Đình Thụy Phiêu tọa lạc tại huyện Ba Vì, Hà Nội Đình là một trong những ngôi đình cổ nhất mà niên đại tu sửa khắc trên đầu cột cái cho biết là 7 tháng 12 Tân Mão 1531. Trong cung thánh có ba cỗ long ngai cùng ba bài vị ghi Tản Viên Sơn Quốc Chủ Tam Vị Đại vương.
Trong số 6 ngôi đình còn lại từ thời nhà Mạc, Thụy Phiêu được
giới nghiên cứu đánh giá, nhận định là ngôi đình mang niên đại sớm nhất. Dựa
trên minh văn ở cột cái gian giữa của đình, ghi rõ: “Thôn Đông, giáp Nam, Đại
Chính nhị niên, Tân Mão niên, thập nhị nguyệt, sơ thất nhật, tu lý”, dịch
nghĩa: Ngày 7 tháng mười hai năm Tân Mão, niên hiệu Đại Chính thứ 2 (1531) giáp
Nam, thôn Đông tu sửa đình.
Vẻ đẹp đình Thụy Phiêu nhìn từ trên cao
Đình Thụy Phiêu tọa lạc trên một vùng đất thoáng trước mặt
có đầm nước tại làng Thụy Phiêu, xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội. So với các
ngôi đình ở Ba Vì, đình Thụy Phiêu có quy mô nhỏ, chỉ một tòa duy nhất với 3 gian và 2 chái
kép. Trong quá trình trùng tu vào thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn nhiều cấu
kiện của đình đã thay đổi. Đến nay đình vẫn giữ được hai bộ vì nóc giá chiêng
và một số đầu dư của thời Mạc, tuy có hư hỏng phần nào. Điều này chính là cơ sở
để khẳng định thời gian khởi dựng đình Thụy Phiêu.
So với đình Tây Đằng ở Ba Vì, đình Thụy Phiêu còn giữ được
ít chạm khắc thời Mạc, chủ yếu tập trung vào hai bộ vì nóc kiểu giá chiêng ở
gian giữa. Đây là hình thức của bộ vì cổ xưa nhất trong kiến trúc truyền thống
Bắc bộ còn lại đến ngày nay mà ít nhất là đã có từ thời Trần như bộ vì chùa
Dâu, chùa Thái Lạc. Bộ vì này có kết cấu chính là 2 trụ lửng đỡ một thanh rường
cong lên đỡ thượng lương và hoành gọi là rường bụng lợn.
Điểm nhấn trung tâm là miếng ván lớn hình lá đề được chạm trổ
kỹ lưỡng với đề tài tiên rồng. Hai bên trụ lửng là hai thanh rường cụt chạm
hình linh thú vươn ra đỡ hoành. Tất cả các cấu kiện trên được liên kết với một
thanh gỗ dài đặt trên câu đầu bởi 4 đấu vuông thót đáy.
Hiện nay ở đình Thụy Phiêu, 4 đấu này và phần phía dưới đã bị
thay mới. Các bộ vì nách từ thời Mạc của đình hiện chỉ còn thấy ở gian bên,
gian giữa phía sau và một vài cấu kiện nhỏ ở gian giữa phía trước. Có lẽ các bộ
vì nách này không nằm ở vị trí trang trọng trong đình nên không thấy có dấu hiệu
được chạm khắc hoa văn. Hệ đầu dư thời Mạc của đình Thụy Phiêu có kích thước
không lớn nhưng tạo hình mềm mại, tạc chi tiết kỹ lưỡng trên từng đao rồng.
Ngoài những cấu kiện thời Mạc, gian giữa đình Thụy Phiêu còn
giữ được một gác thờ lửng thời Lê Trung Hưng trang trí người, hổ, rồng... đáng
chú ý là cảnh “mả táng hàm rồng” trên xà ngang. Hai cột vuông của gác thờ lửng
chạm đôi rồng kèm theo những con vật trong đời sống hàng ngày như chuột, thằn lằn,
lợn... Kết thúc trên đỉnh hai cột là một đôi nghê chầu vào giữa với đường nét đục
chạm rất dân gian.
Mặc dù không bề thế như những ngôi đình về sau nhưng đình Thụy
Phiêu là một điểm nhấn đầu tiên trong thời kỳ hình thành nên loại hình kiến
trúc đình làng, một dòng kiến trúc riêng của người Việt. Gác thờ lửng với những
mảng chạm sinh động mang phong cách nghệ thuật từ thời Lê Trung Hưng.
Theo TC Kiến Trúc
& Đời Sống số 173