Thôn Đìa vốn xưa là một làng cổ có tên chữ là “Bồng Trì” thuộc tổng Nhân Hữu, huyện Gia Bình; nay là một thôn thuộc xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Làng xã nơi đây gắn liền với bề dày lịch sử và văn hiến của
dân tộc. Song bề dày lịch sử và văn hiến của làng Đìa đã được hội tụ và phản
ánh ở ngôi đình làng, bởi đây chính là hồn của quê hương, đất nước.
Thôn Đìa thuộc xã Bình Dương là vùng đất cổ bên bờ Nam sông
Đuống. Con sông Đuống cách xã Bình Dương chừng 3km về phía Đông. Phía Đông Nam
xã Bình Dương là con sông Ngụ, một nhánh của sông Móng.
Con sông Móng bắt nguồn từ vùng trũng của huyện Thuận Thành
nơi các con sông cổ Nghi Khúc, Đoan Bái, Bái Giang của huyện Thuận Thành đổ
vào, chảy qua một loạt các làng xã phía Đông Nam của huyện Gia Bình và chảy qua
địa phận làng xã nào thì được đặt tên riêng của địa phương đó.
Vùng đất này có các con sông dòng chảy cổ bao bọc, không những
tạo điều kiện thuận lợi cho các làng xã phát triển nghề nông trồng lúa, màu,
đánh bắt thủy sản, giao lưu buôn bán, mà còn tạo điều kiện cho dân cư giao lưu
văn hóa; nên từ ngàn xưa đã thu hút người Việt cổ về đây sinh cơ lập nghiệp tạo
dựng nên những làng xóm.
Trải nhiều thời đại, cộng đồng cư dân nơi đây đã xây dựng
nên những làng xã trù phú và văn hiến. Dấu ấn về các làng Việt cổ ở vùng đất
này còn để lại ở tên đất, tên làng, phong tục tập quán và đặc biệt là trong tín
ngưỡng hội hè:
Phùng Xá gồm 2 thôn (Bùng Thượng và Bùng Hạ) vẫn còn đó ngôi
đền thờ Côn Nương là nữ tướng của Hai Bà Trưng có công đánh giặc Tô Định (Đông
Hán). Bồng Trì gồm 2 xóm (Đìa Trên và Đìa Dưới) có 2 miếu cổ (còn gọi là Nghè)
truyền rằng là nơi 2 vị “Sơn Thần” có công phù giúp Hai Bà Trưng đánh giặc.
Căn cứ vào tấm bia thần tích và bản “thần tích” chữ Hán có
niên đại Vĩnh Hựu 6 (1740) thì người được thờ tại đình làng là hai vị nhiên thần
bản xã có tên huý “Cấn” và “Liệt” có
công phù giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Hán.
Các làng trên thờ phụng các vị Thần có công phù giúp Hai Bà
Trưng đánh giặc hoặc thờ phụng các danh tướng của Hai Bà Trưng, đã cho biết
làng xã nơi đây có từ thời Hùng Vương và đến đầu công nguyên nhân dân đã tham
gia vào cuộc kháng chiến chống giặc Đông Hán.
Trong lịch sử, làng xã nơi đây từng là đất khoa bảng với tên
tuổi và giai thoại của tiến sĩ Trần Danh Tân. Tên tuổi của ông được lưu danh ở
văn bia Văn miếu Bắc Ninh cho biết như sau: Trần Danh Tân sinh năm 1708 là người xã Bồng Trì, thuộc gia tộc
có truyền thống khoa bảng; năm 18 tuổi thi Hương đỗ đầu; năm 29 tuổi thi Hội đỗ
Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) đời
Lê ý Tông.
Ông làm quan đến chức Thừa chính sứ, về trí sĩ. Mặt khác,
căn cứ vào “bia hậu” của thôn Gia Phú, bia “hội tư văn” của thôn Phương Độ và
bia “văn chỉ” của thôn Đìa thì làng xã nơi đây còn có nhiều người đỗ cử nhân,
tú tài, sinh đồ; làm quan hàng tỉnh hay triều đình đều là những người có công với
dân với nước.
Dẫu bao biến cố của lịch sử, song các dòng họ sinh sống ở
làng Đìa bao giờ cũng giữ được truyền thống đoàn kết, thương yêu đùm bọc nhau để
cùng chung xây quê hương mình ngày thêm giàu đẹp. Những thành quả văn hóa cộng
đồng của bao thế hệ người làng Đìa xây dựng,
gìn giữ và phát huy chính là quần thể di tích đình, đền, chùa cổ kính thâm
nghiêm. Đình làng Đìa nằm ở giữa làng là nơi thờ Thành hoàng làng, vị thần bản
mệnh che chở phù giúp cho cộng đồng làm ăn người khang vật thịnh.
