Đình Thọ Vực, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội là nơi phụng thờ Thánh mẫu Âu Cơ, hai vị Thượng đẳng thần và Trung Đẳng thần Hà bá Thủy quan em trai thứ 37 của vua Hùng thứ nhất. Ngày giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) cũng là ngày lễ hội đình Thọ Vực.
Đình Thọ Vực là nơi phụng thờ hai vị Thượng đẳng thần và
Trung đẳng thần.
Đức Thượng đẳng thần: theo tổ tiên truyền lại và các hiện vật
lịch sử còn lưu trữ trong đình thì năm Canh Dần (1770), Trung Sơn Tĩnh Vương Trịnh
Sâm mang đại quân đi dẹp loạn ở miền Sơn Nam Hạ, khi thuyền qua đền (thời gian
đó gọi là đền, đến năm 1841 triều Thiệu Trị đổi thành đình) được thánh hiển
linh phò trợ đánh tan quân giặc. Về triều, Tĩnh Vương tâu việc đó với vua Lê Hiển
Tông, được nhà vua phong tặng lá cờ Thượng Đẳng Tối Linh Thần và ban cho 200
quan tiền để tu sửa đình.
Đức Trung đẳng thần: theo sách “Di tích cổ Hà Tây” thì vị thần
là con thứ 37 của Quốc tổ Lạc Long Quân và Tổ Mẫu Âu Cơ, cũng tức là em thứ 37
của Hùng Vương thứ nhất được triều đình cử về cai trị lưu vực sông Hát Giang dạy
dân đánh cá, trồng rau, nuôi tằm và cấy lúa nước… đem lại ấm no, hạnh phúc cho
nhân dân. Nơi ngài cai trị, dưới sông sóng yên gió lặng, trên cạn tràn ngập ánh
sáng, mọi người đều được hưởng phúc lớn của ngài.
Ngoài ra, bên cạnh đình còn có đền Mẫu thờ Thánh Mẫu Âu Cơ,
Đức Mẹ đầu tiên của dân tộc Việt Nam nên trước đền đắp nổi ba chữ Tiên Mẫu Đức.
Trong đền còn thờ đức Thiên Sơn thánh mẫu, tức công chúa Ngọc Hoa, con của vua
Hùng Duệ Vương thứ 18, được vua cha gả cho Cao Sơn thần núi Tản Viên nên được
suy tôn là Tiên Sơn thánh mẫu.
Được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa Kiến trúc nghệ thuật
vào ngày 3/2/1990 theo quyết định số 168 - VHQĐ của Bộ Văn hóa - Thông tin.
Di tích
Kiến trúc của đình Thọ
Vực rất đẹp, hài hòa, gần đình còn có ngôi chùa và đền Mẫu tạo thành cụm công
trình văn hóa tâm linh nhìn ra sông Đáy trong xanh, tạo thành cảnh đẹp chốn tâm
linh thâm nghiêm mà thơ mộng.
Trong di tích bảo lưu nhiều cổ vật có giá trị như hoành phi,
câu đối, các loại kiệu… rất đẹp. Đặc biệt, đình Thọ Vực có chân cột bằng đá giống
chân cột đá của điện Kính Thiên - Hoàng Thành Thăng Long. Chỉ khác cột đá điện
Kính Thiên khắc họa hình hoa sen, còn cột đá đình Thọ Vực khắc họa hình lá đề.
Trải qua thời gian, di tích đình Thọ Vực vẫn được bảo tồn
khang trang bề thế, là điểm hẹn lý tưởng cho du khách và nhân dân địa phương đến
tham quan vãn cảnh, tri ân công đức tổ tiên.
Lễ hội
Từ xa xưa, hằng năm cứ
đến ngày 10/3 âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội để tỏ lòng tri ân công đức lớn
lao của các vị thần thánh thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt
Nam.
Nghi thức của hội làng Thọ Vực đã hòa nhập với cư dân quanh
vùng. Nét đặc sắc và mang đậm phong tục của ngư dân là rước nước và đua thuyền.
Chiều mùng 9 tháng 3, một đám rước hoành tráng đi từ đình xuống
khúc sông Đáy làm lễ lấy nước về cúng tế thần linh.
Buổi sáng mùng 10 tháng 3, lễ tế thần ở đình theo nghi lễ cổ
truyền, đại biểu quan khách và các làng lân cận có mặt đầy đủ. Không khí trang
nghiêm thành kính, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nhạc hòa quyện, âm vang cả
một vùng.
Buổi chiều, làng Thọ
Vực tưng bừng mở hội đua thuyền (bơi chải) trên sông Đáy. Phần lễ trang nghiêm
và phần hội sôi nổi đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và các vùng lân cận,
cũng như du khách thập phương tham dự náo nhiệt.