Đình Tự Nhiên – nơi thờ phụng Đức thánh Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung, công chúa Hồng Vân và tướng Đào Thành của Nhị vua Hai Bà Trưng
Đình làng Tự Nhiên xây năm 1702. Thờ: thánh Chử Đồng
Tử, công chúa Tiên Dung, công chúa Hồng Vân và tướng Đào Thành của Hai Bà
Trưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Địa chỉ: xã Tự Nhiên, huyện Thường
Tín, TP Hà Nội.
Quang cảnh khu di tích đình Hạ, đình Thượng
Lược sử
Làng Tự Nhiên xưa kia gọi là làng Gòi, ở trên một cù lao
sông Hồng thuộc tổng Vĩnh Hưng, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Việc quản lý gặp nhiều khó khăn do làng bị ngăn cách bởi dòng chảy chính, nhất
là trong mùa mưa lũ.
Đến đầu thế kỷ 19, vua Gia Long quyết định cho nhập vào phủ
Chương Dương, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam Thượng. Tháng 1-1971 xã Hồng Châu
đổi tên thành xã Tự Nhiên, thuộc huyện Thường Tín, tp. Hà Nội.
Bãi Tự Nhiên là nơi lần đầu công chúa Tiên Dung gặp Chử
Đồng Tử và bén duyên. Bên kia sông là đất Hưng Yên với đầm Dạ Trạch ghi dấu
truyền thuyết về toà thành một đêm của vợ chồng họ.
Đầm còn làm căn cứ chống nhà Lương của Triệu Quang Phục
và chống Pháp của Nguyễn Thiện Thuật. Nhờ sông to và phù sa màu mỡ,
nghề cá và nghề nông ở Tự Nhiên phát đạt, sau có thêm nghề vận tải,
chế biến gỗ và khai thác cát. Dân cư đông dần theo thời gian nên tách
làm ba thôn: Thượng, Hạ, Thủy Cơ.
Thần tích do Nguyễn Bính soạn vào đầu thế kỷ XVI còn kể
thêm: “Khi Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa chuẩn bị bay về cõi tiên thì có
người con gái ở làng Tự Nhiên là nàng Hồng Vân nhìn thấy, nàng cố níu kéo vợ chồng
họ Chử ở lại.
Để khỏi phi lộ việc này với trần gian, Chử Đồng Tử và nàng
Tiên Dung đã cho kéo cả nàng Hồng Vân cùng bay theo. Ba người Chử Đồng Tử, Tiên
Dung công chúa và nàng Hồng Vân đã trở về cõi tiên, dân làng Tự Nhiên thấy bàng
hoàng kinh ngạc bèn lập đền thờ…”
Bản thần tích Bản cảnh Thành hoàng làng Tự Nhiên có ghi: “Bản
cảnh Thành hoàng là Đông Nguyên soái Tiết Chế Thái Bảo Thành quốc công. Ngài đã
theo Hai Bà Trưng đánh giặc và có tên là Đào Thành.
Nhị vua Hai Bà Trưng phong ngài làm “Thủy đạo Đại tướng
quân” đem quân đóng giữ hai bờ sông Cái. Ngài tiến quân đến bãi Tự Nhiên và
đóng quân ở đây. Khởi nghĩa bùng nổ, Hai Bà Trưng điều ngài lên Lạng Sơn đánh
giặc.
Ngài đã chỉ huy 500 quân, tiến quân bằng thuyền. Trận đánh xảy
ra rất ác liệt, tên bắn như mưa nhưng ngài cùng quân sĩ hăng hái chiến đấu xông
lên làm cho quân địch đại bại.
Khi Nhị vua Hai Bà Trưng thu phục được 65 thành, đóng đô ở
Mê Linh, Nhị vua Hai Bà Trưng khen thưởng ngài công đầu, cấp cho ngài thực ấp ở
bãi Tự Nhiên. Ngài khao thưởng quân sĩ và nhân dân Tự Nhiên, xây dựng dân làng
yên vui, thịnh vượng, cấp cho dân Tự Nhiên một lượng tiền để lập đền miếu thờ
ngài lâu dài…”
Ngoài khu đình Thượng, đình Hạ xã Tự Nhiên còn một khu đất ở
đầu bãi đó là khu Giá Ngự, có một ngôi đền 3 gian gọi là đền Thổ Chu thờ thần
hoàng bản thổ và thờ quan Hà Bá một vị thần quản lý nơi sông nước.
Khu Giá Ngự trước kia có một cây gạo cổ thụ rất đẹp. Hiện
nay, đình Thượng và đình Hạ của xã Tự Nhiên thờ Tam vị Thánh tiên (Chử Đồng Tử,
Tiên Dung công chúa và nàng Hồng Vân) và phối thờ Bản cảnh Thành hoàng “Thánh
Đào Thành Thái bảo Thành quốc công Đông nguyên súy linh ứng Đại vương”.
Du khách từ trung tâm Hà Nội có thể xuống bến xe
Giáp Bát rồi lên bus số 06b đi thẳng đến bến cuối Hồng Vân trên tỉnh
lộ ĐT427, sau đó đi tiếp về phía đê sông Hồng sẽ nhìn thấy một cái
cổng rất to đề rõ tên làng.
Cách cổng làng khoảng 400m là đình Hạ và đình Thượng
nằm cạnh nhau. Đình Thủy Cơ nằm ở cuối làng do ngư dân xây dựng vào năm
1862. Năm 1947 đình bị giải hạ theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến.
Trước cổng đình Tự Nhiên. Photo (c) NCCong 2018 April
Kiến trúc
Đình Hạ và đình Thượng xây năm 1702, tới năm 1739 chuyển lên
nơi cao ráo để tránh lụt lội. Hậu cung được thực hiện vào cuối thời Nguyễn.
