Theo thần tích thời Lê còn lưu giữ tại địa phương thì đình Trình Xá trước đây là một ngôi miếu cổ thờ Thành hoàng là Hoàng Thái Hậu Lương Cảm Quang Châu, Công chúa Mỵ Châu, con gái Anh hùng dân tộc Triệu Việt Vương (thế kỷ 6).
Đình Trình Xá thuộc xã Gia Lương huyện Gia Lộc, tỉnh Hải
Dương được nhân dân địa phương chọn xây dựng ở thế đất như nằm trên trán con rồng,
còn mình và đuôi rồng, ở phía giữa và cuối làng. Trình Xá xưa có tên cổ là
Trung Thôn, Sồi Giữa thuộc xã Lỗi Dương, tổng Phan Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, thuộc xã Quốc Tuấn, huyện Gia Lộc.
Từ năm 1951 đến nay thuộc xã Gia lương huyện Gia Lộc. Vùng đất
này xưa là bãi bồi gọi là Bản Trang gồm Đông khu, Tây khu và Trung khu. Dân
Trung khu có nghề trồng dâu nuôi tằm, kéo sồi nên còn có tên là làng Sồi giữa,
vì thế ngôi đình còn có tên là đình Trung thôn, đình Sồi giữa.
Theo thần tích thời Lê còn lưu giữ tại địa phương thì đình
Trình Xá trước đây là một ngôi miếu cổ thờ Thành hoàng là Lương Cảm Quang Châu-
Hoàng Thái Hậu, vốn là công chúa Mỵ Châu, con gái của vua Triệu Việt Vương.
Huyền tích
Theo thần tích, đình Trình Xá trước đây là một ngôi miếu cổ
thờ thành hoàng là công chúa Mỵ Châu, con gái Triệu Việt Vương. Công chúa Mỵ
Châu kết duyên cùng vua Đoan Tông trở thành hoàng hậu. Mỵ Châu cùng vua đi đánh
giặc phương Bắc xâm lược nhưng thất bại nên đã cùng hai người con gái nhảy xuống
biển tự tử. Xác Mỵ Châu trôi dạt đến sông Dẫn Am vào địa phận xã Lỗi Dương (xã
Gia Lương ngày nay) thì dừng lại.
Nhân dân địa phương vớt lên thấy người phụ nữ dung nhan tuyệt
trần liền làm lễ an táng, lập miếu ở gần bờ sông thờ phụng. Từ đó vùng đất này
được bồi đắp màu mỡ, nhân dân có cuộc sống yên ổn, vui tươi. Người dân địa
phương cho rằng nơi đây linh thiêng hiển ứng, bèn tâu lên triều đình. Bà được
vua phong là "Thượng đẳng tối linh phúc từ" và cho dân lập đền thờ.
Khi vua Trần Nhân Tông cầm quân đi đánh giặc qua miếu Hoàng
thái hậu có vào hành lễ cầu nguyện và chọn trong khu vực này 6 vị dân lão là Phạm
Công Trinh, Vũ Công Cán, Nguyễn Công Mỹ, Phạm Công Hoằng, Trần Công Hợp, Lê
Công Vinh. 6 người này làm gia thần phụng mệnh, theo vua đi đánh giặc. Trận ấy
giặc tan, vua quay về tạ lễ miếu Hoàng thái hậu và ban thưởng hậu cho 6 vị dân
lão, lệnh cho người dân lập đền thờ Hoàng thái hậu, các triều đại sau đều phong
sắc và phong mỹ tự, tặng câu đối.
Các triều đại sau đều phong sắc và phong mĩ tự, tặng câu đối
như sau:
"Nhất
mộng phương danh chiêu trần thế
Nghìn thu phúc nghĩa tại Lỗi
Dương."
Nghĩa là:
"Một
giấc mộng tiếng thơm chiếu sáng đời nhà Trần
Nghìn thu
phúc nghĩa tại đất Lỗi Dương."
Theo thần tích và tư liệu, đình Trình Xá được khởi dựng vào
thời Lê với quy mô lớn kiểu chữ Quốc bao gồm tiền tế, hậu cung, tam quan, giải
vũ, đáng tiếc hiện nay di tích không còn như xưa nữa, chỉ còn 5 gian toà tiền tế
và 3 gian hậu cung theo kiểu chữ Đinh (J) tổng diện tích 116 m2, nhà kiểu lòng
thuyền, chân tảng đá xanh, đục 3 lớp hình cánh sao tinh xảo, vì kết cấu con chồng
đấu sen.
Các bức cốn chạm lộng các tích dân gian, nét chạm khéo léo,
chau chuốt như long vân tụ hội, cúc hoá long, phượng vũ, tùng lộc, tùng cúc
trúc mai, cúc điệp, hồng điệp... Đầu bẩy mái hiên chạm kênh bong cá hoá rồng, rồng
vờn mây, chim bay, đào mận tạo thành bức tranh mùa xuân rực rỡ.
