Ngôi đình Thượng Cát thờ thành hoàng làng gồm 3 vị tướng có công lớn trong triều đại của Hai Bà Trưng là Quách Lăng, Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương.
Bản thần phả ở đình làng Thượng Cát có ghi lại việc đầu công
nguyên dân chúng vùng này nổi dậy chống lại chính quyền đô hộ nhà Đông Hán, do
Quách Lãng cùng hai bà Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương lãnh đạo. Sau, họ kéo
quân lên Hát Môn theo hai Bà Trưng, đánh giặc Tô Định, giải phóng đất nước.
Trưng vương lên ngôi, phong Quách Lãng làm Đô Chiêu thảo sứ, phong Đinh Bạch,
Đinh Tĩnh làm Bạch khấu công chúa, cho về trấn giữ vùng Thượng Cát. Khi Mã Viện
kéo quân sang xâm lược, đạo quân do Quách Lãng chỉ huy chiến đấu đến cùng. Hậu
thế nhớ ơn người hy sinh vì nước, cả vùng Thượng Cát thờ Quách Lãng và hai bà
Đinh Bạch, Đinh Tĩnh làm thành hoàng.
Địa chỉ ở phố Châu Đài, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm,
thành phố Hà Nội. Đình có từ thế kỷ 17, căn cứ vào niên đại Vĩnh Tộ 6 (1624)
triều vua Lê Thần Tông, thời Lê Trung hưng, ghi trong đạo sắc phong sớm nhất
lưu giữ được. Đình có từ thế kỷ XVII, căn cứ vào niên đại Vĩnh Tộ 6 (1624) triều
vua Lê Thần Tông, thời Lê Trung hưng, ghi trong đạo sắc phong sớm nhất lưu giữ
được.
Trải qua 4 thế kỷ, hiện giờ trong đình vẫn còn đủ 33 sắc
phong, đạo cuối cùng đề năm Khải Định 9 (1924), thời Nguyễn.
Lại có những câu đối chữ Hán đầy hào khí về triều đại Nhị vua Hai Bà Trưng như:
Thiên phương thụ Sở Bắc kình địch nan dữ tranh phong oanh liệt nhất trường Lãng Bạc hồ vân do tưởng tượng
Nghĩa bất đế Tần Nam nữ vương khả kham cộng sự hưng vong trần tích quân thần giới kệ hợp tuyên bi.
Hoặc:
Thần phả bổ di biên, sử thượng Lạc Hồng truyền dị tích
Quốc kỳ tiêu độc lập, quân tiền tượng mã kỷ nguyên huân.
Đến nay ngôi đình đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, chỉ
riêng bia đá, sắc phong và những cây muỗm cao to đứng vững qua thử thách thời
gian. Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình là Di tích kiến trúc, nghệ thuật
quốc gia vào ngày 22-4-1992. Mặc dù có kinh phí nhà nước hỗ trợ nhưng danh sách
công đức của dân làng và khách thập phương trong mấy lần tu sửa gần đây cũng rất
dài, phải ghi trên hàng chục bia mới hết.
Đình làng Thượng Cát tọa lạc trong một khuôn viên rộng có tường
bao; mặt bằng kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Tam quan gồm 4 trụ biểu xây gạch tạo
thành 3 cổng với những cánh cửa gỗ, phía trên có những mái nhỏ xinh xắn và đầu
đao hơi cong. Cổng giữa đắp hình hổ phù ngậm vành trăng, nhìn về hướng đông-nam
ra hồ đình. Do cứ tôn mãi mặt phố Châu Đài nên bây giờ khi mưa to là sân đình
ngập nước. Ngay phía sau tam quan có một bia đá hình vuông xanh màu rêu, gió
mưa đã bào mòn hết chữ.
Sân đình được che mát bởi 4 cây muỗm cổ thụ, hai bên sân có
hai dãy nhà tả hữu vu. Đại đình rộng 5 gian 2 dĩ, dài đến 30m, sâu chừng 14m.
