Đình Tiên Canh, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc thờ phụng lục vị thành hoàng triều đại vua Ngô Quyền, đây là một trong 3 ngôi đình có nghệ thuật chạm khắc đỉnh cao của đình làng đồng bằng Bắc Bộ.
Đình Tiên Canh, còn được gọi là đình Tiên Hường, thị trấn
Hương Canh, huyện Bình Xuyên thờ phụng 6 vị thành hoàng triều đại
vua Ngô Quyền, gồm: Vua Ngô Xương Ngập, Thái tử triều Ngô Vương Quyền, trị vì từ
năm 951- 954, sắc phong Thiên Sách Hoàng đế thờ ban Chính vị; vua Ngô Xương
Văn, hoàng tử, trị vì từ năm 950-965, sắc phong Quốc Vương Thiên tử, thờ ban Tả
vị; danh tướng Đổ Cảnh Thạc (912- 967), danh tướng vua Ngô Quyền, sau trở thành
thủ lĩnh thời 12 sứ quân), sắc phong là Đông Nhạc Đại thần, thờ ban Hữu vị;
cùng 3 thần nữ khác là Linh Quang Thái Hậu, vợ của Thiên Sách Hoàng đế); Khả Lã
Nương Nương, hoàng hậu của Quốc Vương Thiên tử và Thị Tùng Phu Nhân, phu nhân của
Đông Nhạc Đại thần.
Kết cấu, kiểu thức kiến trúc đình Tiên Canh cũng giống đình
Hương Canh và Ngọc Canh nhưng diện tích lớn hơn – tiền tế 5 gian dài 23m, rộng
10m; đại đình 5 gian 2 dĩ dài 29,7m, rộng14m; hậu cung 5 gian 2 dĩ dài 16m, rộng
7m.
Trên bộ khung kiến trúc gỗ đồ sộ, vững chãi ấy, các nghệ
nhân chạm gỗ xưa đã dầy công tôn vinh cho đình bằng các mảng trang trí chạm khắc,
với tay nghề điêu luyện, nội dung tinh tế mô tả lại đời sống tâm linh, khung cảnh
sinh hoạt của người dân, thể hiện tứ linh, sủng vật và hoa lá cách điệu.
Điểm khác biệt trong trang trí của đình Tiên Canh với đình
Hương Canh và Ngọc Canh là đề tài về con người ít (chỉ có 3 bức cốn nách tả cảnh
: Luyện voi, bơi chải, người múa) còn lại chủ yếu là tứ linh (long, ly, quy,
phượng), trong đó hình tượng rồng xuất hiện hầu hết trong các mảng trang trí ở đây.
Đình có rất nhiều bức chạm khắc, chạm lộng lớn nhỏ được ghép
thành mảng lớn trong đình. Các bức chạm tại đây được chạm khắc tinh tế, kỹ lưỡng
trên các thành phần kiến trúc như đầu dư, xà, bẩy, rường và các bức cửa võng tại
Tiền đường và Trung đường.
Các bức chạm có thể phân thành từng lớp với nội dung khác
nhau, hoặc đan xen nhau, lấy hình tượng rồng làm chủ đạo…Nội dung của các bức
chạm miêu tả suy tưởng về cõi trần và cõi tiên, phong cảnh tự nhiên và sinh hoạt
đời thường
Rồng được thể hiện ở nhiều với nhiều dáng điệu khác nhau: Rồng
hút nước, rồng quấn cột, cá hóa rồng. Ở cốn nách gian dĩ đại đình chạm rồng
cách điệu mình ẩn, đầu to, tai vểnh, nhe nanh. Cốn nách ở tiền tế chạm tứ linh
với rồng đang hút nước, lân bờm tóc dữ tợn, rùa đang bò miệng ngậm cuốn thư,
phượng bay cánh xòe rộng huy hoàng.
Bức long cuốn thủy mô tả cảnh rồng mẹ đang hút cột nước, cạnh
đó là rồng con đang ôm quả cầu. Đặc biệt, trên hệ thống cửa võng – hậu cung
trang trí toàn hình rồng. Cửa võng đình Tiên Canh được thiết kế độc đáo với lớp
cửa kép 2 lần cửa.
Các cạnh của 3 ô cửa ngoài chạm 7 lớp hình cá hóa rồng, các
cạnh của 3 ô cửa trong chạm 8 lớp, mỗi lớp là một hình rồng uốn lượn dài suốt chiều
cao đến 1,5 mét cửa. Ở cột cửa giữa chạm một đôi rồng lớn quấn trụ.
Tính tổng thể ở 6 ô cửa võng có hơn 100 hình tượng rồng cùng
tư thế song song nhau với cả rừng vây uy nghi với kỹ thuật đỉnh cao, tỉ mỉ chau
chuốt, những hình tượng rồng đều được thếp vàng rực rỡ.
Sử dụng đề tài chủ đạo, hình tượng rồng, những mảng chạm khắc
đình Tiên Canh cho thấy tư tưởng trung quân của xã hội Việt Nam thời xưa. Những
bức chạm rồng cũng cho thấy đời sống tinh thần phong phú của người Việt với những
khát vọng vẫy vùng giữa thiên địa như bức “Rồng cuốn thủy”, ý chí vươn lên “Rồng
quấn trụ” hay niềm tin vào sự cố găng tột cùng sẽ mang lại kết quả tốt đẹp “Cá
vượt long môn”.
Ngày 14, 15 tháng 2 âm lịch hàng năm là lễ hội tế thành
hoàng tại cả 3 ngôi đình. Cụm đình Tam Canh: đình Hương Canh, đình Ngọc Canh và
đình Tiên Hường, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình
Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong số những ngôi đình tiêu biểu của nghệ thuật
kiến trúc đình làng Bắc bộ thế kỷ thứ 18, 19 của tỉnh Vĩnh Phúc.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD