Đình thôn Vàng, xã Cổ Bi thờ phụng vị thần đã có công phù trợ cho nghĩa quân Hai Bà Trưng vốn là một vị tướng thời Hùng Vương, được suy tôn là “Đô Hồ Dương Võ Phù Tộ Đại Vương”.
Tương truyền: Khi Nhị thánh vương Hai Bà Trưng phất cờ dấy
binh chống lại sự đô hộ của nhà Hán, Nhị nữ vương đã lập đàn tế trời ở cửa sông
Hát, chiêu mộ nghĩa quân chống lại quân xâm lược.
Khi đoàn quân của Nhị vua Hai Bà Trưng tiến đến trang Cổ Bi,
thấy đất đai đẹp đẽ, tiến thoái đều thuận lợi, bèn cho quân sĩ nghỉ lại. Đêm mồng
10 tháng 3, vào cuối canh tư, trong giấc ngủ mơ màng, Vua Bà thấy có một ông
già, mũ áo chỉnh tề, hình dung kỳ dị từ bên kia đường lại, xưng là Linh thần và
nói ” Ta vốn dòng dõi Hùng Vương, chịu mệnh thiên đình, trấn giữ đất này, nay gặp
đại quân đi làm việc nghĩa, ta xin trợ giúp. Nếu sau này hiển vinh, xin cùng phối
hưởng”.
Vua Bà biết đó là thổ thần báo mộng liền làm lễ tạ rồi cắt
quân bủa vây trụ sở giặc nhà Hán, chỉ đánh một trận là thắng, buộc Tô Định phải
thua chạy. Dẹp xong giặc Nhị vua Hai Bà Trưng đã gia phong cho thần mỹ tự
“Trung quốc hùng trấn uy linh ngưng hưu chi thần”.
Vị thần đã có công phù trợ cho nghĩa quân Hai Bà Trưng vốn
là một vị tướng thời Hùng Vương, được suy tôn là “Đô Hồ Dương Võ Phù Tộ Đại
Vương”. Đến các đời sau thần thường hiển linh giúp nước chống giặc. Ghi nhận
công lao của thần các triều đại đều ban sắc phong đặt mỹ tự:
Năm Thiên Phúc thời Lê Đại Hành gia phong cho bản thành
hoàng “Đức bác bộ hộ quốc đại vương”.
Thời Trần, Trần Quốc Tuấn cũng đến cầu đảo tại Đền, bình
xong giặc Nguyên, vua Trần gia phong “Linh ứng anh thiết hiển hưu trợ thuận đại
vương”.
Vua Lê gia phong ” Phổ tế cương nghị anh linh”.
Thời Lê Cảnh Hưng gia phong “Diên hy tích khảnh”.
Thời Cảnh Thịnh gia phong “Dực chính khai bình”.
Thời Nguyễn gia phong “Âm phù linh ứng dực bảo trung hưng”.
Địa danh được nhắc tới trong câu chuyện kể về vị thần
phù giúp Hai Bà Trưng là trang Cổ Bi, nay là xã Cổ Bi – một trong 22 xã, thị trấn
của huyện Gia Lâm. Đình thôn Vàng chính là nơi thờ phụng ngài.
Trải qua những biến đổi của lịch sử, của năm tháng, của các
cuộc chiến tranh mà di tích đã phần nào bị mất đi vẻ đẹp vốn có. Đồng thời, do
địa hình Cổ Bi nằm gần sông nên những năm nước to cụm di tích cũng bị ngập lụt
làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của kiến trúc và những hiện vật.
Thời Tự Đức, đình – chùa đã phải di chuyển lớn một lần, do
sông lở đã phải di chuyển một lần nữa vào vị trí như hiện nay. Do vậy việc xác
định niên đại chính xác của đình thôn Vàng cũng gặp nhiều khó khăn.
Với những gì còn lại đến hôm nay di tích đình thôn Vàng vẫn
có giá trị về nhiều mặt làm cho di tích vượt ra khỏi không gian hạn hẹp của một
làng quê nhỏ để hoà nhập vào kho tàng di sản văn hoá của nước nhà.
Năm 1995, đình thôn Vàng – xã Cổ Bi đã được Bộ Văn hoá Thông
tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng góp
phần bảo vệ và phát huy những giá trị mà di tích còn bảo lưu được.
Đình hiện tại quay hướng Tây Nam, nhìn ra một sân gạch rộng
xung quanh có tường bao kín. Trước đình có ngũ môn, tảo mạc, bình phong. Nhìn tổng
thể đình Vàng có kiến trúc lớn, khang trang mặt bằng bao gồm: sân đình, tả vu,
đại đình, trung đình và hậu cung.
Đại đình gồm bẩy gian, mái lợp ngói vảy hến, bờ nóc chạy thẳng
không trang trí, bờ giải xây giật ba cấp, đầu hồi bít đốc tay ngai có gắn sứ chạm
rồng. Qua một bậc cửa chạy suốt ba gian giữa chúng ta bước vào đại đình. Nền
lát gạch hoa, gạch chỉ và Bát Tràng, gian giữa nền thấp hơn so với các gian bên.
