Đình Thạch Lỗi thuộc làng Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đình được xây dựng vào thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ 17) trên nền một ngôi miếu cổ, thờ phụng Lý Quốc Bảo, cháu ruột của vua Lý Nam Đế và phu nhân là bà Vũ Thị Hương.
Ông Lý Quốc Bảo từ nhỏ đã ham học, thông minh, tài trí hơn
người. Lớn lên gặp cảnh loạn lạc. Biết Lý Quốc Bảo là người có tài, vua trọng dụng
trao cho một đội quân hùng mạnh và phong tước 'Đô hộ tổng binh', chỉ huy dẹp giặc,
ông liên tiếp lập chiến công, khiến quân giặc khiếp sợ.
Trong một lần thị sát vùng đất Cẩm Giàng, đến trang A Lỗi
(Thạch Lỗi), ông vô tình gặp cô gái Vũ Thị Hương con ông Vũ Văn Nhã và bà Nguyễn
Thị Kim, nổi tiếng xinh đẹp, nết na, đàn hay, tháo vát. Điều đặc biệt là cả hai
người đều sinh cùng ngày, cùng tháng. Rung động trước người con gái hiền hậu, sắc
nước hương trời, ông ngỏ lời hỏi cưới và nhận được sự chấp thuận của nhà gái.
Ngày lành tháng tốt, hai người nên duyên vợ chồng, sinh sống
ở quê vợ, nơi có cảnh sắc nên thơ, hữu tình. Đúng thời điểm đó, giặc Lương tiếp
tục xâm lược nước ta. Sau ngày đại hỷ, ông nhận lệnh vua, chia tay người vợ trẻ,
đem quân đi dẹp giặc.
Bà Vũ Thị Hương ở lại trang A Lỗi, thờ phụng cha mẹ, lo toan
công việc gia đình và vận động nhân dân tăng gia sản xuất, đóng góp lương thực
cho quân sĩ đánh giặc, chờ chồng. Không ngờ, ngày tiễn chồng lên đường cũng là
lần cuối cùng bà Vũ thị Hương nhìn thấy ông. Vì chỉ sau đó không lâu, trong một
trận giao chiến với giặc, chồng bà đã hi sinh.
Đau xót trước cái chết của chồng, để giữ trọn tình nghĩa thủy
chung, bà đã gieo mình xuống ao Phe Chung (nay thuộc xóm Tây, thôn Thạch Lỗi)
quyên sinh. Cảm kích trước tình yêu thủy chung của bà, nhà vua đã ban tước và
phong bà là: 'Thái hậu khánh phu nhân'.
Đình Thạch Lỗi là một trong những ngôi đình cổ tiêu biểu của
Việt Nam, có quy mô lớn theo kiểu tiền nhất hậu đinh. Các công trình hiện còn
bao gồm toà tiền tế 7 gian, toà trung đình 9 gian và 3 gian hậu cung được xây dựng
vào cuối thế kỷ 18. Hiện vật của đình còn nhiều cổ vật có giá trị đặc biệt là tấm
bia Hành tại đình bi được khắc vào năm Chính Hoà thứ 10 (1689).
Theo văn bia ghi lại: "Ngày 21 tháng 5 năm Giáp Tý
(1744) đình bị giặc tàn phá, nhân dân phiêu tán, đến năm Canh Ngọ (1750) bắt đầu
khôi phục, mua sắm vật liệu, năm Tân Tỵ (1761) sửa đình, chỗ nào dập nát thì tu
bổ lại". Năm 1997, đình được xếp hạng di tích quốc gia, sau đó được Nhà nước
và nhân dân địa phương đầu tư kinh phí để tu sửa một số hạng mục như tam quan,
sân đình và hậu cung...
Kiến trúc đình
Đình Thạch Lỗi nằm trên khu đất rộng 1.092m², cao thoáng, bằng
phẳng, nhìn về hướng nam. Trước mặt đình bên kia con đường nhỏ là hồ đình rộng
9.370m². Giữa hồ đình có một gò đất tròn mà trong truyền thuyết về phong thủy
được gọi là Tam Thai.
