Đình Thượng, xã An Châu, Sơn Động thờ phụng Thành Hoàng làng là thần Cao Sơn đại vương, thần Qúy Minh đại vương, có công giúp vua Hùng thứ 18 (thời vua Hùng Duệ Vương) dẹp giặc giữ nước và đức ông Vi Đức Huân.
Đình Thượng (xưa có tên là đình làng Ngùm) thuộc thôn Thượng,
xã An Châu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Năm 2010, đình Thượng đã
được công nhận là di tích lịch sử văn hoá.
Đây là ngôi đình cổ được xây dựng từ lâu đời, là nơi sinh hoạt
văn hoá tín ngưỡng của người dân thôn Thượng và là một trong nhiều điểm di tích
tiêu biểu của huyện miền núi Sơn Động.
Thần chủ
Đình Thượng thờ Thành Hoàng làng là thần Cao Sơn đại vương,
thần Qúy Minh đại vương. Thành Hoàng Cao Sơn và Quý Minh còn có tên gọi là Nguyễn
Sùng và Nguyễn Hiển, có công giúp vua Hùng thứ 18 (thời vua Hùng Duệ Vương) dẹp
giặc giữ nước.
Nhân dân thôn Thượng, cùng với các địa phương khác trong tỉnh
Bắc Giang với tấm lòng ngưỡng vọng đã lập nên ngôi đình thật khang trang để phụng
thờ hai vị.
Đình Thượng còn phối thờ Vi Đức Huân, người có công với địa
phương. Căn cứ vào cuốn gia phả họ Vi viết bằng chữ Hán “Vi tộc gia phả” được lập
vào năm “Thành
Thái lục niên, tuế thứ Giáp Ngọ cát nhật sao Vi thế gia dĩ truyền”
(năm 1894), cho biết: Vi Đức Huân là người ở tổng Vạn Phân, huyện Đông Thành,
phủ Diễn Châu, xứ Nghệ An (nay thuộc tỉnh
Nghệ An); về sau Vi Đức Huân lên châu Sơn Động sinh sống, do có nhiều công
lao giúp nhân dân tạo dựng thôn bản, phát triển kinh tế... khi ông mất, để tưởng
nhớ, nhân dân địa phương phối thờ ông tại đình Thượng.
Di tích
Nhìn bề ngoài, đình Thượng là một công trình kiến trúc có
quy mô lớn, bề thế so với các thôn, bản khác trên đất Sơn Động. Đình ngoảnh mặt
về hướng tây nam, được coi là hướng thuận về phong thuỷ “tả thanh long, hữu bạch
hổ” phía bên trái đình là đường tỉnh lộ 279, phía trước có dải núi Rông Đền chầu
về.
Đình Thượng nằm trên một thế đất đẹp, xung quanh đình là cây
xanh rợp mát, tạo cảnh quan thoáng đãng, mát mẻ nhưng không kém phần trang
nghiêm.
Qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, đình Thượng hiện vẫn giữ được
nguyên vẹn bộ khung kiến trúc mang phong cách tạo dựng thời Nguyễn (đầu thế kỷ
20). Đặc biệt, đình Thượng còn lưu giữ được một số hiện vật cổ quý có giá trị,
như: hoành phi, câu đối bằng chữ Hán, ngai thờ, bát hương, cửa ngõng bằng chất
liệu đá nhám; nổi bật là hệ thống chân tảng đá hình cánh sen thời Trần có giá
trị khoa học và mỹ thuật độc đáo, đây là những chân tảng đẹp mà ít có di tích
còn bảo lưu được.
Lễ thường niên
Nhân dân thôn Thượng duy trì lễ cúng vào các ngày tuần, rằm,
mùng một hàng tháng. Ngày 10 tháng 3 âm lịch, dân làng tổ chức việc làng, dâng
lễ cầu mong mưa thuận gió hoà, dân làng mạnh khoẻ, có đón những phường chèo về
phục vụ nhân dân.