Đình Trần Đăng, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, là một công trình văn hóa nghệ thuật đẹp, linh thiêng và thân thiết với quần chúng nhân dân. Đình thờ phụng Cao Lỗ Đại vương là Thành hoàng, người anh hùng của một thời kỳ lịch sử.
Cùng với hệ thống đình, chùa, miếu của Thủ đô, đình Trần
Đăng góp phần tạo nên nét đẹp riêng trong bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung và
của Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Theo thần tích, đình Trần Đăng thờ danh tướng Cao Lỗ – một
trong những người tài kiệt xuất thời mở nước được ghi nhận trong truyền thuyết
dân gian. Có thể nói ông chính là hiện thân của người Việt cổ trong công cuộc
kháng chiến chống giặc ngoại xâm phương Bắc và kiến thiết mở mang đất nước.
Danh tướng Cao Lỗ trong truyền thuyết Cao Lỗ (còn gọi là Cao
Nỗ, Cao Thông, Đô Lỗ, Thạch Thần, hay Đại Than Đô Lỗ Thạch Thần) là một tướng
tài của Thục Phán An Dương Vương, quê quán tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh
Bắc Ninh ngày nay.
Tương truyền, ông là người đã khuyên Thục An Dương Vương dời
đô từ Phong Châu xuống đồng bằng. Địa điểm được lựa chọn làm nơi đóng đô mới
chính là vùng Cổ Loa ngày nay.
Ở vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm vào vị trí đỉnh của tam giác
châu thổ sông Hồng và là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Từ
đây, có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng sơn địa. Quyết định dời
đô từ Phong Châu về Cổ Loa, đánh dấu một giai đoạn phát triển của dân cư Việt cổ.
Việc định cư tại đồng bằng đã chứng tỏ một bước tiến lớn
trong các lãnh vực xã hội, kinh tế trong giao tiếp, trao đổi con người dễ dàng
đi lại bằng đường bộ hay bằng đường thủy; trong nông nghiệp có bước tiến đáng kể
về kỹ thuật trồng lúa nước, mức độ dân cư cũng đông đúc hơn.
Để xây dựng kinh đô mới cho nhà nước Âu Lạc, An Dương Vương
đã tín nhiệm giao cho tướng Cao Lỗ nhiệm vụ thiết kế và chỉ huy xây thành Cổ
Loa nhằm củng cố thêm khả năng phòng thủ quân sự.
Tục truyền rằng thành xây nhiều lần nhưng đều đổ. Sau có thần
Kim Quy hiện lên, bò quanh bò lại nhiều vòng dưới chân thành. Thục An Dương
Vương bèn cho xây theo dấu chân Rùa vàng. Từ đó, thành xây không đổ nữa. An
Dương Vương cũng phát triển thủy binh và cho chế tạo nhiều vũ khí lợi hại, tạo
lợi thế quân sự vững chắc cho Cổ Loa.
Bên cạnh việc xây thành Cổ Loa, Cao Lỗ cũng là người sáng chế
ra nỏ liên châu (nỏ thần): bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng
sắc nhọn. Uy lực của nỏ liên châu rất mạnh, nên sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi
là: “Linh Quang Thần Cơ”. Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa
vào quân giặc là chúng không dám đến gần.
Là người phát minh ra nỏ thần, lại có tài bắn nỏ nên dân
gian thường gọi ông là Ông Nỏ. Ông đã huấn luyện cho hàng vạn binh sỹ ngày đêm
tập bắn nỏ. Vua An Dương Vương thường xem tập bắn trên “Ngự xa đài”, dấu vết
này nay vẫn còn (góc đông bắc ngoài thành nội).
Là nhân vật truyền thuyết lịch sử được dân gian nhiều nơi
trong cả nước lập đền thờ cúng. Tuy nhiên, ở mỗi vùng khác nhau thì truyền thuyết
về Cao Lỗ cũng có những dị bản ít nhiều mang tính khác biệt.
