Đình Tường Phiêu - một kiến trúc cổ từ thế kỷ 17 nằm bên dòng sông Tích. Đình thờ phụng Tản Viên Sơn Thánh, đức ngài đã dạy cho dân trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm... và cả cách dập nước bằng sào nứa để bắt cá.
Đình Tường Phiêu có từ thế kỷ 17, nơi thờ phụng Sơn
Thánh Tản Viên. Được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2018. Địa chỉ
tại thôn Tường Phiêu, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội.
Lược sử
Xưa kia thôn Tường Phiêu thuộc xã Trạch Mỹ Lộc, tổng Tường
Phiêu, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (cũ), nay thuộc xã Tích Giang, huyện
Phúc Thọ, TP Hà Nội. Đình làng là một kiến trúc cổ từ thế kỷ 17 nằm bên
dòng sông Tích. Trong đình có thờ Tản Viên Sơn Thánh, đức ngài đã dạy cho
dân trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm... và cả cách dập nước bằng sào
nứa để bắt cá.
Trải qua thách thức của thời gian và khí hậu, ngôi đình vẫn
đứng trang nghiêm như một chứng tích về truyền thống văn hoá lâu đời của
người dân nơi đây. Các di vật bên trong và truyền thuyết về ba vị thần núi Tản
Viên là những tư liệu quý về lịch sử, phong tục, tập quán của xứ Đoài xưa.
Đình Tường Phiêu xây dựng hướng về Tây Nam, quay mặt hướng về
ngọn núi Ba Vì, nơi có Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh.Tương truyền rằng
trên chính mảnh đất này, vì thương dân làng nghèo khổ, lại chất phác thật thà,
nên Tản Viên Sơn Thánh đã đến đây, dạy dân nghề trồng lúa và nghề bắt cá dập
sào độc đáo(dùng cây sào lớn, mũi sào có rọ để bắt cá), nên
dân làng có cuộc sống ấm no.
Sau khi Tản Viên Sơn Thánh về dậy dân làng đánh cá dập sào,
3 năm sau, Đức Thánh về kiểm tra việc đánh cá dập sào của dân làng ra sao. Đức Thánh
cùng dân đi đánh cá đến tối Thánh ngự lại cùng dân làng liên hoan.
Sau đó, dân làng đốt đuốc tổ chức lễ hội tiễn Thánh về núi
Ba Vì. Khi Thánh về đến xóm Gò Lốc tự nhiên có một cơn lốc màu da cam, mây ngũ
sắc cuốn Thánh về núi. Thấy thế dân làng thốt lên là Tường Phiêu, có nghĩa là
cơn gió lành. Từ khi Thánh xuất hiện tên làng đổi tên là làng Tường Phiêu trước
đó làng có tên là Kẻ Quéo, Kẻ Quýt, Kẻ Mơ”.
Đình được tu sửa nhiều lần, lần đầu vào thời vua Lê Dụ
Tông – niên hiệu Bảo Thái (thế kỷ 18) nhưng dáng dấp và di vật mang nhiều dấu
ấn từ thế kỷ 17 và phần cổ ngỗng – giá chiêng là phong cách của thế kỷ 19.
Bên cạnh kiến trúc tuyệt đẹp, những mảng chạm khắc
độc đáo của đình đã lôi cuốn bao nhiêu du khách đến đây. Để tôn vinh và
bảo vệ những giá trị nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số
1820/QĐ-TTg ngày 24/12/2018, xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho đình Tường
Phiêu.
Kiến trúc
Đình Tường Phiêu có kiến trúc nghệ thuật khá đặc
biệt, không dễ gặp ở bất kỳ ngôi đình nào khác. Đình dựng bằng gỗ lim, đá ong,
đất nung, bao gồm 2 hạng mục chính là Nghi Môn và Đại Bái.Nghi Môn gồm hai trụ
biểu, đế thắt cổ bồng, thân trụ soi gờ kẻ chỉ, đắp nổi câu đối chữ Hán nội
dung ca ngợi công lao của Tản Viên Sơn Thánh.
Khuôn viên đình bao bọc bởi một bức tường đá ong đặc trưng
của xứ Đoài. Tam quan mới được xây lại bằng đá ong theo kiểu nghi môn với
4 trụ biểu và 2 cửa bên..
