Đình Thụy Phiêu theo thần tích là nơi Sơn Thánh Tản Viên đánh bại thần Thủy Tinh, dân địa phương tôn kính dựng miều thờ cả Tam Thánh Tản Viên, ngai của đức Sơn Thánh Tản Viên là chủ vị.
Đình Thụy Phiêu có từ năm 1531, nơi Thờ phụng Tản Viên Tam
Thánh, thuộc thôn Thụy Phiêu, xã Thụy An, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội. Đình
được xếp hạng Di tích quốc gia 2001.
Lược sử
Ngôi đình Thụy Phiêu được xây dựng cách nay gần 500 năm và
đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia từ năm 2001...
Tọa lạc trên một gò đất cao ở đầu thôn Thụy Phiêu (hay còn gọi
là làng Nhang Phiêu) thuộc xã Thụy An, đình Thụy Phiêu nằm tựa lưng vào núi Ba
Vì, trông ra đầm Đượng.
Trên phần đầu của cây cột cái bên gian trái của
đình có khắc 3 dòng chữ: “Thôn Đông, giáp Nam. Đại Chính nhị niên. Tân Mão
niên, thập nhị nguyệt, sơ thất nhật, tu lý” (nghĩa là: “Giáp Nam, thôn Đông, sửa
ngày mùng 7 tháng 12 năm Tân Mão, niên hiệu Đại Chính năm thứ 2 (1531)”
Làng Thụy Phiêu trước kia thuộc xã Thụy Phiêu, tổng Thụy
Phiêu, châu Minh Nghĩa, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây; ngày nay thuộc xã Thụy
An, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Đây là một ngôi làng cổ với tên cũ Nhang Phiêu. Khi đảo
ngói đình, dân làng đã phát hiện được một viên ngói có ghi niên đại từ thời
Mạc, cho thấy đây là một trong 3 ngôi đình cổ nhất của xứ Đoài.
Nhiều ngôi đình dưới chân núi Ba Vì thường nhìn về đỉnh
núi này nhưng đình Thụy Phiêu lại tựa lưng vào núi và quay mặt ra Đầm Đượng
ở hướng Đông - Đông Bắc.
Theo truyền thuyết Đầm Đượng là nơi đã diễn ra một trận
đánh lớn giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Thủy Tinh thua, tàn quân chạy tán loạn
thành 16 ngả, nay còn dấu vết là Vết tích hiện còn đó là một hồ nước lớn và khá
dài trước sân đình, các dòng sông suối lớn nhỏ chảy quanh nơi đây.
Phía trước đình là một hồ nước khá rộng. Hồ cùng với các thửa
ruộng trũng hàng năm thường vẫn bị ngập nước trong mùa mưa kéo liền thành một
dải và minh chứng như vết tích của một dòng chảy cổ. Trong đình có ngai thờ
và bài vị Thành hoàng làng và Tản Viên Sơn Thánh là thần chủ núi Ba Vì.
Sân đình Thụy Phiêu. Panorama ©NCCong 2019
Kiến trúc
Đình Thụy Phiêu tọa lạc trên một gò đá ong ở đầu làng,
diện tích xây khoảng hơn 1000m2. Theo văn bia “Thụy Phiêu xã đình bi” soạn
năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) thì thời Tây Sơn đình đã gồm có các bộ phận đại
đình và tả–hữu vu (nhưng rồi mất và bị xây tường bao). Sau đó còn có các
đợt đại trùng tu vào năm 1655, 1863, 1923, 2013.
Nền đình rất cao, vốn là đất nện, sau lát gạch. Đại đình
gồm 3 gian 2 chái lớn, dài 20,3m và rộng 11,05m. Kết cấu gỗ dựa trên 8 cột
cái đường kính 80cm và 16 cột quân, hầu hết là gỗ mít, các cột lim hay thông đỏ
được thay trong các đợt trùng tu muộn hơn.
Chân cột kê trên tảng đá ong, có kích thước khá lớn so với
đường kính cột, hình thức sơ sài. Hiện nay không còn sàn gỗ, nhưng trên thân
của các sạp đều còn các dấu mộng của dầm sàn. Căn cứ các lỗ mộng trên thân cột
thì sàn gỗ cũ có 2 cấp: cấp dưới cách mặt chân tảng khoảng 0,6m, cấp thứ hai
cao hơn cấp thứ nhất 0,1m.
Cả 4 vì nóc chính và 2 vì lửng cùng làm kiểu giá chiêng, giữa
lòng giá chiêng lắp ván lá đề. Đáng tiếc ván lá đề của vì nóc bên trái gian giữa
đã bị mất và các ván lá đề khác không còn nguyên vẹn.
Các vì nách làm kiểu cốn chồng rường. Liên kết đỡ mái hiên bằng
Kẻ. Chất liệu gỗ cũng như kích thước và hình thức của các cấu kiện này đều cho
thấy một niên đại muộn hơn so với liên kết ở vì nóc, vì nách. Mái đình làm kiểu
một tầng bốn mái, lợp bằng nhiều loại ngói khác nhau.
