Đình Tráng Quán, xóm Quán, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang thờ phụng nhị vị phúc thần Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh đại vương, là tướng tài của Vua Hùng thứ 18, có công dẹp giặc an dân, nhân dân trong vùng phụng thờ, tôn làm thành hoàng làng.
Xã Đào Mỹ là vùng đất cổ, trên địa bàn có nhiều di
tích lịch sử danh thắng mang đậm chất vùng miền, trong đó tiêu biểu nhất là
Đình Phù Lão, đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia cách đây
hàng chục năm. Bên cạnh đó còn rất nhiều di tích đình, chùa còn được nhân dân
trân trọng gìn giữ đến ngày nay như: Chùa Ba Nước, Đình Trừng Hà và đình Tráng
Quán –một di tích trên địa bàn xã mới được tỉnh công nhận là di tích lịch sử
văn hoá.
Đình Tráng Quán toạ lạc ở trung tâm làng Tráng quán trước
đây nay là các thôn: Nùa Quán và Gai Bún nhìn về phía tây, ghé nam. Đình nằm ở
trục giao thông liên xã rất thuận tiện cho người dân và khách thập phương vãn cảnh
đầu xuân, nhất là dịp lễ hội đình hàng năm. Đình Tráng Quán thuộc xã Đào Quán,
Tổng đào Quán trước đây, nay là xã Đào Mỹ.
Ngôi đình được khởi công xây dựng vào ngày mồng 1 tháng 9
năm Tự Đức thứ 29 (tức là ngày mồng một tháng 9 âm lịch năm 1876). Đến nay ngôi
đình đã có niên đại trên 200 năm. Qua dòng chảy của thời gian và các bước thăng
trầm của lịch sử, ngôi đình đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo và vẫn giữ được
vẻ đẹp ban đầu.
Đình Tráng Quán được xây dựng theo lối chữ “Đinh”, gồm 3
gian và 2 trái có đao cong ở 4 góc. Phía sau có thêm 5 gian nhà sắc, đến năm
1947 do yêu cầu tiêu thổ kháng chiến, ván sàn của đình được tháo dỡ, chỉ còn một
đầu hồi. Đến năm 1951, 2 xáo xá và nhà sắc được tháo dỡ làm các công trình phúc
lợi.
Vào những năm 1977 đến 1979, nhân dân trong làng đã phục dựng
lại được một phần. Nhìn chung về mặt kiến trúc, đình Tráng Quán vẫn bảo lưu được
khá nguyên vẹn các kiến trúc của toà tiền đình và hậu cung. Nét trạm khắc trên
cột, hoành, xà, cốn của đình mang đậm nét kiến trúc thời Nguyễn.
Đình Tráng Quán được nhân dân trong làng lập lên thờ 2 vị
phúc thần là Cao Sơn - Quý Minh đại vương, là tướng tài của Vua Hùng thứ 18, có
công dẹp giặc an dân, đem lại độc lập - tự do cho dân tộc, nhân dân trong vùng
phụng thờ, tôn làm thành hoàng làng. Các triều đại phong kiến trước đây đều có
sắc phong 2 vị là bậc “Thượng đẳng tôn thần” hay “Thượng thượng đẳng thần”.
Đình Tráng Quán được lập lên để nhân dân trong làng ghi nhớ
thần tích và công lao của các vị đối với dân, với nước. Trong những năm kháng
chiến ác liệt của cả dân tộc, đình Tráng Quán trở thành nơi phúc lợi của khu vực,
nhiều cuộc họp bàn của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể nơi đây quyết định các vấn
đề quan trọng đều diễn ra dưới mái đình này.
Đồng thời nhiều thế hệ người trong thôn cũng như trong khu vực
còn lưu giữ hình ảnh tốt đẹp về lớp học kháng chiến dưới mái đình thân yêu. Trải
qua hàng trăm năm của thời gian, vòng quay khắc nghiệt của tuế nguyệt, dưới sự
hưng công, phát tâm tự nguyện của bao lớp người.
Ngôi đình Tráng Quán hôm nay còn lưu giữ nhiều nét độc đáo
và hiện vật quý rất có giá trị như: sân đình lát gạch vuông cổ. Có 4 mái, lợp
ngói mũi, đao cong tạo sự thanh thoát của ngôi đình.
Đỡ phần mái là hệ thống 4 hàng cột, mỗi hàng có 6 cột lim vững
trãi, chân kê đá tảng. Phía trước hậu cung được ghép ván, là nét khá độc đáo so
với các ngôi đình khác trong vùng.
Các đầu dư của đình đều được trạm khắc đầu rồng rất tinh tế.
Các nách cột liên kết theo kiểu cốn chồng giữa các gian, được chạm khác mây,
hoa văn sắc nét, có giá trị mỹ thuật cao.
Toà hậu cung gồm có 2 gian, phía cuối là bức cuốn chồng với
bức hoành phi có 4 chữ đại tự “Mỹ, Tục, Thuần, Phong” sơn son, thếp vàng, mép
viền khung được chạm trổ hoa văn rất tinh tế. Bức cốn thứ 2 trong hậu cung cũng
đặt một bức hoành phi có 3 chữ: “Đức - Kỳ - Thịnh”, được sơn son thếp vàng và
chạm trổ tinh tế, đậm chất mỹ thuật của thế kỷ 19.
Bên cạnh khám thờ còn
có bàn thờ thổ công và thánh hiền nhằm tôn danh các thần nuôi sống con người và
mở mang dân trí. Về hiện vật thờ tự, trong đình còn giữ được đôi ngai từ thời
Nguyễn chạm trổ hoa văn hình rồng, đao, mác và hoa lá rất tinh sảo.
Hương án và bộ bát bửu cùng thời Nguyễn chạm trổ tinh vi
dùng để tế lễ vào các dịp khai môn lễ hội. Trong đình còn lưu giữ được đôi hạc,
đèn và lư hương bằng đồng. Qua tài liệu khảo sát cho thấy đình Tráng Quán rất
có giá trị về lịch sử và văn hoá như: kiến trúc, hiện vật, đồ thờ, nghệ thuật
chạm khảm gỗ, kết cấu được lưu giữ hàng trăm năm nay. Bên cạnh đó còn có những
văn hoá phi vật thể tồn tại theo thời gian và phong tục tập quán của đình, cần
được bảo tồn, gìn giữ và phát huy cho hậu thế.
Theo truyền thống, lễ hội đình Tráng Quán được tổ chức vào dịp
rằm tháng Giang hàng năm, ngoài việc tế lễ theo nghi thức, nhân dân trong làng
còn cầu chúc cho thiên hạ thái bình, đem lại sự yên ổn cho mỗi người dân trong
thôn, cũng như khách thập phương đến vãng cảnh.
Sự ứng nghiệm của các bậc tôn thần được thờ tự ở đình này,
đã được nhân dân lan truyền từ đời này đến đời khác. Những người con sinh ra từ
đất này, dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, ở gần hay ở xa đều lưu giữ
trong tâm thức của mình về một ngôi đình làng cổ kính toạ lạc hàng trăm năm
trên đất quê hương và luôn gắn với tâm thức của một thời niên thiếu.
Khách thập phương có dịp đến với ngôi đình là một lần hiểu
thêm về mảnh đất mà mình đã được đặt chân đến, biết thêm về những giá trị vật
chất và tinh thần mà ông cha ta biết bao thế hệ đã gây dựng nên.
Được biết đúng dịp xuân mới Canh Dần 2010, đình Tráng Quán
được vinh dự xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Phát triển trên nền truyền thống
hào hùng của quê hương, người dân làng Tráng Quán trước đây và 2 thôn hôm nay,
cũng như người dân xã Đào Mỹ đã anh dũng kiên cường trong đấu tranh chống giặc
giã và thiên tai để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp không hổ danh với sự
nghiệp hào hùng mà các bậc tiền nhân đã để lại.
Một mùa xuân mới đã đến, mùa lễ hội đã bắt đầu, tiếng trống
hội giục giã trên mỗi nẻo đường xuân, nhưng tiếng trống hội lệ đình Tráng Quán
năm nay có thêm ý nghĩa đặc biệt, không chỉ làm nức lòng nhân dân làng Tráng
quán trước đây và thôn Nùa Quán và Gai Bún hôm nay, mà còn động viên sự phát
tâm của quý khách xã gần với tâm nguyện làm cho di tích ngày càng tố hảo.
Về với Di tích Tráng Quán hôm nay, sẽ là dịp đầu tiên cũng
như mãi mãi sau này động viên quý khách gần xa trên mọi nẻo đường bôn tẩu vì
luôn có các vị thượng đẳng phúc thần Cao Sơn - Quý Minh ở mảnh nơi này bảo hộ.