Đình Thư Cưu, Thôn Thư Cưu, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội, là tên thường gọi của di tích, kèm theo địa danh của địa phương là làng Thư Cưu. Đình thờ phụng vua An Dương Vương Thục Phán.
Năm 1962, do tác động của thời gian và ảnh hưởng của chiến
tranh, đình đã bị sập đổ hoàn toàn. Từ năm 1992 đến năm 2008, chính quyền và
nhân dân địa phương đã xây dựng từng phần để có được ngôi đình như ngày nay.
Đình Thư Cưu
Đại đình có diện tích 255m2 , mặt bằng công trình hình chữ
“Đinh” với tiền đường 3 gian 2 dĩ, đao 4 góc mái và có cột đá đỡ, các góc mái
đao, hậu cung 3 gian và gian cuối hậu cung là tường hồi bít đốc. Kết cấu công
trình là hệ móng, tường bao che xây gạch, mặt tường trước để mộc không trát,
các mặt khác đều trát vữa.
Ngay sau hệ cửa bức bàn là bức võng được chạm lộng với những
hoạ tiết tinh xảo, phía trên là đôi rồng chầu quả cầu lửa, hoa cúc và vân mây
được cách điệu lồng vào nhau. Trần gian chính giữa được ốp 3 lớp, sơn son thếp
vàng và nhiều chi tiết gờ chỉ, phào nổi trang trí. Hai chái bên đốc được hạ lấy
mái chèo xuống hàng cột hiên. Ba gian giữa cửa lối bức bàn bưng kín, hai gian
chái xây gạch chừa cửa sổ chữ thọ.
Hệ vì nóc, cột, cửa tiền đường đều được gia công bằng gỗ táu
mật để mộc, đục chạm tinh xảo theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Hệ vì nóc,
cột hậu cung được gia công bằng gỗ xoan đơn giản.
Đình hiện nay có 03 sắc phong: Sắc phong thứ nhất ngày 20
tháng 4 năm Long Đức thứ nhất Nhuận (1629); Sắc phong thứ hai ngày 18 tháng 11
năm Thành Thái thứ nhất (1889); Sắc phong thứ ba ngày 25 tháng 7 năm Khải Định
thứ 9 (1924).
Sắc phong ở đình Thư Cưu (Cổ Loa) năm Đức Long thứ nhất (1629)
"Sắc phong đức Đại vương An Dương Vương Hiển liệt Khai
cơ Thuận ứng Phu huệ Phổ thí Uy võ Thiên ứng Trợ thuận Chiêu nghĩa Hiển nhân
Hoành văn Thịnh đức Vĩ tích Tuấn công Triệu nghiệp Lương hoá Hữu quốc Hộ dân,
Là hậu duệ của Thục Trung Hoa, có hùng tài trùm Thiên hạ, cầm quân dương oai nỏ
thần, có nhiều mưu lược, có sự nghiệp giúp giữ thế nước vững Âu vàng dài lâu,
hiển ứng linh thiêng trong Việt điện, có nhiều công phù trợ các thời, các đời đều
có điển tích phong tặng. Nay triều kỷ mới thay nên thuận phong tặng thêm. Phong
thêm đức Đại vương An Dương Vương Hiển liệt Khai cơ Thuận ứng Phu huệ Phổ thí
Thành võ Thiên ứng Trợ thuận Chiêu nghĩa Hiển nhân Hoành văn Thịnh đức Vĩ tích
Tuấn công Triệu nghiệp Lương hoá Hữu quốc Hộ dân Bính hưu Tuy phỉ. Vậy nên ban
sắc!
Nguyên văn:
"Sắc An Dương Vương Hiển liệt Khai cơ Thuận ứng Phu huệ
Phổ thí Uy võ Thiên ứng Trợ thuận Chiêu nghĩa Hiển nhân Hoành văn Thịnh đức Vĩ
tích Tuấn công Triệu nghiệp Lương hoá Hữu quốc Hộ dân Đại vương, Thục Trung Hoa duệ Thiên hạ hùng tài, cử binh
dương thần nỗ chi uy, a lũ chi kinh doanh, sự nghiệp phù quốc diễn kim âu chi tộ,
Việt điện chi hiển trứ anh linh, cư đa tương hữu chi công, tải cử bao phong chi
điển, vi cải kỷ chính, thuỷ ứng gia phong.
Gia phong An Dương Vương Hiển liệt Khai cơ Thuận ứng Phu huệ Phổ thí
Thành võ Thiên ứng Trợ thuận Chiêu nghĩa Hiển nhân Hoành văn Thịnh đức Vĩ tích
Tuấn công Triệu nghiệp Lương hoá Hữu quốc Hộ dân Bính hưu Tuy phỉ Đại vương. Cố
sắc!"
Thư Cưu là làng rất nhỏ, trước Cách mạng chỉ có chưa đầy 40
gia đình, tất cả đều mang họ Nguyễn. Tuy nhiên, theo tấm bia lập năm Vĩnh Thịnh
thứ 15 (1719) còn lưu ở chùa thì vào thời điểm này, làng đã là một xã độc lập.
