Đình Thét, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì thờ thần núi và các Vua Hùng Đó là thần Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn, Viễn Sơn - là 3 vị thần ngự tại 3 ngọn núi thiêng thuộc “Tam sơn cấm địa” là núi Nghĩa Lĩnh, núi Trọc, núi Vặn. Sau này trên Nghĩa Lĩnh (núi Cả) dựng đền thờ các vua Hùng.
Đình Thét được xây dựng tại làng Thét (khu hành chính số 8)
xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Cách Khu di tích đền Hùng khoảng
5km, Kim Đức là xã ngoại thành của thành phố Việt Trì và là một trong những xã
vùng ven của Khu di tích Lịch sử Đền Hùng, nên lịch sử hình thành và thờ tự của
di tích gắn liền với thời đại của các Vua Hùng và Kinh đô Văn Lang xưa.
Căn cứ cuốn ngọc phả dầy 10 trang, kích thước 12 x21cm được
viết bằng chữ Hán trên nền giấy dó, có niên đại Khải Định năm thứ nhất - 1916;
07 đạo sắc phong hiện còn lưu giữ được tại
di tích, đồng thời khảo sát phong tục thờ tự ở địa phương và các vùng lân cận,
có thể khẳng định đình Thét thờ thần núi và các Vua Hùng.
Đó là thần Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn, Viễn Sơn - là 3 vị thần
ngự tại 3 ngọn núi thiêng thuộc “Tam sơn
cấm địa” là núi Nghĩa Lĩnh, núi Trọc, núi Vặn. Sau này trên Nghĩa Lĩnh (núi Cả)
dựng đền thờ các vua Hùng.
Đây là sự dung hợp giữa tín ngưỡng thờ thần núi và tín ngưỡng
thờ tổ tiên - thờ tự các vua Hùng, nên ở những nơi thờ Hùng Vương trên bài vị
thường ghi tên của các vị thần núi. Ở Phú Thọ, có rất nhiều nơi trong vùng người
Kinh thờ các vị thần trên. Di tích đình Thét cũng nằm trong hệ thống đó.
Căn cứ vào 07 sắc phong hiện còn giữ tại đình, trong đó sắc
sớm nhất có niên đại Thiệu Trị nguyên niên - 1846 thì có thể khẳng định di tích
được dựng vào đầu thế kỷ XIX.
Nhưng qua nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của
Hát Xoan, di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại thì đình Thét được
ra đời trước đó. Tuy nhiên, ngôi đình đã bị hư hỏng trong những năm kháng chiến
chống thực dân Pháp. Ngôi đình mà chúng ta nhìn thấy ngày nay được phục hồi năm
2003 trên vị trí nền móng cũ.
Hiện nay, đình Thét tọa lạc trên khuôn viên thoáng đẹp với tổng
diện tích là 2000m2. Đình quay hướng Bắc. Các phía đều giáp khu dân cư nên thuận
lợi cho việc hành lễ của người dân. Nhìn tổng thể, đình Thét có có mặt bằng kiến
trúc kiểu chữ đinh ( ), gồm 2 tòa: Đại
bái và hậu cung. Bộ khung làm bằng bê tông cốt thép, sơn giả gỗ; chân tảng bằng
bê tông cốt thép, sơn giả đá. Mái lợp 2 lớp ngói: Ngói lót và ngói mũi.
Tòa đại bái 3 gian 2 chái, gian giữa rộng 3,6m, các gian còn
lại rộng 2,7m, có 4 hàng chân cột, các cột đều nhau, có đường kính 0,39m. Bộ vì
làm theo kiểu thượng giá chiêng hạ bảy.
Dọc bờ nóc đắp Lưỡng long chầu nhật, thể hiện mong ước của người dân về cuộc sống
mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Bốn góc mái tạo đao cong.
Tòa hậu cung 3 gian 1 chái. Gian trong cùng tạo thượng cung
khám thờ, cách mặt nền 2,7m. Toàn bộ thượng cung được bưng ván, tạo cầu thang
lên xuống dễ dàng. Trong khám thờ được bài trí: Ngai thờ, lư hương, mâm bồng,
đài nước, ống hương, ống hoa...
Đình Thét còn lưu giữ được hệ thống di vật cổ vật phong phú:
sắc phong, ngọc phả, long ngai, bài vị, áo vua, lư hương,hòm sắc, kiệu bát cống,
mâm ấu, mâm bồng…
Tuy mới được phục hồi nhưng đình Thét được tạo dựng theo kiểu
dáng kiến trúc truyền thống, cơ bản đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ của ngôi đình làng
và là không gian văn hóa để thực hành tín ngưỡng và bảo tồn các giá trị di sản
văn hóa phi vật thể của địa phương, đặc biệt là di sản Hát Xoan.
Lễ hội chính của đình Thét được tổ chức vào ngày 3 Tết
Nguyên Đán hàng năm. Sáng mùng 3 tổ chức rước kiệu từ đình ra miếu Lãi Lèn (di
tích có liên quan trực tiếp đến hát Xoan), sau đó lại rước trả về đình.
Lễ vật có bánh chưng, bánh giầy và hoa quả. Đặc biệt vào tối
ngày mùng 3 Tết có tổ chức hát Xoan tại cửa đình. Trong ngày hội đình Thét còn
tổ chức các trò chơi dân gian như cờ tướng, kéo co, múa lân sư, làm bánh chưng,
bánh giầy…
Đình Thét là công trình kiến trúc tín ngưỡng gắn với di sản
văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ. Cùng
với 2 làng Kim Đới, Phù Đức thì làng Thét là một trong 3 phường Xoan trên địa
bàn xã Kim Đức. Theo truyền thuyết, hát Xoan có từ thời Hùng Vương dựng nước.