Điêu khắc
Ngoài hình tượng linh thú, con người, đình Thụy Phiêu còn
có các mảng chạm hình tự nhiên. Hoa văn được thể hiện nhiều nhất là các vân
xoắn lớn chạm ở đầu một số con rường của vì nóc và vì nách.
Các vân xoắn lớn ở
vì nóc được chạm nổi, có phần hơi kênh bong, còn các vân ở vì nách chỉ được tạo
bởi các nét chạm chìm, có tỉa thêm một nét tách. Các cung lượn của vân xoắn lớn
ở vì nóc cũng có phần tròn trịa, chau chuốt hơn.
Các vân xoắn này được cho là biểu tượng của nguồn sáng hay
tia chớp trong mong ước cầu mưa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Các đề tài
hoa lá như cúc, hướng dương được chạm nổi, tả rõ khối lồi lõm.
Các linh thú đặc biệt là rồng được chạm trên nhiều vị trí
khác nhau, trên một số ván lá đề trên các đầu dư… Hoạt cảnh đáng chú ý là mảng
chạm “Táng mả hàm rồng” và 2 phù điêu “Tiên cưỡi rồng” đều mang phong cách
nghệ thuật thời Mạc…
Sau nhiều lần trùng tu, hiện không còn nhiều chạm khắc trang
trí. Đáng chú ý là các hình “Tiên cưỡi rồng” trên hai ván lá đề của vì nóc bên
phải gian giữa và gian bên phải: cả hai bức chạm đều bị gãy vỡ mất một phần
nhưng có thể thấy hai hình rồng này giống nhau: Đầu lớn hơn nhiều so với thân,
quay ngược lại hướng vào giữa; đuôi vắt cao về phía đỉnh lá đề; thân uốn nhiều
khúc võng yên ngụa, tạo thành chỗ ngồi cho người cưỡi.
Trừ hai đầu dư trước của hai bộ vì nóc bên trái và bên phải
gian giữa chạm rồng mang phong cách muộn hơn, các hình rồng chạm trên các đầu
dư còn lại có cùng phong cách với rồng chạm trên ván lá đề.
Di sản
Trên phần đầu của cây cột cái trước bên trái gian giữa có khắc
ba dòng chữ Hán “Thôn Đông – giáp Nam – Đại Chính nhị niên – Tân Mão niên – Thập
nhị nguyệt sơ thất nhật tu lý”. Nghĩa là "Ngày bảy tháng mười hai năm Tân
Mão niên hiệu Đại Chính thứ hai (1531, đời Mạc Đăng Doanh) giáp Nam, thôn Đông
đã tu sửa đình".
Do đình Thụy Phiêu nằm trong vùng văn hóa cổ Ba Vì, cũng như
một số di tích ven chân núi nên đình thờ Đức Thánh Tản Viên làm thành hoàng
làng.
Trong cung thánh vẫn còn lưu giữ ba cỗ long ngai bên trên đặt
ba bài vị có ghi: “Tản Viên Sơn Quốc Chủ Tam Vị Đại Vương” và các bản ngọc phả
(thời Nguyễn) ghi chép về sự tích của các vị thành hoàng làng. Theo truyền thống
hằng năm, làng Thụy Phiêu có hai kỳ mở hội là Hội xuân vào đầu tháng Hai âm lịch
và Hội thu vào tháng Chín âm lịch, đặc biệt sôi nổi với hội đánh cáđể làm
cỗ thờ Đức Thánh Tản Viên gắn với sự tích đức Thánh truyền nghề cho dân.
Với những giá trị kiến trúc nghệ thuật và lịch sử văn hóa,
đình Thụy Phiêu đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định số
52/2001/QĐ-BVHTT ngày 28-12-2001 của Bộ Văn hóa – Thông tin.
Vào đầu Xuân Bính Thân 2016, cán bộ và nhân dân xã Thụy An tổ
chức kỷ niệm 15 năm đình Thụy Phiêu được công nhận và xếp hạng di tích lịch sử,
văn hóa cấp quốc gia tại sân đình với nhiều hoạt động văn hóa dân gian, truyền
thống đặc sắc, qua đó giáo dục người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc
bảo tồn di sản của địa phương.
Hàng năm, làng Thụy Phiêu có hai kỳ lễ hội. Hội mùa Xuân
được tổ chức vào ba ngày đầu của tháng Hai âm lịch, gồm có các mục
chính như lễ tế thần và rước nước từ giếng đình vào làm lễ Mộc dục, dâng cỗ
chay… Hội mùa Thu diễn ra vào tháng Chín âm lịch, có phần thiên về hội dân
gian với mục "đánh cá" ở đoạn sông gần đầm Đượng (được ghi trong
sách Đại Nam nhất thống chí).