Đình Thị Nguyên có từ thế kỷ XVII và đại trùng tu vào thời Nguyễn. Thờ phụng Tam vị danh tướng triều đại Hùng vương có công đánh giặc Thục. Đình được công nhận là di tích quốc gia năm 1988, tọa lạc gần đê Tả Đáy, xã Cao Dương, Huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội.
Cao Dương là một xã nông nghiệp thuộc huyện Thanh Oai, thành
phố Hà Nội. Xã có mã hành chính là 10174, diện tích tự nhiên 4,62 km², dân số
năm 1999 là 8978 người, mật độ dân số đạt 1943 người/km². Địa giới phía tây
giáp sông Đáy, phía đông giáp xã Dân Hòa, phía đông nam giáp xã Hồng Dương,
phía tây nam giáp xã Xuân Dương và phía bắc giáp xã Phương Trung. Giao thông
thuỷ bộ khá thuận tiện vì có sông Đáy, tỉnh lộ ĐT429 và quốc lộ
QL21B đi qua.
Xã Cao Dương hiện nay gồm 5 thôn và 2 cụm dân cư, trong đó
có 3 thôn cổ là Thị Nguyên, Mục Xá và Áng Phao. Lịch sử văn hoá tại đây rất
phong phú với các di tích đền, đình và chùa Phật giáo, ngoài ra còn có các nhà
thờ họ và nhà thờ Thiên chúa giáo.
Đình Thị Nguyên. Photo ©NCCông 2021
Xưa kia làng Thị Nguyên gọi là Tràng Thôn, thuộc tổng Nga
My, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Đình làng nằm ngay dưới
chân đê Tả Đáy. Sân đình giáp với chợ Xép, nay gọi là chợ Cao.
Trong hậu cung thờ ba vị thành hoàng đã có công đánh đuổi
quân nhà Thục, theo thần tích đó là các Lạc hầu, Lạc tướng thời vua Hùng. Các cụ
già địa phương kể rằng ba ngài đã lập đồn binh ở ấp Cao Xá, trấn giữ mặt trận
phía tây nam của nước Văn Lang. Ngôi đình này chính là nơi ba ngài đóng quân và
khao thưởng binh sĩ sau chiến thắng.
Ngày nay trong lễ hội dân làng vẫn rước kiệu ra đền miếu bằng
cờ cuốn, đám rước chạy vòng quanh ba lượt rồi mới hạ kiệu làm lễ bái yết để diễn
lại sự tích luyện quân của ba ngài.
Phương đình Thị Nguyên. Photo ©NCCông 2021
Kiến trúc
Đình Thị Nguyên được xây với quy mô lớn vào thế kỷ XVII
nhưng dáng vẻ hiện nay mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Các hạng mục
kiến trúc được xếp đặt theo kiểu “nội Công ngoại Quốc”; từ ngoài vào trong bao
gồm: nghi môn, tả hữu mạc, nhà bia, phương đình, đại bái, hậu cung, tất cả đều
đẹp tinh tế.
Sau nghi môn tứ trụ là sân gạch rộng rãi, hai bên có tả hữu
mạc 5 gian. Toà phương đình 8 mái, 2 tầng có cổ diềm với chấn song con tiện, bờ
nóc đắp hình linh thú, bên trong ghi niên đại Khải Định thứ 6 (1921) và chạm khắc
các đề tài tứ linh, tứ quý. Toà đại bái 3 gian cộng 2 chái được trùng tu năm Tự
Đức thứ 17 (1864), các bộ vì làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường”, dựa trên 4
hàng chân cột. Trên các đầu dư có chạm hình đầu rồng, các bức cốn chạm trổ tùng
lộc, tứ quý...
Đại bái đình Thị Nguyên. Photo ©NCCông 2021
Hậu cung 4 mái nằm song song với đại bái, các bộ vì làm theo
kiểu “chồng rường cốn mê”. Trang trí tại đây cũng đẹp như ở đại bái, các bức cốn
diễn tích anh hùng tương ngộ, phượng hoàng, sư tử, cá vượt vũ môn với nghệ thuật
chạm khắc hoàn mỹ. Bên trong hậu cung bày long ngai bài vị các thành hoàng,
hoành phi, câu đối, cuốn thư.... Sau lưng là sân hậu và khu phụ.
Đình Thị Nguyên là một trong số ít những ngôi đình còn giữ
được không gian nguyên vẹn và có cổ thụ che mát, không bị nhà dân lấn át. Bên
trong đình bài trí nhiều cổ vật, ngoài đồ tế khí và các bức chạm khắc tinh xảo
thì đáng chú ý nhất là tấm bia đá mang niên hiệu Vĩnh Tộ được dựng vào năm Kỷ
Mùi (1619).
Hậu cung đình Thị Nguyên. Photo ©NCCông 2021
Chạm khắc gỗ Đình Thị Nguyệt
Năm 1988, ngôi đình này đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp
hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.