Đầu thế kỷ XIX, làng chỉ còn là một thôn thuộc xã Lương Quán, tổng Cổ Loa, huyện
Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ 1831 trở đi là tỉnh Bắc Ninh). Đến đầu
những năm 30 của thế kỷ XX, làng lại tách ra thành một xã.
Dân làng xưa kia làm ruộng là chính. Cả làng chỉ có 86 mẫu
ruộng, phần lớn là ruộng công, dành vào việc tế lễ và bán thuê, lấy tiền dùng
vào các việc chung.
Làng có nghề làm bỏng mật. Tục truyền, nghề này có từ thời
Thục An Dương, làng chuyên lo hậu cần cho triều đình và binh lính. Thường thì,
từ sau hội tháng Giêng, khi đã làm lễ tiến bỏng lên An Dương Vương ở đình Cổ
Loa, việc làm bỏng mới bắt đầu. Thóc làm bỏng là từ nếp cái hoa vàng, thường
mua ở làng Dục Tú, hạt thóc khi rang lên nổ bỏng đều và to. Thóc được rang
trong một chảo to nên phải đắp lò, đáy chảo tráng qua một lượt mỡ để thóc không
cháy, lại nhanh nổ bỏng.
Lấy 10 que tre nhỏ như que tăm bó chụm lại làm que để khua
thóc trong chảo cho nóng đều, đầu bó que chấm một lớp mỡ. Khi thóc nổ hết bỏng
đem ra giần, mẹt xảy hết trấu, trộn với một ít lạc đã rang, rồi hòa với nước mật
(thường là mật ở vùng Mai Lĩnh, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây). Tỷ lệ mật trộn
theo phụ thuộc một trong ba loại bỏng được làm ra:
- Bỏng thửa: làm cho những người đến đặt để đi lễ hoặc có
công việc lớn. Loại bỏng này thường nhiều mật và có thêm thảo quả cho thơm.
- Bỏng nặng: loại bỏng thứ hai, ít mật hơn loại bỏng thửa và
không có thảo quả.
- Bỏng nhẹ : ít đường mật, không có thảo quả và lạc.
Trộn mật xong cho vào khuôn ép thành các khối bỏng có kích
thước 37 x 10 x 10 cm.
Trước Cách mạng, do không đủ ruộng đất để cày cấy, ruộng lại
chỉ cấy được vụ mùa nên hầu hết các gia đình đều làm bỏng để có thu nhập. Một
gia đình trong một ngày làm một xó thóc (khoảng 8 kg) và bán hết hàng thì được
lãi khoảng 5 kg gạo, đủ lương thực và có thêm tiền chi tiêu, lại tận dụng được
sức lao động của cả gia đình trong nhiều tháng làm nghề (từ tháng Giêng đến hết
tháng Ba). Bỏng làm xong, phải gánh bỏng đi khắp các chợ trong vùng (trong vòng
bán kính 20 km) để bán, như chợ Sọ (Phù Lỗ), chợ Núi (Sóc Sơn), chợ Chờ (Yên
Phong, Bắc Ninh), chợ Me, chợ Giầu (Từ Sơn, Bắc Ninh), thậm chí ra cả chợ Bưởi
(Hà Nội).
Do là làng nhỏ nên xưa kia Thư Cưu không chia thành các xóm
và giáp. Trai đinh trong làng lần lượt làm nghĩa vụ theo tuổi tác. Làng không có lệ
nuôi lợn thờ.
Ngôi đình được sửa lại từ ngôi đình lá vào năm Vĩnh Thịnh thứ
15 (Kỷ Hợi, 1719). Xưa kia, đây là ngôi đình 5 gian nối với hai gian hậu cung,
nhìn hướng Nam. Lúc đầu đình ở vị trí hiện nay, sau đó được chuyển về cổng
làng, rồi lại được chuyển về vị trí hiện tại. Cả hai lần chuyển đều không rõ thời
điểm. Mới đây đình đã hoàn thành việc trùng tu.
Làng có chùa Linh Quang, hiện trong chùa chỉ còn hai tấm bia
muộn nên không thể cho biết quá trình xây dựng và tu bổ chùa. Tấm bia thứ hai
“Linh Quang tự hậu Phật bi” mới lập ngày mồng một, tháng Chạp năm Bảo Đại thứ
chín (1934) có nội dung ông Nguyễn Văn Xuân và vợ là bà Nguyễn Thị Đàm xuất 20
đồng và 1 sào 10 thước ruộng cho chùa để được chùa cúng giỗ.
Trước Cách mạng, làng Thư Cưu kết nghĩa với hai làng Lương
Quán và xóm Thượng (làng Cổ Loa). Việc kết nghĩa của làng vì hai lý do: với
làng Lương Quán, do làng này thường xuyên giúp đỡ về mặt rước hội và tổ chức
đám tang; còn với xóm Thượng là xóm cận cư, cận canh nên luôn giúp Thư Cưu
trong việc việc bảo vệ an ninh và tổ chức tang lễ.
Đình Thư Cưu được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Di tích
lịch sử cấp tỉnh, thành phố ngày 01 tháng 6 năm 2011.
TS. Bùi Xuân Đính