Điều đặc biệt, Tường Phiêu khác với các ngôi đình trong vùng còn thể
hiện ở bờ nóc của đình. Có lẽ, người xưa đã coi bờ nóc của ngôi đình này
như một con rồng lớn đang hướng thiện. Vì vậy, các nghệ nhân dân gian
đã đắp cả đầu và đuôi rồng ở hai đầu bờ nóc. Đây là hiện tượng kiến trúc
đặc sắc mà về sau những công trình kiến trúc thời Nguyễn không còn.
Tại đầu hồi đình có treo dọc một chiếc mõ cá. Trên
bờ nóc đình có đắp hình rồng lớn như một biểu tượng kiến trúc trước thời Nguyễn.
Đình không dùng gỗ mít làm cột nên chiều cao được nâng lên, khám thờ được
làm lửng trên các cột, trong khám đặt ba long ngai với bài vị cuả Tam
Thánh.
Đại Bái là ngôi nhà 5 gian, 2 dĩ dài 20m, rộng 10m, sâu 13m,
quay mặt về núi Ba Vì ở hướng tây-nam. Mặt bằng xây dựng có bố cục hình chữ "Nhất"
(一),
vừa là nơi thờ tự vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng của dân làng. Gian giữa
có khám thờ Tản viên Sơn thánh được trạm trổ công phu với hình tượng lưỡng long
chầu trời và hệ thống chấn song chạm rồng xoắn nổi thay cho con tiện, khác hẳn
với các ngôi đình khác.
Giá trị kiến trúc nghệ thuật của Đình chủ yếu ở Đại Bái. Tòa
Đại Bái như một ngôi nhà sàn lớn được cách điệu, uyển chuyển, mềm mại bởi hệ thống
mái cong và các đầu đao cong vút. Trên bờ nóc đắp nổi Lưỡng long chầu trời. Đầu
bờ nóc đắp nổi 2 con kìm, bờ dải có cặp sấu đối xứng nhau.
Đình Tường Phiêu có mảng điêu khắc đặc biệt, đó là các đầu
dư, bức cốn, xà nách… đều được trạm trổ công phu hình rồng, long mã, chim phượng,
tiên nữ cưỡi rồng, cảnh đội lễ lên đình…
Những mảng chạm khắc trên gỗ quý được gắn ở bộ vì – xà –
nóc và hiên gác. Trang trí tiêu biểu là hình con hươu chở mặt trời đi - biểu
tượng của nguồn sống - và hình người mang đậm chất dân gian.
Cần lưu ý hình tượng con rồng ở đây trông khác hẳn với những
bàn tay vuốt râu, nắm tóc hoặc con lân đầu rồng, thân hươu… Bên cạnh các đề
tài chính thống được tạo tác công phu như “rồng mẫu tử”, long mã, chim phượng
ở các bức cốn, còn có những mảng phù điêu chạm nổi như các tiên nữ bay, tiên nữ
cưỡi rồng, cảnh đội lễ lên đình, chùa... với bố cục hồn nhiên, sinh động.
Kiến trúc bên trong đình Tường Phiêu.
Các cụ đang chuẩn bị công việc trong buổi rước kiệu Thánh về đình.
Kiệu Thánh 16 người khiêng.
Cây đình liệu được đốt trong buổi rước kiệu soi đường cho Thánh đi.
Di sản
Ngoài phần điêu khắc, trong đình còn lưu giữ được: 9 sắc
phong, bộ lọng, long ngai, lư hương, chân đèn... Mùa xuân, tại Tường Phiêu
có tổ chức lễ hội vào rằm tháng Giêng để tưởng nhớ công ơn Đức Thánh đã
đánh giặc giữ nước và dạy bảo dân làng. Sáng ngày 14 trước đó đã có đám
rước Thánh ra đền Ngo cách đình chừng 1km, buổi tối lại đốt đuốc sáng rực
rước về. Đến ngày 16 thì làm lễ tế tạ.
Mùa hè, vào ngày Thánh tạ thế là 14 tháng 5 Âm lịch,
dân làng cũng tổ chức lễ tế tại "lòng giếng" tức gian giữa đình.
Mùa thu, đến ngày Thánh được phong chức là ngày 15 tháng 8 Âm lịch cũng có
lễ tế. Mùa đông, vào ngày 15 tháng Chạp thì có lễ tế tạ cuối năm.
Ngôi đình được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết
định số 1820/QĐ-TTg ngày 24/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xếp hạng
di tích quốc gia đặc biệt đợt 9, năm 2018.