Truyền thuyết kể rằng: Hoàng hậu vợ vua Hùng mang thai, đến
kỳ sinh nở đau bụng mãi mà không đẻ được. Có người hầu gái tâu với vua về nàng
Quế Hoa xinh đẹp, múa giỏi hát hay, nếu đón nàng về thì có thể đỡ đau mà sinh nở
được. Vua nghe lời, cho mời Quế Hoa đến, giọng hát hay như chim hót và đôi tay
múa dẻo của nàng đã giúp cho Hoàng hậu quên đau mà sinh được hoàng tử, mẹ tròn
con vuông.
Nhà vua mừng rỡ hết lời ngợi khen và truyền cho các con gái
của mình phải theo học điệu hát múa ấy. Đó chính là điệu hát Xoan bây giờ, vì
hát vào mùa Xuân nên gọi là hát Xuân, nhưng do trùng tên với tên gọi trong
hoàng tộc nên đọc chệch thành hát Xoan.
Về sau trong tiệc đình hàng năm, dân làng Kim Đức đều tổ chức
hát Xoan để dâng Vua Hùng và cầu cho nhân khang vật thịnh, cuộc sống no đủ.
Trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau,
dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca. Các tiết mục múa hát thường theo thứ
tự nhất định.Một cuộc trình diễn hát Xoan đầy đủ gồm có 3 phần: Hát nghi lễ,
hát quả cách và hát hội. Mở đầu là phần hát nghi lễ với 4 tiết mục theo thứ tự
giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám.
Đây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi. Phần
này có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụngvà được trình diễn
trước bàn thờ. Tiếp theo là phần hát cách (còn gọi là quả cách). Mỗi quả cách
thường có 3 phần: Giáo cách, đưa cách, kết cách. Diễn xướng chủ yếu là lối hát
nói và ngâm đọc.
Trong phần này, ông Trùm hoặc một kép chính giở sách ngân
nga 14 bài thơ nôm dài với giọng phụ họa của các cô đào đứng ở phía sau. Mười bốn
quả cách trong hát Xoan là những áng thơ khuyết danh với các đề tài khác nhau
như: Mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, kể
các tích chuyện xưa.
Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất dân gian với
nội dung đậm nét trữ tình, mang dáng dấp của các bài dân ca, ví giao duyên, hát
trống quân. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội
hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh như: Hát gái, bỏ bộ, xin huê,
đố huê, đố chữ, gài huê, hát đúm, đánh cá... Sức sống của hát Xoan chính là ở sự
kết hợp của loại hình hát lễ nghi với hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được
nhiều thế hệ yêu thích.
Hát Xoan có tổ chức hết sức chặt chẽ. Những người đi hát
Xoan thường sống cùng chòm xóm và tổ chức thành phường. Người đứng đầu một phường
Xoan (hay họ Xoan) gọi là ông trùm.
Ông trùm là một người có kinh nghiệm về nghề nghiệp xã giao
và viết chữ để hát dẫn một số bài dài được chép bằng văn tự. Các thành viên thì
gọi trai là kép, gái là đào. Mỗi phường Xoan có khoảng 15 đến 18 người. Nam mặc
áo the, khăn xếp, quần trắng; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm
điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích.
Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ phong tục, đáp ứng nhu
cầu về thờ lễ và vui chơi trong cộng đồng dân cư Phú Thọ. Hát Xoan còn có tên gọi
khác là “Khúc môn đình” (Hát cửa đình) gắn với lễ hội thờ thành hoàng làng.
Làng vào đám với mục đích “mở tiệc thờ thần”, với mong ước “Đại vương phù hộ
ninh dân đời đời”. Hát Xoan là lễ ca nhằm dâng lên thần linh những lời thành
kính, đón rước thần linh về hưởng tế và phù hộ cho dân làng. Vì thế, Xoan là tiếng
hát cầu chúc, khấn nguyện.
Hát Xoan thực sự là một lễ hội mang đậm bản sắc của văn hoá
dân gian vùng đất Tổ, không những góp phần làm phong phú bức tranh lễ hội dân
gian ở Phú Thọ mà còn biểu hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn “Ăn quả
nhớ kẻ trồng cây” của các thế hệ người dân nơi đây.
Năm 2009, đình Thét xã Kim Đức, thành phố Việt Trì được UBND
tỉnh Phú Thọ xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (tại quyết định 4704/QĐ-UBND,
ngày 29/12/2009).
Đình Thét, nơi phường Xoan Thét hát Xoan vào ngày mùng 3 Tết
hàng năm. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Hiện tại, đình Thét đã được tu bổ, tôn tạo các hạng mục như
đình, nhà soạn lễ, lầu hóa sớ, sân vườn, ao…nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát
huy giá trị di tích đình Thét, không gian văn hóa gắn với di sản văn hóa phi vật
thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ, đồng thời đáp ứng nhu
cầu sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo phù hợp hài hòa với tổng thể công trình,
tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho di tích, góp phần phục vụ cho phát triển du lịch
của thành phố Việt Trì - Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam./.
Phan Thị Huyền