Nhị Vua Hai Bà Trưng, xét truy phong cho các trung hiền nghĩa sỹ, gia phong cho vị thứ nhất là Thống Lĩnh Đại Thần, vị thứ hai là Bình Tuất Đại Tướng Quân, vị thứ ba là Đoan Trang Công Chúa.
Đình Thổ Quan có từ cuối thời Lê. Thờ: 3 anh em thần nhân
Hiển Hựu, Quý Minh, Phương Dung, thần tướng phù hộ Nhị vua Hai Bà Trưng chống
giặc Hán. Đình xếp hạng Di tích quốc gia 1993. Địa chỉ: số 215 ngõ Thổ Quan,
phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.
Theo thần phả của Đình, Đình Thổ Quan thờ ba vị nhân thần là
ba anh em
Vị thứ nhất là: Hiển Hựu Đại Vương
Vị thứ hai là: Quý Minh Đại Vương
Vị thứ ba là: Phương Dung Công Chúa.
Lễ cúng sinh nhật nhị vị thứ nhất, thứ hai vào ngày 12 tháng
2 âm lịch. Lễ cúng sinh nhật vị thứ ba vào ngày 15 tháng 7 âm lịch. Ba vị thần
nhân cùng hóa vào ngày 02 tháng 12 âm lịch.
Đời Hùng Duệ Vương truyền rằng: Ở Thanh Hóa có một gia đình
lương thiện, chồng là Nguyễn Sùng, vợ là Trương Hoan đều đã ngoài 40 tuổi, một
lần bà vợ nằm mơ thấy một con rồng từ trên trời xuống cuốn chặt người và tặng
bà hai đóa đào tiên.
Từ đó bà mang thai, ngày 12 tháng 2 sinh hạ được hai người
con trai, người thứ nhất đặt tên là Hiển, người thứ hai đặt tên là Quý. Hai ông
mặt hồng như hoa đào, chân có lông mọc ngược. Đến ngày 15 tháng 7, bà lại sinh
được người con gái đặt tên là Phương.
Các ngài đã tham gia và lập công trong cuộc khởi nghĩa
Hai Bà Trưng năm 40. Tương truyền di tích khu Ống Lệnh trong ngõ Lệnh Cư là
nơi 3 vị tập hợp nghĩa binh và đoàn quân đã xuất phát tấn công khi nghe tiếng
ống lệnh.
Nhị Vua Hai Bà Trưng, xét các trung hiền nghĩa sỹ, gia phong
cho vị thứ nhất là Thống Lĩnh Đại Thần, vị thứ hai là Bình Tuất Đại Tướng Quân,
vị thứ ba là Đoan Trang Công Chúa.
Qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê đều có
truy phong mỹ tự và phong hàm Thượng Đẳng Phúc Thần, lại chuẩn cho Quan Trạm được
lập 3 khu thờ phụng.
Dân làng Thổ Quan gốc đến nay còn kiêng húy, gọi Hựu là Hạo,
Minh là Miêng, Dung là Dang.
Nhiều triều đại đã ban sắc phong 3 vị là “thượng đẳng
phúc thần”. Ngày 21-6-1993, đình Thổ Quan cùng với đình - đền Trung Tả và chùa
Linh Ứng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là cụm di tích lịch sử -
văn hóa quốc gia.
Sân đình Thổ Quan. Panorama ©2019 NCCong
Kiến trúc và di vật
Văn bia dựng trong đình năm 1894 ghi: Tương truyền đình xưa
nhỏ bé, có từ lâu đời, qua nhiều lần trùng tu thì dáng vẻ còn lại là ở lần
dựng lại năm Giáp Ngọ đời vua Thành Thái do ông quản cơ Lê Đình Khôi đứng ra
hưng công. Khi đó diện tích đình rất rộng vì có hai hồ nước.
Mãi sau này đình Thổ Quan mới được trùng tu nhưng
trong khuôn viên bị thu hẹp nhiều lần chỉ có toà đại đình, nhà bia
liệt sĩ dưới gốc cây đa cổ thụ và nhà văn hoá vây quanh sân. Cổng
đình xây đơn giản, mở ra ngõ ở phía tây-nam. Ba mặt còn lại gồm toàn
nhà lấn chiếm áp sát. Hồ đình trong và hồ đình ngoài đã bị mất.
Đại đình nhìn về hướng đông-nam, gồm 5 gian xây tường
hồi bít đốc, kết nối với hậu cung thành hình chuôi vồ. Mái lợp ngói
ta, bờ nóc có đắp lưỡng long trào nguyệt. Trong đình còn lưu được các
hiện vật quý như: thần phả, sắc phong, 3 bia đá, 4 long ngai, 3 bài vị, 2 khám
thờ, bộ bát bửu, bảng văn, một bộ đỉnh đồng, lư hương, đài đồng.
Trong đình Thổ Quan. Photo NCCong ©2019