Nóc gồm 4 mái lợp ngói ta với các đầu đao uốn nhẹ; bên dưới có các cột cái đường
kính 53cm, cột quân 40cm, chân cột kê lớp đá tảng vuông 87x87cm đỡ lớp đá hình
tròn đường kính 60cm. Phía trước là các cửa gỗ bức bàn có chấn song con tiện.
Thềm gian giữa bày đôi sấu đá thời Lê Trung hưng và nhìn ra một phương đình kiểu
2 tầng 8 mái, dựa trên 12 cột vuông thanh thoát.
Bên trong đình vẫn còn hai bộ vì giữa có các mảng trang trí
từ thế kỷ 17. Kẻ chạm nổi đôi rồng nô giỡn, người cưỡi rồng, cưỡi ngựa có tiểu
đồng gánh hành lý theo sau và hình người ngồi trầm ngâm trên mỏm đá.
Bốn bức cốn nách được chạm lộng nhiều lớp với các đề tài rồng
ổ, phượng, long mã, tiên cưỡi rồng lớn chầu mặt trời, đuôi rồng bị một rồng nhỏ
ngậm chặt… . Những bộ vì bên các rường, kẻ, xà được chạm nổi bong kênh với các
hình vân mây, rồng, long mã và cỏ cây hoa lá mang phong cách nghệ thuật thế kỷ
19.
Hậu cung chỉ làm đơn giản với các ván bưng hai mặt bên, phía
trước có cửa bức bàn, trên cửa treo một vòng tròn lớn. Bên trong đặt long ngai,
bài vị của các thành hoàng.
Thượng Cát ở vị trí cực Tây Nam huyện Từ Liêm. Từ đây, ngược
lên là gặp đất Hà Tây, xuôi xuống là Đông Ngạc, Hà Nội, và qua bến đò Kẻ sang
bên kia sông Hồng là đất Yên Lãng, Vĩnh Phúc. Người vùng quê này có câu:
"Một tiếng gà gáy ba tỉnh nghe".
Trong dân gian còn lưu truyền rằng, Thượng Cát cổ xưa là một
vùng đầm lầy, rừng rậm bên sông Hồng, được nhiều đời cư dân Việt cổ đến khai khẩn
lập làng và lấy tên Nôm là kẻ Kẻ, hợp với kẻ Giầy, kẻ Gối... quần tụ thành vệ
làng đông đúc ven sông Hồng.
Từ xưa xa, Thượng Cát đã được mở mang, phát triển, sinh sôi.
Thượng Cát mở mang, phát triển về phía dưới mà có thêm làng Hạ Cát; và phát triển
mở mang về phía đông sông nước mà có thêm làng mới Đông Ba ( "ba" có
nghĩa là sông nước).
Do vậy mà thành ba làng, vào thời Lê, nằm trong xã Thượng
Cát, tổng Hạ Trì, huyện Từ Liêm. Sang thời Nguyễn, làng Hạ Cát đứng riêng thành
một xã và đươc đổi gọi là Đại Cát... Mặc dù có những thay đổi về mặt hành
chính, nhưng trong đời sống văn hóa truyền thống, cả ba làng luôn nằm trong một
vùng quê văn hiến tên Nôm là Kẻ, tên chữ là Thượng Cát. Đây là một vùng quê
danh tiếng của Thăng Long, từ cổ xưa đã có nhiều tài năng xuất chúng cả về võ
công, cả về văn học.
Ngoài ba anh em Quách Lãng, Đinh Bạch, Đinh Tĩnh với công tích từ thời Hai Bà
Trưng, như đã nêu ở trên, ở đây còn dấu tích lịch sử nữa, là bãi đất Quân Thần
Châu (Bãi Vua, tôi).
Đây là nơi phân chia ranh giới của Lý Phật Tử và Triệu Quang
Phục, từ thế kỷ thứ VI. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi việc: khi Triệu
Quang Phục xưng vương, hiệu là Triệu Việt Vương, đã không nỡ cự tuyệt Lý Phật tử,
"bèn cho chia địa giới ở bãi Quân Thần... cho Lý Phật Tử ở phía Tây".
“Quân thần châu” (bãi vua tôi) đường biên giới giữa Thượng Cát (phía trên), Hạ
Cát (phía dưới), nay Hạ Cát đã đổi thành Đại Cát (cát nghĩa là “cắt”).
Dấu vết của đường cắt đó là đường số 70 hiện nay, xưa gọi là
đường thiên lý. Nhà Triệu ở thành Ô Diệp (Hạ Mỗ ngày nay), nhà Lý ở Thượng Cát.
Phật Tử mật cầu khấn ở miếu thờ Quách tướng quân, sau mộng thấy một người cưỡi
ngựa bạch tập tễnh đến nói rằng: “Ngựa của thần bị què, thấy ngài có con ngựa tốt,
nếu ngài đổi thì thần xin âm phù khiến dư đồ được thống nhất”. Khi tỉnh dậy thấy
con ngựa của mình thường ngày cưỡi, tự nhiên chết, cho là rất linh ứng. Sau họ
Lý lấy được móng rồng của Triệu Việt Vương, đuổi nhà Triệu rồi lên ngôi, gọi là
Hậu Lý Nam Đế, truy phong Quách Tướng quân là Linh ứng minh trì Đô chiêu thảo sứ
Quách tướng quân Thượng đẳng thần và tạc hai con ngựa để trong miếu thờ, định
cho trang Thượng Cát thờ phụng. Từ đây về sau, trải các triều Đinh, Lý, Trần,
Lê thỉnh cầu thường linh ứng nên vẫn được gia phong chữ hay lời đẹp để ức năm
hương lửa không cùng.
Địa điểm này, sau là ranh giới giữa Thượng Cát và Hạ Cát. ở
bên Hạ Cát còn một dấu tích lịch sử nữa, gọi là Vườn Hồng, là nơi xưa có nền
nhà cũ của một viên tướng họ Vũ, làm Đại tướng nhà Tây Sơn. Vùng này có quãng
đê Hồ Đồng thường bị rò rỉ, rất yếu, nước lên to là sạt vỡ. Đại tướng họ Vũ có
lần đau bụng nguy kịch, được thầy lang trong làng chữa khỏi, sau đó ông cho
binh sĩ giúp dân đắp cho quãng đê trở nên chắc chắn. Về sau, ông bị Gia Long giết,
dân đã lập đền thờ ông.
Thượng Cát còn có danh tướng Đinh Tuấn, đời Trần, từng chỉ
huy 5 vạn quân chặn giặc Nguyên Mông ở Bạch Hạc. Ông đã hy sinh anh dũng, được
vua Trần phong là Linh thông Đại Vương thượng đẳng Phúc thần.
Có thể nói, hệ thống đình, chùa, đền, miếu của làng Thượng Cát đã được nhân dân
trong vùng gìn giữ, trân trọng, nên được bảo lưu tương đối nguyên vẹn đến hôm
nay. Do có sự chuyển dòng của sông Hồng, nên nhân dân trong làng đã hàng chục lần
đắp lại đê, lui vào đất ruộng. Nhưng cuộc sống ở đây vẫn kiên cường, trụ vững.
Đình Thượng Cát tọa lạc trên thân đất ngay bên chân đê, nơi được gọi là Dốc
Đình.
Theo tấm bia trụ ở trước cửa đình, ngôi đình được dựng vào
ngày tốt tháng Trọng Đông (tháng 11 âm lịch) năm Chính Hòa thứ mười, 1789. Hiện
còn lưu giữ ở đình 33 đạo sắc phong của các vua thời Lê, Nguyễn và Tây Sơn; còn
đội sấu đá tạo tác từ thời Lê và những long ngai, hoành phi, câu đối có giá trị
văn hóa lịch sử. Chùa làng Thượng Cát tọa gần đình làng, tên chữ là Kỳ Vũ Tự.