Đại đình có kiến trúc khá vững chắc được làm theo kiểu vì chồng
rường giá chiêng, bốn hàng chân cột gian giữa có đường kính 60cm đứng vững chãi
trên chân đá tảng. Không gian của đại đình thoáng, rộng để thoả mãn chức năng
là nơi diễn ra các nghi lễ thờ thần hoàng và là nơi hội họp sinh hoạt văn hoá.
Đại đình trước kia hệ thống cửa làm theo kiểu “thượng sơ hạ
mật” chấn song con tiện do điều kiện chiến tranh đã bị phá hỏng nay được thay
thế bằng cửa ván ở ba gian giữa và tường xây ở bốn gian hai bên.
Gian giữa đại đình đặt một nhang án lớn, phía trên là bức cửa
võng sơn son thiếp vàng với bốn chữ lớn “Thánh cung vạn tuế” hai bên là hai bộ
bát bửu và một đôi câu đối lòng máng chạm văn triện.
Qua ba cửa vòm cuốn ở gian giữa và hai cửa lớn ở gian hai
bên chúng ta bước vào trung đường. Trung đường với mái lợp ngói vảy hến, hai tầng
tạo thành bốn mái dài bốn mái ngắn. Các con kìm của mác tạo thành đao cong và
hai vỉ ruồi. Bờ nóc chạy thẳng, để trơn không trang trí. Giữa hai lớp mái có
hàng chấn song con tiện chạy suốt bốn bên để lấy ánh sáng cho trung đường và hậu
cung.
Liền kề với trung đường là hậu cung gồm có ba gian, mái lợp
ngói vảy hến, bờ nóc trang trí rồng gắn men sứ chầu mặt trời lửa. Sát bờ giải đắp
hai con nghé. Giữa hai lớp mái có trang trí rồng, bờ giải xây giật bốn cấp (hai
mái trên, hai mái dưới). ở giữa gian hậu cung xây một bệ lớn trên đặt khám thờ
trong có long ngai bài vị. Hai bên đặt hai ban thờ nhỏ. Trang trí trên kiến
trúc của hậu cung chủ yếu ở hai cốn hồi với các đề tài rồng, hoa lá cách điệu.
Mọi chạm khắc của kiến trúc được tập trung ở gian giữa đại
đình với bốn đầu dư chạm rồng mang phong cách cuối Lê đầu Nguyễn đỡ lấy quá
giang. Rồng được chạm sinh động mắt lồi, mũi nở, bờm uốn thành hình đao mác. Hệ
thống cốn trong và ngoài đại đình được chạm cầu kỳ với đề tài hoa lá, long, ly,
quy, phượng, trúc diều, hòm sách, cá hoá rồng…
Đình thôn Vàng còn bảo lưu được những di vật văn hoá có giá
trị gồm nhiều chủng loại khác nhau đồ giấy, đồ đồng, đồ gỗ như:
– Một bản sao cuốn thần phả gốc do Hàn lâm viện bộ lễ đại học
sĩ Nguyễn Bính phụng soạn.
– Một sắc niên hiệu Khải Định 9 (1924) về việc cho phép thôn
Vàng được thờ phụng bản cảnh thành hoàng đô hộ tôn thần có công phù giúp bảo vệ
dân làng quanh năm.
– Một bộ bát bửu, ngai bài vị, kiệu bát cống, ngựa gỗ, đôi hạc
gỗ, một bộ cửa võng, hoành phi…
Với vẻ đẹp trong kiến trúc của ngôi đình cùng những di vật
quý giá còn lưu giữ đình luôn là niềm tự hào đối với nhân dân thôn Vàng
nói riêng và xã Cổ Bi nói chung. Chính vì vậy, đình luôn được giữ gìn, bảo quản
khá tốt, kiến trúc và cảnh quan cơ bản còn nguyên vẹn. Di tích ở riêng biệt
phía trước có tường bao quanh, đình được tiểu ban quản lý di tích thôn cử người
trông nom nên di tích khá khang trang, sạch đẹp, thường xuyên được tu bổ, tôn tạo
với nguồn kinh phí xã hội hoá từ nhân dân là chính.
Hàng năm, nhân dân thôn Vàng đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ
đến vị thần có công với dân, với nước theo lịch trình:
Ngày 24 tháng giêng: sửa lễ, khép ấn.
Ngày mồng 5 tháng 2: sửa sang bao sái.
Ngày mồng 6 tháng 2: tổ chức rước nước.
Ngày mồng 7 tháng 2: hội chính.
Ngày 10 tháng ba: sửa lễ tế ngày thần hoá.
Ngày 14 tháng 8: mở hội lễ.
Sự hiện diện của di tích đình thôn Vàng cùng với các di vật
giá trị đã là những trang sách sống động góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay
và mai sau tình yêu quê hương, biết trân trọng, bảo vệ và giữ gìn tài sản quý của
địa phương đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá lớn của Thủ đô, của đất nước.