Di tích Lịch sử Văn hóa cấp thành phố Đình Thượng (đình Cả), thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng thờ Sơn Nam Thái Thú Thượng đẳng phúc thần Phạm Huấn. Vị danh tướng đã cùng 3 anh em phò giúp vua Lê Hoàn đánh bại quân xâm lược Tống trên sông Bạch Đằng.
Đình Thượng còn có tên gọi là đình Cả, nằm trên địa bàn Tổ
dân phố Văn hóa Hàm Long, thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải
Phòng. Cùng với chùa Hàm Long - Tổ dân phố Văn hóa Hàm Long; Đền Bà Đồng (Vũ Miếu
linh từ) - Tổ dân phố Văn hóa Đà Nẵng; đền Phò Mã (đền Dẹo) - Tổ dân phố Văn
hóa Bạch Đằng II; chùa Linh Sơn, đình Dẹo Sơn - Tổ dân phố Văn hóa 25/10, đây một
trong những địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cộng đồng trên địa bàn thị
trấn Núi Đèo.
Đình Thượng vốn thuộc xã Thủy Đường, xưa thuộc tổng Thủy Tú,
phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Ngày 18/3/1986, có sự phân tách một phần diện
tích, dân cư của xã Thủy Đường và xã Thủy Sơn để thành lập thị trấn Núi Đèo, phần
đất đình Thượng đứng chân nằm trên địa phận diện tích chia cắt nên thuộc về thị
trấn Núi Đèo.
Tuy nhiên, để tiếp tục bảo tồn, lưu giữ những phong tục nền
nếp cũ nên mọi sinh hoạt tế lễ, lễ tiết diễn ra tại đình Thượng vẫn do các cụ
cao niên có kinh nghiệm người gốc Thủy Đường đảm trách.
Đình Thượng nằm trong khuôn viên rộng 1.690m2, tương truyền
đình được khởi dựng vào thế kỷ thứ X; qua nhiều lần tu sửa, lần gần đây nhất đã
thực hiện trùng tu lại toàn bộ Hậu cung của ngôi đình.
Kiến trúc của đình mang đậm nét kiến trúc của đình Việt Bắc
bộ, Tiền tế với 5 gian, lợp ngói vẩy cá cổ kính. Đặc biệt, tại đình hiện còn
lưu giữ được 04 đạo sắc phong vào các năm 1846, 1880, 1909, 1924 còn tương đối
nguyên vẹn, qua đó góp phần khẳng định thêm giá trị của di tích và vị trí của đức
Thành hoàng được thờ.
Đình Thượng thờ Sơn Nam Thái Thú Thượng đẳng phúc thần Phạm
Huấn. Theo thần phả xã Thủy Đường, vào thế kỷ thứ X tại trang Thủy Đường có nhà
họ Phạm, gia đình nền nếp, gia phong. Qua 2 lần sinh nở được ba trai, một gái
(vẫn được dân gian gọi là “nhị bào song thai sinh tứ tử”); lần lượt đặt tên là
Phạm Quang, Phạm Nghiêm, Phạm Huấn và Phạm Thị Cúc Nương.
Năm Phạm Quang, Phạm Nghiêm được 18 tuổi, Phạm Huấn và Phạm
Thị Cúc Nương 15 tuổi, phụ mẫu họ Phạm mất. Sau khi tiến hành chôn cất cho cha
mẹ, bốn anh em biết cách bảo ban, đùm bọc nhau sinh sống nên được dân làng yêu
mến, giúp đỡ.
Khi quân Tống sang xâm lước nước ta, Lê Hoàn trực tiếp cầm
quân đánh địch. Khi vua qua trang Thuỷ Đường được nhân dân đón tiếp chu đáo. Với
sự tiến cử của các bô lão trong trang, bốn anh em được nhà vua trọng dụng, cho
cầm quân đi đánh giặc.
Nhờ tài thao lược, lại am hiểu địa hình sông nước nên cả bốn
anh em đều lập nhiều chiến công. Thắng trận trở về, cả bốn anh em đều được nhà
vua ban thưởng. Sau người anh cả Phạm Quang được phong là "Đại Tướng
Quân", anh hai Phạm Nghiêm là "Trung Hoa Tể Tướng", anh ba Phạm
Huấn là "Sơn Nam Thái thú” và Phạm Thị Cúc Nương là "Mẫu nghi Thiên Hạ".
Sau khi đất nước thanh bình, bốn anh em cùng xin nhà vua cho
trở về quê hương, chiêu dân khai khẩn đất hoang, mở mang xóm làng, làm nhiều việc
thiện nên được nhân dân rất mực nể trọng.
Khi họ mất nhân dân đã lập đình, miếu thờ tự, quanh năm
hương khói thâm nghiêm; đó là các di tích: Miếu Thủy Tú - xã Thủy Đường thờ người
anh cả Phạm Quang; Đình Chiếm Phương - xã Hòa Bình thờ người anh thứ hai Phạm
Nghiêm (ngoài ra, vị này còn được thờ ở đình Lương Kệ (Lương Đường) - xã Hòa
Bình); Đình Trung - xã Thủy Đường thờ Phạm Huấn; Đình Thượng - thị trấn Núi Đèo
thờ Phạm Thị Cúc Nương.
Đình Thượng đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xếp
hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa theo Quyết định số 2175 QĐ-UB ngày
07/11/2007./.
Phòng VH&TT TH