Cấu trúc mặt bằng đình được chia thành các lớp trụ biểu, sân
đình, tòa tiền tế 7 gian hình chữ nhật, tòa đại đình 7 gian to, 2 gian xép hình
chữ đinh. Hậu cung gồm 3 gian nhỏ, được ngăn làm hai.
Lớp không gian trong một gian là cấm cung, nơi bày ngai thờ,
bài vị hai đức thành hoàng. Hai bên sân đình là hai dải vũ, xung quanh đình có
tường bao cao 1,2m. Phía trước có 3 cổng được hình thành bởi các trụ biểu, hai
bên có hai cổng.
Tòa tiền tế gồm 7 gian được tạo dựng theo nguyên tắc sự liên
kết của các vì kèo. Thành phần chịu lực là các hàng cột được đặt trên đá tảng.
Cả tòa tiền tế có 32 cột, khoảng cách các cột cái theo chiều dọc là 3,2m, chiều
ngang là 3,7m, khoảng cách từ cột cái đến cột quân là 2,25m, chiều cao của ngôi
đình là 5,68m (tính từ nền đình đến thượng lương).
Các vì kèo liên kết với nhau bởi hệ thống xà ngang, xà dọc,
con rường, kẻ, bẩy. Ráp nối các thành phần kiến trúc là mộng luồn, mộng thắt, mộng
mang cá… Mái tòa tiền tế rộng bằng 2/3 chiều cao của ngôi nhà và được làm theo
kiểu tầu đao, mái lá thoải dần, 4 đầu đao vuốt vút dần lên ở bốn góc.
Tòa đại đình có quy mô 7 gian và 2 gian xép. Xây dựng theo
nguyên tắc sự liên kết của các vì kèo bởi hệ thống xà ngang, dọc, trên, dưới,
ngưỡng, con rường, kẻ, bẩy. Tòa đại đình có 6 hàng cột, toàn bộ công trình có
60 cột. Kết cấu một vì kèo của đại đình có 6 hàng cột, các cột liên kết với
nhau bởi con rường, kẻ, bẩy, kẻ hiên, và bẩy hiên.
Hệ thống vì nóc có kết cấu theo kiểu chồng rường, đấu vuông
trơn, xen lẫn đấu vuông tròn. Khoảng cách giữa các cột cái theo chiều ngang là
3,8m; từ cột cái đến cột quân là 1,8m, từ cột quân đến cột hiên là 1,3m. Ba
gian giữa của đại đình có diện tích bằng nhau nên khoảng cách các cột theo chiều
dọc là 3,2m.
Các gian bên phải trái nhỏ hơn nên khoảng cách các cột theo
hàng dọc là 3,05m. Hai gian xép ở hai đầu hồi có khoảng cách 2 cột là 1,4m. Kết
nối các thành phần kiến trúc ở đây là mộng luồn, mộng xập, mộng thắt, mộng mang
cá. Mái toà đại đình rộng và thấp hơn mái tòa tiền tế.
Qua hơn 300 năm, dù có nhiều biến đổi, nhưng đình làng Thạch
Lỗi về căn bản vẫn giữ được những giá trị văn hóa nghệ thuật căn cốt của nó. Đó
là nghệ thuật chọn vị trí không gian để xây dựng công trình và khả năng phối tạo
công trình trở thành tác phẩm gắn bó và làm đẹp hơn lên cảnh quan tự nhiên; nghệ
thuật tạo dựng các công trình phục vụ thiết thực các nhu cầu sử dụng của con
người một cách tiện ích; nghệ thuật trang trí gắn liền với không gian kiến trúc
và chức năng sử dụng của mỗi thành phần kiến trúc; kiến trúc và trang trí nhiều
thành phần, được thực hiện bởi nhiều thủ pháp, kỹ thuật, kỹ xảo khác nhau,
nhưng gắn kết thành một quần thể có chiều sâu, có sức sống mạnh mẽ.
Đôi Kỳ Lân hay Tê, Nghê trước đình Thạch Lỗi
Những yếu tố, tính chất trên gắn bó, nâng đỡ nhau để công
trình kiến trúc, điêu khắc, trang trí đình làng Thạch Lỗi trở thành một công
trình thiết thực, hữu ích cho đời sống cộng đồng cư dân Thạch Lỗi và cả nước.