Đình Thọ Vực thờ phụng Tam vị danh tướng thời vua Hùng Duệ Vương, tướng dưới quyền của Sơn Thánh Tản Viên đã có công phò giúp vua Hùng đánh giặc Thục, bảo vệ bờ cõi Văn Lang.
Thọ Vực là đình làng An Phúc xã Hồng Lạc. Đình xây dựng trên
đỉnh đồi cao, nhìn ra sông Lô. Đường lên đình ngót một trăm bậc, tạo phong cảnh
uy nghiêm nơi thờ tự. Sân đình liền bãi đất rộng, bằng phẳng, có cây đa cổ thụ,
là nơi tổ chức các hoạt động phần hội.
Theo Ngọc phả đình Thọ Vực thì đình thờ ba anh em thần tướng
có công giúp vua Hùng thứ 18 (Hùng Duệ Vương) đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ
cõi của nhà nước Văn Lang. Đó là Cao Sơn đại vương, U Sơn đại vương và Ất Sơn đại
vương.
Tương truyền vào thời Hùng Vương, có một người họ Hoàng ở đạo
Sơn Nam, vợ là Nguyễn Thị Thanh, nhà nghèo nhưng sống đầm ấm, hạnh phúc. Tuổi
ông bà đã cao nhưng vẫn chưa có một mụn con để nối dõi. Vào một đêm, khoảng
canh ba, người vợ nằm mộng thấy có một con rắn to quấn vào người bà. Bà đem
chuyện kể với chồng, người chồng bảo: “Tất sẽ có điềm lành”.
Vào khoảng giờ Dần, ngày mồng 7, tháng Giêng, năm Nhâm Tuất,
bà sinh hạ được ba người con trai khôi ngô, tuấn tú. Người chồng biết là có thần
nhân xuất thế sẽ làm nên nghiệp lớn nên đặt tên cho người con cả là Cao Sơn,
người con thứ hai là U Sơn và người con thứ ba là Ất Sơn. Lên 10 tuổi, ba anh
em đã thông kinh sử, văn võ song toàn.
Đúng lúc đó, vua Hùng Duệ Vương hạ chiếu người nào văn võ
toàn tài, học vấn uyên thâm tất sẽ được hưởng hoàng ân và kết duyên cùng công
chúa.
Khi nghe thấy vua Hùng Duệ Vương sinh được 20 hoàng tử và 6
công chúa đều là những “tiên giáng tuyệt tích”, Thục Phán muốn được kết duyên
cùng công chúa Mỵ Nương nhưng nhà vua từ chối.
Thục Phán đã nổi cơn lôi đình hạ lệnh cho tinh binh đi tuần
phòng ở các đạo hợp với thuỷ binh ở cửa biển tiến đánh. Vua Hùng Duệ Vương liền
mời Sơn Thánh đến để hỏi kế. Sơn Thánh trả lời rằng, đã cử ba ông đi cầm quân
tiến đến trại Thọ Vực, trang Khổng Xuyên, huyện Lập Thạch, phủ Tam Đới, trấn
Sơn Tây. Ba ông thấy một ngọn núi không cao nhưng non nước hữu tình, thế như
long hổ bao quanh, quả là một nơi thắng địa.
Các ông và 50 tráng sĩ mổ trâu, giết lợn lập đàn tế trời đất,
thần sông, thần núi và bách thần. Cúng tế xong, ba ông mang lễ vật khao thưởng
quân sĩ và nhân dân trong vùng, rồi đem quân đánh dẹp các đạo. Dẹp xong giặc,
Sơn Thánh lập tức gửi biểu tấu về triều. Vua Hùng Duệ Vương thân chinh đến vùng
đất Thọ Vực và phong Đại vương cho ba ông.
Ba vị Đại vương đã lập đồn sở tại Thọ Vực và truyền trong
nhân dân rằng: “Thọ Vực nay là nơi đồn sở, sau này làm nơi thờ phụng. Ta sửa
sang và để lại đời đời sau này hương khói mà thờ phụng”. Ba vị Đại vương còn
ban vàng bạc cho dân làng để mua ruộng đất và thờ cúng. Bấy giờ trời bỗng nổi
cơn giông, mây đen vần vũ rồi chuyển thành màu hồng như một dải lụa. Ba ông liền
cưỡi ngựa bay theo đám mây...
