Đình Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội thờ phụng Minh Ứng thuận Phúc đại vương, danh tướng đã phò giúp vua Đinh Tiên Hoàng bình định 12 sứ quân, lập lên nhà nước Đại Cồ Việt.
Đình Thanh Ấm, thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hoà. Trước
đây gọi là trang Hoa Âm, xã Hoa Đình, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên. Sau Cách mạng
tháng Tám năm 1945 gọi là xã Tân Phương.
Ngôi đình ở đầu làng, ngay sát đường 22, bao quanh là dân cư
quần tụ đông đúc.
Theo cuốn “Ngọc phả đại vương từ điển” còn lưu giữ tại đình,
thì Thành hoàng làng là Minh Phúc, một vị tướng tài ba giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp
loạn 12 sứ quân để thống nhất đất nước vào thế kỷ X. Ngài vốn là người phủ Trường
An, châu Ái, có tài văn võ lại có lòng yêu nước nồng nàn.
Khi thấy Đinh Bộ Lĩnh dấy binh dẹp loạn, ngài nhận thấy ông
là người tài giỏi, nhân từ nên theo giúp. Đinh Bộ Lĩnh đã trọng dụng và phong
ông là Tiền bộ tướng quân, thống lĩnh hàng vạn quân tiến đánh các vùng Phong
Châu, Đỗ Động... Tại trận Đỗ Động, huyện Thanh Oai ngày nay, quân do ông thống
lĩnh thắng một trận lớn khiến các sứ quân khác theo phục Đinh Bộ Lĩnh.
Sau thắng lợi này, Đinh Bộ Lĩnh xưng đế, dựng đô ở Hoa Lư và
phong thưởng cho Minh Phúc là Minh Ứng thuận Phúc đại vương, ông được hưởng thực
ấp tại trang Hoa Âm. Tại đây, ông dạy dân việc nông tang canh cửi và chăm lo
nhân nghĩa. Khi ông hoá, nhân dân dựng miếu phụng thờ làm phúc thần.
Đình vốn ven cửa bến Phương Đình, nơi đón khách hành hương
đi đò vào chùa Hương trảy hội. Đến thời Nguyễn, do vị trí không còn thuận lợi,
nhân dân đã dịch chuyển ngôi đình về vị trí như hiện nay.
Do vậy, các cấu kiện kiến trúc chỉ còn ít là của thời Lê.
Đình có kiến trúc kiểu chữ “nhất” gồm 5 gian, tường xây hồi bít đốc với hai mái
chảy lợp ngói ri. Trên thượng lương còn ghi năm dịch chuyển và tôn tạo vào triều
vua Bảo Đại thứ nhất (1925).
Dấu tích thời Lê đã kết hợp hài hoà với thời Nguyễn. Song, nếu
nhìn kỹ vẫn thấy rõ hai lớp chạm khắc nghệ thuật, trên những cột cái có đấu kê
vuông trên đỉnh, trên những con rường, đầu dư chạm khắc đầu rồng tinh tế với những
đao mác bay thẳng ra phía sau có niên đại thời Lê. Chạm khắc thời Nguyễn chiếm
phần chủ đạo, đó là các con rường, cốn và cả hệ thống vì kèo.
Đình Thanh Ấm còn là nơi diễn ra Đại hội đại biểu Hồng Thập
tự Việt Nam (nay là Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) lần thứ nhất ngày 23-11-1946.
Tháng 11 năm 1995, Đình Thanh Ấm được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.
Trải qua thời gian mưa nắng, sự ảnh hưởng của các cuộc chiến
tranh xâm lược nên ngôi Đình Thanh Ấm đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Được sự
quan tâm của Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn Vân
Đình; các đồng chí lãnh đạo huyện ủy HĐND, UBND các phòng ban huyện Ứng Hòa; Đặc
biệt là sự quan tâm, hướng dẫn tận tình của của các đồng chí lãnh đạo Hội Chữ
thập đỏ Việt Nam, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Dự án Tu bổ tôn tạo Đình
Thanh Ấm, Nhà Truyền thống Hội Chữ thập đỏ với tổng kinh phí trị giá khoảng 30
tỷ đồng.
Đình Thanh Ấm trước khi trùng tu tôn tạo
Đình Thanh Ấm sau khi trùng tu tôn tạo
Lế cắt băng khánh thành đình làng Thanh Ẩm
Ngày 19/1/2021, tại Đình Làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình,
huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội đã diễn ra Đại lễ khánh thành Đình làng Thanh Ấm, Nhà
truyền thống Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, niềm vinh dự
và tự hào không chỉ của cán bộ và nhân dân thôn Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình nói
riêng mà còn là niềm vui của toàn thể cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ các cấp
trong cả nước.
Nguồn: Người Hà Nội