Hai ngôi đình từng được trùng tu nhiều lần.
Ngày nay cả hai đình đang dùng chung sân giữa và
tường bao, làm thành một khuôn viên thông thoáng và vuông vắn. Phía
trước lại có hai ao đình, tượng trưng cho đôi mắt rồng, nằm ở hai bên con
ngõ rộng dẫn đến cổng chung nhìn về hướng Tây.
Đình Thượng gồm đại bái, thiêu hương, hậu cung. Đại bái 3
gian 2 dĩ, các mái ngói ta đè nặng trên bốn hàng chân gỗ và vì nóc theo
kiểu chữ Đinh, một vì đã được sửa khi dời đình từ giáp bờ sông vào vị trí ngày
nay. Tại đây có các mảng chạm khắc theo tích “Độc long”.
Đình Thượng. Photo (c) NCCong 2018 April
Hậu cung chia làm hai, một bên thờ Đức thánh Chử và nhị vị
phu nhân Tiên Dung, Hồng Vân (Tây Sa), một bên thờ danh tướng Đào Thành của
Nhị vua Hai Bà Trưng. Thanh gươm của thánh Chử đặt trước bàn thờ Ngài.
Đại bái đình Thượng. Photo (c) NCCong 2018 April
Chính điện đình Thượng. Photo (c) NCCong 2018 April
Đình Hạ gồm đại bái, trung cung, hậu cung. Đại bái 3 gian 2
dĩ, trong có các mảng chạm nổi hình người cưỡi voi và đô vật; lại có các bức
cốn dài 1m2, cao 1m6, chạm khắc đề tài "rốn rồng" với tích “rồng mẫu
tử”.
Trung cung được xây theo kiểu phương đình 2 tầng 8 mái với
4 đầu đao cong vút. Cổ diềm có các chấn song con tiện để lấy ánh sáng. Trong
chính điện có bức cửa võng 5 tầng giữa lối vào hậu cung. Hậu cung chồng diềm 2
tầng 4 mái, bên trong đặt ba cỗ long ngai. Tay ngai chạm rồng với đủ chân,
thân và đầu đối xứng chầu vào long ngai.
Ngôi đình Hạ nhìn từ bên hông. Photo (c) NCCong 2018 April
Đình Hạ có các bức cốn kích thước khá lớn với chiều dài 1m20
và chiều cao tam giác là 1m60. Đề tài được cổ nhân chọn để điêu khắc là các bức
cốn là rốn rồng với các tích “rồng mẫu tử”.
Trên lớp kiến trúc ở nhà đại bái còn có những mảng chạm nổi
cảnh người cưỡi voi, đô vật độc đáo. Tòa thiêu hương được xây dựng khoảng giữa
tòa đại bái và hậu cung, tòa tiêu hương được xây dựng theo kiểu cồng diềm 2 tầng
8 mái, có đủ 4 đầu đao cong vút.
Bộ cửa võng 5 tầng đời Lê thế kỷ 17 - Ảnh: Phùng Quang Trung
Xung quanh phần cổ diềm, người xưa tạo các chấn song con tiện
để cho nội thất thoáng và lấy ánh sáng cho công trình. Trên lớp kiến trúc phần
chính diện có bức cửa võng 5 tầng cổ nhân lắp đặt ở chính giữa lối vào hậu
cung, bức cửa võng được làm rất công phu.
Hậu cung được xây theo kiểu chồng diềm 2 tầng 4 mái. Kết cấu
bên trong của bộ vì kèo và mái hiên vững chắc, bào trơn đóng bén. Trong hậu
cung bài trí ba cỗ long ngai bài vị thờ Tam vị Thánh Tiên.
Các long ngai cũng được chạm một cách lạ: Tay ngai là các
con rồng, đủ chân, thân và đầu rồng đối xứng chầu vào long ngai. Đặc biệt, đình
còn lưu giữ được 69 đạo sắc phong, 6 cỗ kiệu bát cống, một đầu sư tử làm cách
nay hơn 60 năm. Hàng năm, lễ rước nước sông Hồng và rước kiệu ở làng Tự Nhiên
thường cuốn hút hàng vạn người.
Trước ngày lễ hội, người dân ngâm gạo để giã bánh dày. Nghi
thức chính của lễ hội xã Tự Nhiên là đám rước nước. Đám rước nước của làng Tự
Nhiên xưa cử hành ngày mồng một tháng tư rất long trọng.
Làng có tục kiêng viết, nói, dùng tên Thánh: Không có múa sư
tử (trùng “tử”) chỉ có 2 đội múa rồng, “Dung” gọi là “dong”, đi làm ngoài đồng,
bãi không được “chống đòn càn xuống đất chụp nón trên gậy”.
Đặc biệt khi rước Tam vị Thánh Tiên: Rước ra thì bà Hồng Vân
đi trước (để dẹp đường), còn rước về cũng bà Hồng Vân đi trước (dọn giường, chiếu,
xem chỗ ăn, chỗ ở, đảm bảo an toàn cho ông và bà Tiên Dung).
Khi đọc văn, kiêng tên Thánh (đọc Tam vị Thánh Tiên), vào
đình bỏ nón, mũ, không dùng quần áo ngắn. Đình còn giữ 6 chén ngọc cổ dùng dâng
Thánh ngự uống nước.
Năm 2018, huyện Thường Tín đệ trình Thủ tướng Chính phủ ra
Quyết định xếp hạng “Di tích quốc gia đặc biệt đình Tự Nhiên” (gồm: đình Hạ,
đình Thượng, cây gạo và khu bãi Tự Nhiên).