Đình làng Tiến Ân được xây dựng từ rất lâu đời và hiện còn
lưu giữ 12 bộ sắc phong. Năm 2004 Đình Tiến Ân đã được UBND tỉnh Hà Tây công nhận
là di tích lịch sử văn hóa.
Đình Tiên Ân
Cũng như bao nhiêu ngôi đình của những làng quê khác trên khắp
đất nước ta, đình làng Tiến Ân (xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội) là nơi phụng
thờ thành hoàng làng - người có công với dân làng và gắn liền với lịch sử khai
canh lập ấp của vùng đất.
Tính đến nay ngôi đình đã có lịch sử hơn một nghìn năm.
Trong thần tích lưu giữ lại trong đình còn ghi rõ, vào thời Ngô triều (939 –
965) có gia đình họ Đặng tại động Hoa Lư (Ninh Bình) sinh được hai người con
trai tướng mạo phi thường, thiên tư sáng suốt, trí dũng siêu phàm. Một người
tên là Đống Thính, một người tên là Chiêu Pháp, được người đương thời rất ngưỡng
mộ, thán phục, xưng tụng là thần đồng. Sau khi cha mẹ qua đời, cả hai anh em
tìm đến trang Đăng Ân (sau này đổi thành Tiến Ân, huyện Ninh Sơn, phủ Quốc Oai,
đạo Sơn Tây) cư trú, ngày đêm luyện tập văn chương, võ nghệ và mở lớp dạy học.
Cảm phục tài đức, trí lực của cả hai người nên mọi người
trong trang đều tự nguyện đón làm hương sư. Sĩ tử khắp nơi nghe tin hai ông có
tài thiên tướng nên kéo nhau về xin được làm đệ tử rất đông.
Lúc đó, người dân khắp nước Nam rất khổ cực trước loạn mười
hai sứ quân cát cứ thổ vũ, chia cắt đất đai, đánh nhau liên miên để giành quyền
cai trị.
Tại quê cũ của hai ông là động Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh dấy binh
dẹp loạn, thảo hịch truyền đi khắp nơi kêu các châu lựa chọn binh sĩ, kén người
hiền tài, văn võ song toàn, trí dũng hơn người thì tìm về giúp sức.
Nghe tin đó, hai ông mừng lắm bèn triệu đệ tử, mời nhân dân
trong trang đến sai người mổ bò dê tế cáo trời đất cùng bách thần sông núi, mở
tiệc khao quân dân trong trang tới hàng ngàn người rồi bàn kế đánh giặc giúp nước.
Đạo sắc phong cổ tại đình làng Tiến Ân
Ngay sau đó, cả hai cùng kéo quân về động Hoa Lư ra mắt Đinh
Bộ Lĩnh bái mệnh xin cầm quân đi diệt giặc. Nhận thấy cả hai phong thái uy nghi
tráng lệ, văn võ toàn tài, Đinh Bộ Lĩnh mừng lắm liền sắc phong cho cả hai chức
Chỉ huy sứ.
Sau đó, truyền khao thưởng quân sĩ, cấp cho sắc phục rồi hạ
lệnh cho hai ông cầm quân tiến đánh sứ quân đóng ở trang Bảo Đà, chùa Bối Khê
(thuộc huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên bấy giờ) một trận rất lớn nhưng bất phân
thắng bại.
Tấn công lâu mà vẫn chưa hạ được thành, vẫn chưa biết làm
cách nào thì vào tầm canh ba hôm ấy, đang nằm ngủ cả hai nằm mộng thấy một người
dung mạo uy nghi tự xưng là Đương cảnh thành hoàng ở trang Đăng Ân nơi hai ông
dạy học, nghe tin cả hai phụng mệnh đi đánh giặc nhưng đang gặp khó khăn nên
tìm đến nguyện âm phù trợ giúp phá giặc, ngày sau sẽ cùng thờ phối hưởng.
Giật mình tỉnh dậy, biết có thần nhân đi theo phù trợ nên
hai người lập tức đem quân xuất chiến, quả nhiên thế mạnh như vũ bão, đến giờ
Ngọ thì hạ được thành, chém được tướng giặc.
Sau khi dẹp xong loạn mười hai sứ quân, thiên hạ được thái
bình, vua Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua tức Đinh Tiên Hoàng đế. Vua triệu hai ông
đem quân về kinh đô, phong thưởng trọng hậu cho tướng sĩ, ban cho hai người hưởng
thực ấp ở trang Đăng Ân.
Sau khi cảm tạ ân vua, hai ông về nhiệm sở, thiết lập doanh
sở tại bản trang. Mọi việc hoàn thành, cả hai mở tiệc mởi nhân dân cùng các đệ
tử ăn mừng rồi hóa về trời.
