Đình Trung, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên được xây dựng vào cuối thời Hậu Lê, là điểm thờ phụng bát vị thượng đẳng thần, bao gồm thánh Chử Đồng Tử và nhị Phu nhân, vua Triệu Quang Phục và trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương.
Đây là công trình mang đậm phong cách kiến trúc điêu khắc thời
Hậu Lê. Hiện nay, đình còn giữ được các đạo sắc phong được các triều đại nhà
vua ban tặng, nhằm ghi nhận công lao to lớn của các vị thánh tiên, các vị khanh
tướng, công hầu.
Đình Trung ở xã An Vĩ được xây dựng vào khoảng cuối thời Lê,
đầu thời Nguyễn. Đình có kết cấu hình chữ Tam gồm ba tòa Đại bái, Trung từ và Hậu
cung, thờ bát vị đẳng thần gồm: Đức thánh Chử Đồng Tử cùng Nhị vị phu nhân; Vua
Đồng (Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng); Vua Bơi (Đinh Vương tôn thần); Vua Rừng
(Triệu Việt Vương); tiến sĩ Trần Công Xán và quan Đại tư đồ Nguyễn Bá Khanh (thời
Hậu Lê). Đây là những người lập nhiều công lao với đất nước và vùng đất địa
phương.
Tại ngôi đình này không chỉ là nơi thờ các vị thần mà còn là
địa điểm đã ghi dấu nhiều sự kiện, hoạt động cách mạng của người dân nơi đây. Ngôi
đình là kho chứa lương thực của nghĩa quân Tán Thuật trong phong trào khởi
nghĩa Bãi Sậy.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đình là nơi
huấn luyện võ cho các thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ. Khi ấy, tại ngôi
đình còn có một căn hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngôi đình là địa
điểm tuyển quân, nuôi quân chi viện cho các chiến trường. Đến khi đất nước thống
nhất, đình Trung tiếp tục đóng vai trò là trụ sở của UBND xã An Vĩ cho đến năm
2001.
Trải qua thời kỳ đánh phá ác liệt của thực dân Pháp, đế quốc
Mỹ nhưng đến nay, ngôi đình vẫn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như: 16 đạo
sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn, kiệu bát cống, khám thờ... và hiện là nơi
diễn ra các hoạt động văn hóa, xã hội của địa phương.
Qua đó, góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp trường tồn của ngôi
đình cổ này. Lễ hội truyền thống đình Trung được tổ chức hằng năm vào ngày mùng
10 tháng 2 âm lịch, trong đó, cách 5 năm sẽ tổ chức một hội lớn diễn ra trong 3
ngày liên tiếp, thực hiện các nghi thức tế lễ, rước kiệu, tổ chức các trò chơi
dân gian để tưởng nhớ, tri ân công lao các bậc tiền nhân và giáo dục thế hệ trẻ
đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, phát huy tinh thần cách mạng để sáng tạo, cống hiến
cho đất nước.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật, ngày
18-2-2004, Đình Trung, xã An Vĩ được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng Di tích văn
hóa quốc gia.
Trải qua bao năm tháng, qua bao triều đại phong kiến, Đình
Trung vẫn luôn giữ được vẻ uy nghi, cổ kính, linh thiêng. Di tích không chỉ là
nơi lưu truyền và lan tỏa về một thiên tình sử hàng nghìn năm mang đậm ý nghĩa
nhân văn cao đẹp mà còn có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật của các hạng
mục đang được bảo tồn.
Lễ hội Di tích văn hóa quốc gia Đình Trung năm 2023
Ông Vũ Văn Cường (bên trái), Bí thư Đảng ủy xã An Vĩ và cụ từ Đình Trung - Nguyễn Đức Đại khai mạc lễ hội.
Ban tổ chức dâng hương tại Đình Trung.
Đại diện cán bộ, nhân dân xóm Đình dâng hương tại Đình Trung.
Đội múa Rồng dâng hương tại Đình Trung.
Các cụ cao niên trong làng tham dự khai mạc lễ hội.
Đội múa Rồng, múa Lân trước cửa Đình Trung trong ngày lễ hội.
Một số tiết mục văn nghệ quần chúng nhân dân địa phương tại lễ hội.
Tiết mục văn nghệ của các cháu nhi đồng tại lễ hội.
Ngoài di tích lịch sử Địa điểm cây đa Sài Thị, đình Trung,
trên địa bàn huyện Khoái Châu còn rất nhiều địa chỉ nhớ về cách mạng, giữ chân
du khách như: Cây đa ở xã Đông Tảo, đền thờ Triệu Việt Vương ở xã An Vĩ… Mỗi một
di tích lịch sử trên địa bàn huyện Khoái Châu đều mang những ý nghĩa, giá trị
và nét đẹp riêng.
Chậm bước qua từng di tích, ta như thêm một lần được sống
trong dòng chảy hào hùng của dân tộc, để rồi mỗi chúng ta ra sức học tập, rèn
luyện, góp phần tích cực vào việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn
minh.