Đình Thượng Mạo thuộc phường Phú Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, thờ phụng Thành hoàng làng là ông Ban Táp, đã có công phò triều đình đánh giặc nhà Lương từ phương Bắc sang xâm lược Đại Việt.
Theo các cụ già trong làng kể lại, đình Thượng Mạo nguyên là
một thảo am nhỏ, đến thế kỷ XVIII được xây dựng quy mô to lớn như ngày nay. Trên câu
đầu có ghi niên đại khởi dựng là năm Cảnh Hưng 24 (1763), đến năm Gia Long 15
(1816) được trùng tu lớn.
Kiến trúc của ngôi đình mang đậm dấu ấn của thời Lê - Nguyễn.
Ngôi đình có kết cấu theo kiểu chữ “đinh”, bao gồm các công trình như Phương
đình, nhà Tả Hữu mạc, Tòa Đại bái và Hậu cung.
Phương đình là ngôi nhà khối vuông, kích thước 7,3m x 7,3m
có 4 cột chính bằng gỗ cao 4,2m, đường kính 0,3m. Xung quanh là 12 cột quân. Kiến
trúc gồm các bộ vì góc làm theo kiểu “chồng rường”. Các bức cốn chạm rồng, phượng,
chữ triện, hoa chanh, quả đào... Trên bờ nóc, bờ dải trang trí lưỡng long quán
nhật. Rồng to, mạnh mẽ mang phong cách thế kỷ XIX.
Tòa Đại bái là ngôi nhà chính của đình, được xây theo kiểu
chữ Đinh, chiều dài 10m, 3 gian hai chái. Các bộ vì làm theo kiểu thức truyền
thống “chồng rường”. Trên các bộ vì còn giữ được 16 bức cốn. Những bức cốn vì
gian giữa được trang trí bằng các mảng chạm khắc tích tứ linh, các bức cốn ở vì
gian bên được chạm khắc tích tứ quý, xung quanh chạm triền tầu lá dắt.
Trong đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý như hương án chạm
tứ linh, 4 tượng phỗng có niên đại thế kỷ XVIII, long ngai thế kỷ XVIII, choé sứ
men lam thời Thanh, 2 lọ lục bình và nhiều đồ thờ với nghệ thuật chạm khắc thời
Nguyễn.
Đình Thượng Mạo thờ Thành hoàng là ông Ban Táp, đã phò giúp
triều đình đánh giặc nhà Lương từ phương Bắc sang xâm lược. Theo cổ sự, danh tướng
Ban Táp đã về trang Thượng Mạo lập đồn luỹ chống giặc. Thắng trận, ông về triều
đình dâng tấu, sau đó về ban thưởng cho dân làng 5 giỏ vàng để mua ruộng và dựng
hành cung. Sau khi ông hoá, dân làng Thượng Mạo nhớ công đức của ông Ban Táp,
đã tôn vinh ngài là thành hoàng làng, vị phúc thần bảo vệ nhân dân và xóm làng. Đình Thượng Mạo đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di
tích kiến trúc nghệ thuật năm 1986./.