Đình Tự Cường, xã Tam Cường, huyện Tam Nông nằm trong hệ thống các di tích dọc theo dải sông Thao, thờ phụng Nữ tướng Xuân Nương, danh tướng trong cuộc khới nghĩa Nhị vua Hai Bà Trưng những năm 40 đầu công nguyên. Đình còn là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử hào hùng của cuộc cách mạng kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đình Tự Cường
Xã Tam Cường là một xã nằm ở phía bắc huyện Tam Nông tỉnh
Phú Thọ. Đình Tự Cường nằm trong hệ thống các di tích dọc theo dải sông Thao
(sông Hồng). Đình Tự Cường là nơi thờ Xuân Nương Công Chúa, một nữ tướng giỏi
đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Đông Hán giành thắng lợi hồi đầu
công nguyên (năm 40 - 43).
Công lao to lớn của nữ tướng Xuân Nương được sử sách ghi
chép, thần tích và ngọc phả tại Đền Hương Nộn, Hương Nha, Nam Cường đều ghi lại
tóm tắt lịch sử và hành trạng của nữ tướng Xuân Nương rằng:
Thời ấy, ở châu Đại Man (nay là Tam Nông, Thanh thủy, Thanh
Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê) có ông Hùng Sát là chủ trưởng châu, lấy bà Đinh Thị Hiên
Hoa, sau bảy lần sinh đều là con trai. Năm Giáp Thân bà Hiên Hoa sinh được một
người con gái mặt sáng như gương, môi son má phấn, mắt phượng mày ngài, cổ cao
ba ngấn. Bà sinh nàng được vừa một trăm ngày thì bà qua đời hôm đó là ngày mồng
5 tháng 5 Âm lịch.
Năm nàng 18 tuổi, diện mạo càng khôi ngô, sắc đẹp tuyệt vời,
tuy là con gái nhưng võ nghệ lại rất tài có sức khỏe, bắn cung giỏi, múa kiếm
sành, so sánh với các bậc con trai thì khó có người đã kịp, công dung ngôn hạnh
nàng cũng vẹn toàn.
Mọi người trong châu đều phục mà gọi nàng là con gái họ
Hùng, tiếng tăm lừng lẫy. Các tù trưởng, thủ hào ở các châu động cũng đều mến
phục tài ba của nàng, lúc đó trong nhà nàng thường có tới chục thị nữ cùng ăn ở,
cùng tôi luyện văn chương, võ nghệ để trở thành người tài giỏi.
Thời ấy, dưới ách đô hộ của nhà Hán, tên Tô Định là một bầy
tôi đắc lực được cử sang làm chức Thái thú nước ta, thi hành một chính sách rất
bạo ngược, tham tàn nhiễu hại nhân dân, gây nên rối loạn. Lúc đó ông Hùng Thắng
là chủ trưởng châu Đại Man và ông Thi Sách chủ trưởng huyện Chu Diên thấy tên
Tô Định tàn ác như vậy, nhưng Tô Định lấy thế mạnh đàn áp ngay và bắt giết cả 2
ông.
Ông Hùng Thắng Công bị Tô Đinh giết hại, nàng Xuân Nương vô
cùng đau lòng và rất căm giận, bèn lập mưu kế chiêu dụ các tướng luyện tập binh
mã ngày đêm, mong sao đánh được giặc cứu nước và trả được thù cho người anh thì
mới yên lòng.
Dưới ách thống trị dã man tàn bạo của tên giặc Tô Định, nàng
phải dùng giả mạo cải trang đi tu, nàng đi khắp đó đây trong các châu, huyện để
tìm nhân tài, nghĩa sỹ, cùng đi tìm lấy một ngôi chùa có địa thế để dựa làm nơi
chiêu binh mã tốt. Một hôm nàng cùng với bốn, năm cô gái trẻ đi đến trang Hương
Nộn (Tam Nông) thấy cảnh chùa là nơi danh lam thủy tạ, nàng bèn làm lễ nhập tự
tu ở chùa này.
Ngày ngày ăn ở trong chùa giả làm sư tu đạo tràng, tụng kinh
niệm phật, kỳ thực là luyện tập binh cơ để chờ thời cơ khởi sự. Được hơn một
năm, đang lúc nàng cùng với các gia thần nữ tốt tăng sức rèn luyện binh cơ thì
có hịch của Nhị chúa Hai Bà Trưng lệnh khởi nghĩa diệt bọn Tô Định để trả nợ nước
thù nhà.
Nhận chiếu chỉ của Nhị chúa Hai Bà Trưng, nàng vâng mệnh và
liền đó nàng công khai đứng ra chiêu mộ binh sĩ, số gia thần sỹ tốt mà nàng đã
có sẵn trên 100 người, cộng với 10 bộ thổ quan Mường, mỗi bộ 36 người cộng cả
thảy 460 người.
