Đình Thủy Trú xây dựng cách nay 147 năm thờ thần Quý Minh Đại Vương - một trong ba vị Thánh Tản. Đình còn lưu giữ cuốn Thần phả và 19 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến ghi lại công lao của thần Quý Minh Đại Vương.
Thủy Trú xưa thuộc tổng Bạch Sam, huyện Duy Tiên, phủ Lý
Nhân, trấn Sơn Nam Thượng. Nay Thủy Trú thuộc xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, Thành phố
Hà Nội. Là làng Việt cổ có từ thời Hùng Vương dựng nước, làng có ngôi đình xây
dựng cách nay 147 năm thờ thần Quý Minh Đại Vương - một trong ba vị Thánh Tản.
Đình còn lưu giữ cuốn Thần phả và 19 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến
ghi lại công lao của thần Quý Minh Đại Vương. Đình đã được xếp hạng Di tích lịch
sử văn hóa tháng 8/2000.
Sự tích Thành hoàng
Làng Thủy Trú nằm bên dòng Lương Giang cổ xưa, là nơi có nhiều
di tích kiến trúc như: Đình làng thờ thần Quý Minh Đại Vương, chùa thờ Phật. Đặc
biệt là đình làng có cuốn Thần phả nói về sự tích tam vị Thành hoàng ở đình là
thần Quý Minh Đại Vương; Thủy Tinh tôn thần phu nhân và Thạch Duyên tôn thần
phu nhân. Về sự tích thần Quý Minh Đại Vương được truyền lại như sau:
Ở động Lẵng Sương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Sơn
Tây có hai anh em họ Nguyễn tuổi đã cao nhưng chưa có con. Tuy nhà nghèo nhưng
hay làm việc thiện. Một ngày xuân, vợ chồng hai anh em lên núi Tản Lĩnh cầu
phúc, và đã linh ứng.
Trở về nhà, hai bà đã mang thai. Mười hai tháng sau, vợ người
anh sinh một con trai; vợ người em sinh đôi được hai người con trai. Ba người
con đều khôi ngô tuấn tú khác thường. Tròn một trăm ngày, họ đặt tên người anh
cả là Tuấn, anh hai là Sùng và người em thứ ba là Hiến.
Ba anh em được tiên sinh Hoa Đường dạy dỗ chu đáo, vốn thông
minh nên văn võ song toàn nổi tiếng. Nhân dân trong vùng tôn là thánh nhân xuất
thế. Sau khi cha mẹ lần lượt từ trần, ba anh em rủ nhau lên núi Tản Lĩnh mưu sự
nghiệp lớn cho dân cho nước. Ở đây ba anh em được nữ thần núi là Ma Thị Cao nhận
làm con nuôi, và bà quý như con đẻ. Bà đã trao khu rừng núi cho ba anh em cai
quản.
Do tài năng và đức độ, người anh cả Tuấn được Tinh Thái Bạch
trao cho trúc trượng có đầu sinh, đầu tử và cuốn sách ước để giúp dân. Đi đến
đâu các vị cũng giúp dân cứu nạn, chống lũ, chống hạn, làm việc thiện, uy danh
lừng lẫy khắp nơi và được nhân dân tôn làm Tam vị Thánh Tản. Đó là Tản Viên Sơn
Thánh, Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương.
Thời đại Hùng Vương, Quốc hiệu Văn Lang đóng đô ở Phong
Châu. Đời vua Hùng thứ 18 là Hùng Duệ Vương, có nàng công chúa út là Mỵ Nương đến
tuổi trưởng thành, nhà vua dựng lầu kén rể ở Phong Châu.
Tản Viên Sơn Thánh cùng hai em đến dự tuyển. Qua thử tài, Tản
Viên là người văn võ song toàn và có nhiều phép lạ, là người giỏi nhất thiên hạ.
Vua Hùng xuống chiếu ban làm Phò Mã sánh duyên cùng công chúa Mỵ Nương.
Còn Cao Sơn và Quý Minh được phong tướng trong triều. Đất nước
thanh bình, vua sáng tôi hiền, nhân dân được sống cảnh thái bình hạnh phúc ấm
no.
Một lần nhà vua cùng Quý Minh đi chu du sông biển… Đến trấn
Sơn Nam Thượng, qua làng Thủy Trú thấy nơi đây sông nước uốn lượn, dáng rồng hổ
bao quanh, ruộng đất nhiều và màu mỡ do phù sa sông Cái bồi đắp, nhân dân giàu
có đủ đầy và đông đúc, đức Quý Minh tâu với nhà vua cho lập hành cung ở đây.
Đức ngài cũng xin nhà vua cho xây dựng đội thủy binh, đồn
trú tại dòng Lương Giang. Nhà vua chuẩn tấu. Đội thủy binh đóng trên đoạn sông
từ Thủy Trú xuôi xuống làng Hòa Thượng dài trên 1km.
