Đình Trạm phụng thờ Thành Công Tương liệt đại vương – Thượng đẳng phúc thần, danh tướng của Nhị vua Hai Bà Trưng và còn được phụng thờ 3 vị Thánh: (Đô Thống Đại Vương, Nam khê Thần Vũ và Xuyên Hoa Tĩnh Hạnh)
Quần thể di tích Đình – Chùa Trạm, trước kia thuộc thôn Trạm,
xã Cổ Linh, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Đến thời Nguyễn là tỉnh Bắc Ninh, nay
thuộc tổ 12 Trạm, Phường Long Biên, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.
Di tích Đình nằm phía Trung tâm Phường Long Biên bên bờ sông
Hồng, cách Trung tâm Hà Nội khoảng 4,5 km, qua cầu Chương Dương khoảng 2,5 km
theo đường Bát Khối (đê Long Biên – Bát Tràng) là quần thể di tích Đình –
Chùa Trạm được toạ trên một nền đất cao với những cây cổ thụ rêu phong.
Đây là ngôi đình cổ được kết cấu theo kiểu chữ Đinh gồm Đại
bái 5 gian, hậu cung 3 gian, được kết cấu theo kiểu thượng chồng giường giá
chiêng và hạ kẻ, phía trước sân đình là 2 khu nhà Tả và hữu vu gồm 3 gian, phía
trước là cuốc thư, nghi môn, bên trái Đình là khu Nhà kho, bếp.
Đình Trạm có từ bao giờ ? hiện các tư liệu còn lưu giữ tại
Đình cũng không thể hiện được niên đại năm khởi dựng vào thời Trần hoặc Lê, câu
đối và các mảnh trạm điêu khắc tại gian giữ Đại bái cho ta thấy năm sửa
tu bổ gần nhất là thời Nguyễn, niên đại Gia Long năm thứ 18 (năm1819). Năm 2012
được UBND quận phê duyệt phương án tu bổ lại Quần Thể di tích Đình Trạm được
khang trang như ngày nay.
Đình Trạm và các vị Thần, Thành Hoàng làng được phong thờ:
Theo thần phả Đình Trạm do cụ Trần Kim Quỹ sao chép lại:
Niên hiệu Hồng Đức đầu năm 1572 tháng riêng ngày tốt Hàn lâm viện Đông Các đại
học sỹ Nguyễn Bính vâng soạn.
Quản bách thần tư điện hùng lĩnh Nguyễn Hiền tuân theo triều
trước sao lại thì Đình Trạm được phong thờ Thành Công Tương liệt đại vương
– Thượng đẳng phúc thần.
Qua các triều đại phong kiến Đình Trạm còn được phong 3 vị
Thánh được thờ: (Đô Thống Đại Vương, Nam khê Thần Vũ và Xuyên Hoa Tĩnh Hạnh)
Theo thần phả và văn tế tại Đình Trạm, thì Đức Thánh Thành
Công tên Nguyễn Thành Công sinh ngày 15 tháng 2 âm lịch, năm 21 (sau công
Nguyên) quê ở đạo Hải Dương, phủ Hồng Châu, Huyện Thanh Miện, Trang Bích Thuỷ
là người văn võ xong toàn, bạn bè kính phục, ai ai cũng tôn là thần đồng giáng
thế.
Đến năm 16 tuổi cha, mẹ mất cả, sau 3 năm để tang xong, đức
Thành Công nuôi chí lớn, lập một trại ở Trang Bích Thuỷ, hô hào được 500 thanh
niên trong huyện ngày đêm luyện tập võ nghệ, sẵn sàng đánh đuổi giặc Hán.
Khi nghe Nhị vua Hai Bà Trưng khởi nghĩa phất cờ ở Hát Môn.
Thành Công đốc quân được khoảng 500 người và gia binh đến yết kiến Hai Bà. Thấy
Thành Công tướng mạo đàng hoàng, oai phong lẫm liệt, Hai Bà mừng nói: Trời vì
ta cho ta người hiền tài phò tá.
Sau đó, Nhị Chúa Bà phong Thành Công làm Tương liệt đại tướng
quân lĩnh ấn Nguyên nhung và kiêm chức Tổng đốc (bộ binh và thuỷ binh).
