Đình Trung Kính Hạ (Đình Giàn) có từ thời Hậu Lê, thờ thành hoàng Nộn Công, thờ phụng vua Lê Đại Hành và bà Trịnh Thị Ngọc Nghiêu. Vua Lê Đại Hành từng đem quân đi đánh giặc Tống theo đường ngược sông Nhuệ, sông Tô, tới làng Trung Kính có dừng lại tuyển quân và lấy thêm lương thực.
Trung Kính vốn là vùng đất cổ có lịch sử tạo dựng lâu đời.
Trung Kính trước kia là một xã riêng gồm hai thôn Trung Kính Thượng và Trung
Kính Hạ. Cùng những lớp cư dân đầu tiên của phường Trung Hoà hôm nay đã có mặt ở
đây từ buổi bình minh dựng nước.
Nằm bên bờ hữu ngạn sông Tô, là vùng đồng bằng phì nhiêu,
xưa kia có các ao hồ làm cho lượng nước điều hoà, vì vậy mà có câu ca rằng:
“Sông Tô nước chảy lững lờ – Anh trông đầu nọ, em chờ đầu kia”.
Qua nhiều thế kỷ, người dân nơi đây luôn đoàn kết khai phá
và cải tạo để vùng đất này trở nên màu mỡ. Nhân dân Trung Kính lấy nông nghiệp
đa canh làm nguồn sống.
Thôn Trung Kính Hạ tên Nôm là làng Giàn, xưa ruộng nhiều
nên có câu “Lúa làng Giàn, quan Kẻ Mọc”. Nhân dân thôn Thượng, thôn Hạ có nghề cổ truyền
làm tăm tre, đũa tre, hương đen, hương trầm, xạ, hương vòng … Đóng góp vào nền
văn hoá dân tộc, Trung Kính còn được gọi là Kính Chủ trang, một vị đứng đầu là
“Thành hoàng hương chân oai linh Nộn triết danh thần”, có thuần phong mỹ tục, lễ
giáo uy nghiêm cùng chung nền văn hoá vùng ven sông Tô.
Năm 1942, Pháp thành lập “Đại lý đặc biệt Hà Nội” gồm huyện
Hoàn Long và Trung Kính cùng 21 xã khác thuộc phủ Hoài Đức, được chia thành 8
tổng, 60 xã, trụ sở đặt ở ấp Thái Hà.
Gọi là “đại lý” vì đất tuy vẫn do tỉnh Hà Đông quản lý nhưng
hành chính và an ninh trật tự lại do Tòa đốc lý Hà Nội đảm nhiệm. Năm 1955, xã
Trung Kính đổi tên thành Trung Hòa thuộc quận V. Năm 1961, xã thuộc huyện Từ
Liêm. Đến năm 1997 trở thành phường Trung Hòa thuộc quận Cầu Giấy.
Ngôi đình mang trên mình đầy đủ những giá trị về lịch sử,
văn hoá, khoa học và kiến trúc nghệ thuật góp phần khẳng định vùng đất này có lịch
sử tạo dựng lâu đời với những tên đất, tên làng đã ăn sâu vào tiềm thức của cư
dân nơi đây. Nằm đối diện làng Láng Thượng ở bên kia sông Tô Lịch, xã
Trung Kính vốn có đất đai màu mỡ và nhiều ao hồ, về sau mới bị lấp
dần.
Xã xưa kia tên là trang Kính Chủ, về sau chia ra hai thôn
Trung Kính Thượng, Trung Kính Hạ, mỗi thôn đều có chùa và đình riêng nhưng
cùng thờ chung 3 vị thành hoàng. Xã Trung Kính đầu thế kỷ XIX thuộc tổng
Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức. Năm 1926 dân số cả xã là 1531 người.
Trung Hoà có nhiều di tích lịch sử văn hoá, hầu như thôn nào
cũng có những di tích hoặc cả một quần thể di tích bao gồm đình, đền, chùa,
nghè, miếu … Trung Kính Thượng và Hạ thờ chung một thần hoàng (Nộn Công thời
Hùng Vương).
Thần phả viết: Nộn Công sinh ngày 14 tháng 2, lớn lên
làm tướng của vua Hùng thứ 18. Ngài từng dừng chân đóng đồn tại trang
Kính Chủ trên đường đi đánh giặc Thục, được dân làng đón tiếp nồng nhiệt và
có thêm trai tráng xin tòng quân. Sau khi giặc tan, vua Hùng phong ngài tước
Bảo Quốc Hầu, lập dinh ở Kính Chủ, ban thêm tên Hộ Nhi Hương cho làng này để
ghi nhận công lao. Về đến đất Hoan Châu ngày 12 tháng 10, Nộn Công tự nhiên bị
bệnh mà mất.