Chùa làng Đìa có tên chữ là “Quang Linh tự” nằm ở phía Tây
là nơi dân làng thờ Phật nhằm cầu may, sống hướng thiện. Hai ngôi miếu cổ nằm ở
phía Đông và phía Tây của làng và truyền rằng: Miếu Hiền Nhân thờ vị thần là “Đại
tướng quân” có công đánh giặc.
Miếu chợ Đìa truyền rằng thờ “Thổ Thần”, phía ngoài có giếng
cổ nên còn thờ “Bà Chúa giếng”. Xưa trên Đường Văn Chỉ còn có một Văn chỉ tổng
Nhân Hữu là nơi thờ các vị tiên hiền tiên triết khoa bảng của quê hương.
Hiện đình làng Đìa còn bảo lưu được một văn bia của văn chỉ
hàng tổng này. Làng Đìa còn có 2 miếu (còn gọi là Nghè) ở phía Đông và phía Tây
của làng, truyền rằng là nơi 2 vị quan “Sơn Thần” địa phương linh hiện phù giúp
Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán.
Song bề dày lịch sử và nét văn hiến tiêu biểu của làng Đìa
đã được hội tụ và phản ánh ở ngôi đình làng. Đình làng Đìa vốn được khởi dựng từ
lâu đời thờ Thành hoàng làng. Đến thời Nguyễn được trùng tu tôn tạo và còn để lại
dấu ấn ở Hậu cung năm trùng tu trên câu đầu với dòng chữ Hán “Tự Đức thập nhị
niên” (1859) và vì nóc ván mê chạm nổi mặt Hổ phù.
Thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, ngôi đình cổ
ấy bị phá dỡ, chỉ còn giữ lại một phần Hậu cung. Năm 1992, dân làng phục dựng tạm
mấy gian Tiền tế. Đến năm 2000, dân làng cùng nhau công đức trùng tu tôn tạo lại
ngôi đình theo quy mô và dáng vẻ truyền thống.
Căn cứ vào bản Thần tích chữ Hán của thôn Đìa có niên đại gốc
“Hồng Phúc nguyên niên” (1572) và được sao lại vào năm Vĩnh Hựu 6 (1740) thì
đình thờ các vị “Sơn Thần” có công phù giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán. Việc
tôn thờ các vị thần trên không những phản ánh bề dày lịch sử của làng xã nơi
đây, mà còn góp phần soi sáng trang sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Giá trị của đình làng Đìa còn được thể hiện ở những tài liệu,
cổ vật quý giá như: bia đá có tên “Phả lục bi ký” niên đại “Duy Tân 9”, ghi khắc
lại bản Thần tích của đình làng; bản Thần
phả chữ Hán niên đại Vĩnh Hựu 6 (1740); bản “Thần tích thần sắc” được kê khai
năm 1938, cho biết về lai lịch công trạng của Thành hoàng làng, những ngày sự lệ
của đình làng và còn cho biết thông tin về 5 đạo sắc phong của người được thờ với
các niên đại: “Tự Đức 6”, “Tự Đức 33”, “Đồng Khánh 2”, “Duy Tân 3”, “Khải Định
9”; bản Hương ước được Lý trưởng kê năm 1944; các bia đá có tên và niên đại như
sau: bia có tên “Hậu thần bia ký” niên đại Tự Đức 5 (1852), bia có tên “Hậu tự
bi ký” niên đại Tự Đức 16 (1863), bia có tên “Văn chỉ tòng bi ký” niên đại thời
Nguyễn (đây là một trong những tấm bia thứ 3 của Văn chỉ của tổng Nhân Hữu).
Giá trị của đình làng Đìa còn được thể hiện ở lễ hội truyền
thống: Theo tục lệ làng Đìa, hàng năm cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch),
đình làng lại được mở hội.
Vào hội, từ mùng 9 đình đã được mở cửa để bao sái đồ thờ tự,
phong cờ quạt, buổi chiều làm lễ nhập tịch. Sáng mùng 10, hai xóm Đìa Trên và
Đìa Dưới tập trung để rước bát hương của các Thần từ nghè trên và nghè dưới về
đình để tế lễ và mở hội. Đám rước bao giờ cũng phải đầy đủ cờ kiệu, siêu đao,
bát bửu, tàn lọng, chiêng trống và các quan viên tế lễ.
Trong những ngày lễ hội, sau phần tế lễ là phần hội với nhiều
tục trò dân gian vui chơi giải trí thu hút đông đảo nhân dân địa phương vào những
sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui tươi lành mạnh.
Đình thôn Đìa là công trình văn hóa tín ngưỡng cộng đồng gắn
liền với bề dày lịch sử, văn hiến của cộng đồng làng xã nơi đây. Đình còn bảo
lưu được những di sản văn hóa vật thể là những cổ vật quý như thần phả, sắc
phong, bia đá và di sản văn hóa phi vật thể như truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội,
không những đã phản ánh bề dày lịch sử, văn hiến của quê hương, mà còn góp phần
làm nên văn hiến xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh.
Phutho Portal (Nguồn
TCDL)