Trong đó cứ mỗi bộ có
1 viên quan, nàng chọn lọc tôn cử các tướng lĩnh thần quan trong binh ngũ xong
liền cho mổ trâu bò mở tiệc khao thưởng quân sĩ, rồi cất quân về xã Hương Nha,
hôm đó là ngày 9 tháng 12 Âm lịch. Nàng đóng quân lại ở đây khoảng 1 tháng để họp
mặt những nhân tài nghĩa sỹ trong vùng và các nơi xa gần, kết quả quân số đã có
tới trên một ngàn người.
Nàng liền cho sắp xếp quân ngũ chỉnh tề rồi kéo quân về đại
bản doanh yết kiến bà Trưng Trắc. Nàng kéo quân về đến bản doanh của Trưng Nữ
chủ, được đón tiếp nồng hậu, liền được Nhị chúa Hai Bà Trưng phong cho giữ chức
“Tả quân thị nội” chuyên về thống lĩnh đạo quân phương đông, cho được giúp việc
tham mưu trong quân ngũ.
Nhị chúa Hai Bà Trưng lại truyền hịch tiếp cho khắp các nơi
trong các châu, huyện để tập hợp các anh hùng hào kiệt, phụ đạo quan lang trong
nước, khoảng 15 ngày đã thu thập được trên 6 vạn người trong đó có hơn hai ngàn
quân và tướng là nữ, cùng kéo về hội nghĩa tại cửa sông Hát Môn.
Tại cửa sông Hát, Nhị chúa Hai Bà Trưng lập đàn lễ tế cáo yết
trời đất và Sơn thánh, bách thần. Khấn xong Hai Bà liền phân chia các đạo quân,
tổ chức các mũi tiến công vào giặc Hán.
Quân ta tiến như vũ bão thẳng hướng tới thành Luy Lâu đại
phá một trận đại thắng. Quân Tô Định thua to, bỏ cả thành mà chạy toán loạn, một
trận cờ hồng rực trời, trống chiêng dậy đất, điệp trùng quân ngũ, lồng lộng tướng
trai, rầm rập lính gái, chém giết hàng ngàn quân lính của Tô Định.
Đại quân nhị vua Hai Bà Trưng thu lại 65 thành, hết thảy bờ
cõi, đất nước Nam ta đều quay về một mối. Chúa Bà Trưng Trắc lên ngôi vua,
phong cho Bà Trưng Nhị chức “Bình khôi công chúa” các tướng lĩnh nam nữ đều được
thưởng công phong chức.
Nữ tướng Xuân Nương được phong là Công Chúa, trưởng nội các
Đông phương, tả cung thị nội, được thưởng 100 nén vàng bạc và 100 sải lụa gấm.
Trưng Vương lại xuống chiếu chỉ cho làng Hương Nộn, Hương Nha, Nam Cường, Tự Cường
là nơi hộ nhi, hương khói phụng thờ.
Giặc giã đã yên, đất nước trở lại thanh bình, nàng xin Nhị vua
Trưng cho về thăm những nơi châu ấp cũ là những nơi căn cứ đóng quân và các nơi
có gia đình binh sĩ của nàng, Nhị vua Hai Bà Trưng chấp nhận, bà liền bái yết triều
đình, đưa quân trở về thăm quê (ngày đó là 5 tháng giêng Âm lịch).
Về đến làng Nam Cường, nhân dân ra đón rất long trọng và
đông đảo, làm tiệc ăn mừng. Nàng ở lại đây một ngày, đến hôm sau (6-1 Âm lịch)
nàng về thăm làng Tự Cường rồi trở về qua làng Tiền Áo (nay là Gia Áo). Đến
ngày 9 tháng giêng Âm lịch thì về đến làng Hương Nha, nàng về đến làng nào cũng
được nhân dân đón tiếp long trọng làm lễ bái tạ.
Công việc ở Hương Nha xong, nàng trở về Hương Nộn là nơi tu
hành khi trước. Nhân dân ra đón rước rất trọng thể và rất đông, làm lễ bái tạ.
Nàng truyền cho quân sĩ sắm sửa lễ chay để nàng cáo yết lễ Phật. Làm lễ xong
nàng cho đóng quân lại đây để nghỉ ngơi và thăm phong cảnh.
Nàng đến thăm lại cảnh chùa và dân trang Hương Nộn, công việc
đã xong, nàng đưa quân về đất Man Châu nơi quê hương của nàng để bái yết tổ đường.
Nàng cũng đã cho sửa chữa lại nhà từ đường để thờ phụng tổ tiên. Công việc xong
nàng đưa quân trở về triều đình nhận trọng trách của vua Trưng giao phó.