Hai Bà cùng các tướng lĩnh làm lễ cầu đảo thiên địa, thánh thần, đọc bài hịch
xong chia quân đánh Thành, Tô Định thua to chạy về bản quốc. Hai Bà Trưng thu
phục 65 thành tri và lên Ngôi vua.
Sau khi lên ngôi, Nhị vua Hai Bà Trưng phong tước cho Thành
Công – Tương Liệt Đại vương, và sắc phong thực ấp tại Phủ Thuận An, Bắc Ninh Tỉnh.
Danh tướng Thành Công một hôm du ngoại vùng đất phong Cổ Linh trang thấy nơi
đây sơn thuỷ hữu tình cảnh sông rạch miền đất trù phú, bèn bàn với nhân dân Cổ
Linh về khơi ao, khai phá đất hoang, canh tác nông nghiệp và bỏ 10 nén vàng làm
vốn; Thành Công tâu vua chọn Trang Cổ Linh làm Hộ Nhi và cho xây dựng
một ngôi Sinh Từ trên nền đất cao để sau này Ngài 100 tuổi có nơi thờ
phụng.
Đất nước được bình yên sau 3 năm thì giặc phương Bắc sai Mã
Viện đem 40 vạn quân ồ ạt xâm chiếm nước ta. Hai Bà triệu kiến các tướng lĩnh hồi
triều. lại nói đến Thành Công tuân lệnh Vua, đưa quân qua Cổ Linh, tổ chức yến
tiệp và dặn dò nhân dân Cổ Linh, khi ta ngoài 100 tuổi, nhân dân cổ linh lập
linh vị ta mà thờ; chia tay các bô lão tại trang Cổ Linh, Thành Công huy động
thêm 20 thanh niên trang Cổ Linh; đến Hát Môn, cùng Hai Bà Trưng đến Lạng Sơn
quyết một trận sinh tử, nhưng giặc binh hùng tướng mạnh không sao chống được, ông
mở đường máu phá vòng vây rồi cùng Nhị vua Hai Bà Trưng rút về Cẩm Khê. Lại nói
lúc này Thành Công bị bao vây nhiều vòng cùng quân sỹ quyết một trận sinh tử phá
vòng vây, Người bị thương nặng chạy rút về Ái Châu Thanh Hoá đạo, Hà Trung phủ,
Tống Sơn Huyện, Tâm Quy Trang thì bỗng trời nổi cơn phong vũ bão trời tối xầm
không nhìn thấy ai trong khoảng khắc thì trời quang đãng, quân sỹ không nhìn thấy
Người đâu mà chỉ thấy một gò đất mối xông rất to. Ngày hoá của người là 15
tháng 7 âm lịch.
Ở đình còn đôi câu đối ghi nhận công tích của Đức Thánh:
Kỷ tải dực Trưng Vương, Tô tặc bình dư long tướng ấn,
Ngũ thôn chiêm Thánh đức, quy tranh hóa hậu ngật thần từ.
Nghĩa là:
Mấy năm phò Vua Trưng dẹp tan giặc Tô Định rõ ràng ấn tướng,
Năm thôn thờ Đức Thánh, đất tâm quy hiển hóa đẹp điền
thiêng.
Tướng Tương Liệt Thành Công được thờ cúng ở thôn Trạm với
tính chất là Thành hoàng làng bản thổ gắn liền với việc lập làng, lập ấp từ xa
xưa của cư dân nơi đây. Cùng với tướng Thành Công, ở đình Trạm còn thờ 3 vị
Thành hoàng nữa là: Đô Thống Đại vương Lê Phụng Hiểu, Nam Khê và Xuyên Hoa. Ba
vị này được triều đình ban phong cho làng thờ cúng (có thể từ thời hậu Lê) đến
nay không giữ được Thần tích, Ngọc phả nên cũng không ghi chép được nhiều về
công tích.
Ở di tích đình Trạm trước đây còn ghi nhận lễ hội đông vui với
nhiều trò diễn dân gian. Chính hội là ngày Rằm tháng Hai âm lịch, ngày sinh của
Thành hoàng. Ngày này chủ yếu tập trung tôn vinh đức Đại vương Thành Công Tương
Liệt (các vị Thành hoàng được ban phong phép vào không có lễ hội riêng).
