Theo sắc phong còn để lại cả hai làng Trung Mầu và Thịnh Liên thuộc xã Trung Mầu (Gia Lâm, Hà Nội) thờ ba vị tướng nhà Đinh: Cao Chương Đại Vương, Cao Gia Đại Vương, Tòng Chinh Đại Vương có công đánh dẹp 12 sứ quân và giặc Chiêm Thành giữ nước thuộc địa phận hai làng, được vua Đinh Tiên Hoàng phong tướng sắc.
Nằm phía tả ngạn sông Đuống, trước đây Trung Mầu là một xã
thuộc tổng Dũng Vi, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc. Trong kháng chiến chống Pháp,
nằm trong xã Toàn Thắng của huyện Gia Lâm; sau Cải cách ruộng đất giữa năm
1956, làng Trung Mầu và làng Thịnh Liên tách khỏi xã Toàn Thắng để lập thành xã
Trung Hưng thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Tháng 4 - 1961, xã Trung Hưng được cắt chuyển về huyện Gia
Lâm, thành phố Hà Nội. Năm 1964 xã đổi tên thành xã Trung Mầu.
Những năm qua, Trung Mầu đã thực hiện quyết liệt việc chuyển
đổi cơ cấu kinh tế, phát triển trồng trọt chăn nuôi và các ngành nghề phụ như:
Trồng cây cảnh, chăn nuôi bò sữa và dâu tằm… Nhiều mô kinh kinh tế mới đã và
đang được hình thành và từng bước được nhân rộng. Năm 2000, Trung Mầu được
phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" thời
kỳ chống Pháp.
Đình Thịnh Liên, thờ phụng 3 vị danh tướng thời Đinh Tiên Hoàng
Đình Thịnh Liên và Đình Trung Mầu đều thờ 3 vị tướng thời
Đinh có công dẹp loạn và lập ra làng Trung Mầu xưa
Xã Trung Mầu gồm hai làng Trung Mầu và làng Thịnh Liên với 5
di tích lịch sử văn hóa. Làng Trung Mầu xưa có một đình, một nghè, hai chùa (một
gọi là Chùa Đô, một gọi là chùa Mới nay xây nhà truyền thống của xã). Làng Thịnh
Liên xưa có hai đình hai chùa. Năm 2017, cả 2 làng đều phục dựng lại các ngôi
đình với tên gọi là đình Trung Mầu và đình Thịnh Liên.
Theo sắc phong còn để lại cả hai làng Trung Mầu và Thịnh
Liên thờ ba vị tướng: Cao Chương Đại Vương, Cao Gia Đại Vương, Tòng Chinh Đại
Vương triều đại Đinh Tiên Hoàng.
Các vị tướng nhà Đinh này là danh tướng có công đánh dẹp 12
sứ quân và Chiêm Thành giữ nước thuộc địa phận hai làng được nhà vua phong tướng
sắc. Riêng làng Thịnh Liên vì đại bộ phận là dân chài còn thờ thêm thần:
"Hán Giang Thủy Tộc Long Vương".
Bề dày lịch sử
Nằm bên bờ tả sông Đuống và cách trung tâm Hà Nội chừng 20
cây số đường đất, xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm, Hà Nội) xưa vốn là vùng đất cổ,
người Việt đã đến đây khai phá và định cư rất lâu đời. Dựa vào kết quả nghiên cứu
khảo cổ học thì các di tích tìm thấy được trong một số ngôi mộ cổ ở Trung Mầu
như Ngôi một cổ vườn Rú đã phát hiện các di chỉ bao gồm: Vò gốm, tiền đồng, bát
đĩa đồng, dáo mác đồng…
Đặc biệt còn tìm thấy cả trống đồng loại 1, rìu đồng lưỡi
xén, chậu đồng, thạp đồng… có khắc hoa văn hình người trai đóng khố gái mặc váy
ngắn, hình chó săn, mũ lông chim. Tất cả đều có niên đại từ thế kỷ đầu đến thế kỷ
thứ năm trước Công nguyên. Điều đó chứng minh "Ở Trung Mầu đã hình thành
quần cư Việt cổ".
Theo cuốn sách "Lịch sử các làng ở Hà Nội" thì
làng Trung Mầu xưa có tên là nôm là làng Miêu. Làng Miêu hồi đó đã thờ Lý Quốc
Sư tại chùa Đô. Làng thờ quốc sư triều Lý Nguyễn Minh Không (tức Lý Quốc Sư) tại
Chùa Đô.
Vì có chiến tích đối với quốc gia, nhà sư được vua đưa về tưởng
niệm tại Kinh đô Thăng Long sau khi ngài hóa. Hiện nay có đền thờ ở phố Lý Quốc
Sư quận Hoàn Kiếm nội thành Hà Nội và ở chùa Bái Đính, Ninh Bình trên quê hương
ông.
Trong khu Bia Từ Chỉ, có một tấm bia được tạo từ năm 1692,
trên bia có ghi nội dung là ca ngợi nhân đức của ông Nguyễn Công Chiêm cùng phu
nhân, ông Chiêm đỗ Tiến sĩ và được bổ làm quan Thị nội giám trong triều và
chính ông là người giúp dân Trung Mầu có được 11 ngàn quan và 17 mẫu ruộng.