Lúc này trong triều đình có vị quan phụ quốc đốc lĩnh thủy đạo
tướng quân là ông Đặng Thi Bằng là em trai ông Thi Sách (tức chồng vua Trưng).
Ông Bằng góa vợ sớm, thấy nàng là bậc hùng tài, trí dũng trung thần nghĩa khí,
ông có ý định hỏi nàng làm vợ và trình xin vua Trưng chấp nhận. Từ đó nàng cùng
ông Thi Bằng kết duyên chồng vợ.
Chúa bà Trưng Trắc lên ngôi vua, đất nước mới thanh bình được
hơn hai năm thì nhà Đông Hán lại sai tướng Phục Ba - Mã Viện cùng phó tướng là
Lưu Long đem đại binh sang xâm chiếm nước ta lần nữa.
Bà Trưng sai quan Đốc lĩnh cùng nàng Xuân Nương ra đón đánh
quân Hán. Cả 2 vợ chồng vâng lệnh dẫn quân xuất chiến, mở đầu trận chiến ác liệt.
Quân Hán bổ vây 4 mặt, thế trận diễn ra ác liệt, ông Đốc lĩnh tả xung hữu đột,
chém giết nhiều tướng giặc mà không phá được vòng vây.
Quân Hán vẫn tiếp viện thêm, thế trận trở nên gay gắt. Trong
trận đánh dữ dội, không may ông đã bị một vết thương vào bụng và hy sinh trong
trận tiền. Nàng Xuân Nương được tin dữ báo tới, lòng thương chồng vô hạn lại sục
sôi ý chí căm thù giặc, nàng liền nhảy lên lưng ngựa, hai tay cầm hai kiếm cùng
với bộ thần quan xông thẳng vào giữa trung quân của giặc, tiến đánh chém được
hàng trăm đầu giặc và hàng chục tên tướng giặc, trận đánh kéo dài đến nửa ngày.
Nàng phi ngựa múa gươm như vũ bão, không may dải yếm bay mất,
giặc trông thấy biết là nữ tướng chúng bàn mưu cho quân sĩ cởi quần áo rồi áp
sát đến gần, nàng thẹn quá, hai má ửng đỏ mà rơi mất kiếm, nhưng thoắt chốc
nàng đã nhặt lấy kiếm mà xả vào lũ giặc.
Nàng vung kiếm chém hàng loạt đầu giặc rơi xuống đất rồi
nàng đánh mở vòng vây, quân Hán phóng kích, nàng bị một vết thương vào sườn bên
trái, lúc đó nàng đã có thai bốn, năm tháng, nàng bèn lui quân và đi ngựa thẳng
về làng Nam Cường, quân giặc vẫn đuổi theo.
Nàng chạy về đến làng Nam Cường thì vết thương đau nặng,
nàng phải nằm trên lưng ngựa, được nhân dân và gia thần đưa đi đường tắt đến nơi
nghỉ. Được một lúc thì thấy quân Hán đến bao vây, quân sĩ của nàng đánh rất
hăng để phá vòng vây và cho các gia thần vực nàng đi sang làng bên, nơi hẻo
lánh và thanh vắng để nàng nằm trên một tảng đá lớn, máu chảy đầm đìa, thai
trong mình bị đe dọa.
Đêm khuya gần sáng, nàng lại cưỡi ngựa đi qua Tiền Áo và
Hương Nha. Về đến làng Hương Nha trời đã gần sáng, nàng ra giếng ngự tắm gội. Tắm
xong nàng để thập bộ thần quan và tỳ tướng, nữ tốt ở lại; nàng một mình cưỡi ngựa
thẳng về Hương Nộn, về đến nơi đây nàng hóa trên lưng ngựa, hôm đó là ngày 15
tháng 2 Âm lịch. Nhân dân các nơi thương nhớ liền tạc tượng và lập bài vị để thờ
phụng, khói hương sùng kính.
Sau ngày nàng hóa, việc mai táng xong nhân dân liền làm sớ
tâu triều đình nhị vua Hai Bà Trưng. Vua Trưng Nữ Vương thấy hai vợ chồng nàng
vì nước mà hi sinh, bà liền than rằng: “Lòng trời nỡ quên ta, nay mất các tướng
giỏi thì vận nước cũng nguy nan” Vua bèn truy phong mỹ tự và sắc chỉ sai sứ thần
rước về các làng hộ nhi và các nơi có lăng miếu được phụng thờ để di truyền đời
sau ghi tiếng thơm mãi và để nhớ công ơn người vì nước quên mình.
Sắc Vua Trưng truy phong cho nàng: “ Đông Cung Đệ Bát vị Ả
Xuân Nương Công Chúa” cùng phong cho mười vị thần quan, mỗi vị đều là “Đại
Vương” và chiếu chỉ cho các xã: Hương Nộn, Hương Nha, Tiền Áo, Nam Cường, Tự Cường
đều được phụng thờ.