Ngoài ra, tại đình còn tổ chức lễ kỷ niệm ngày hóa của Thánh
vào Rằm tháng Bảy. Thời gian gần đây lễ hội không được tổ chức lớn, nhưng vẫn
được thôn Trạm và 4 thôn thờ Đức Thánh duy tri đều đặn.
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương, ở đình –
chùa Trạm đã diễn ra một số sự kiện như: Cuộc mít tinh của nhân dân, thành lập
chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thời kỳ
1946-1954, nơi đây là địa điểm hoạt động của du kích, cán bộ Việt Minh. Sau năm
1954, có thời gian đình là trụ sở ủy ban hành chính xã Long Biên. Thời kỳ kháng
chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, khu đình – chùa này là nơi sơ
tán của Đoàn 919 Không quân và Trạm Quân y dã chiến của sân bay Gia Lâm. Những
sự kiện lịch sử cách mạng kháng chiến này đã nâng cao hơn giá trị của di tích.
Hiện nay, toàn bộ kiến trúc đình Trạm nằm trên một khu đất rộng,
có nhiều cây lưu niên xanh mát. Đình trông về hướng Nam, nhìn ra đường đê, có
quy mô kiến trúc vừa phải, với các hạng mục công trình: Đại đình, Hậu cung, Nhà
Tả mạc, phía trước có sân lát gạch.
Đại đình là kiến trúc 5 gian tường hồi bít đốc tay ngai kéo
liền ra trụ biểu lợp ngói di. Kết cấu khung gỗ có 6 bộ vì kèo, có 4 hàng cột gỗ,
3 gian giữa có hiên hẹp đều, có cửa bức bàn ngăn với nội thất, ở 2 gian hồi xây
tường đến sát bờ nền. Các bộ vì được bố trí theo từng cặp đơn giản.
Tại bụng quá giang của gian giữa có ghi dòng chữ “Hoàng triều
Gia Long thập thất niên, thập nhất nguyệt, nhị thập nhị nhật, lương thời thụ trụ
thượng lương đại cát” tức là cất nóc đình vào ngày 22 tháng 11 năm Gia Long thứ
17 (1818).
Căn cứ vào dòng niên hiệu này, cùng việc khảo cứu các hoa
văn trang trí trên kiến trúc, có thể thấy niên đại chính của đình Trạm hiện nay
thuộc vào thời Nguyễn, đầu thế kỷ XX, dù cho sự tích nói đến việc đình đã có từ
lâu.
Hậu cung đình Trạm khôi phục lại năm 1992, có 4 gian làm tường
hậu bít đốc với 5 bộ vì thiết kế đơn giản. Theo điều tra hồi cố thì trước đây Hậu
cung của đình làm theo lối chồng diêm, 2 tầng, 8 mái đao cong, ghép liền vào
gian giữa Đại đình,tạo mái xối chéo.
Bên trái đình có ngôi
nhà với kết cấu bộ khung đơn giản nằm trên nền cũ của nhà Tảo mạc, hiện ngôi
nhà này chỉ phục vụ sinh hoạt công cộng và dùng cho các công việc của di tích.
Về giá trị điêu khắc của đình chủ yếu tập trung ở tòa Tiền tế
với các đề tài tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng, kết hợp với vân mây và nhiều biểu
tượng với kỹ thuật chạm lộng, chạm bong, đường nét tinh tế thể hiện hài hòa giữa
tả thực và cách điệu đã tạo cho các mảng chạm một nghệ thuật sinh động trong bố
cục cân xứng.
Ngoài đề tài tứ linh, ở thân xà còn chạm hình Long hóa, Long
ám…ở cốn mê có hình Hổ phù đầy vẻ quy nghi, miệng ngậm chữ Thọ hiền lành. Nhìn
chung, trang trí trên đình Trạm tập trung ở 2 gian giữa là các đề tài trọng
tâm, còn các trang trí khác chỉ chạm khắc hoa văn vân sóng, mây cuộn, trong
hình thức giản lược.
