Đình Thọ Chương thuộc thôn Vũ Xá, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, xưa là thôn Hạ thuộc xã Vũ Xá, tổng Ngu Nhuế, huyện Nam Xang, thờ phụng danh tướng Vũ Lang Nữu, cùng Phù Đổng Thiên vương đánh tan giặc Ân.
Theo truyền thuyết và những tư liệu hiện còn được lưu giữ,
đình Thọ Chương thờ Thành hoàng làng Lang Nữu. Tương truyền, Lang Nữu là con
ông Vũ Sùng, mẹ là Lê Thị Ngọc quê ở Châu Ái. Hai ông bà sống nhân từ, chuyên
làm nghề bốc thuốc cứu dân, thường hay giúp đỡ những người khó khăn, đói khát…
nên được nhân dân trong vùng yêu mến, kính trọng.
Một hôm ông bà họ Vũ nằm mơ thấy có Tiên ông báo mộng, từ đó
bà mang thai. Ngày 20 tháng Giêng năm Ất Sửu bà sinh con trai, mặt mũi khôi ngô
tuấn tú, đặt tên là Lang Nữu. Lang Nữu lớn nhanh, thông minh, học giỏi, nhưng
không may cha ông mắc bệnh qua đời sớm. Cha mất, mẹ mới ngoài ba mươi nên có kẻ
ác trong làng tìm cách cưỡng ép về làm vợ. Không chịu lấy kẻ ác, bà Lê Thị Ngọc
mang theo con trai trốn đến đất Lỵ Nhân, đạo Sơn Nam.
Tại miền đất mới, mẹ con bà Ngọc được quan huyện Nam Xang họ
Trương thương tình nhận Lang Nữu làm con nuôi, nhận bà Ngọc làm em nuôi. Gia
đình quan huyện yêu quý Lang Nữu, cho học hành như con đẻ. Lang Nữu trưởng
thành, am hiểu binh thư, được mọi người kính trọng, song mẹ lại qua đời khiến
ông buồn vô hạn.
Giữa lúc ấy nước nhà có biến, giặc dã nổi lên khắp vùng đông
bắc, các tướng trấn thủ không tài nào dẹp yên phải cấp báo về triều đình. Quan
huyện Nam Xang được điều đi dẹp giặc. Do sống ngay thẳng, thanh liêm, đức độ,
quan huyện Nam Xang bị bọn gian thần ghen ghét hòng mượn tay giặc trừ khử.
Tuy nhiên, dưới trướng của quan huyện Nam Xang có Lang Nữu –
tinh thông binh pháp, tài giỏi võ nghệ giúp đỡ nên quan huyện đã dẹp yên giặc
dã. Chiến thắng trở về, Trương Công dâng biểu tán dương công trạng Lang Nữu, vì
vậy Lang Nữu được nhà vua khen thưởng, ban cho thực ấp tại Nam Xang.
Lang Nữu về khu Vũ Xá lập hai cung riêng vui ở cùng dân. Ông
dạy dân trồng lúa, trồng dâu... xây dựng cuộc sống no ấm, an bình.
Toàn cảnh Đình Thọ Chương
Sau khi về Vũ Xá lập cung riêng, Lang Nữu được vua Hùng
Vương thứ 6 triệu về triều cho nhậm chức Thị tòng tham tán để tham gia bàn định
việc nước. Ba năm sau, giặc Ân từ phương Bắc đem quân sang xâm chiếm nước ta,
Lang Nữu lại tham gia cùng Phù Đổng Thiên Vương đánh tan quân giặc. Ông được
phong Giám sát Đại tướng quân, cho dân Vũ Xá miễn trừ sưu thuế tạp dịch. Sau Lang
Nữu còn được phong tới chức Công bộ Tả thị lang.
Năm ngoài 70 tuổi ông về nghỉ tại quê cũ và mất ngày 20
tháng 7 năm Bính Ngọ. Khi ông mất, nơi cung riêng ở Vũ Xá tại làng Sàng và Thọ
Chương được tu sửa làm nơi thờ phụng.