Đường vào đình làng Thủy Trú
Tại đây, đức ông khuyến khích người dân làm ruộng cấy lúa,
trồng dâu nuôi tằm… làm việc thiện, trừ hại, lấy nhân nghĩa củng cố lòng dân, lấy
hòa mục dựng xây phong tục đẹp, xây dựng xóm làng trở thành trù phú. Đức ông có
công lao với dân trong một vùng rộng lớn đồng thời xây dựng đội thủy binh hùng
mạnh để bảo vệ đất nước.
Một thời gian sau đó ở Bộ Ai Lao có Thục Phán, nhận thấy vua
Hùng không có người kế vị ngôi báu, nên chúng đem quân xâm lược Văn Lang hòng
cướp ngôi vua…
Nhà vua triệu tập tướng lĩnh, trong đó có tam vị thánh Tản.
Nhà vua giao cho Tản Viên Sơn Thánh đứng đầu quân đội, Đức ngài Cao Sơn, Quý
Minh làm tướng chỉ hủy bộ binh và thủy binh các hướng đánh đuổi quân Thục Phán.
Từ đây, đội thủy binh do Đức ngài Quý Minh chỉ huy xuất phát
phối hợp cùng các cánh quân thủy, bộ các hướng tiến đánh quân Thục Phán. Quân
Thục bị đánh tan tác trên các mặt trận, quân sĩ một phần bị tiêu diệt, số còn lại
buộc chúng phải tháo chạy về nước.
Thắng trận trở về, nhà vua ban thưởng và phong cho Sơn Thánh
là Nhạc phủ kiêm Thượng Đẳng Thần; phong cho Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại
Vương Thượng Đẳng Thần.
Thần Quý Minh Đại Vương, sau chiến thắng trở về hành cung ở
vùng Thủy Trú nơi có đội thủy binh do ngài lãnh đạo.
Quân Thục Phán chưa từ bỏ ý đồ xâm lược Văn Lang. Ít lâu
sau, chúng huy động 20 vạn quân tái xâm lược. Vua Hùng lại cử Sơn thánh Tản
Viên cùng Cao Sơn, Quý Minh chỉ huy tướng sĩ, phối hợp thủy bộ tiến đánh quân
Thục Phán ở các mặt trận. Quân Thục Phán một lần nữa đại bại, và từ đó chúng từ
bỏ dã tâm xâm lược Văn Lang.
Do vậy, trong tâm thức dân gian truyền lại về sự tích ba vị
Đại Vương là một và một cũng là ba. Họ hóa thân vào tâm huyết tôn vinh của người
Việt trong bảo vệ và dựng xây đất nước.
Thần phả đã ghi sự tích trên, đời sau nhân dân đã xây dựng
miếu thờ, tôn Quý Minh Đại Vương làm Thành hoàng. Thần Quý Minh Đại Vương trong
văn hóa tâm linh là vị vua tinh thần của làng từ thuở hồng hoang đã sinh cơ lập
nghiệp ở đây. Do đó làng đã xây miếu, sau này xây đình để thờ từ đó đến nay làm
tấm gương cho các thế hệ ghi nhớ và noi theo.
Thủy Trú là làng Việt cổ có các dòng họ như: Hoàng, Lê, Nguyễn,
Đỗ, Lại. Đình còn lưu giữ một bản Thần phả bằng chữ Hán, 19 đạo sắc phong, bản
xưa nhất niên hiệu Cảnh Hưng 44 (năm 1783), bản gần nhất niên hiệu Khải Định 9
(năm 1924).
Lễ vật dâng ngày giỗ
Một tháng hai kỳ là ngày mồng 1, ngày rằm, dân làng dâng lễ
gồm xôi thịt oản quả. Một năm có 4 ngày lễ gọi là “Tứ quý kỳ phúc” vào đầu
xuân, đầu hạ, đầu thu và cuối đông. Trong 4 kỳ lễ thì có 2 kỳ lễ lớn là lễ sinh
nhật Thành hoàng ngày 12 tháng 5 và ngày giỗ Thành hoàng ngày 12 tháng 11 âm lịch
đồng thời cũng là ngày lễ hội lớn của làng.
Lễ hội thường được tổ chức trong 3 ngày từ 12 đến 14 tháng
11 âm lịch. Trong ngày lễ hội, già trẻ trai gái mặc trang phục đẹp, sân đình và
miếu cờ hoa rực rỡ.
Ngày 12 tổ chức rước kiệu Thành hoàng từ đình ra miếu, làm lễ
tế ở miếu, tế xong rước Thành hoàng về đình. Buổi tế lễ ở đình có các làng quan
anh, quan em, như các làng Giáp Ba, Giáp Tư, Hòa Thượng cùng bản xã tới dự. Tế
hội đồng diễn ra theo nghi thức Cung Đình để tôn vinh công lao của thần đã giúp
cho sự bình yên của đất nước, hạnh phúc của muôn dân.
Sau phần lễ, phần hội diễn ra tại sân đình và trên hồ đình với
những trò chơi dân gian do người dân sở tại sáng tạo với nhiều trò chơi độc đáo
trong 3 ngày… Những nghi lễ đó vẫn duy trì đến ngày nay, làm phong phú thêm đời
sống tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc vận động xây dựng nông thôn
mới.