Đình Thanh Quang, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội thờ phụng thành hoàng làng Ngũ vị Đức Đại vương Đông thắng thần châu, Tây ngưu hạ châu, Nam thiên bộ châu, Bắc ca lâu châu và Trung cung châu.
Theo truyền thuyết dân gian và các tư liệu Hán văn hiện còn
lưu giữ tại di tích thì Thành hoàng làng Thanh Quang có duệ hiệu là Ngũ vị đức
đại vương. Theo Dịch học, Ngũ vị tương ứng với ngũ phương; Ngũ vị là sự linh ứng
của năm vị thần trấn giữ ngũ phương: Đông thắng thần châu, Tây ngưu hạ châu,
Nam thiên bộ châu, Bắc ca lâu châu và Trung cung châu.
Đình kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm các hạng mục công
trình Nghi môn, Đại bái, Hậu cung.
Nghi môn đình Thanh Quang được tiền nhân thiết kế theo kiểu
truyền thống gồm chính môn, tả, hữu môn. Chính môn kết cấu hai cột trụ biểu lớn.
Trên đỉnh cột trụ đắp tứ phượng cách điệu hoa dành, bên dưới là tứ long cùng
quay về bốn hướng, tiếp đến bốn ô lồng đèn vuông trang trí tứ linh. Thân trụ
soi gờ kẻ chỉ, đắp nổi các câu đối chữ Hán. Cổng pháo xây mô phỏng kiểu thức chồng
diêm, 2 tầng 8 mái. Bao quanh di tích xây tường hoa khép kín.
Đại bái đình Thanh Quang được tiền nhân thiết kế khá đồ sộ,
bảo tồn được khá nhiều yếu tố gốc. Nét cổ kính được thể hiện ngay từ bộ mái đình.
Bộ mái đình xoè rộng với bốn mái đao cong thanh thoát, nhẹ nhàng. Hai đầu bờ
nóc đắp hai con kìm Makara bằng vôi vữa tạo nên sự uyển chuyển cho bộ mái; diềm
mái còn được trang trí các dải hoa văn hoa lá nối tiếp nhau.
Bên dưới bộ mái là hệ thống cửa bức bàn. So với hai gian bên
thì kích thước cửa gian giữa rộng, cao hơn nhưng ngưỡng cửa thì lại thấp hơn,
hai gian bên ngưỡng cửa khá cao phải xây các bậc đi lên. Từ thực tế đó, chúng
ta có thể đoán định rằng thuở trước đình có kết cấu sàn đình ở hai gian bên.
Tòa Đại bái, tương ứng với ba gian hai chái là các bộ vì đỡ
mái kết cấu trên bốn hàng chân cột có đường kính lớn được kê trên chân đá tảng,
hoa văn cánh sen mang phong cách thời Lê. Trên các thân cột đều còn lỗ mộng
mang dấu tích của đình sàn xưa.
Kiểu thức kết cấu các bộ vì ở toà Đại bái cũng mang phong
cách khác nhau. Bộ vì phía trái gian giữa kết cấu theo kiểu “thượng vì chữ
đinh, nách chồng rường cốn, bẩy hiển”. Bộ vì phía phải gian giữa kết cấu theo
kiểu thức “vì chữ đinh kẻ suốt”. Bộ vì phía trái gian bên kết cấu theo kiểu
“thượng giá chiêng chồng rường, nách chồng rường, hạ bẩy”. Bộ vì bên phải kết cấu
kiểu thức “thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ”. Bộ vì gian trái kết cấu theo
kiểu thức “vì kèo trụ nọc, cốn chồng rường, kẻ”.
Đề tài trang trí trên đình làng Thanh Quang chủ yếu xoay
quanh hình tượng rồng. Hai đầu dư bộ vì gian giữa, gian bên được nghệ nhân chạm
đầu rồng: Miệng rồng ngậm ngọc, mắt lồi, tai thú, các đạo mác bay thẳng ra phía
sau trông rất oai nghiêm. Trên các bức cốn chồng rường được chạm hình tượng rồng
với kỹ thuật chạm lộng, bong kênh.
Hậu cung kết cấu dạng gác lửng có cửa bức bàn đóng kín ngăn
cách với không gian bên ngoài. Trong Hậu cung bài trí các di vật quý như 1 bộ
long ngai, 3 đôi câu đối, 2 hoành phi, 9 đạo sắc phong.
Đình đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử -
văn hoá năm 2008./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02
Nguồn: Người Hà Nội