Đình làng Ước Lễ thờ đức thánh Lữ Gia. Thần tích trong làng cho biết, đức Thánh là hào kiệt thời nhà Triệu, khi quân Hán sang xâm lược ông đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh. Dân làng cảm nhớ công đức của đức Thánh nên dựng đình thờ phụng.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, làng cổ Ước Lễ (xã Thanh
Oai) mang một vẻ đẹp rất riêng – vẻ đẹp của sự bình lặng và của những công
trình kiến trúc mang đậm dấu ấn thời gian.
Cổng làng Ước Lễ, công trình kiến trúc độc đáo nổi tiếng của
làng chứa đựng tinh hoa hồn Việt được xây dựng từ thời Mạc, là một trong những
cổng làng đẹp nhất còn lại đến ngày nay.
Kiến trúc
Cổng làng Ước Lễ có dáng chung là hình thang, cao 6m, ngang
12m, được xây bằng gạch chỉ nung đỏ, chất liệu xây dựng, gia cố, làm mái hoàn
toàn bằng gạch và bê tông, mang đầy sự bề thế và chắc chắn. Nhờ có những bàn
tay tài hoa của người thợ nên dù được làm với chất liệu hiện đại, cổng làng vẫn
mang đậm nét xưa, cổ kính.
Cổng có vòm tròn, cao 2,2m, chiều rộng 1,5m. Vòm cổng làng Ước
Lễ xây cuốn hình parabol, đây chính là sự phối hợp của hình vuông và hình tròn
theo triết lý âm dương của người Việt. Vòm cổng được ghép bằng gạch viên và
chít bằng vữa tạo thành vòm cong với đường lượn khéo léo. Phía trên trán cổng
là ba chữ Hán đại tự rất đẹp “Ước Lễ môn” nghĩa là Cổng (làng) Ước Lễ.
“Ước” – “Lễ” là chữ dùng xuất phát từ lời của Khổng Tử (Bác
học dĩ văn, ước chi dĩ lễ), ý nói muốn học rộng thì phải dựa vào văn (tức văn
hóa); học đã rộng rồi thì phải chế định (Ước) bằng Lễ, ấy là điều cần thiết của
người học rộng. Lấy Ước Lễ đặt tên làng thể hiện quan niệm trong cuộc sống phải
luôn luôn giữ lễ.
Ở mặt sau cổng làng Ước Lễ và ở nhiều cổng làng khác có chữ
“Thiểu cao đại”. Ba chữ này là một điển tích trong Hán thư, nói về ông quan đời
Hán tên là Vu Định Quốc, làm quan trong triều.
Khi về quê ông thấy con cháu đang làm nhà, bèn dặn con cháu,
làm cửa phải cao hơn một chút (thiểu cao đại). Có ý mong cho sau này con cháu
làm quan to, thì xe ngựa mới đi vừa. Dùng điển tích xưa đắp trên cổng, nơi dân
làng thường qua lại, cũng là nhắc nhở mọi người phải có chí học hành, tiến thủ
để được thành đạt trong cuộc sống.
Gác mái của cổng làng ghi bốn chữ Hán “Mỹ tục khả phong”, tạm
dịch là những phong tục đẹp có thể được noi theo và lan tỏa.
Đôi câu đối hai bên rất độc đáo, cả hai vế đều được viết bằng
cả chữ Hán lẫn chữ Nôm: “Thâm nghiêm kín cổng cao tường, thương cổ nguyện tàng
kỳ thị / Tạm dịch nghĩa là: “Xôn xao trước thầy sau tớ, mã xa phục quá thử Kiều”.
Nếu kiến trúc của cổng thành xưa thường có sông hoặc đào hào
bao quanh thì cổng làng Ước Lễ cũng có lạch nước phía trước mặt. Người vào làng
sẽ đi qua một cái cầu bắc qua lạch nước rồi mới qua cổng và vào làng. Ngoài giá
trị bảo vệ, lạch nước và chiếc cầu này đóng một vai trò không nhỏ làm nên vẻ đẹp
nên thơ cho cổng làng Ước Lễ. Giống như những kiến trúc quân sự quốc phòng cổ của
Việt Nam có mặt bằng bố cục và những hình thức tạo hình như: hình vuông, hình
chữ nhật, hình đa giác đều, hình tròn, hình ngôi sao và những hình đặc biệt
khác kết hợp với nhau.
Đình làng Ước Lễ
Qua cổng làng Ước Lễ ngay bên phải là Đình làng Ước Lễ. Cổng
đình nay đã được dân làng mới dựng bằng đá. Bước lên chín bậc hai bên là đôi rồng
bằng đá mới là sân đình. Bên phải là Tam Bảo có tấm bình phong đá mới được dân
làng kiến tạo năm 2012. Bước lên thềm Đình nhìn lên mái là các phù điêu mô tả
phong cảnh sinh hoạt đời xưa rất sinh động, dưới củng Đình có 5 bài thơ trâm.
Đình làng thờ Thành Hoàng Lữ Gia còn giữ nguyên vẹn kiến
trúc thời Hậu Lê, đẹp sánh ngang với đình Quảng Bá (Hà Nội). Trong các gian
đình, tất cả đầu vì kèo và đầu xà ngang đều được nghệ nhân chạm khắc nổi hết sức
sinh động, mềm mại, uyển chuyển hình tứ linh
long – ly – quy – phượng và mặt trời cùng mai-lan-cúc-trúc.
Ðặc biệt, khác hