Đình Triệu Đà xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên có tên là “Nam Việt Linh từ”, đến thời Lý Anh Tông mới đổi tên là đình Long Hưng. Đình Triệu Đà mang đậm nét kiến trúc của thế kỷ 17 – 18.
Khuôn viên đình rộng rãi, thoáng đãng với diện tích vào khoảng
13.000m. Đình được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, các hạng mục công
trình nằm trên một trục đường thẳng trải dài từ cổng đình vào đến hậu cung. Các
hạng mục chính của di tích gồm có: cổng ngoài, Nghi Môn, đại bái, hậu cung hạ,
hậu cung thượng và hai dãy giải vũ. Mặt tiền đình quay hướng Nam, đó là hướng của
trí tuệ, của sự sống.
Nghi môn ở đình Triệu Đà khác hẳn so với Nghi môn của rất
nhiều tích khác. Nghi môn được làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, các
đao đắp đầu rồng và đầu con sô ngẩng cao, mái lợp ngói mũi, đường bờ lóc lưỡng
long chầu phật. Phần cổ diêm đắp ba chữ Hán:’’Long Hưng Điện’’ (Điện Long
Hưng).
Kết cấu kiến trúc Nghi môn kiểu chồng rường đấu sen, bào
trơn đóng bén, hai gian bên cạnh đặt hai pho tượng Túc Vệ (lính canh cổng), tượng
tạo tác trong tư thế đứng thẳng nghiêm trang của người đứng gác.
Hai bên Nghi môn còn có hai cổng phụ làm theo kiểu hai tầng
tám mái, phía bên trong cổng phụ là con đường nhỏ đi vào khu nội tự. Đình Triệu
Đà xây một cổng chính và hai cổng phụ như ngày nay có thể nơi đây xưa kia Vua
quan trong triều thường về đây tế lễ, cầu đảo điều linh ứng.
Toàn cảnh đình Triệu Đà.
Qua sân là đến khu nội tự, công trình đầu tiên là tòa đại
bái với 3 gian 2 dĩ được xây theo kiểu chông diêm 2 tầng 8 mái. Các đao mái
hình đầu rồng ngẩng cao. Đầu bờ nóc đắp hai con sô chầu mặt nhật ở giữa nóc.
Đại bái được làm kiểu thông phong, hai đầu hồi bít đốc, mặt
dưới và sau để trống tạo lên sự thông thoáng cho di tích. Các bộ vì đại bái được
kết cấu kiểu chồng rường đấu sen, các con rường, đầu 7 đều được chạm hoa lá
cách điệu.
Gian giữa đại bái đặt nhan áng thờ công đồng, nhang án làm bằng
gỗ và được chạm khắc tứ linh, tứ quý. Trên nhang án để các đồ thờ cúng như: bát
hương, bộ đỉnh đồng, đôi lục bình…
Hậu cung đình Triệu Đà bao gồm ba gian hai dĩ, mái lợp ngói
mũi . Ở gian giữa phía hè hiên được dựng nhô về phía trước tạo thành một gian.
Gian này được làm kiểu tứ trụ với hai tầng tám mái. Nơi đây đặt cỗ điệu bát cống.
Hai bên hồi hiên đắp hai pho tượng Túc Vệ (lính canh cổng), Tượng tạo tác tư thế
đứng thẳng vẻ mặt nghiêm trang. Ngăn cách giữa hè hiên và bên trong là hệ thống
của bức bàn, mỗi cách cửa được trạm khắc một chủ đề như: phượng cưỡi mây, long
mã cuốn may….rất tinh xảo theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Tượng thờ Triệu Vũ Vương.
Kết cấu các bộ vì hạ cung kiểu giá chiêng đơn giản được bào
trơn đóng bén. Nâng đỡ mái là hệ thống hai hàng cột cái và hai hàng cột quân. Tại
trung tâm gian giữa đặt bàn thờ, bên trên để ngai bài vị Thành Hoàng Làng Triệu
Vũ Đế. Ngai, bài vị cao 2,1m ;dài 0,73m; sâu 0.7m.
Đế ngai được làm kiểu chân quỳ dạ cá, mặt hổ phù. Bài vị; phần
chán hình quả cầu lửa , bên trong trạm 6 con rồng nằm cuộn tròn; phần thân
trang chí tứ linh đường riềm làm thành hình đao lửa; trên thân bài vị khắc bài
văn bằng chữ Hán ca ngợi công đức của thần.
Ngoài ra trên bàn còn bài trí một số đồ thờ tự như: chóe,
đôi chân nến, …đặc biệt là một bát hương cổ mầu me ngọc có đường kính 0,3m; cao
0,32m được trang trí hoa văn sơn thủy hai bên bàn thờ đặt hai pho tượng Thái
Giám cao 1,76m; ngang vai 0,5m. Tượng tạo tác trong tư thế đứng thẳng.
Hai bên dĩ hạ cung đặt bàn thờ; gian bên trái thờ con, cháu
của Triệu Đà; Gian bên phải thờ hoàng hậu và hai công chúa, Trưởng Trang và thứ
công chúa.
Tiếp nối với tòa hạ cung là ba gian thượng cung với kết cấu
kiến trúc kiến trúc các vì kiểu vì kèo trụ chốn, bào trơn đóng bén. Các mảng trạm
khắc ở tòa này tập trung chủ yếu ở mặt trước cửa ra vào với các đề tài: hoa lá
cách điệu, lưỡng long chầu nguyệt, đao lửa, phượng ngậm hoa sen…, được bàn tai
nghệ nhân trạm trổ rất tài tình và đầy chất sáng tạo.
Ngoài ra, ở hai bên khu nội tự còn có hai dãy giải vũ, mỗi
dãy có 10 gian, kết cấu kiến trúc đơn giản, được sử dụng làm nơi tiếp khách và
hội họp.
Hoàng Nguyên