Có thể nói, danh tướng Cao Lỗ là con người kiệt xuất trong
huyền sử Việt thời mở nước. Ở ông hội tụ đủ những tinh hoa và khát vọng của người
Việt cổ. Sau khi anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược
phương Bắc, ông được dân gian nhiều nơi thương tiếc lập đền thờ cúng và tôn làm
thần bảo hộ.
Các triều đại Việt Nam nối tiếp về sau cũng tôn vinh ông như
một anh hùng dân tộc. Nhà Trần đã sắc phong cho ông là “Quả nghị Cương chính Uy
huệ Chính thần Đại vương” để ghi nhớ công lao của ông với đất nước.
Đình Trần Đăng quay hướng Tây – Nam, đó là hướng hợp với quy
luật của âm dương khiến thần yên vị. Di tích nằm ở khu đất đẹp, trước mặt chỉ
là đồng ruộng. Cổng đình được xây dựng uy nghi với ba lớp mái, một cửa tường
vây có hai trụ biểu. Tiếp đó là chiếc cầu để vào sân đình.
Đình làm theo kiểu chữ Đinh, nhưng thực chất đình chính là
chữ Nhất với kết cấu 5 gian 2 trái 4 hàng chân cột cao to. Hiện nay, xung quanh
có hàng chấn song. Phía trước cửa giữa là bức bàn, gian bên cửa thượng song hạ
bản…
Đình có nhiều mảng điêu khắc, đầu dư ở cột cái phía trong
bên phải mang nghệ thuật nửa cuối thế kỷ XVII. Cùng với một số khúc rường vì
nóc cũng có hoa văn cách điệu. Chiếc nhang án ở thế kỷ XVIII, trên thân để lại
nhiều đề tài nghệ thuật như bóng dáng đồ bát bửu, vân soắn, hổ phù rất đẹp.
Những dấu vết thời Hậu Lê đã qua, hiện diện kiến trúc tòa Đại
bái được làm lại vào thế kỷ XIX năm 1860. Kết cấu bộ vì nóc làm theo kiểu giá
chiêng. Bộ vì gian làm kiểu giá chiêng với hai rường cột chạy ra ăn mộng vào cột
chống.
Nhưng từ gian giữa về bên trái biểu thức giá chiêng chồng rường
con nhị vì thế chỉ có một rường cụt trên quá giang bên trái ghi niên đại Tự Đức
13, năm Canh Thân 1860 dựng Đại bái đình.
Nghệ thuật trang trí chủ yếu ở bốn cột gian giữa và bốn cốn
đầu đốc. Các gian khác chỉ có kẻ trục chạy suốt chạy thẳng từ đầu cột cái qua cột
quân ra đỡ mái hiên. Vì thế, đình chỉ có bẩy ở gian giữa và hai gian đốc.
Trang trí trên vì nóc và kẻ chủ yếu là vặn soắn, lá cách điệu,
tứ linh trong đó nhiều con rồng nhìn chính diện còn thoảng nét nghệ thuật đầu
thế kỷ XVIII với mặt lớn trán gỗ, môi dấu, song những dạng rồng khác cuốn thủy,
long mã nhiều thế khác nhau.
Những rồng này thường soắn cả lông đuôi và thân đuôi, đó là
phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Cách thức trạm chủ yếu là nổi, bong kênh. Mỗi
mảng cuốn là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc cao.
Phía sau chuôi vồ ước lệ chia làm hai tòa, trung cung và hậu
cung, mở đầu tòa trung cung trang trí nghệ thuật hổ phù ngậm chữ Hỷ, biểu tượng
cầu được mùa màng. Tiếp là hậu cung, bộ vì nghệ thuật hổ phù, cửa bức bàn, ban
thờ làm trên gác lửng thưng ván kín. Chỉ có một ngai thờ chạm trổ rất kỹ, mang
nghệ thuật của thế kỷ XIX.
Lễ hội làng Trần Đăng
diễn ra từ ngày mồng 5 đến hết ngày 7 tháng 1 âm lịch, chính hội là 6/1 âm lịch
hàng năm. Đình được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1988.