Vào thời xưa ấy, đất đai ven sông có được là bao nên được số
tiền và đất ruộng như vậy đối với người dân Trung Mầu xưa thực vô cùng quý giá.
Biết ơn Tiến sĩ Nguyễn Công Chiêm, dân làng đã dựng tấm bia để ghi nhớ. Bài văn
bia Từ Chỉ do chính Thám hoa Vũ Thành, người làng soạn ra, bia có đoạn:
"Trung Mầu anh cả/ Hàng xã thứ hai/ Dũng Vi chi ngoài/ Kin Đường Hán Lạc…Sáu
xã quý nhau/ Thuận hòa chi quý".
Làng Trung Mầu xưa có một đình, một nghè và hai chùa (chùa
Đô và chùa Mới). Với một làng quê xa xưa như vậy mà có được những thứ đó đã chứng
tỏ đất này là đất có đủ văn và võ.
Truyền thống vẻ vang. Có thể nói không nhiều địa phương cấp
xã có Phòng truyền thống cỡ như một bảo tàng vậy và được nhà nước tấm bằng
"Có công với nước" do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ký
năm 1977 với một điểm đặc biệt tấm bằng này có dòng chữ "Nhân dân làng
Trung Mầu", thực sự là điều hiếm thấy.
Khu vực có tấm Bia Từ Chỉ
Tuy nằm bên sông Đuống và giáp ranh với nhiều huyện tỉnh bạn
nhưng từ đầu những năm 40 của thế kỷ 20, làng Trung Mầu đã là nơi đi về của các
đồng chí cán bộ hoạt động bí mật. Các đồng chí trong Xứ ủy Bắc kỳ như: Hoàng Quốc
Việt, Văn Tiến Dũng, Lê Quang Đạo, Đặng Kim Giang, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn
Khang, Bùi Quang Tạo… và cả Tổng bí thư Trường Chinh cũng đã về Trung Mầu chỉ đạo
phong trào. Ngôi nhà của cụ Nguyễn Xuân Lộc là một trong những địa điểm để các
đồng chí trong Xứ ủy tiến hành họp và tổ chức những lớp học về Chủ nghĩa Mác -
Lê nin.
Tháng 6 năm 1944, chi bộ Đảng đã được thành lập trên đất
Trung Mầu, đảng viên là những người con kiên trung của làng, nhờ đó mà phong
trào lên rất mạnh.
Từ Trung Mầu nếu theo đường "chiến lược" thì có thể
đi các nơi khác như tới Hà Đông (Xứ ủy Bắc kỳ đã nhóm họp ở đó và bàn Khởi
nghĩa ở Hà Nội tháng 8 năm 1945) hay tới "An toàn khu" của Trung ương
ở Chiến khu Việt Bắc một cách dễ dàng. Nếu men theo sông Đuống thì rất thuận lợi
tới các địa phương ở Hải Dương, Hưng Yên để phát triển tổ chức Việt Minh.
Chính bởi có những thuận lợi đó và nhất là được sự lãnh đạo
sâu sát của các đồng chí trong Xứ ủy Bắc kỳ mà Chi bộ Đảng làng Trung Mầu đã chủ
trương tập trung mọi khả năng để lãnh đạo nhân dân trong làng và các làng xung
quanh nổi dậy chớp thời cơ giành chính quyền về tay nhân dân.
Cuộc nổi dậy bắt đầu từ mờ sáng ngày 11 tháng 3 năm 1945. Từ
Chùa Mới, một cuộc mít tinh nhân dân được tiến hành với sự tham gia của rất
đông nhân dân do chi bộ Đảng lãnh đạo.
Sau khi cuộc mít tinh kết thúc, đoàn người biến thành đoàn
biểu tình thị uy đi qua các xóm thôn rồi trở lại Chùa Mới. Tại đây chính quyền
nhân dân đã được thành lập. Một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền được diễn ra
mau lẹ, kịp thời, đông đảo, đồng lòng và không một tiếng súng. Đó là cuộc
"khởi nghĩa" giành chính quyền sớm nhất cả nước.
Tiếng vang từ Trung Mầu đã làm nức lòng nhân dân các nơi và Cuộc
khởi nghĩa đã được các đồng chí Xứ ủy đánh giá rất cao, là bài học cho các làng
xã khác. Được các đồng chí trong Xứ ủy khích lệ bởi đã làm chấn động khắp các
xã huyện xung quanh như Tiên Du, Thuận Thành và Gia Lâm.
Với đà thắng lợi đó, nhân dân Trung Mầu đã nhanh chóng khôi
phục lại các lò võ vốn có của làng để tổ chức tập luyện cho các nhân tố tích cực
với 82 người tổ chức thành hai trung đội (Khi Kháng chiến toàn quốc nổ ra, 2
trung đội này đã gia nhập Vệ quốc đoàn). Đồng thời cho "đốt" lại các
lò rèn rồi mời các nghệ nhân giỏi về làng rèn dao, kiếm, mã tấu, dáo mác... chuẩn
bị cho Tổng khởi nghĩa ngày 19 tháng 8 năm 1945 ở Thủ đô Hà Nội.
Nguyễn Trọng Văn