Đình Thanh Ấm, thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hoà thành phố Hà Nội, thờ phụng thành hoàng làng là Minh Phúc Đại vương, danh tướng đã phò giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân.
Đình Thanh Ấm, thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hoà. Trước
đây gọi là trang Hoa Âm, xã Hoa Đình, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên. Sau Cách mạng
tháng Tám năm 1945 gọi là xã Tân Phương.
Ngôi đình ở đầu làng, ngay sát đường 22, bao quanh là dân cư
quần tụ đông đúc.
Theo cuốn “Ngọc phả đại vương từ điển” còn lưu giữ tại đình,
thì Thành hoàng làng là Minh Phúc, một vị tướng tài ba giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp
loạn 12 sứ quân để thống nhất đất nước vào thế kỷ X. Ngài vốn là người phủ Trường
An, châu Ái, có tài văn võ lại có lòng yêu nước nồng nàn. Khi thấy Đinh Bộ Lĩnh
dấy binh dẹp loạn, ngài nhận thấy ông là người tài giỏi, nhân từ nên theo giúp.
Đinh Bộ Lĩnh đã trọng dụng và phong ông là Tiền bộ tướng
quân, thống lĩnh hàng vạn quân tiến đánh các vùng Phong Châu, Đỗ Động... Tại trận
Đỗ Động, huyện Thanh Oai ngày nay, quân do ông thống lĩnh thắng một trận lớn
khiến các sứ quân khác theo phục Đinh Bộ Lĩnh.
Sau thắng lợi này, Đinh Bộ Lĩnh xưng đế, dựng đô ở Hoa Lư và
phong thưởng cho Minh Phúc là Minh Ứng thuận Phúc đại vương, ông được hưởng thực
ấp tại trang Hoa Âm. Tại đây, ông dạy dân việc nông tang canh cửi và chăm lo
nhân nghĩa. Khi ông hoá, nhân dân dựng miếu phụng thờ làm phúc thần.
Đình vốn ven cửa bến Phương Đình, nơi đón khách hành hương
đi đò vào chùa Hương trảy hội. Đến thời Nguyễn, do vị trí không còn thuận lợi,
nhân dân đã dịch chuyển ngôi đình về vị trí như hiện nay. Do vậy, các cấu kiện
kiến trúc chỉ còn ít là của thời Lê. Đình có kiến trúc kiểu chữ “nhất” gồm 5
gian, tường xây hồi bít đốc với hai mái chảy lợp ngói ri.
Trên thượng lương còn ghi năm dịch chuyển và tôn tạo vào triều
vua Bảo Đại thứ nhất (1925). Dấu tích thời Lê đã kết hợp hài hoà với thời Nguyễn.
Song, nếu nhìn kỹ vẫn thấy rõ hai lớp chạm khắc nghệ thuật, trên những cột cái
có đấu kê vuông trên đỉnh, trên những con rường, đầu dư chạm khắc đầu rồng tinh
tế với những đao mác bay thẳng ra phía sau có niên đại thời Lê. Chạm khắc thời
Nguyễn chiếm phần chủ đạo, đó là các con rường, cốn và cả hệ thống vì kèo.
Đền chùa Thanh Ấm, thờ phụng tứ vị Vua Bà và Quan lớn Đệ Tam
Đình Thanh ấm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp
hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.