Tuy vậy, nghệ thuật của đình Trạm vẫn để lại các tác phẩm
nghệ thuật phản ánh tài hoa của những người thợ thủ công hồi đầu thế kỷ XIX, thời
kỳ hiếm hoi của các cấu trúc cổ truyền, đình đã mang tư cách nối mạch của dòng
nghệ thuật dân tộc.
Trải qua thời gian, bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh,
đình Trạm không còn giữ được đủ đồ thờ từ thời khởi dựng mà chỉ còn một số ít
như: ngai thờ, bài vị, hoành phi, câu đối, chóe nước. Vì thế, trong thời gian
qua, nhân dân địa phương đã tích cực công đức để di tích ngày càng đầy đủ và
tôn nghiêm hơn.
Năm 2006, di tích đã được công nhận xếp hạng di tích lịch sử
văn hóa, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và phát huy tác dụng, đây cũng là điều
khẳng định về những giá trị của di sản lịch sử văn hóa này.
Lễ hội Đình trạm và các trò chơi dân gian: Lễ hội Đình Trạm
thường được tổ chức vào 2 ngày mùng 9 – 10/2 âm lịch hàng năm. Tổ chức hội Làng
là nét đẹp văn hoá của người dân thôn Trạm xưa nay là các tổ dân phố Trạm, phường
Long Biên, còn là một nghi thức tin ngưỡng thờ tổ tiên của Ông cha ta.
Hội Làng thể hiện lòng kính trọng, sự tôn kính của con cháu
với tổ tiên, hội làng còn thể hiện nét văn hoá ứng xử của mọi thành viên trong
cộng đồng Làng, xã đặc trưng của Dân tộc Việt Nam.
Đến với Hội Đình Trạm chúng ta còn được thưởng thức các làn
điệu dân ca quan họ, hát chèo, hát xoan, hát ví…; các trò chơi dân gian đặc sắc
như: chọi gà, kéo co, cờ tướng..., nhưng phải kể đền trò chơi Bịt mắt đập
niêu đất, đi trên lõng tre đập niêu tại lễ hội là biểu hiện sự phồn thịnh
và phát triển của Văn hoá người Việt, ngoài ra ban tổ chức lễ hội ngày nay còn
tổ chức các trò chơi, thể thao hiện đại như bóng đá, Cầu Lông, Bóng chuyền hơi,
biểu diễn dưỡng sinh ...
Chùa Trạm có tên chữ "Nghiêm Quang tự", là nơi
cúng phật thờ Mẫu. Chùa được xây dựng thời gian nào, chưa có cơ sở khẳng định
chính xác. Theo các cụ kể lại thì trước kia Chùa Trạm được dựng trên khu đường
Láng, năm nước to bị trôi dạt về sau khuôn viên Đình ngày nay, căn cứ vào cổ vật
còn lưu giữ tại Chùa được ghi chép tại Bia đá thì Chùa được xây dựng lại vào
niên hiệu Cảnh Hưng thứ 3 (1769) do ly sư Đàm Thị Tình bỏ tiền ra lấy ruộng và
xây cất lại ngôi Chùa, các cổ vật như chuông đồng có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ
14 (1718), linh vị thờ, các pho tượng Phật thờ tại chùa mang phong cách thời Lê
Mạt thế kỷ XVIII và thế kỷ XX.
Chùa Trạm nằm ở bờ bắc tuyến đê sông Hồng, nơi có nhiều di tích nổi tiếng của quận Long Biên và huyện Gia Lâm như đình – chùa Tư Đình, đền Thạch Bàn, chùa Xuân Đỗ, cụm di tích Cự Khối, xa hơn là Bát Tràng, Văn Đức… Thôn Trạm là vùng đất bồi ven sông, từ rất sớm đã có các cộng đồng dân cư sinh sống. Theo Thần tích, nơi đây đã có người ở từ thời đầu Công nguyên. Chùa Trạm cũng giống như đại đa số các ngôi chùa ở miền Bắc nước ta, là nơi cúng Phật, thờ Mẫu. Chùa được xây dựng bắt đầu từ thời gian nào thì chưa có cơ sở để khẳng định thật chính xác. Căn cứ vào các cổ vật của chùa còn giữ được đến nay như quả chuông đồng có niên hiệu: “Vĩnh Thịnh thập tứ niên, thập nhị nguyệt, nhị thập nhất nhật ngọ thời cốc”, từ là Bài minh trên chuông được khắc vào giờ Ngọ, ngày 22/12, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718); bia có dòng niên đại: “Hoàng triều Cảnh Hưng vạn vạn niên chi tam thập trọng thu cốc đán”, tức là: dựng bia vào ngày tốt giữa thu (tháng 8) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 (1769); 1 ngai thờ hậu theo phong cách nghệ thuật thời Lê mạt thế kỷ XVIII. Qua các cổ vật này có thể đoán định chùa Trạm được xây dựng ít nhất cũng từ thời Lê Mạt, thế kỷ XVIII.
