Tọa lạc trên thế đất rộng, bằng phẳng giữa làng Trung Hậu, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, đình Trung Hậu còn được biết đến với tên gọi đình - đền Đồng Cổ. Cùng với đền Đồng Cổ ở làng Mỹ Đà (nay thuộc xã Hoằng Đức), đây là nơi thờ Thành hoàng Bảo Hựu tôn thần - tức thần núi Đồng Cổ trên vùng đất Hoằng Hóa.
Năm 2003, Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Trung Hậu được
tôn tạo trên nền móng cũ theo kiến trúc truyền thống.
Theo sách “Thanh Hóa Chư thần lục” được biên soạn dưới thời
vua Thành Thái (năm 1903) thôn Trung và thôn Mỹ Đà, huyện Hoằng Hóa thờ Thành
hoàng Bảo Hựu tôn thần. Căn cứ vào các đạo sắc ban, thần tích và các sách vở
ghi chép thì Thành hoàng Bảo Hựu là mỹ tự thần Đồng Cổ hiển ứng trong dải mây từ
trên không trung giáng xuống. Về sau được vua ban là Thành hoàng Bảo Hựu thượng
đẳng tối linh thần đại vương.
Làng Trung Hậu xưa kia còn được biết đến với tên gọi Ấp
(thôn) Trung. Các cụ cao niên trong làng cho biết, dựa trên thần tích thần Đồng
Cổ lưu truyền tại địa phương, tục thờ thần Đồng Cổ ở làng Trung Hậu xuất hiện từ
thời Lý, gắn liền với sự kiện Thái tử Lý Phật Mã trên đường chinh phục vùng đất
phương Nam, đã dừng chân ở Ấp Trung.
Tương truyền, Ấp Trung, trang Sơn Trang, sách Cổ Đằng, châu
Hà Trung (sau này là sách Cổ Đằng, phủ Hà Trung, ngày nay là xã Hoằng Trung,
huyện Hoằng Hóa) xa xưa khi người dân đến khai cơ lập nghiệp, xây làng quần cư
sinh sống vốn chưa có miếu thờ thần. Lúc bấy giờ, Thái tử Lý Phật Mã được vua
cha tin tưởng phái đi dẹp giặc Chiêm quấy phá vùng đất phương Nam nước ta.
Khi quân sĩ tiến đến vùng núi Đan Nê thì thấy một quả núi
hình Rùa Vàng, thế đất linh, sơn thủy hữu tình, liền cho dừng quân dựng trại
nghỉ ngơi. Đêm xuống, Thái tử nhà Lý thấy vị thần nhân tướng mạo khác thường,
uy phong lẫm liệt tự xưng Bản cảnh sơn thần được thiên đình sai trấn giữ nơi
đây, nghe tin Thái tử đem quân đi đánh giặc Chiêm nên hiển linh, muốn che chở,
phù trợ.
Ngày hôm sau, Thái tử Phật Mã trước khi lên đường hành quân
đã làm lễ tạ “Đồng Cổ sơn thần”. Về sau, trong trận chiến với giặc Chiêm, khi
thế trận giao tranh ác liệt bất phân thắng bại, lo lắng quân sĩ mệt mỏi nên
Thái tử đã ra lệnh rút quân quay về.
Khi qua địa phận Bản Làn thuộc Ấp Trung, thấy phong cảnh hữu
tình, có sông núi xung quanh, Thái tử Lý Phật Mã đã chọn dừng chân nghỉ lại.
Quân sĩ được dân làng đón tiếp nồng hậu.
Đêm xuống nghỉ ngơi, Thái tử Phật Mã lại mộng thấy vị thần
nhân dáng vẻ uy nghiêm như đã từng gặp, tự xưng Đồng Cổ sơn thần theo vua đi dẹp
giặc. Sáng ngày hôm sau, Thái tử nhà Lý liền cho lập đàn tế lễ, bỗng trời đất nổi
cuồng phong, sấm chớp... trên không trung hiện ra dải lụa vàng hiển hiện hai chữ
“Bảo Hựu”, khi trời quang mây tạnh thì dải lụa cũng biến mất, lúc bấy giờ Thái
tử Phật Mã mới hoàn toàn tin là thần linh hiển ứng trợ giúp.
Bởi vậy, thay vì trở về kinh đô đã quyết tâm cho quân tiến
thẳng đến nơi giặc đóng. Giữa lúc hai bên đang giao tranh, trên không trung nổi
lên ba tiếng trống lớn như sấm dậy khiến giặc Chiêm sợ hãi, mất hết nhuệ khí, bỏ
chạy tan tác, quân ta nhân đó mà tiến công, quét sạch kẻ thù khỏi bờ cõi.
Thắng trận khải hoàn, Thái tử Lý Phật Mã không quên sự linh ứng
giúp đỡ của Đồng Cổ sơn thần. Sau khi lên ngôi, ngoài việc phong cho thần là “Đồng
Cổ Đại vương”, nhà vua còn lệnh cho người đem sắc chỉ về Ấp Trung truyền cho
dân làng lập đền thờ phụng, phong Thành hoàng Bảo Hựu thượng đẳng tối linh thần
đại vương.
Trải qua thời gian năm tháng, dù mang những tên gọi khác
nhau như đình Trung Hậu, đình Đồng Cổ - đền Đồng Cổ thì từ khi khởi dựng đến
ngày nay, di tích đình Trung Hậu vẫn là không gian thiêng, nơi tôn thờ thần
Thành hoàng Bảo Hựu, tức thần Đồng Cổ.
Đình Trung Hậu và huyền tích thờ thần Đồng CổĐình Trung Hậu
là nơi thờ Thành hoàng Bảo Hựu, tức thần Đồng Cổ.
Theo lý lịch di tích, cuối thế kỷ 19, Lê Trí Trực - viên
quan chánh sứ sơn phòng kiêm thượng biện tỉnh vụ, một nhân sĩ yêu nước tham gia
phong trào Cần Vương, khi đến thăm đình - đền Trung Hậu, đã sinh xúc cảm, để lại
hai câu đối: “Mệnh tự thiên thân, Lý cổ, Lê vân, hách Trạc/ Đài đặc địa khởi,
Trà Giang, Tượng Lĩnh thanh cao”, được hiểu là mệnh từ trời cao giáng xuống, tiếng
trống triều Lý, áng mây triều Lê, anh linh sáng láng, cung đài khởi dựng một
khu đất, sông Trà án trước, núi Tượng Lĩnh án sau, cao vời vợi.
Trải qua thời gian với nhiều biến động cùng thăng trầm lịch
sử, năm 2003, đình Trung Hậu đã được chính quyền, Nhân dân địa phương và những
người có lòng hảo tâm cùng nhau đóng góp công sức, tiền bạc tôn tạo lại di tích
trên nền móng cũ.
Di tích được tôn tạo theo kiểu kiến trúc “chuôi vồ” truyền
thống, gồm tiền đường và hậu cung. Trong đó, nhà tiền đường kết cấu theo kiểu
“chồng rường kẻ bẩy”, kết hợp những mảng chạm khắc hoa văn tinh tế, đẹp mắt; vì
nóc cũng được kết cấu kiểu “chồng rường”, phía dưới đặt các bệ đỡ tạo sự chắc
chắn... Đây là kiểu kết cấu gỗ thường thấy ở các công trình kiến trúc đình, đền
Việt Nam trong lịch sử.
Bên ngoài nhà tiền đường được tạo tác và trang trí tòa mái
cong với các "đầu đao” uyển chuyển mà uy nghiêm; mái lợp ngói mũi, bờ dải
gắn gạch hoa chanh chạy khắp 4 mặt, trên bờ nóc đắp hình “lưỡng long chầu nguyệt”...
Dù là công trình kiến trúc được tôn tạo thời hiện đại, song đình - đền Trung Hậu
được đánh giá cao về việc tuân thủ theo kiến trúc xưa kia.
Ngày nay, từ Quốc lộ 1A theo hướng Nam - Bắc, đến ga Nghĩa
Trang rẽ trái khoảng hơn 200m, du khách sẽ bắt gặp đình Trung Hậu thâm nghiêm,
tĩnh lặng trong cảnh sắc làng quê đang từng ngày đổi mới. Bà Phạm Thị Ngân, Bí
thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Trung Hậu, cho biết: “Đình - đền Trung Hậu gắn với
huyền tích thần Đồng Cổ từ xa xưa đến hôm nay luôn là niềm tự hào của người dân
địa phương.
Di tích là không gian thiêng, điểm tựa tâm linh cho các thế
hệ người dân trong làng. Trung Hậu là thôn điểm xây dựng thôn nông thôn mới kiểu
mẫu của xã Hoằng Trung, cùng với phát triển kinh tế, việc gìn giữ, bảo tồn nét
đẹp văn hóa, giá trị lịch sử của cha ông là trách nhiệm của mỗi người dân trong
làng”.