Đình Tự Cường được xây dựng kiểu chữ nhất (-) gồm một tòa
nhà 3 gian hai dĩ thờ dọc, cửa mở ra phía đầu hồi, kiến trúc đình làm theo lối
chồng diêm 2 tầng, song chỉ có 4 đầu đao ở mặt tiền và 6 mái vì mặt sau xây tường
bít đốc kéo dài làm thành cánh phong, 2 bên xây cột trụ biểu trên đắp hình nghê
chầu.
Đình Tự Cường với niên đại hơn 200 năm tuổi
Kiến trúc hậu cung đưa lên gác cao cổ kính
Mái đình lợp ngói mũi hài, nền lát gạch chống ẩm, xung quanh
xây tường đá ong, mở cửa 2 nách ra vào và 4 cửa sổ lấy ánh sáng tự nhiên. Kết cầu
kiến trúc đình có 6 hàng chân cột, với tổng số 20 cột gỗ. Hậu cung đình làm ở
gian thứ 3 (tính từ ngoài vào); Thượng cung được đưa lên gác cao, xà gỗ chính
diện được đục chạm công phu hình “Lưỡng long chầu nguyệt”, mang phong cách nghệ
thuật thời Nguyễn.
Kiệu bát cống có kiến trúc thời nhà Nguyễn còn được lưu giữ
tại Đình Tự Cường
Đình hiện nay không còn tư liệu ghi lại chính xác niên đại
xây dựng. Đình được trùng tu lần đầu vào thời nhà Nguyễn (1900), lần 2 là năm
1989, lần 3 năm 1998. Có thể thấy, đình Tự Cường đang lưu giữ được một số bức
chạm “Rồng ổ”, “Bách diệp thành long”, “Long cuốn thủy” cùng với tư liệu còn
ghi chép trên câu đối kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng mái để khẳng định đình
Tự Cường được xây dựng vào thời hậu Lê ( thế kỷ XVIII).
Trong đó, đình còn lưu giữ được một cỗ ngai sơn son thếp
vàng; một cỗ kiệu bát cống mang phong cách đục chạm thời nhà Nguyễn (thế kỷ
XIX); 2 bức đại tự “ Thụ tư giới phúc”, “Tây vọng giao trì”; một câu đối, 1 lư
hương. Ngoài ra còn có các đồ thờ như đèn đồng, đài rượu, ống hương, chiêng đồng,...
Kiến trúc trạm trổ trên các xà gỗ thể hiện văn hóa triều đại
hầu như vẫn được giữ nguyên
Đình Tự Cường ngoài giá trị lịch sử còn là nơi thờ Nữ Tướng
Xuân Nương, ngôi Đình còn là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử cách mạng kháng
chiến như sau:
- Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đình Tự Cường là nơi hội
họp mít tinh thành lập Mặt trận Việt Minh, là nơi mở các lớp bình dân học vụ,
xóa nạn mù chữ cho nhân dân địa phương.
Năm 1946, Đình Tự Cường là nơi tổ chức lớp Lý luân chính trị
cao cấp của Đảng, Nhà nước, Đồng chí Trường Chinh, Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đồng
chí Hoàng Quốc Việt, Đồng chí Đào Duy Kỳ… đã về giảng dạy cho lớp học tại ngôi
Đình này.
Lễ hội Đình Tự Cường
Hàng năm, để tưởng nhớ công lao to lớn của Nữ Tướng Xuân
Nương và bà Xuân Lan người có công xây dựng đình đầu tiên cho làng, nhân dân
làng Tự Cường tổ chức tế lễ vào 02 ngày chính như sau:
- Ngày 11 tháng 9 (Âm lịch) tổ chức rước kiệu từ đình ra miếu
(bến sông Hồng nơi có hòn đá tương truyền bà Xuân Nương ngồi nghỉ trên hòn đá
này) đến đây cắm cờ đuôi nheo, cụ chủ tế vào Miếu tế lễ chờ khi nào có gió thổi
đuôi cờ quay về phía Bắc (Phía Đình) thì mới được rước kiệu quay về Đình làm lễ.
- Ngày 18 tháng 10 (Âm lịch) Đình Tự Cường tổ chức tế lễ tưởng
nhớ ngày mất của bà Xuân Lan, người có công xây dựng ngôi đình.
Ngoài phần tổ chức rước kiệu, tế lễ, nhân dân địa phương còn
tổ chức các hoạt động như: giao lưu văn nghệ giữa các khu dân cư, tổ chức giải
bóng chuyền hoặc giao hữu với xã Hợp Hải, xã Kinh Kệ. Tổ chức các trò chơi dân
gian như: Kéo co, chạy kéo quân, cờ tướng, cờ bỏi.
Hán Minh Hải