Đình thôn Trung được xây vào thế kỷ XVII. Thờ Hà Vị Uyên tôn thần, danh tướng của nhị vua Hai Bà Trưng và Trung Thiên Đao Lợi Đại Phạn Thiên Vương.
Xã Dương Hà thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Phía đông
bắc giáp xã Đình Xuyên, phía đông nam giáp xã Phù Đổng, phía tây nam là sông Đuống,
phía tây bắc giáp xã Yên Viên.
Xã nằm ở bờ bắc sông Đuống, tàu thuyền qua lại dễ dàng.
Ngoài ra còn có 4 tuyến giao thông đường bộ lớn như: Quốc lộ QL1A, Đê Đuống, đường
Đặng Công Chất, đường Dương Hà. Dự kiến sẽ thêm tuyến đường dài khoảng 800m nối
từ đoạn Đê Đuống gần đình thôn Trung đến đường Đặng Công Chất.
Dương Hà xưa thuộc trại Hạ Dương và gồm 4 thôn: Dương Thượng
(nay là thôn Thượng), Ninh Nhân (thôn Trung) Lạc Thủy (thôn Hạ) và ấp Tùng
Đình. Trong mỗi thôn đó đều có các di tích lịch sử văn hoá như đình, chùa,
v.v..
Cổng đình thôn Trung. Photo ©NCCông 2022
Lược sử
Đình và chùa thôn Trung nằm liền kề nhau. Theo bi ký do tiến
sĩ Hoàng Đôn Phu soạn năm Chính Hoà thứ 19 (1698), đình thờ Hà Uyên tôn thần là
danh tướng của Hai Bà Trưng và Trung Thiên Đao Lợi Đại Phạn Thiên Vương là vị
thiên thần từng hiển linh giúp dân cứu nước. Ngoài ra còn thờ 4 vị tả hữu hậu
thần.
Tương truyền thời Hùng Vương thứ 18, có vị lương y quê ở Đường
Lâm tên là Hà Vi Hưng, vợ là Đậu Thị Loan, tuổi cao mà vẫn chưa có con. Ông bà
rất chăm làm việc thiện.
Nghe nói ở huyện Đông Ngàn thuộc bộ Vũ Ninh, Kinh Bắc có
ngôi miếu linh thiêng, ông bà bèn đi dâng lễ bái yết thần linh khẩn cầu xin quý
tử. Đêm đó ông bà ngủ lại trong miếu. Bỗng nhiên, ông trông thấy mây ngũ sắc
như hình con rồng sà xuống, ít lâu sau bà mang thai.
Ngày 9-2 năm Giáp Ngọ bà sinh được một trai khôi ngô tuấn tú
đặt tên là Hà Uyên. Cậu bé thông minh, học giỏi, năm 13 tuổi bắt đầu say mê đọc
binh thư, luyện võ nghệ.
Khu đình thôn Trung. Photo ©NCCông 2022
Năm 18 tuổi, Hà Uyên đã triệu tập được 200 trai tráng trong
vùng lập cơ đội và tập trận đồ. Khi Nhị vua Hai Bà Trưng truyền hịch đánh đuổi
thái thú Tô Định tham tàn, Hà Uyên đem cơ đội về tụ nghĩa cùng và được phong
làm chỉ huy sứ tả tướng quân, cấp thêm 2000 binh sĩ đi trấn giữ vùng Tây Bắc Nhị
Đạo. Ngài đã lập được nhiều chiến công góp sức cùng nghĩa quân giải phóng 65
thành trì.
Ngài hóa ngày 12 tháng 11 tại trại Hạ Dương. Trưng Vương vô
cùng thương tiếc sai người về làm tang lễ và xuống chiếu cho dân Hạ Dương lập
miếu để thờ phụng. Về sau vua Lê Hoàn (980-1005) khi đi kinh lý qua đây đã truy
phong cho ngài các mỹ tự “Nhất phong Bản cảnh Linh ứng Đại vương”.
Năm 1993 ngôi đình [và chùa] thôn Trung đã được Bộ Văn hoá -
Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Trong thập kỷ 201x
đình đã được xây lại nhưng vẫn giữ nguyên lối kiến trúc cũ.
Sân đình thôn Trung. Photo ©NCCông 2022
Kiến trúc
Đình thôn Trung nhìn về phía tây ra đê sông Đuống. Cổng làm
kiểu nghi môn tứ trụ, 3 chiếc cửa sắt giáp với con đường làng. Sau cổng là sân,
hai bên có dãy tả hữu vu. Toà đại đình 5 gian 2 chái, xưa kia có sàn gỗ. Bốn
mái chảy lợp ngói ta, 4 góc đao cong, trên bờ dải có gắn hình các linh thú.
Gian giữa nối theo hình “chữ Đinh” với hậu cung gồm 2 gian dọc. Các mảng kiến
trúc gỗ chủ yếu được trang trí bằng chạm khắc hình rồng.
Di sản
Trong đình thôn Trung còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý như
câu đối, hoành phi, đồ tế khí, long ngai, kiệu bát cống. Các triều đại từ nhà
Lê trung hưng đến nhà Nguyễn đã ban 24 đạo sắc phong, nay còn 19 trong đó có 11
sắc phong cho Hà Uyên tôn thần và 8 sắc phong cho Trung Thiên Đao Lợi Đại Phạn
Thiên Vương.
Hông đình thôn Trung. Photo ©NCCông 2022
Hằng năm chính quyền và nhân dân địa phương mở hội tế lễ từ
mùng 9 đến 16 tháng 2 âm lịch, cạnh đó diễn ra nhiều trò đua thể thao và văn
nghệ dân gian truyền thống. Xưa kia theo thông lệ cứ 5 năm mở hội chính một lần,
bên cạnh hội lệ mở thường niên. Ngày nay, hội làng từ 8 ngày được rút lại còn 4
ngày, từ mùng 9 đến 12 tháng 2 âm lịch.