Các nho sĩ đặc biệt là nhà thơ Nguyễn Khuyến đã đến thăm làm
câu đối tán dương công đức của ông mà sách Quế Sơn Tiến sĩ di cảo còn lưu:
"Phá tặc lưỡng phiên, nội ngoại giai bình công thượng tại
Danh tiêu thiên cổ, quốc hương trịnh đạt đức lưu
Tạm dịch:
Hai lần đánh giặc trong, giặc ngoài đều dẹp yên sự nghiệp
không mất
Tiếng cũ ngàn xưa, từ làng đến nước đều ghi mãi công
ơn"
Tại đình Thọ Chương có bức Đại tự ghi " Vũ ấp huyền
ca" để nhắc nhở mọi người trong ấp Vũ Xá
nhớ tới tục lệ ca hát trong ngày kỷ niệm.
Ngày nay hàng năm để tưởng nhớ công ơn của ông nhân dân
trong thôn Thọ Chương đều tổ chức tế lễ, lễ hội vào các ngày. 20 tháng giêng
ngày sinh, 20 tháng 7 ngày giỗ, đặc biệt là lễ hội thanh minh trong tiết tháng
3.
Nói về lễ hội đình Thọ Chương, theo các cụ cao niên trong
làng truyền lại, xưa kia hội làng được tổ chức từ ngày mùng 8 đến ngày 12 tháng
Giêng, vào dịp ngày sinh của Thành hoàng làng Lang Nữu.
Lễ hội thu hút đông đảo bà con trong làng và những người con
làm ăn xa quê về dự. Trước kia làng có 12 dòng họ (giờ là 17 dòng họ), vào dịp
lễ hội tất cả các dòng họ đều chuẩn bị lễ vật rất chu đáo, gồm: sỏ lợn đen, xôi
trắng, gà lông đỏ, trầu cau, rượu, hoa quả…
Xưa kia Vũ Xá kết giao hảo với làng Đồng Lâu, vì vậy, ở miền
quê này có lưu truyền câu ca “Vũ Xá đan gầu/ Đồng Lâu kéo sợi/ Hai bên chờ đợi/
Mồng tám mười hai” nói lên nỗi niềm mong đợi lễ hội truyền thống vui tươi, đoàn
kết được tổ chức vào đầu năm mới của người dân hai thôn.
Cũng theo các cụ cao niên trong làng kể lại, sáng mùng tám
tháng Giêng, người làng Thọ Chương (giờ là Vũ Xá – do hai thôn Thọ Chương và
Lưu sáp nhập thành) tưng bừng rước kiệu sang Đồng Lâu, Đồng Lâu tổ chức đón tiếp
chu đáo. Ngày 12, Đồng Lâu lại tưng bừng rước kiệu sang Thọ Chương, người dân
Thọ Chương mừng vui, tiếp đón cởi mở, chân thành.
Mùng tám Đồng Lâu đón Thọ Chương, Đồng Lâu làm cơm; mười hai
Thọ Chương đón Đồng Lâu, Thọ Chương mời cơm… Vì Thọ Chương và Đồng Lâu kết giao
hảo, theo lệ làng ngày trước, trai gái hai làng không được lấy nhau.
Trải qua rất nhiều biến đổi của lịch sử, của thời gian, tục
giao hảo xưa giờ không còn được duy trì. Lệ làng “không được lấy nhau” đã được
xóa bỏ, khoảng 30 năm trở lại đây trai gái hai làng đã có cặp nên duyên chồng vợ.
Không còn tục giao hảo, Vũ Xá giờ cũng không tổ chức lễ hội
vào ngày “Mùng tám mười hai” như xưa. Làng thống nhất tổ chức lễ hội vào ngày
Thanh minh, đúng dịp đông đảo cháu con đi làm ăn xa từ khắp mọi miền Tổ quốc trở
về quê hương tảo mộ, thắp hương tiên tổ, nhớ về nguồn cội.
Có chút đổi thay cho phù hợp, vì vậy lễ hội làng Vũ Xá năm
nào cũng rất đông vui. Người dân đi hội vừa để tưởng nhớ, biết ơn công đức với
dân với nước của Thành hoàng làng Lang Nữu, vừa mong cầu những điều may mắn, tốt
lành… sẽ đến với gia đình, làng xã trong năm mới.
Đình Thọ Chương đã được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa
cấp quốc gia, Vũ Xá được công nhận “Làng văn hóa”. Hiện nay, bên cạnh việc phát
huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực thi đua lao động sản xuất xây dựng quê hương
ngày thêm giàu mạnh, Vũ Xá còn chú trọng bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá
trị văn hóa truyền thống cha ông để lại, góp phần nâng cao, làm đẹp thêm đời sống
tinh thần của người dân.
Phạm Hiền