Ngoài thờ ba vị Đại vương, đình Thọ Vực còn thờ Đương Cảnh
Thành Hoàng tên là Đức ông Trần Quốc Thái. Người dân kể lại rằng, ông là người
thợ chuyên đi bắc cầu để cho giao thông đi lại thuận tiện, giao lưu kinh tế giữa
các vùng.
Khi bắc được 99 cây cầu, đến chiếc cầu Ngòi Vực thì không thể
bắc qua sông Lô. Ông nghỉ lại ở Thọ Vực nghĩ cách bắc cầu nhưng chẳng may bị
lâm bệnh và qua đời. Nhân dân địa phương đã phụng thờ ông tại đình làng.
Hàng năm lễ hội đình Thọ Vực tổ chức vào ngày 7 và 8 tháng
Giêng. Công việc chuẩn bị lễ năm sau bắt đầu từ khi kết thúc lễ năm trước. Việc
đầu tiên, làng chọn một người nuôi lợn tế. Lợn tế phải là lợn đen tuyền, nuôi
theo một chế độ riêng: Luôn được tắm rửa sạch sẽ, nửa tháng trước lễ chỉ cho ăn
cháo hoa.
Gần đến ngày lễ, thực hiện việc đổi mã. Nửa đêm 23, tháng Chạp
ba vị cao niên vào hậu cung phong lên mũ, áo, hia, đai ba ngai thờ. Đến sáng mồng
3 Tết, các bộ mã này được đem hóa. Sáng mồng 7, phong mũ, áo, hia mới lên các
ngai thờ.
Văn tế được chọn giao cho một vị cao niên phẩm hạnh tốt, chữ
đẹp. Đúng giờ đã định, một chức sắc cùng tráng đinh đến rước bản văn tế. Người
viết văn tế khăn áo chỉnh tề hai tay bê hộp sơn son thếp vàng, bên trong có đặt
văn tế đi sau.
Lễ vật do nhà đăng cai làm cỗ chuẩn bị. Lễ vật gồm hương
hoa, xôi oản, lợn thịt sống để nguyên con và
"mao huyết" (là một túm lông đuôi, một túm lông gáy bỏ vào bát
tiết lợn). Tất cả lễ vật đặt vào mâm thùng có chân, sơn son thếp vàng, mỗi mâm
đều có lọng che. Sáng sớm ngày mồng 7, phường bát âm và tám tráng đinh tới nhà
đăng cai làm cỗ, rước lễ vật ra đình.
Lễ rước:
Đội hình đoàn rước: Ba
kiệu rước long ngai 3 vị thần đi đầu. Tiếp nối là chủ tế, các quan viên,
các cụ cao tuổi. Rồi đến hàng cờ và những ngựa gỗ con hồng, con bạch, cao lớn đầy
đủ yên cương, lọng che thếp vàng, tua đỏ đẩy đi trên bốn bánh xe gỗ có khung.
Đi sau là phường bát âm gồm chiêng, trống to, trống nhỏ, kèn gỗ, kèn đồng. Sau
nữa hai hàng thanh niên nam nữ ăn mặc theo lối quân lính thời cổ. Khách thập
phương và người dân địa phương tham dự lễ hội đi sau cùng.
Đúng giờ Thìn, lễ rước khởi hành từ đình, đi một vòng quanh
các thôn làng trong xã, quay về cửa đình.
Lễ tế: Ban tế có chủ tế, hai bồi tế, đông xướng, tây xướng,
hai chấp sự và đồng văn. Thành viên ban tế đều đội mũ kiểu phốc đầu, áo màu
xanh tay thụng, quần trắng, kiểu ống sớ, đi hia. Lễ đình Thọ Vực có tục “hèm”
là y phục kiêng màu đỏ. Nghi thức tế thần gồm: Lễ dâng hương, lễ dâng rượu và lễ
hiến sinh. Cuộc tế chính thức được diễn ra khi chủ tế lên hương, một vị trong
ban tế rung lên 3 hồi trống, chiêng.
Lễ tịch điền diễn ra vào sáng ngày mùng 8. Con trâu mộng được
khoác trên mình tấm lụa đỏ, một cụ ông còn khỏe mạnh cày những đường cày đầu
tiên trong tiếng hò reo cổ vũ. Hội vui với nhiều trò chơi như ném còn, chọi gà,
bịt mắt bắt vịt, cờ tướng, đấu vật, kéo co... và những hoạt động văn nghệ, thể
thao, tạo hiệu ứng phấn khích và có tính cố kết cộng đồng cao.
Đình Thọ vực được công nhận di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.