Đình Trung Kính Hạ (Đình Giàn) có từ thời Hậu Lê, thờ
thành hoàng Nộn Công, ngoài ra còn thờ vua Lê Đại Hành và bà Trịnh Thị Ngọc
Nghiêu. Vua Lê Đại Hành từng đem quân đi đánh giặc Tống theo đường ngược sông
Nhuệ, sông Tô, tới làng Trung Kính có dừng lại tuyển quân và lấy thêm
lương thực.
Bà Trịnh Thị Ngọc Nghiêu là phu nhân của một võ quan triều
Hậu Lê làm tới chức Đô đốc Đồng tri, bà đã cấp cho thôn Trung Kính 100 quan
tiền cổ và 5 mẫu ruộng để lo việc thờ phụng thành hoàng.
Gần đình là chùa Báo Ân và miếu Thành hoàng Trung
Kính Hạ (ban đầu có một ban thờ tại bờ sông, nơi ngài Nộn Công đặt doanh
trại; về sau ban thờ chuyển về vị trí hiện nay rồi được dân xây thành
miếu). Năm 1946-1947 mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, các di tích
bị phá hủy gần hết, sau này mới xây dựng lại.
Chùa làng cổ kính trang nghiêm và đình Trung Kính Hạ là một
trong những di tích hiện còn bảo lưu được nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá, kiến
trúc nghệ thuật khẳng định lịch sử tạo dựng và những nét đẹp văn hoá, truyền thống
của mảnh đất này.
Cổng đình Trung Kính Hạ. Photo NCCong ©2020
Miếu thành hoàng Trung Kính Hạ.Photo NCCong ©2020
Đình làng Trung Kính Hạ. Photo NCCong ©2020
Di tích đình Trung Kính Hạ hiện thuộc tổ 8, phố Trần Duy
Hưng, phường Trung Hoà. Các bản thần phả của Hộ nhi hương (xã Trung Hoà) cho biết
đời Hùng Vương thứ 18, các tướng của vua Hùng như Hùng Nộn Công và Phan Tây Nhạc
đã đến đóng quân ở khu vực này.
Người Trung Kính thờ thần Hùng Công Nộn và Hoàng đế Lê Đại
Hành ở đình, coi như một trung tâm hội tụ đoàn kết cộng đồng để bảo vệ xây dựng
xóm làng. Đình có quy mô kiến trúc khang trang toạ lạc ở giữa khu trung tâm cư trú
của làng.
Kiến trúc
Cổng đình Trung Kính Hạ hiện nay quay về phía
đông-bắc, xây kiểu nghi môn. Ngôi đình quay mặt về phía tây-nam trong một
khuôn viên khá nhỏ, nhìn qua bức bình phong và tường bao ra ao hình chữ
nhật. Hai bên sân đình có dãy nhà tả, hữu mạc 3 gian đối diện nhau. Trên
nền cao hơn ở phía cuối sân là nhà đại bái nằm song song với trung đường
thành hình “chữ Nhị”.
Các hạng mục kiến trúc của đình được bố cục hài hoà, đăng đối,
thống nhất với nhau trong một không gian văn hoá tĩnh lặng của làng quê Việt
Nam. Trước đình có ao hình bán nguyệt theo thế phong thuỷ. Tổng thể các công
trình kiến trúc: Cổng đình, sân đình, nhà tả – hữu mạc, nhà tiền trung tế và hậu
cung.
Nhà tiền tế ba gian hai chái, bốn hàng chân cột, mái phân
thượng tam hạ tứ, đặt trên nền đất thấp. kiểu bốn mái với các đầu đao cong tạo
thành hình rồng lá cách điệu, phía trước trổ ba cửa bức bàn, cửa chính kiểu thượng
song hạ bản, hai cửa bên kiểu ván bưng không trang trí.
Mái đình lợp ngói di, bờ nóc bờ dải đắp kiểu bờ đinh không
trang trí. Chính giữa bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nhật, bốn góc mái đắp
các đầu đao cong, phía trước xây các bậc tam cấp bằng gạch, nền nhà lát gạch
Bát Tràng.
Bộ khung gỗ gồm 4 thức vì kết cấu kiểu “Chồng rường giá
chiêng, hạ kẻ”, các cột gỗ tròn làm theo kiểu “thượng thu hạ thách”. Hai gian
trái tiền tế làm hệ thống kẻ có đầu mộng ăn sâu vào thân trụ trốn để đỡ mái hồi.
