Đình Trung Thôn, Thôn Vân Đình, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội thờ phụng tam vị tướng triều đại vua Đinh Tiên Hoàng là Chiêu Pháp Đại vương, Đông Cư Đại vươngvà Mộc Hoàn Đại vương.
Thị trấn Vân Đình nằm ven bờ sông Đáy và sông Nhuệ, là
huyện lỵ của huyện Ứng Hòa, trước kia thuộc tỉnh Hà Tây, từ năm 2008 thuộc
thành phố Hà Nội. Thị trấn Vân Đình có diện tích tự nhiên 5,39 km², dân số năm
2003 là 13.548 người, mật độ dân số đạt 2.512 người/km². Ranh giới xã về
phía đông giáp xã Phương Tú, phía bắc giáp xã Liên Bạt, phía tây nam giáp xã
Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) qua sông Đáy.
Không chỉ thuận lợi về giao thông đường bộ, Vân Đình
còn là một thị trấn có bến cảng nhỏ thu hút thuyền bè các nơi chở
hàng hoá đến và phân phối đi các vùng xung quanh.
Trong khoảng nửa cuối thế kỷ XX, thị trấn từng phát
triển một số sản phẩm thủ công và công nghiệp nhẹ như: đồ gốm, thuỷ
tinh, gạch ngói, hàng dệt, nông cụ... Ngày nay, Vân Đình còn nổi tiếng với
các món đặc sản: vịt cỏ, giò chả, bánh cuốn, v.v..
Lược sử
Thị trấn Vân Đình có tên Nôm “Kẻ Đình”, nhiều tài liệu
cũ chép rằng nơi đây xưa kia bắt đầu trở thành một tụ điểm dân cư đông
đúc vào thế kỷ X. Một số tác giả đã giải thích Vân Đình nghĩa là mây
dừng lại rồi mưa, đất này thật ra gọi là “Kẻ Đinh” bởi vì hầu hết
các vị nhân thần sở tại và lân cận đều là tướng của Đinh Tiên Hoàng.
Theo các bản thần phả và truyền miệng, Vân Đình vốn là
một trang ấp, về sau dân cư đông dần lên mới chia thành thôn xóm. Đình
Trung và đình Thượng cùng thờ ba anh em trai người địa phương đã chiêu mộ
binh đi theo đại quân của Đinh Bộ Lĩnh để tham gia dẹp loạn 12 sứ quân. Năm
968, Đinh Bộ Lĩnh đặt tên nước ta là Đại Cồ Việt, tự xưng hoàng đế, phong
tước và tặng thưởng cho các công thần. Ba anh em được ban chức hùng trưởng,
hưởng thực ấp là trang Vân Đình.
Các triều đình sau này đã ban sắc phong Thượng đẳng
phúc thần và tôn xưng ba ngài là Chiêu Pháp, Đông Cư và Mộc Hoàn đại
vương. Năm 1995, Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng đình Trung và đình Thượng
là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc và di sản
Đình Trung Thôn nhìn về phía đông bắc, đứng trên đê
sông Đáy ta có thể quan sát khá rõ các kiến trúc ở phía sau đình.
Trải qua nhiều đợt sửa chữa và tôn tạo, dáng vẻ ngôi đình mang đậm
phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Cổng đình hiện nay là một nghi môn
nằm bên hữu sân gạch dài và mở ra đường phố Hoàng Văn Thụ.
Trước sân có một ao nhỏ, giáp đại bái là toà tiền
tế xây kiểu phương đình 2 tầng 8 mái, hai bên sân còn có hai cửa phụ
nằm đối xứng qua tiền tế. Toà đại bái 3 gian 2 chái, rộng tới 20m,
hai bên có các lối đi vào trung cung cũng xây 2 tầng 8 mái. Kết cấu 6
bộ vì kèo làm theo kiểu “chồng rường kẻ bẩy” dựa trên các cột gỗ
lim đường kính 35-50cm. Các bức cốn trên vì giữa đều được đục chạm
bong kênh hình rồng, phượng và linh thụ với phong cách nghệ thuật đặc
trưng của thế kỷ XIX.
Đình Trung Thôn thị trấn Vân Đình
Nằm đối xứng qua trung cung (còn gọi thiêu hương) là
dãy nhà tả, hữu vu nhỏ ở hai bên sân sau. Toà hậu cung 3 gian nằm ở
cuối sân sau và dựa lưng vào vườn chuối áp bờ đê sông Đáy. Hai anh em
danh sĩ Dương Lâm, Dương Khuê cùng dân làng đã đóng góp rất nhiều cho
đợt đại trùng tu đình Trung Thôn thời ấy. Năm 1993, ngôi đình được tu
sửa toà trung cung, xây lại tường hồi, hiệu chỉnh vì kèo khung hồi
và lợp lại ngói.
Nguồn: 360.hncity