Kiến trúc cổ của chùa Trạm đã bị hư hỏng, hiện chỉ có các công trình kiến trúc mới được khôi phục tu bổ lại. Chùa hiện gồm các hạng mục: Tam quan, chùa chính hình chữ đinh gồm tòa Tiền đường và Thượng điện, Điện Mẫu, Nhà Tổ, nhà khách…Xung quanh các công trình kiến trúc có nhiều cây ăn quả lưu niên xanh mát.
Chùa chính nhìn về hướng Nam, qua Tam quan là một sân rộng có nhiều cây nhãn cổ thụ dẫn đến Tiền đường dựng theo kiểu tường hồi, bít đốc, tay ngai, trụ biểu. Bờ nóc làm trơn, chính giữa tạo một bức cuốn thư ghi tên chữ của chùa.
Phía trước tiền đường để hiên ở 3 gian giữa, làm cửa bật ghép cánh kiểu bức bàn. Tường gạch ở hai bên cửa sổ tròn trổ hoa văn chữ thọ ở giữa. Tiền đường có kết cấu 5 hàng chân do phía trước có hàng cột hiên, 2 vì trung tâm làm theo kiểu giá chiêng, 2 vì bên kết cấu thượng giá chiêng, trung kẻ truyền, hạ làm tiền kẻ, hậu bẩy. Thượng điện có 3 gian, 2 dĩ.
Ngôi Tam Bảo được kết cấu theo kiểu Chữ Đinh, bao gồm 5 gian
tiền đường và 3 gian thượng điện được nhân dân trạm tu bổ gần đây nhất là năm
1987 bằng chất liệu gỗ xoan đã xuống cấp cần được tu bổ, phía sau là ngôi thờ Tổ
gồm 5 gian tiền đường, 3 gian thượng điện, phía sau bên trái là ngôi thờ Mẫu gồm
5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện được nhân dân tu bổ và tôn tạo lại năm 1997.
Chùa chính đã được tu sửa vào năm 1996-1997. Chạm khắc trên kiến trúc được tập trung ở cốn nách, ván gió với các đề tài thuộc hệ tứ quý: Tùng – Trúc – Cúc – Mai. Cốn mê chạm hình Hổ phù, trên thân xà và một số bộ phận khác chạm hình cách điệu vân mây. Mặt trong tường hồi chùa nối ra trụ biểu đắp phù điêu với đề tài thông, mai. Các trang trí của chùa không nhiều, chạm khắc giản lược, tuy vậy, cũng góp phần làm cho kiến trúc chùa sinh động, bớt nặng nề, gò bó.
Điện Mẫu – Nhà Tổ của chùa làm lùi hẳn về phía sau chùa chính, phía trước có một sân rộng lát gạch, kiến trúc 5 gian kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai. Phần khung dưới là kết cấu bê tông giả gỗ, ở trên là khung mái gỗ lợp ngói di. Hiên rộng, có 3 gian giữa làm cửa kiểu bức bàn, 2 gian hồi ngăn làm phòng ở.
Ở lĩnh vực điêu khắc (tượng tròn) trên Tam bảo có các tượng: Tam thế, A Di Đà, A Nan – Ca Diếp, Quan Âm Chuẩn Đề, Quan Âm Thế Chí, Thế tôn, toàn Cửu Long bố trí ngoài cùng, hai bên là tượng Phạm Thiên, Đế Thích. Ngoài Tiền đường bố trí ban thờ Đức Ông, Thánh Tăng, Hộ pháp và tượng Di Đà phóng quang. Tượng của chùa chủ yếu bằng gỗ mít, có phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, riêng tượng Cửu Long bằng đồng.
