Đình Tiền Môn thờ Thành Hoàng làng là đức Cao Sơn, Quí Minh Đại Vương hai danh tướng thời Vua Hùng thứ 18, có công cùng Sơn thánh Tản Viên đánh bại quân xâm lược nhà Thục Phán.
Đình Tiền Môn xưa thuộc xã Thọ Châu, tổng Thọ Xương, phủ Lạng
Giang, trấn Kinh Bắc, nay thuộc phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc
Giang. Sở dĩ có tên gọi là đình Tiền Môn vì trước đây đình nằm ở vị trí trước cửa
thành Dền (thành Châu Xuyên), nên từ xa xưa nhân dân quanh vùng vẫn thường gọi
đình là đình Tiền Môn có nghĩa là cửa trước.
Đình Tiền Môn xưa thuộc xã Thọ Châu, tổng Thọ Xương, phủ Lạng
Giang, trấn Kinh Bắc, nay thuộc phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc
Giang. Sở dĩ có tên gọi là đình Tiền Môn vì trước đây đình nằm ở vị trí trước cửa
thành Dền (thành Châu Xuyên), nên từ xa xưa nhân dân quanh vùng vẫn thường gọi
đình là đình Tiền Môn có nghĩa là cửa trước.
Đình Tiền Môn được xây dựng từ lâu đời, về niên đại chính
xác của ngôi đình thì chưa có tài liệu nào đề cập tới, nhưng có một điều chắc rằng
đình Tiền Môn được xây dựng trước thành Dền. Khi thành Dền được xây dựng ngôi
đình án ngữ cửa tiền của thành phủ Lạng Giang này.
Thành Dền được xây dựng để ngăn chặn các đợt tấn công của giặc
xâm lược, là vị trí lý tưởng về mặt quân sự nhằm cản bước tiến của các thế lực
xâm lược phương Bắc từ biên giới tràn qua vùng núi rừng Châu Lạng - Lạng Sơn nhằm
uy hiếp kinh thành Thăng Long, hoặc quân giặc xâm lược theo đường biển từ Lục Đầu
Giang vào theo đường sông Nhật Đức – (sông Thương) xâm lược.
Thành Dền có một mặt trọng yếu tiếp giáp với bờ Bắc dòng
sông Thương, xung quanh thành có hào rộng chạy bao quanh vòng thành, chân thành
được kè bằng những vại sành rất lớn, trong vại được đổ đầy đất để giữ nền móng
thành đỡ bị sụt lở xuống hào, chiếc nọ chồng lên chiếc kia chắc chắn (đầu những
năm 2000 nhân dân địa phương đào móng làm nhà cũng đã phát hiện rất nhiều hiện
vật này). Thành Dền có hai cổng: cổng Tiền và cổng Tả. Cổng Tiền nhìn ra sông
Thương, cổng tả mở ra cánh đồng chiêm gần thành.
Năm 1817, thành Dền được qui tập lại trên mảnh đất hình
vuông, mỗi chiều dài 248m, tường thành cao 4m, mặt tường rộng, nghĩa quân thường
cưỡi ngựa phi trên mặt thành để tuần tiễu, canh phòng, ở bốn góc thành có dựng
4 chòi gác, chòi quan sát, các đường hào chạy bo quanh thành rộng tới 10m, dưới
hào có các cọc nhọn được đóng chìm để phòng vệ.
Năm 1896, sau khi quân Pháp chiếm được thành đã phá bỏ toàn
bộ thành để xây dựng trung tâm tỉnh lỵ. Với vị trí trọng yếu của mình, thành Dền
chính là nơi tập kết các nghĩa binh, dân binh cùng với các cánh quân của nghĩa
quân Lam Sơn chiến đấu anh dũng, quả cảm làm nên chiến thắng Xương Giang lịch sử…
Đình Tiền Môn đã gắn liền với thành Dền, một trong năm tòa
thành cổ của phủ Lạng Thương, nơi có phố Phủ, hay còn gọi là phố Cửa Tiền, một
khu phố cổ nhất của Phủ, sau phố Phủ đổi thành phố Tiền Môn.