Xa xưa, chùa có tên Cổ Giá, là ngôi chùa lớn và cổ kính, một di tích tôn giáo rất
quý. Chùa được xây dựng quy mô vào năm Vĩnh Tộ thứ hai, 1620.
Hiện nay chùa còn lưu giữ tấm bia đá dựng năm 1620 ghi dựng
việc xây chùa, 4 tấm bia hậu một khánh đồng, nhiều câu đối, hoành phi và đồ thờ
có giá trị. Đặc biệt hơn là 51 pho tượng tròn tạo tác theo nghệ thuật chạm khắc
thế kỷ XVII, XVIII, thiếp vàng lộng lẫy cùng quả chuông đồng. Chuông chùa Kỳ Vũ
được tạo tác năm Thịnh Đức thứ ba, 1655, cao 136 cm, đường kính lớn 72 cm, có
sáu núm gõ, quai chuông tọa hình đôi rồng đấu đuôi vào nhau rất sinh động, tinh
sảo.
Chuông chùa Kỳ Vũ là một di vật cổ và thật quý hiếm của Hà Nội. Bài Minh khắc
trên chuông có đoạn: “Thượng Cát, phía Nam có sông nước, núi chầu, thời nào
cũng có người làm tướng đỗ đạt cao. Phía Bắc có dải sông uốn lượn, bến chợ ngựa
xe tấp nập. Phía Đông là lỵ sở của hai Ty, bên ngoài tụ tập nhiều quan chức.
Phía Tây có vọt cao lên ngọn Tam Đảo chầu về, trước có lâu đài xán lạn, cơ hồ
thu nhập một bầu thế giới. Nơi đây anh linh, khiến mọi người thảy đều tôn kính
phụng thờ...”
Hai Ty mà bài Minh nói tới là Thừa Ty và Hiến Ty của trấn
Tây Sơn, thời nhà Mạc. Từ bốn, năm thế kỷ trước, đây là nơi sinh sống và làm việc,
giao lưu của không ít quan lại thân vương, quận chúa và cả các thương gia nước
ngoài... Thượng Cát nằm bên sông Hồng, có các đầu mối giao thông quan trọng,
nên nhiều điều kiện phát triển kinh tế sớm.
Bến Kẻ xưa kia nổi tiếng sầm uất, trên bến dưới thuyền, là
nơi tập kết nhiều nông thổ sản từ miền ngược chuyển về, rồi từ đây về Thăng
Long. Dân Thượng Cát giỏi canh tác lúa đồng và làm màu ngoài bãi. Ngoài sản xuất
nông nghiệp, ở đây từ xưa đã có nghề ép dầu, nghề làm đậu phụ; nghề thêu cũng
có từ nhiều đời trước, ba mươi năm trở lại đây đang phát triển mạnh.
Làng Thượng Cát còn có một di tích rất đáng kể, là đền Tam Thánh, tọa lạc trên
một bán đảo nhô ra giữa hồ, ở phía trước cửa đình cũ làng, nép dưới bóng rợp
cây cổ thụ.
Xưa kia, vốn chỉ là một am nhỏ, đến năm Thành Thái thứ tư,
1892, các nho gia địa phương đã mở rộng thành đền Tam Thánh, đồng thời lập nên
Hội Thiện. Trong đền, hiện còn 42 pho tượng thần của ba tôn giáo Nho, Phật,
Lão. Trên ngôi vị cao nhất là tượng của Lạc Long Quân và Âu Cơ, hai vị tổ của
dân tộc Việt. Nho giáo, có tượng Đức Khổng Tử, Phật giáo có tượng Đức Thích Ca,
Bồ tát Quan Âm, Từ Đạo Hạnh...Lão giáo có tượng Thái Thượng Lão Quân, Hưng Đạo
Đại Vương và vợ là Trần Nguyên Phi được phối thờ, rồi 12 pho tượng Tiên đồng,
Ngọc nữ, Thánh mẫu...
