Đình Thượng, đình Hạ thuộc thuộc thôn Khảm Lâm, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Đình Thượng tọa lạc ở đầu làng, đình Hạ ở cuối làng. Cả hai di tích này đều thờ thành hoàng làng là: Công chúa Quế Hoa, Đức Thánh Cả Đỗ Lang, Đức Thánh Hai Thiện Sỹ.
Theo cuốn thần phả Phúc Lâm do Hàn lâm Lễ bộ Đông các Đại học
sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572). Thời Lưỡng Hán, có người họ
Đặng, tên huý là Vận được phong chức Tư ấm kết hôn với người cùng quận là con
gái họ Tạ, tên là Cẩn. Hai vợ chồng luôn luôn tích thiện, không nghĩ đến tư lợi.
Hai vợ chồng đã ngoài bốn mươi mà chưa có con trai, nên nhận người cháu là Đỗ
Lang về nuôi.
Thời gian sau, ông bà sinh được một người con trai, đặt tên
là Thiện Sỹ. Năm Thiện Sỹ 18 tuổi, cha mẹ đều qua đời, ba năm chịu tang đã vẹn
tròn đạo hiếu. Khi ấy, Giao Châu là vùng đất phì nhiêu mà lễ giáo thì chưa thật
rõ ràng. Bấy giờ, tù trưởng các châu làm loạn khiến lòng dân không yên.
Hoàng đế phong cho Thiện Sỹ chức Đại tư đồ, gia phong tước
Quận công, sắc cho dẫn binh lên đường dẹp loạn. Thiện Sỹ giao cho Đỗ Lang điều
hành trang Phú Lâm và dạy dân công việc nông tang canh cửi. Rồi ngài chia quân
thành nhiều đạo chiếm cứ các nơi xung yếu, sau đó viết thư dụ hàng với lời lẽ
nhân nghĩa.
Loạn quân thấy vậy, cảm phục hiểu ra, đã cởi giáp quy hàng.
Vào tuổi bảy mươi, một hôm ngài Thiện Sỹ đang ngồi trong phủ đường, chợt có ánh
hào quang màu tía từ trong người phát ra, bay lên trời biến mất. Đỗ Lang thay
ngài cai quản công việc trong phủ.
Tới đời Đông Hán Đế, Đỗ Lang được phong chức Đô hộ. Khi
Vương Mãn làm loạn, Đỗ Lang cầm quân trấn giữ môn quan, rồi đem quân tới Sơn
Nam. Thế giặc mạnh, Đỗ Lang rút quân về trang Phú Lâm, trú quân tại đền thờ thần
và làm lễ bái yết. Đêm ấy, tại đền thờ, Đỗ Lang mông lung giấc ngủ thấy một người
tự xưng là Công chúa Quế Hoa ở miếu trang Phú Lâm, vốn là con Thiên đế. Đỗ Lang
tỉnh dậy mới biết đó là mộng.
Ngay trong đêm ấy chợt thấy quân của ngài đang phòng ngự tại
ấp ngoài trở về cấp báo quân Vương Mãn đang vây hãm, tình thế vô cùng hiểm
nghèo. Ngài lập đàn cẩu khẩn Công chúa Quế Hoa rồi hoá bên sông, sóng dậy cuồn
cuộn, một con giao long hiện lên làm quân giặc hoảng sợ mà rút chạy.
Đình Thượng bố cục theo kiểu chữ “nhất”, phía trước có sân
đình, hàng cây cổ thụ, xa xa là dòng sông Đáy. Đại bái đình là một tòa nhà dọc
được làm theo kiểu tiền đạo hậu đốc với 3 mái chảy lợp ngói ri. Bờ nóc đắp bờ
đinh, bờ dải có xây giật cấp.
Đại bái được chia làm 3 gian chính không đều nhau. Tương ứng
với các gian là các bộ vì đỡ mái được làm khác nhau: bộ vì mái đao được làm
theo kiểu ”Thượng ván mê, hạ cốn mê bẩy”. Ván mê là một tam giác cân có hai cạnh
huyền được cắt khúc đỡ hoành thượng, trung tâm ván mê được chạm mặt hổ phù. Mặt
hổ phù được chạm một cách tinh xảo, mắt lồi, sừng nai tại thú, mũi sư tử miệng
ngậm chữ “thọ”.
Phần hạ là hai bức cốn được làm theo kiểu tam giác cân có cạnh
huyền được cắt khấc đỡ hoành hạ, trong lòng tam giác cân được chạm nổi, chạm
bong kênh các tích tứ linh, chạm nổi hình long cuốn thuỷ. Nghệ thuật tạo tác tỉ
mỉ mang phong cách thế kỷ XIX.
Hai bộ vì tiếp theo được làm theo kiểu “Kèo, kẻ, bẩy” trên mặt
bằng 4 hàng chân cột. Gian chính giữa có 3 cửa bức bàn, đặt một hương án gỗ chạm,
sơn son thếp vàng, phía trên bày đồ thờ tự, 2 bên có đôi hạc và bộ bát bửu.
Phía trên treo một bức hoành phi gỗ chạm 4 chữ Hán.
Đình Hạ kết cấu theo kiểu chữ “nhị” bao gồm các hạng mục
công trình: Đại bái, Hậu cung, Tả mạc. Đại bái là ngôi nhà 5 gian, 2 mái tường
xây hồi bít đốc lợp ngói ri. Nhìn bên ngoài, bờ nóc đắp bờ đinh, chính giữa bờ
nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp hai con rồng Makara ngậm bờ
nóc, bờ dải đắp bờ đinh.
Cuối bờ dải xây giật cấp kiểu tay ngai. Bên trong toà Đại
bái tương đương với năm gian là 6 bộ vì được làm thống nhất theo một kiểu “kèo
kẻ quá giang trốn cột”, toàn bộ kết cấu mái được chịu lực trên quá giang. Từ Đại
bái qua một khoảng sân rộng lát gạch bát cổ là tới toà Hậu cung 5 gian nhà
ngang, tường xây hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri.
Nhìn bên ngoài, bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đinh, chính giữa bờ
nóc đắp mặt trời, hai đầu bờ nóc đắp hai đầu định và hai con rồng ngậm bờ nóc.
Cuối bờ dải xây giật cấp kiểu tay ngai.
Trong tòa đại bái, các bộ vì đỡ mái được làm cùng một kiểu
kèo kẻ quá giang trốn cột. Các cấu kiện gỗ được bào trơn đóng bén tiết diện
vuông, thiên về độ bền chắc tạo không gian thoáng mát cho nơi thờ thánh, không
chạm khắc trang trí cầu kỳ.
Hiện nay đình Thượng và đình Hạ còn lưu giữ: 1 hoành phi, 2
bát hương gốm, 2 bộ long ngai bài vị chạm rồng mang phong cách nghệ thuật thời
Nguyễn, 1 kiệu rước văn.
Lễ hội của làng được tổ chức vào ngày 6 tháng 03 âm lịch hằng
năm.
Cụm di tích đình Thượng, đình Hạ đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp
hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2005./.
Theo Hà Nội Danh thắng
và Di tích tập 02