã bị thời gian làm phai mờ chữ (không đọc được), 2 bức đại tự
sơn son thếp vàng ghi dòng chữ: “Thánh cung vạn tuế” và “Thượng đẳng anh linh”.
Đặc biệt đôi câu đối ở toà Đại đình ghi lại công ơn của vị tướng Lã Lang Đường
giúp nhà Đinh dẹp loạn:
Dực bảo trung hưng thiên cổ tự,
Hoà đao mộc lạc trấn nam phương.
Tạm dịch:
Ghi nhớ công ơn người tướng xưa,
Dùng đao gỗ trấn giặc phương nam.
Thạch Cầu Bây cũng như nhiều làng quê khác, là một làng thuộc
vùng đất thấp, nên nhìn từ góc độ nông nghiệp, sông cầu Bây là dòng tiêu nước,
từ đó mà nảy sinh ra những ý nghĩa liên quan trong lễ hội.
Thông thường, ở nhiều làng xung quanh, cũng một không gian
và dòng chảy nhỏ như vậy, cũng tiêu nước, nhưng thường gắn với Đức Linh Lang,
còn ở khu vực Thạch Cầu Bây lại không thấy có Linh Lang, mà lại thờ hai anh em
Lã Lang Đường, được coi là tướng của Đinh Tiên Hoàng và mẹ con Phương Dung Công
chúa, đồng thời cũng thờ Cao Sơn và Quý Minh... Qua hệ thống thần linh này đã nổi
bật lên tinh thần dựng nước từ các vị anh hùng văn hóa nảy sinh ở thời nguyên
thủy và các vị có tính chất anh hùng dân tộc, có công chống phá hoại sản xuất...
Khu vực này như là một trong những tâm điểm giao lưu văn hóa giữa miền Thượng
và miền Biển.
Mặc dù cả Cao sơn và Quý Minh đều là em của Tản Viên Sơn
Thánh ở Ba Vì để hợp thành "Tam vị nhất thể". Nhưng, sự phân hóa của
truyền thuyết đã cho thấy, ba anh em phản ảnh về sự hội tụ các tộc người miền
núi, miền biển, để ở vùng Ngã ba Hạc, gồm cả Phú Thọ và Sơn Tây, đã hình thành
hệ tộc chủ thể là người Việt - Mường, mà cũng từ đây đánh dấu sự chia tách từng
bước thành hai tộc Kinh và Mường, ở vùng Thạch Cầu Bây, lại đánh dấu sự hội nhập
của các cư dân này - như phản ánh một hình ảnh nào đó gắn với sự hôi nhập lại của
hai tộc này...
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Thạch Cầu Bây là
căn cứ của du kích, với nhiều công trạng chặn đánh địch ở đường 5, cắt đứt giao
thông giữa sân bay Gia Lâm xuống Hải Phòng. Tại đây, trong trận càn năm 1947 giặc
Pháp đã bị du kích địa phương đánh trả quyết liệt.
Lễ hội của làng Thạch Cầu Bây thường được tổ chức vào ngày mồng
mười tháng hai, trong tháng trọng xuân, mang đầy dương khí, thúc đẩy cho muôn
loài, muôn vật phát triển, cho lòng người hưng khởi để mở hội Xuân.
Hội làng Thạch Cầu Bây cũng có tế thần, rước kiệu và đi rước
nước về làm lễ mộc dục... như bao lễ hội khác. Song, đáng quan tâm hơn cả là tục
chém lợn tế thẩn và bắc ông Mãnh hổ...
Hiện nay, những ý nghĩa sâu xa của thời xưa cũ không còn đọng
lại nhiều ở trong tâm thức của người dân địa phương và của nhiều người quan tâm
tới vấn đề này. Trên quan điểm dân tộc học - văn hóa so sánh, tạm thời, chúng
ta có thể rút ra được mấy ý nghĩa sau:
Về tục bắc ông Mãnh hổ: Có thể nghĩ rằng, khi người Việt xuống
khai phá vùng châu thổ thấp, thì nơi đây còn là rừng rậm và đẩy thú dữ cho nên,
tục bắt ông Mãnh hổ ở đất Gia Lâm (đất rừng lầy lội), như phản ánh vể cuộc khai
phá vĩ đại trên con đường tiến về phía biển.
Kết quả, mãnh hổ bị bắt, có nghĩa, sự nghiệp lao động vĩ đại
vào cuối thời nguyên thủy đó đã thành công... Một ý nghía khác, Mãnh hổ cũng biểu
tượng cho thần linh cai quản mặt đất, việc chinh phục ông Mănh hổ cũng đồng nhất
với việc chinh phục đất đai của tổ tiên ta.