Đền Tam Thánh còn giữ được quả chuông đồng từ thời mới dựng.
Năm 1907 nhiều nhà nho Thượng Cát tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, đền thành nơi
hội họp, đọc và bình giảng văn thơ yêu nước. Đông Kinh Nghĩa Thục bị đàn áp,
các nhà nho tiêu biểu của Thượng Cát như Trần Thúy, Đàm Văn Tuyên, Nguyễn Văn Bảo
bị chính quyền thực dân bắt giữ. Ông Trần Thúy bị đày ra Côn Đảo. Một thời gian
sau, những người đứng đầu Hội Thiện, tiêu biểu là ông Đàm Hiến Chương, đã mở lớp
học tại đền Tam Thánh, dạy chữ cho con em các gia đình nghèo trong làng...
Cho đến nay, Hội Thiện ở Thượng Cát vẫn hoạt động với các nội
dung khuyến thiện và khuyến học, thất sự trở thành một nét đẹp truyền thống của
vùng quê cổ kính và giàu truyền thống văn hóa này.
Đình Đông Ba
Sinh thành tướng mệnh phù vua đuổi giặc ghi trang
sử
Hóa hiển thần thiêng giúp nước cứu dân tạc lưu truyền
Đó là câu đối ở đình Đông Ba, xã Thượng Cát, Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội
20km về phía tây bắc. Tại đây thờ ba võ tướng của Hai Bà Trưng là Quách Lãng,
Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương. “Thành Hoàng Duệ Tích xã Thượng Cát” soạn từ
đời Hồng Đức (1470) lưu tại đình cho biết rất rõ sự tích này.
Đình Đông Ba nay đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di
tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 22-4-1992, gồm cổng, tả hữu mạc, phương đình, đại
bái, hậu cung. Thời gian khởi dựng chưa rõ, nhưng cũng phải gần với năm ra đời
cuốn thần phả của đình (khoảng năm 1470), trùng tu thời Tự Đức (1871) và Thành
Thái (1902). Kiến trúc ngày nay là phần còn lại từ hai lần trùng tu này và đợt
dựng đại bái khánh thành 9-2 - Bính Tuất - 2006 do nhà nước và nhân dân đóng
góp xây dựng. Kiến trúc và điêu khắc của đình là kết cấu vì gỗ cổ truyền và các
mảng chạm tứ linh trên cốn mê và hoa lá cách điệu. Bên trong có kiệu bát cống,
đồ tế khí từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, tượng tướng quân, mũ quan võ,
đôi hia. Một trong các câu đối cổ ghi:
Giặc Bắc đến nhà vì nước đuổi thù ba kiệt tướng
Trời Nam có chủ cõi bờ giữ dựng một Vua bà
Đình đã được các triều vua ban 32 đạo sắc phong, hiện còn giữ được 13 đạo. Hằng
năm vào ngày sinh Quách Lãng, 6 tháng Hai âm lịch, dân dùng xôi, rượu, thịt
trâu, bò, ca hát đấu vật; mồng 1 tháng 11, ngày hóa, lễ dùng lợn đen, xôi rượu;
và 7 tháng Giêng, ngày sinh của hai vị công chúa Bạch - Tĩnh lễ cúng vui ca
hát, dùng lợn đen, xôi rượu; ngày 10 tháng Ba ngày hóa lễ hội ca hát thi bơi
thuyền. Ngày Khánh hạ (vui mừng) 10 tháng 8 lễ dùng trâu, bò, xôi, rượu, vui ca
hát.
Nơi đây gắn liền với tinh thần quật cường của dân tộc ta từ
buổi sơ khai, nên người dân có nguyện vọng trùng tu xây dựng tiếp tảo mạc, hậu
cung, cổng để hoàn thiện quần thể khu đình đẹp đẽ như buổi ban đầu.