Mái đình cổ kính được bao bọc bởi tán cây cổ thụ sum suê,
thân rễ sù sì, có cây tới 150 tuổi như cây quéo, cây xi tăng thêm vẻ thâm
nghiêm, u tịch. Làng Trình Xá vốn phong cảnh nên thơ. Đình chùa cổ kính và cánh
đồng thẳng cánh cò bay.
Di tích còn giữ được nhiều cổ vật có giá trị như cuốn thần
tích thời Lê (1737), bia đá thời Nguyễn (1939), chuông đồng, bát hương... Đặc
biệt ở đây còn 7 đạo sắc phong từ thời Quang Trung đến cuối thời Nguyễn. Đó là
vật chứng chân xác nhất ghi nhận lịch sử và giá trị của ngôi đình.
Xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số
05/1999/QĐ-BVHTT ngày 12 tháng 02 năm 1999.
Theo các cụ truyền lại, trước đây hội đình được tổ chức trọng
thể trong 3 ngày từ 7-9.11 âm lịch, tất cả đầu đinh trong làng đều tham gia.
Náo nhiệt nhất là lễ rước nước từ bến nước thôn Lũy Dương về miếu gần đình để rửa
đồ tế tự. Sau đó làm lễ rước đồ tế tự vào đình rồi mới khai hội. Phần hội đông
vui, có nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, kéo co, bơi thuyền, hát
chèo. “Từ năm 1999 đến nay, lễ hội đình thu gọn lại vào mùng 8.11 âm lịch hằng
năm và chỉ có phần lễ, gần như không có phần hội do thiếu kinh phí tổ chức, cơ
sở vật chất xuống cấp, hơn nữa nhiều người trong làng cũng bận rộn không để ý”,
ông Dũng nói.
Quan tâm trùng tu, tôn tạo
Toàn bộ phần diềm mái gian tiền tế của đình Trình Xá đã xuống
cấp nghiêm trọng
Những năm gần đây, đình Trình Xá xuống cấp trầm trọng. Kiến
trúc biến dạng, hệ thống mái, vì kèo, cột… mục ruỗng. Từ đầu năm 2019, mái ngói
hậu cung xô lệch, thủng nhiều chỗ, ngồi trong đình nhìn thấy ánh sáng ngoài trời,
gặp mưa là dột. Nhiều người đến thắp hương không dám vào vì sợ mái sập xuống bất
cứ lúc nào. Dân làng thấy vậy chuyển hết đồ tế tự ra gian tiền tế và thông báo
với xã để có phương án trùng tu cấp thiết.
Địa phương đã đề nghị các cấp, các ngành quan tâm có phương
án tu bổ di tích để chống xuống cấp, bảo tồn giá trị truyền thống của quê hương
cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và nguyện vọng của nhân dân. Xã đã vận động
nhân dân, con em xa quê ủng hộ được gần 300 triệu đồng, đến tháng 10.2019, tỉnh
cấp cho xã 250 triệu đồng để tu bổ phần hậu cung.
Đến nay, phần hậu cung đã được làm mới hoàn toàn, rộng hơn
60 m2, hệ thống vì kèo, cột làm bằng gỗ lim. Nhà tiền tế cũng được tu bổ, thay
mới một số chân cột, mái sau nóc đình đắp lại 2 con kìm, 2 đao góc... Tổng kinh
phí để tu bổ cho các hạng mục này đã gần 900 triệu đồng. Thôn sẽ vận động nhân
dân đóng góp tiếp.
Hiện nay hậu cung và mái sau nhà tiền tế đã tu bổ nhưng mái
trước cũng đã xuống cấp trầm trọng. Hệ thống cửa bị mối mọt, không đúng nguyên
bản, đao góc bị biến dạng, mái ngói lồi lõm, toàn bộ phần diềm mái tiền tế đã mục
ruỗng, ngói ở phần diềm mái rơi rụng dần… rất nguy hiểm.
Cho đến kiến trúc bên ngoài di tích quốc gia đình Trình Xá
khá khập khiễng, phía sau mới, phía trước cũ và xuống cấp. Thôn đã nhờ một công
ty tu bổ di tích lập khái toán, nếu trùng tu hết phần mái trước sẽ cần khoảng
400 triệu đồng. Tuy nhiên đây là di tích quốc gia, muốn làm phải xin phép Nhà
nước, hơn nữa kinh phí hạn hẹp, chỉ trông chờ vào kinh phí của tỉnh phân bổ và
vận động nhân dân, con em xa quê đóng góp. Người dân Trình Xá mong đình được tu
bổ hoàn thiện để hằng năm tổ chức lễ hội chu đáo, thu hút đông đảo nhân dân
tham gia, góp phần giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương.
HOÀNG HÀ