Về sau này, khi một sổ nhà Nho thôn giã đã chiếm vị thế trí
thức dân gian, thì Mãnh hổ như phần nào còn gắn với học vị Cử nhân để nêu lên ước
vọng của người Thạch Cầu Bây về việc học hành khoa cử... Vì ngoài ý nghĩa Long
môn, Hổ bảng thì hổ còn là hiên thân của học vị Cử nhân trong nhận thức phi trí
bất hưng ... Lễ hội là sự kết tụ văn hóa - tâm linh qua nhiều đời chứ không chỉ
phản ánh qua một vài trò chơi đơn giản như người ta thường nghĩ..!
Về tục chém lợn: Theo các cụ cao niên trong làng cho biết,
xưa kia ông/anh lợn tế, thường là lợn đen tuyền, được nuôi hết sức cẩn thận
theo sự phân công của làng, sao cho đủ sự to béo ở một mức nhất định... Có thể,
người xưa quan niệm rằng, toàn bộ con lợn đen tuyền như đại diện (tạm coi là biểu
tượng) cho đất và nước. Lông lợn phải bóng, nhất là lông gáy phải dài, mới đủ
tư cách tê thần.
Tới giờ đã định, lợn được thả ra, thúc đẩy cho chạy một cách
vô tổ chức, trong tiếng reo hò vang dậy của những người tham gia hội. Và, sự
reo hò ầm ỹ lộn xộn ấy chỉ được chấm dứt khi lợn đã bị chém.
Tạm có thể hiểu sự kiện này như sau: trong các lễ hội nông
nghiệp cổ truyền, người dân làng thường quay trở về với thời gian chiêm bao ở
buổi hỗn mang, đó là hiện tượng mất trật tự như trong lễ hội cướp kén, cướp cầu,
cướp gậy mà ở đây là đuổi lợn.
Sự lao xao vọng về thời nguyên thủy ấy chỉ được chấm dứt khi
đối tượng (lợn) đã bị hạ gục, đổng nhất với ý nghĩa mà con người muốn đặt cược
với chư vị thần linh rằng: Hôm nay, giờ này, thời hỗn mang đã qua rồi, hỡi chư
vị thần linh, hãy theo gợi ý của chúng tôi đây, tạo cho thiên thời, địa lợi đi
vào trật tự để chúng tôi có vụ mùa bội thu... Người ta tin tưởng, sau khi chém
lợn thì thiên nhiên và mùa màng, dưới sự bảo trợ của Thành hoàng làng sẽ như một
đảm bảo dẫn đến hạnh phúc cho muôn nhà, Hạnh phúc ấy, còn được diễn ra bằng cách
vác lợn bị chém chạy xung quanh làng theo những con đường nhất định, để máu của
nó vương vãi khắp nơi, vì người xưa quan niệm rằng, máu là nguồn sinh khí (từ
thời nguyên thủy, khi con người lấy vật nhọn đâm vào con vật, thấy chất màu đỏ
chảy ra, chảy hết thì con vật chết, nên họ coi cái chất đỏ đó (máu) là sức sống,
tức sinh khí...).
Ước vọng theo tư duy liên tưởng qua tục này là mong sinh khí
tràn về cho cả làng. Tiếp sau, người ta làm một lễ kính cáo với Thành hoàng
làng qua bát tiết có chứa những lông gáy lợn trong tục tế mao huyết (yết), với
ý nghĩa như đặt cược với các vị tối thượng thẩn của làng rằng: hãy làm cho đất
đai phì nhiêu như bát tiết và cây trồng mọc tốt như lông gáy lợn... Cuối cùng,
bát tiết có lông gáy lợn được đem ra chôn trước mặt ông hổ của bức bình phong,
như với ý nghĩa, thần và người đã thống nhất với nhau vể ước vọng nông nghiệp
cao quý như lời khấn và nay trao cho thần hổ, tức thần linh cai quản mật đất thực
hiện ý đồ thiêng liêng này, để con người được những vụ mùa bội thu trong năm...
Sau đó, người ta làm sạch đầu và đuôi lợn, để sống và đem lễ thần, rồi chia
nhau cùng thụ hưởng...
Như vây, hội đình Thạch Cầu Bây ở quận Long Biên là một vẻ đẹp
văn hóa vượt lên trên tất cả những hình thức mà nó thể hiện để phản ánh một ước
vọng truyền đời của tổ tiên ta ngày trước.
Đình Thạch Cầu còn là một địa điểm ghi dấu những sự kiện
cách mạng kháng chiến diễn ra ở địa phương. Tồn tại qua các thời kỳ lịch sử,
ngôi đình luôn là một di tích tôn giáo tín ngưỡng của làng Thạch Cầu và đến hôm
nay ngôi đình vẫn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống, hội họp của
nhân dân địa phương. Với những giá trị nêu trên, đình Thạch Cầu xứng đáng được
trân trọng, giữ gìn để góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho
mọi người, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.