Cụm di tích Đình – Đền – Chùa Thanh Lãm tọa lạc tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Đình Thanh Lãm tọa lạc cạnh Chùa Thanh Lãm (Lịch Sùng tự), thờ phụng tam vị tướng Phùng Thị Chính, Đinh Lượng, Đinh Cống. Đền Thanh Lãm còn gọi là Miếu Linh Tiên.
Cụm di tích Đình Đền Chùa
Ngày nay trên bản đồ địa lý, phường Phú Lãm trông như
một hình tam giác ở phía tây-nam quận Hà Đông, nằm giữa hai con đường quốc
lộ QL6A và QL21B. Đỉnh phía bắc của Phú Lãm nằm gần ngã ba Ba La - Bông
Đỏ, cạnh phía tây giáp với phường Yên Nghĩa, cạnh phía đông giáp phường Phú
Lương, cạnh phía nam giáp phường Đồng Mai và huyện Thanh Oai.
Phường Phú Lãm được thành lập ngày 10/7/2009 theo Nghị
quyết 19/2009/NQ-CP ngày 08/5/2009 của Chính phủ. Phường có diện tích đất tự
nhiên hơn 266ha, dân số năm 2009 là 15.210 người và sinh hoạt trong 9 tổ dân
phố. Trước đây, Phú Lãm là một xã thuộc huyện Thanh Oai, các di tích lịch sử
- văn hoá chủ yếu tập trung trên địa bàn mấy ngôi làng cũ như Huyền Kỳ,
Quang Lãm và Thanh Lãm.
Lược sử
Theo truyền thuyết, Phùng Thị Chinh là cháu họ của Hai Bà
Trưng, lấy Đinh Lượng là gia thần của Lạc hầu Thi Sách, quê ở huyện Chu Diên.
Bà tham gia hội thề Hát Môn rồi giả làm người ăn xin vào thành Luy Lâu
dò xét tình hình, giúp nghĩa quân đánh đuổi toàn bộ đội quân Hán của
thái thú Tô Định.
Sau khi lên ngôi vua, Trưng Trắc phong cho bà chức Trưởng
thị nội tướng quân, phó thống lĩnh Đội tế tác (tình báo). Đến năm 43, Mã
Viện sang xâm lược, Hai Bà Trưng tuẫn tiết, Phùng Thị Chính kịp lui quân về
Tuấn Xuyên (nay thuộc xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì) tiếp tục chiến đấu đến người
cuối cùng rồi cũng tự sát, không đầu hàng.
Đời sau, dân Thanh Lãm xây miếu Linh Tiên thờ Phùng Thị
Chinh cùng 2 vị tướng khác của Hai Bà Trưng là Đinh Lượng, Đinh Cống.
Các triều đại phong kiến xưa đã phong 3 vị làm thành hoàng làng. Đình
Thanh Lãm toạ lạc cạnh chùa Lịch Sùng Tự và cách đường quốc lộ QL6A
khoảng 400m về phía đông. Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng ngôi đình
[cùng chùa Lịch Sùng Tự và miếu Linh Tiên] là Di tích lịch sử - văn hoá
quốc gia tại Quyết định số 609/QĐ-BVHTT ban hành ngày 29/5/1989.
Kiến trúc và di vật
Đình nằm trong một khuôn viên vuông vắn có diện tích
1137m2. Trải qua vài lần sửa chữa, gần đây lại được tu bổ, tôn tạo và
hoàn thành năm 2020 theo phong cách thời Nguyễn. Mặt đình quay về phía
tây-nam nhìn ra đường Thanh Lãm. Nghi môn với 2 trụ biểu có đắp các câu
đối chữ Hán. Hai bên có các cửa phụ xây 2 tầng với 8 mái lợp ngói
ống giả. Trên 4 bức tường phía trước có phù điêu hình đôi voi mang
bành và cặp rồng bay lượn. Sân trước đình nằm giữa 2 dãy tả hữu mạc 5
gian.
Đại bái 3 gian 2 dĩ và hậu cung kết nối theo hình
"chữ Đinh". Bộ khung đại bái dựa vào 4 hàng chân cột, mỗi hàng có
2 cột cái và 1 cột quân. Phần gỗ đơn giản, đều bào soi đóng bén, chạm kênh
bong. Vì nóc làm kiểu chồng rường con nhị, đầu đỡ, trụ kê chạm trổ xăm hoa
văn, bổ soi quai lá, lá lật. Tại nơi vì nóc giáp với cung cấm có một bức cốn
chạm trổ hình tứ linh rất công phu. Đình còn cỗ long ngai và bức chạm
hình mặt trời từ thời Lê-Mạc cùng 03 cỗ kiệu bát cống từ thế kỷ
XVII.
Đền Thanh Lãm
Đền có kiến trúc theo “chữ Đinh”, gồm 2 hạng mục là tòa đại
bái và hậu cung. Đại bái có kết cấu theo hàng chân cột, các vì kèo kết cấu theo
lối cổ truyền là kiểu chồng giường. Bên trong đại bái có kiến trúc xà, kẻ, bẩy
còn khá bền vững, các hàng cột gỗ lim to khỏe. Về nghệ thuật điêu khắc đơn giản
có hoa văn lá lật,… đầu hồi có tường bao là lối kiến trúc lá mái đắp cao bổ
nóc, nóc rồng chầu mặt trời.
Chùa Thanh Lãm
Chùa kiến trúc theo kiểu “chữ Đinh”, công trình chính gồm 2
hạng mục: Tòa đại đường và hậu cung.
Tòa đại đường có 2 gian kết cấu hình thức chôn gỗ. Kiến trúc
chồng giường đơn giản, chất liệu bằng gỗ lim, con đỡ mái có nét trụ hoa văn thời
Nguyễn. Đặc biệt trong Chùa có 2 bức cốn trước lối vào hậu cung miêu tả hình ảnh
tứ linh: Long, ly, quy, phượng, có tô màu điểm trân bức trạm nét trạm tinh tế
các tạo hình của thời Nguyễn.
Ngoài ra, có hạng mục nhà Tổ với kiến trúc “chữ Đinh” bền chắc,
bào trơn đóng bén và 6 tấm bia đá bên tả tòa đại đường.
Đặc biệt ở Chùa Thanh Lãm còn lưu giữ được quả chuông Tây
Sơn sau mùa thu Kỷ Dậu 1789, nhân dân Thanh Lãm bỏ công sức đúc chuông để nhớ về
một triều đại vẻ vang trên mảnh đất đạo quân thứ năm của Quang Trung nghỉ lại
trên đường tiến ra giải phóng Thăng
Long.
Ngày 29/05/1989, cụm di tích Đình – Đền – Chùa Thanh Lãm được
xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.