Đình Tiền Môn là địa điểm chứng kiến trận Pháp tấn công vào
Bắc Giang ngày 15 tháng 3 năm 1894 và cũng là nơi chứng kiến sự ra đời của
trung tâm Phủ Lạng Thương vì năm 1895, thực dân Pháp chiếm đóng Bắc Giang thì
phải ở đây trước rồi mới qui hoạch làng Thương thành thị xã.
Tiếc rằng, trong chiến tranh ngôi đình đã bị phá bỏ. Năm 1942,
đình Tiền Môn được nhân dân trong phố đóng góp công của để xây lại ngôi đình,
ngôi đình được xây dựng lại có bình đồ kiến trúc hình chữ tam như hiện nay.
Xưa kia đình Tiền Môn là một di tích nằm trong quần thể các
cụm di tích cổ kính gồm: đình Dền, đình Bè, đình Làng Thương, đình Châu Xuyên
là 4 ngôi đình cổ, có qui mô rộng lớn nhất vùng phủ Lạng Thương. Đình Tả Môn và
đình Tiền Môn là hai ngôi đình nằm ở hai cổng của thành Dền, đình Tả Môn có qui
mô nhỏ hơn, nằm ở vị trí cuối đường Huyền Quang ngày nay, nhưng hiện nay do
ngôi đình đã bị phá hủy từ lâu đời nên không còn dấu vết gì hiện hữu trên mặt đất.
Ngoài ra, cụm di tích này còn có các điểm như: chùa Dền, đền Phủ…
Chùa Dền là một địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của
phủ Lạng thương, đây cũng là địa điểm quan trọng trong cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp, nơi nuôi dưỡng thương, bệnh binh, ngôi chùa hiện nay vẫn còn bảo
lưu được nhiều giá trị và trở thành trung tâm của giáo hội Phật giáo thành phố
Bắc Giang.
Đền Phủ là nơi thờ bà Lý Thị Châu (Châu Nương), là người có
công trong việc lo cấp lương thực, chuẩn bị hậu cần cho các nghĩa binh trong cuộc
kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc.
Đình Tiền Môn thờ Thành Hoàng làng là đức Cao Sơn, Quí Minh
Đại Vương hai danh tướng thời Vua Hùng thứ 18, được phong mỹ tự qua các vương
triều phong kiến.
Đời vua Lê Đại Hành, niên hiệu Thiên Phúc khảo xét bách thần,
thấy hai vị có nhiều công tích to lớn ở đời Hùng đã gia phong cho hai vị Đại
Vương là: Linh quang hộ quốc tá trị anh uy.
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn phụng mệnh nhà vua đã cầu
đảo linh thần ở các đền miếu. Hai vị có hiển ứng phù giúp. Sau khi dẹp xong giặc,
vua phong cho hai vị mỹ tự là hai vị Đại Vương vạn cổ anh linh.
Đời Lê: Lê Lợi dấy binh đánh dẹp quân Minh, lấy lại được
thiên hạ rồi phong tặng cho mỹ tự là: hai vị Phổ tế cương hào anh linh.
Đời Nguyễn: Các vị vua đều phong mỹ tự và phong sắc. Lễ hành
phụng sự các ngài vận sắc phục màu xanh, đỏ, tía. Trong khi hành lễ nhất thiết
phải cấm tên huý của các ngài Cao Sơn - Quý Minh không được phạm đến.
Ngày sinh của thánh: ngày 5 tháng 3. Ngày hoá của thánh:
ngày 15 tháng 8. Ngoài hai vị Thành Hoàng, đình Tiền Môn còn phối thờ Thần
Hoàng bản tự Hoàng Quốc Thanh, người có nhiều công lao lớn trong việc xây dựng
thành Dền. Hội lệ đình Tiền Môn được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 và ngày 15
tháng 8 âm lịch hàng năm.
Đình Tiền Môn là một ngôi đình hàng phố, hai mặt giáp khu
dân cư, hai mặt giáp hai dãy phố, một khu vực tập trung đông dân cư của thành
phố Bắc Giang. Ngôi đình là một di tích có giá trị lịch sử tiêu biểu của thành
phố Bắc Giang, nơi chứng kiến, diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại của
thành phố, là địa điểm gắn với những địa danh lịch sử như thành Dền, phố Phủ…những
địa danh quan trọng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc của quân
dân thành phố nói riêng và của cả tỉnh Bắc Giang nói chung.
Thân Huy