Đình Thần Quy thuộc thôn Thần Quy, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Đình có từ cuối thế kỷ XIX. Thờ 8 thành hoàng: Đông Hải đại vương Đoàn Thượng cùng 4 thủ túc, Trung Thành Phổ Tế đại vương, Huyền Trân công chúa và phò mã Trần Khắc Chung.
Minh Tân là một xã thuộc huyện Phú Xuyên, nằm sát bờ sông
Châu Giang, ba phía giáp xã Đọi Sơn, huyện Châu Giang, tỉnh Hà Nam. Đây là mảnh
đất phía Nam cuối cùng của huyện Phú Xuyên nên dân cư nằm rải dọc theo triền
sông tới tận cống Đọi Điệp, huyện Duy Tiên. Đi tới Cầu Đọi Điệp mà đi thẳng qua
cầu sẽ tới làng Thần Quy.
Làng Thần Quy thuộc xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên có một ngôi
đình cổ toạ lạc trên rọi đất cao có đường làng như thân rồng bao bọc ba phía, cửa
đình ngoảnh hướng đông nam, phía trước có ao hồ, nhìn xa xa là đê sông Hồng và
công trình thuỷ điện kè Quang Lãng.
Ngôi đình gồm các hạng mục: Cổng, Đại bái và Hậu cung. Toà Đại
bái và Hậu cung được khởi dựng vào triều Nguyễn, đời vua Thành Thái.
Tòa Đại bái gồm 5 gian 2 chái kiểu tường hồi bít đốc, hai
mái chảy lợp ngói ri mỏng. Trên thân các con rường của bộ vì thượng chạm nổi
các hoa văn vân xoắn, lá thiêng... Hậu cung là 3 gian nhà dọc nối với gian giữa
toà Đại bái thành hình chữ đinh. Toà này được xây bưng kín 3 phía tạo thành
không gian thiêng để bài trí các bộ long ngai bài vị, nơi ngự của các vị thần
được dân làng Thần Quy tôn thờ.
Đình thờ Đông Hải đại vương Đoàn Thượng, những người con của
làng Thần Quy là thủ túc đi theo Đoàn Thượng như Nguyễn Đình Túc, Phạm Văn
Minh, Lê Văn Tập và Trần Đức Phong. Ngoài ra đình còn thờ Trung Thành Phổ tế đại
vương, Huyền Trân công chúa và phò mã Khắc Chung.
Thần Đông Hải đại vương Đoàn Thượng là người sống ở giai đoạn
cuối của triều Lý (Lý Chiêu Hoàng), sau này ngài có công giúp nhà Trần trung
hưng đất nước. Nhiều nơi, nhiều di tích trong huyện Phú Xuyên và huyện Ứng Hoà
tôn thờ ngài làm vị thần bảo trợ cho đời sống tâm linh của mình.
Vị thần Trung Thành Phổ tế đại vương là một trong năm anh em
trai của ông Đào Công Bột, giữ chức Đô trưởng Hoan Châu, kiêm Đô trưởng quận Hải
Dương. Thời đó, thần theo Tản Viên Sơn Thánh giúp vua Hùng Duệ Vương đánh giặc
ngoại xâm giữ gìn bờ cõi nước Văn Lang.
Vị thứ ba là công chúa Huyền Trân và phò mã Khắc Chung. Chuyện
kể rằng: Thời vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế
Mân để giữ êm cho mối hữu hảo giữa hai nước. Nhưng sau đó Khắc Chung là người
văn võ song toàn mưu cao, chí lớn đã cứu được công chúa Huyền Trân từ Chiêm
Thành về Đại Việt.
Như vậy đình Thần Quy thờ nhiều lớp thần ở các thời từ thời
Hùng Vương, thời Lý, thời Trần và nhiều người con của dân làng (trong thần phả
còn ghi rõ họ tên của họ) đã tham gia đánh giặc bảo vệ đất nước. Sự tôn vinh
các ngài là truyền thống tốt đẹp thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người
dân, lấy đó làm tấm gương cho các thể hệ sau soi vào để rèn luyện bản thân, trở
thành người có ích cho đất nước.
Đình Thần Quy đã được
Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1997./.
Nguồn: Người Hà Nội