Đình là nơi thờ thành hoàng làng Đống Bính Đại vương, có công phù trợ Triệu Việt Vương đánh đuổi giặc ngoại xâm diệt trừ thú dữ, ác quỷ. Sau khi ông mất, vua Triệu Quang Phục sắc phong là Đống Bính đoan đại vương, lại bài sắc chỉ cho 21 xã phụng thờ trong đó có làng Thị Chung.
Đình Thị Chung, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh hiện tọa lạc tại thửa đất có diện tích 987,9m2. Mặt trước của đình giáp ranh và
quay ra trục đường Hồ Ngọc Lân, đối diện với Nhà văn hóa khu Thị Chung. Phía Bắc
giáp chùa Thị Chung, phía Tây và Nam giáp khu dân cư. Đình và chùa nằm cạnh
nhau tạo thành một quần thể di tích quy mô, khang trang tố hảo.
Căn cứ vào kết quả khảo sát tại địa phương thì đình Thị
Chung vốn được khởi dựng vào thời Lê khoảng TK XVIII. Về vị trí ngôi đình, kể từ
buổi ban đầu đến nay đã qua một số lần thay đổi. Theo các cụ cao tuổi trong
làng cho biết: đầu thời Lê, đình xây dựng trên khu đất sát phía Đông của ngôi
đình hiện nay.
Đến cuối thời Lê, dân làng đã chuyển dịch ngôi đình sang sát
liền chùa và xây dựng thành một ngôi đình lớn. Đình xưa có quy mô to lớn gồm Tiền
Tế 7 gian, Đại Đình 7 gian và 3 gian Hậu cung, hai bên là hai dãy nhà Tả vu và
Hữu vu, bộ khung gỗ lim chắc khoẻ, nghệ thuật trang trí chạm khắc tinh xảo. Ở
giữa là lòng giếng, hai bên đình lắp hệ thống sàn gỗ.
Năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, đình đã
bị phá dỡ hoàn toàn. Năm 1992, nhân dân đã dựng tạm ngôi đình nhỏ 3 gian. Đặc
biệt vào năm 2010, với truyền thống hướng về nguồn cội, nhân dân địa phương đã
góp công, góp của xây dựng lại ngôi đình với dáng vẻ kiến trúc truyền thống tại
vị trí như hiện nay.
Đình làng được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá
- Quyết định số 1160/QĐ-UBND, ngày 20/08/2012.
Hiện đình có kiến trúc hình chữ Đinh, gồm tòa Đại bái và Hậu
cung, dải hiên chạy bốn góc xung quanh đình.
Đại bái 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong mềm mại, bờ nóc đắp
đôi rồng chầu mặt trời và mặt hổ phù, bờ dải đắp con xô, con kìm, mái lợp ngói
mũi hài, cửa mở ở 3 gian giữa kiểu “thượng song hạ bản”, hai gian bên trổ cửa
hình chữ Thọ tròn. Bộ khung làm bằng bê tông, liên kết bởi 6 hàng cột ngang, 4
hàng cột dọc.
Kết cấu vì nóc làm theo kiểu “giá chiêng trụ cột trốn”, vì
nách giá chiêng cột trốn. Ngôi đình được thiết kế theo kiểu truyền thống, trên
các bộ phận kiến trúc như đầu dư, con rường, bẩy hiên… đều được trang trí hình
hoa lá cách điệu. Hậu cung liên kết bởi 3 hàng cột ngang, 2 hàng cột dọc.
Đình là nơi thờ thành hoàng làng là Đống Bính Đại vương, người
đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm vào TK VI và giúp dân diệt trừ thú dữ, ác
quỷ. Sau khi ông mất, Triệu Quang Phục phong cho ông là Đống Bính đoan đại
vương, lại bài sắc chỉ cho 21 xã phụng thờ trong đó có Thị Chung.
6. Chùa Thị Chung (Linh Quang tự):
Chùa Thị Chung vốn được khởi dựng từ lâu đời là trung tâm thờ
Phật của nhân dân địa phương. Căn cứ vào các tài liệu văn bia, văn chuông hiện
lưu giữ tại chùa cho biết, chùa Thị Chung được trùng tu xây dựng với quy mô lớn
vào thời Nguyễn (TK XIX) gồm các công trình như: Tam quan, Gác chuông,
Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, sân chùa…cùng vườn tược cây cối thâm nghiêm.
Trải bao sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh, chùa Thị
Chung đã bị xuống cấp nặng nề. Năm 2010, cùng với đình Thị Chung, ngôi chùa đã
được trùng tu tôn tạo lại với dáng vẻ khang trang trên nền xưa đất cũ.
Chùa Thị Chung được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá
- Quyết định số 1160/QĐ-UBND, ngày 20/08/2012.
Chùa Thị Chung hiện tọa lạc tại thửa đất có diện tích
1.918,7m2, đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt trước của chùa giáp
danh và quay ra trục đường Hồ Ngọc Lân, đối diện với Nhà văn hóa khu Thị Chung.
Phía Nam giáp đình Thị Chung, phía Tây và Bắc giáp khu dân cư. Đình và chùa nằm
cạnh nhau tạo thành một quần thể di tích quy mô, khang trang tố hảo.
Các công trình kiến trúc của chùa bao gồm: Tam quan, Gác
chuông, Tam bảo, nhà tổ, nhà mẫu, nhà bia, vườn tháp cùng một số công trình phụ
trợ khác.
Tam bảo là công trình kiến trúc chính của chùa có kết cấu kiểu
chữ Đinh gồm 5 gian 2 dĩ Tiền đường và hai gian Thượng điện. Tiền đường được
xây theo lối bình đầu bít đốc, mái lợp ngói mũi, giữa bờ nóc đắp nổi tên chùa
“Linh Quang tự”. Bộ khung gỗ lim chắc khoẻ được liên kết bởi 4 hàng cột ngang,
5 hàng cột dọc, vì nóc “giá chiêng chồng rường”, vì nách “kẻ ngồi”. Trên các cấu
kiện kiến trúc như con rường, bẩy hiên, các bộ vì được chạm khắc hình hoa lá
cách điệu. Nối với gian giữa Tiền đường là hai gian Thượng điện liên kết bởi 3
hàng cột ngang, 2 hàng cột dọc, vì nóc “giá chiêng chồng rường”.
Chùa là nơi thờ Phật, thờ Mẫu và các vị tổ sư. Đây là trung
tâm thờ Phật của nhân dân hướng con người đến những điều tốt đẹp, khuyến đến điều
thiện, dời xa cái ác.