Thân kẻ có đầu mộng ăn sâu vào thân trụ trốn, đầu kia đỡ hoành và được liên kết
chặt chẽ bằng hệ thống xà thượng, xà hạ.
Các gian toà tiền tế đều treo các bức cửa võng, cuốn thư,
hoành phi và câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy. Các bức cửa võng, cuốn thư ở
đây đều được chạm bong, chạm nổi, chạm thủng rất cầu kỳ, tinh xảo mang giá trị
nghệ thuật cao với các đề tài như rồng chầu mặt trời, rồng lá, rồng cuốn thuỷ
và các đao mác, hoa sen, vân dấu hỏi, mặt hổ phù, bầu rượu, túi thơ, tứ quý và
các mô típ hoa văn truyền thống mà ta vẫn thường gặp trong các kiến trúc cổ của
người Việt. Phía dưới các bức cửa võng, đều treo các đôi câu đối ca ngợi công đức
của vị thành hoàng làng.
Trung tế: gồm 5 gian chia nhỏ, phía trước trổ 3 cửa kiểu bức
bàn “thượng song hạ bản”, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Bộ khung gồm
6 thức vì kết cấu kiểu vì kèo quá giang trốn cột. Các gian tại nhà trung đình
cũng treo các bức hoành phi, câu đối, cửa võng … chạm thủng, chạm bong kênh đề
tài cúc mãn khai, rồng chầu, rồng lá, văn hình học…
Hậu cung gồm 3 gian dọc, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp
ngói ta, bộ khung gồm 4 thức vì kiểu vì kèo quá giang trụ trốn bào trơn không
trang trí. Hậu cung đình đặt ngai thờ và các đồ tế lễ là nơi thâm nghiêm nhất của
di tích. Nhà tả, hữu mạc: mỗi dãy 3 gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, mái
lợp ngói ta, bộ khung được làm bằng gỗ có kết cấu đơn giản kiểu vì kèo quá
giang trốn cột. Các đầu bẩy được trang trí nhiều đề tài vân mây, lá lật…
Trải qua những biến động của lịch sử, tồn tại đến ngày nay,
di tích đình Trung Kính Hạ đã có những đóng góp nhất định với lịch sử của quê
hương Trung Kính, lịch sử của thủ đô ngàn năm tuổi và cuộc sống tinh thần của
nhân dân địa phương.
Di sản
Hiện nay, di tích còn bảo lưu được hệ thống các di vật phong
phú về thể loại và chất liệu: sắc phong thời Lê trung hưng, 14 đạo sắc phong,
cổ nhất từ ngày 8 tháng Tám năm Cảnh Hưng 28 (1767), kiệu long đình, kiệu
bát cống, đỉnh đồng, 03 hương án, 01 chuông đồng đúc vào thời Nguyễn, 17 đôi
câu đối, 05 tấm bia đá gồm một bia mang niên hiệu Vĩnh Trị (1676 – 1680), 03
bia niên hiệu Bảo Đại 5 (1930) và 01 bia mang niên hiệu Thành Thái 19 (1907).
Trong toà đại bái và trung đường đều treo các bức cửa võng,
cuốn thư được chạm bong, chạm nổi, chạm thủng cầu kỳ, tinh xảo với các đề tài
như rồng chầu mặt trời, rồng lá, rồng cuốn thuỷ, cúc mãn khai và các đao mác,
hoa sen, vân dấu hỏi, vân mây, lá lật, mặt hổ phù, bầu rượu, túi thơ, tứ quý và
các hoa văn truyền thống. Các hoành phi và câu đối được sơn son thếp vàng.
Lễ hội đình làng Trung Kính Hạ diễn ra hàng năm từ ngày
11 đến ngày 13 tháng Hai âm lịch. Ngoài lễ mộc dục, lễ phong áo thánh và lễ
dâng hương, nghi thức chính còn có lễ rước kiệu tam vị từ đình đến miếu
thành hoàng và rước trở về đình, lễ giải y và hạ cờ; bên cạnh đó là các trò
chơi và văn nghệ dân gian.
Ngôi đình là nơi trung tâm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng
dân cư làng xã, nơi đoàn kết thôn xóm và là nơi bảo lưu những giá trị văn hoá
truyền thống tốt đẹp của địa phương, giáo dục cho các thế hệ trẻ lòng yêu quê
hưng đất nước, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với những
di sản văn hoá dân tộc mà ông cha ta đã dày công xây dựng, gìn giữ cho đến hôm
nay.
Ngày 20-10-2007 UBND thành phố Hà Nội đã xếp hạng đình
Trung Kính Hạ là Di tích Lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật tại Quyết định số
4169/QĐ-UBND.