Các tượng này đều có kích thước trung bình, được các nghệ nhân tạo tác khá sinh động, có giá trị nghệ thuật cao. Tại Điện Mẫu và Nhà Tổ của chùa được bố trí thờ Tổ cùng Mẫu ở 3 gian giữa. Ban thờ Mẫu có 3 tượng, ban thờ Tổ có 1 tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XX, các tượng Cô, Cậu có nhiều nét dân gian, ngộ nghĩnh. Tại ban thờ hậu hiện có bộ Long ngai, bài vị thờ người bầu hậu với nghệ thuật khá tinh xảo.
So với chùa các nơi khác thì chùa Trạm tương đối đầy đủ các tượng chính của một Điện Phật. Chùa Trạm còn có các di vật đồ thờ khác đáng quan tâm như cửa y môn, hoành phi, câu đối, bia đá, quả chuông đồng (chuông đồng và bia đá có niên đại vào thời Lê Mạt, thế kỷ XVIII). Bài minh trên các cổ vật này là những tư liệu quý về lịch sử xây dựng, tu bổ chùa. Trong văn bia ghi lại khá rõ vào năm Canh Thân 1740, chùa cổ bị hư hỏng, kiến trúc bị cháy trong binh biến, đến năm 1759, nhờ sự hằng tâm hằng sản công đức của vị hậu Phật đã đại tu lại kiến trúc của chùa. Vị hậu Phật hiện vẫn được thờ tại chùa, lấy ngày giỗ làm ngày giỗ Tổ. Trong văn bia cũng ghi lại cảnh quan của chùa.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa và đình cũng là nơi gắn với một số sự kiện lịch sử của địa phương. Nơi đây tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân địa phương và khách thập phương đến thăm viếng.
Kiến trúc chùa Trạm mới được phục hồi, quy mô không lớn nhưng vẫn nối được mạch truyền thống, bảo tồn được nhiều cổ vật, đồ thờ giá trị. Cùng với đình, chùa đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa ở địa phương, tạo nên một cụm di sản văn hóa có giá trị. Chùa Trạm được công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 2006, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, đó cũng là sự khẳng định về giá trị của di sản văn hóa này
Với những giá trị về lịch sử, văn hoá, kiến trúc, mỹ thuật của
Đình – Chùa Trạm gắn liền với sự phát triển của người dân Thôn Trạm nói riêng,
nhân dân Long Biên nói chung cần được bảo tồn và phát huy các giá trị.
Năm 2005, Cán bộ và nhân dân các Tổ dân phố Trạm đã làm đơn
đề nghị UBND phường, UBND quận, Phòng VH&TT quận Long Biên, Ban quản lý di
tích và danh thắng Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội lập hồ sơ xin xếp hạng trình UBND
Thành phố Hà Nội phê duyệt và ra quyết định số 385/QĐ – UBND ngày 18/01/2006
công nhận quần thể di tích Đình – Chùa Trạm di tích lịch sử - kiến trúc nghệ
thuật.
Năm 2008, được sự nhất trí của Thường trực Đảng uỷ, Hội đồng
nhân dân phường, UBND phường, Ban quản lý di tích phường Long Biên đã tổ chức hội
nghị khoa học Đình – Chùa Trạm, có sự tham gia của các giáo sư đầu ngành về lịch
sử, văn hoá nhằm đánh giá thực trạng của các di tích trên địa bàn phường, đồng
thời cũng đưa ra các giải pháp góp phần vào việc lập quy hoạch mặt bằng tổng thể
di tích lịch sử văn hoá Đình – Chùa Trạm trong công tác quản lý, bảo tồn và
phát huy các giá trị di tích lịch sử Văn hoá Đình – Chùa Trạm cũng như việc
khai thác và quảng bá du lịch trên báo chí, góp phần tạo lên tua du lịch
Long Biên – Bát Tràng.