Đình Thần Quy có từ cuối thế kỷ XIX. Thờ 8 thành hoàng: Đông Hải đại vương Đoàn Thượng cùng 4 thủ túc, Trung Thành Phổ Tế đại vương, Huyền Trân công chúa và phò mã Trần Khắc Chung.
Minh Tân là một xã nông nghiệp thuộc huyện Phú Xuyên của
tỉnh Hà Tây cũ, từ ngày 1-8-2008 sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Xã có diện
tích 8,23 km², dân số năm 1999 là 11.679 người, mật độ dân số đạt 1.419 người/km².
Xã nằm ở phía nam trung tâm thủ đô, cách trung tâm Bờ
Hồ hơn 44 km. Phía đông bắc giáp xã Quang Lãng, phía tây bắc giáp xã Bạch
Hạ, đều thuộc huyện Phú Xuyên. Phía tây nam giáp 2 xã Bạch Thượng và Yên
Bắc, đều thuộc tỉnh Hà Nam. Phía đông nam giáp phường Châu Giang, thuộc
TP Hưng Yên.
Về đường thuỷ, ngoài sông Hồng cách 1 km ở phía đông bắc, xã
Minh Tân còn có dòng Châu Giang chảy dọc theo địa giới ở phía tây nam. Đường bộ
thì có con đường tỉnh lộ DT428 với nhiều tuyến xe bus chạy qua ở phía tây, cho
nên giao thông rất thuận tiện. Xã bao gồm 8 thôn: Bài Xuyên, Đồng Lạc, Thành Lập
1, Thành Lập 2, Tân Tiến, Mai Trang, Kim Quy và Thần Quy.
Ao đình Thần Quy. Photo ©NCCong 2021
Lược sử
Thôn Thần Quy nằm ở phía tây nam xã Minh Tân, thuộc huyện
Phú Xuyên, TP Hà Nội. Từ trung tâm thủ đô, du khách đi về phía nam đến BX Giáp
Bát rồi lên một trong các xe bus tuyến 108 chạy theo quốc lộ QL1A rồi rẽ sang
trái vào tỉnh lộ DT428. Khi gần đến Cổng Đội Sản Xuất Số 9 Thôn Thần Quy thì xuống
xe đi về phía đông bắc hơn 1 km sẽ tới đình Thần Quy.
Đình làng có từ cuối thế kỷ XIX, đời vua Thành Thái
nhà Nguyễn. Trong hậu cung thờ bài vị của 8 vị thành hoàng làng: Trung
Thành Phổ Tế đại vương, Đông Hải đại vương Đoàn Thượng và 4 thủ túc người
thôn Thần Quy (gồm: Nguyễn Đình Túc, Phạm Văn Minh, Trần Đức Phong, Lê
Văn Tập), Huyền Trân công chúa và phò mã Trần Khắc Chung.
Đình Thần Quy. Photo ©NCCong 2021
Theo thần phả, Trung Thành Phổ Tế đại vương là một
trong 5 anh em trai của ông Đào Công Bột, từng làm Đô trưởng Hoan Châu
và Hải Dương. Sau đó ngài đã theo Tản Viên sơn thánh đánh giặc, lập
nhiều công trạng cuối đời vua Hùng thứ 18.
Còn Đông Hải đại vương Đoàn Thượng là một nhân vật lịch sử
vào thời nhà Lý đang chuyển dần sang tay nhà Trần. Ngài được thờ ở nhiều thôn
trong hai huyện Phú Xuyên và Ứng Hoà.
Từ năm 2012, đình phải tạm đóng cửa vì bị xuống
cấp nặng nề.
Kiến trúc và di sản
Đình Thần Quy có hai cây đa trước cổng, tuổi đời cũng trên
trăm năm. Cây đa sân đình Kim Quy tạo không gian cổ kính trầm mặc soi bóng ao
đình khá khác so với những công trình vàng son bê tông gạch ngói hiện nay.
Khuôn viên đình khá lớn với hơn 9.000m2, mặt nhìn qua
sân và nghi môn ra một hồ nước nhỏ ở phía đông nam. Sau đợt trùng tu
cuối thế kỷ XX, hai cửa phụ bên cạnh nghi môn được đắp câu đối chữ
Quốc ngữ, còn trên 4 trụ biểu của cửa chính vẫn đắp câu đối chữ
Hán.
Toà tiền tế gồm 5 gian, 2 chái, xây kiểu tường hồi
bít đốc. Tất cả các mái đều lợp ngói ri mỏng, các đầu đao uốn cong
hình rồng, trên bờ nóc có đắp tượng lưỡng long triều nguyệt và
những con linh thú khác. Dưới mái là các bộ vì kèo, mỗi bộ dựa
trên 4 cột. Trên thân bộ vì thượng có chạm nổi các hoa văn vân xoắn,
lá thiêng. Toả hậu cung gồm 3 gian dọc nối vào gian giữa của toà
tiền tế, làm thành hình “chữ Đinh”.
Sân đình Thần Quy. Photo ©NCCong 2021
Lễ hội đình làng được tổ chức hằng năm vào ngày
8 tháng Tám âm lịch, ngoài ra còn có lễ giỗ Thánh vào ngày 10 tháng Một âm lịch.
Năm 1997, đình thôn Thần Quy đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là Di tích
kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Năm 2012, cơn bão số 7 làm sập mái ở gian giữa đình, UBND xã Minh Tân đã hỗ trợ kinh phí cho lợp mái tôn chống dột. Năm 2014, tình hình càng nghiêm trọng, UBND xã phải làm tờ trình, báo cáo Sở Văn hóa - Thể thao và UBND thành phố Hà Nội về sự xuống cấp của đình.