Thương tiếc hai vị hiền tài, nhân dân làm biểu dâng lên triều
đình. Nghe tin dữ, vua sai người về làm lễ tế rất long trọng và cho mọi người
trong trang Đăng Ân được làm hộ nhi sở tại, dựng đình để phụng thờ thần là
thành hoàng.
Theo các cụ cao niên trong làng, sau khi hai ông hóa về trời
và được phụng thờ cùng với thần nhân đã báo mộng giúp đánh giặc làm thành hoàng
làng.
Cả hai nhiều lần hiển linh giúp dân cứu nước, được các đời đế
vương gia phong mỹ tự. Những lần hiển linh này đều được ghi rõ lại bằng Hán văn
trong thần phả của làng như âm phù giúp vua Lê Đại Hành đánh thắng thắng quân
xâm lược nhà Tống (980-981) và giúp vua Trần đánh giặc Nguyên Mông sang xâm lược
nước ta.
Thần phả có đoạn viết: "Đến thời Trần Thái Tông, quân
Nguyên Mông sang xâm lược nước, Kinh thành Thăng Long bị vây hãm. Trần Quốc Tuấn
phụng mệnh vua cầu đảo bách thần ở các đền thiêng. Khi đến ngôi đền thờ ba vị đại
vương ở đây cũng có linh ứng âm phù đánh giặc. Sau khi đánh thắng giặc, vua gia
phong cho ba ngài mỹ tự là Phổ tế cương nghị Anh linh. Ban sắc cho trang Đăng
Ân trùng tu miếu điện để phụng thờ".
Người dân xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, do
nhiều lần linh ứng hiển hiện giúp dân cứu nước nên tính đến nay, tại đình Tiến
Ân vẫn còn giữ lại được ít nhất 12 đạo sắc phong cổ của các triều đại gia phong
mỹ tự cho các vị thần được thờ trong đình. Gần đây nhất là năm 2004, đình Tiến
Ân cũng đã chính thức được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Thành phố Hà Nội.
Các cụ cao niên trong làng cho biết, tương truyền do thiên
tai, địch họa nên đình Tiến Ân đã được trùng tu, tôn tạo và thay đổi vị trí.
Theo đó, cách nay khoảng vài trăm năm, dân trong làng quần tụ chủ yếu dọc theo
hai bên bờ sông Bùi gần đó nên ngôi đình nằm ngay sát bờ sông và có tên gọi là
đình Quán Thần.
Do nước lũ thường dâng lên rất cao khiến đình và toàn bộ
vùng đất xung quanh bị ngập hết, duy chỉ có gò Cây Thị là vị trí cao nhất của
làng và không bị ảnh hưởng.
Sau khi xem xét, họp bàn, nhận thấy rằng khu vực gò Cây Thị
đất đai cao ráo, thoáng đãng, lại màu mỡ không nơi nào tốt bằng nên các bậc tôn
trưởng trong làng quyết định di dời ngôi đình từ ngoài đê đến vị trí gò Cây Thị
như hiện nay và đổi tên làng từ Đăng Ân thành Tiến Ân.
Hàng năm, cứ đến ngày các ngày mùng 4, 5, 6 tháng 3 (Âm lịch)
là người dân trong vùng lại nô nức tổ chức tế lễ, rước kiệu tái hiện lại tích
các vị thành hoàng đại vương đánh giặc cứu nước rất linh đình, thành kính.
Cứ sáng mùng 6/3 âm lịch làng Tiến Ân, xã Thủy Xuân Tiên,
huyện Chương Mỹ tổ chức Lễ hội truyền thống Đình làng Tiến Ân để tưởng nhớ Tam
vị Đại vương đã có công dẹp giặc, giúp dân xây dựng làng mạc, phát triển nghề
nông.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy - HĐND - UBND, các ban ngành
đoàn thể của xã Thủy Xuân Tiên, thị trấn Xuân Mai, đại diện các cơ quan, đơn vị
đóng quân trên địa bàn cùng đông đảo khách thập phương và nhân dân quê hương đã
về dự, dâng hương, công đức xây dựng Đình làng thôn Tiến Ân.
Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, các cụ cao niên trong làng đã tổ
chức lễ tế thần, dâng hương tại Đình làng Tiến Ân, toàn thể nhân dân tham gia
rước kiệu truyền thống. Cùng với đó còn tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng,
hát quan họ, thi đấu bóng đá và một số trò chơi dân gian.
Lễ hội cổ truyền Đình làng Tiến Ân là dịp để cán bộ, nhân
dân trong làng nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết xây dựng quê hương ngày
càng giàu mạnh. Đồng thời để tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân luôn
gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử Đình làng Tiến Ân.