Đình Thọ Tháp tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội thờ phụng nhị danh tướng Triệu Chí Thành đại vương và Chu Lý đại vương đánh giặc Lương triều đại Lý Nam Đế.
Truyền thuyết dân gian kể lại rằng: vùng đất này là địa bàn
chiêu mộ quân sĩ của Chu Lý Đại Vương và Triệu Trí Thành Đại Vương, nối nghiệp
sự nghiệp của vua Lý Nam Đế (Lý Bôn) chống giặc Lương. Vị Triệu Chí Thành được
thờ ở đình Hà không xa nơi đây, với tích phò Triệu Việt Vương dù tuổi cao. Vị
Chu Lý đại vương được thờ ở đình Duệ Tú cũng gần đây.
Triệu Chí Thành là tướng của Triệu Việt Vương, ngài có
công đánh đuổi giặc Lương năm 550. Còn Chu Lý là tướng nhà Tiền Lý, quê ở
Bái Hương, An Định, Ái Châu.
Theo thần tích, cha của Chu Lý sinh thời giỏi văn học,
thông địa lý, thường chu du thiên hạ, đã lập nhà ở thôn Dịch Vọng Trung, sau lấy
nàng Ban con cụ Nguyễn Phục làm vợ. Nàng Ban có lần ra sông Tô tắm bị giao
long quấn, về có mang sinh ra một con trai tướng mạo khác thường.
Ông bà đặt tên là Chu Lý. Lớn lên chàng Lý có sức khoẻ địch
nổi trăm người nên vua vời về trấn cửa biển. Năm sau, nơi đồn biên dân tình yên
ổn, giặc cướp bị tan. Ngài xin về quê, vua cho một trăm lạng vàng để sửa nhà.
Một hôm sóng cuộn từ sông Tô dâng lên làm tràn ngập dinh thự. Ngài hoá, để lại
mũ áo. Dân xã tâu về triều, vua phong làm trung đẳng phúc thần, giao cho dân
xóm Tháp, xóm Duệ muôn đời cúng tế.
Thuỷ đình và hồ Hương.
Đình Thọ Tháp tương truyền được lập sau khi ngài Triệu
Chí Thành mất tại Bối Hà, những dấu vết còn lại cho thấy có lẽ
đình được xây dựng vào thời Lê trung hưng.
Không may do có người dân thắp hương bất cẩn, ngôi đình
cũ đã bị cháy rụi vào tối ngày 8/12/2018. Hai năm sau, UBND quận Cầu Giấy
tổ chức Lễ khởi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình này tại phường Dịch Vọng
vào sáng ngày 20/12/2020. Bên phải đình là ngôi chùa Bảo Tháp cũng mới xây lại.
Kiến trúc
Đình Thọ Tháp nhìn chênh chếch về phía tây nam qua sân
và ngõ 37 Dịch Vọng ra chiếc cầu bắc sang toà thuỷ đình 2 tầng mái
hình bát giác ở giữa hồ Hương. Cổng đình theo kiểu nghi môn gồm 4
trụ biểu đắp câu đối chữ Hán, cửa phụ hai bên làm đơn giản. Toà
tiền tế 5 gian cửa gỗ cùng đại đình và hậu cung nằm trên nền cao
xếp song song thành hình “chữ Tam”.
Dân làng Dịch Vọng Trung hàng năm thường tổ chức lễ
hội mùa xuân vào ngày rằm tháng Giêng tại chùa Hà; còn từ ngày 8 đến 9
tháng 3 âm lịch (chính hội ngày 9/3) tại đình Thọ Tháp, cứ 5 năm một lần
lại mở đại lễ hội cũng vào dịp đó. Đoàn người rước kiệu Thánh Em từ đình
Hà qua đồng Lầm, đồng Cầu Vậy, đến Gò Dài nghỉ rồi tiếp tục rước vào đình Thọ
Tháp. Nhân dân làng Trại (Thủ Lệ), làng Cót (Yên Hoà), làng Dáy (Trung Hoà)
đến dự làm nghẽn cả đoạn đường gần 1km. Các trò vui dân gian diễn ra
gồm: hát chèo, đu dây, đánh vật, chọi gà, cờ tướng, đập niêu, đấu vật.
Đình Thọ Tháp hiện bảo lưu được nhiều cổ vật có giá
trị lịch sử và mỹ thuật, trong đó đặc biệt có bản thần tích được
sao ở đền Hùng năm Tự Đức thứ 25 (1872) và đạo sắc phong năm Khải Định thứ 9
(1924).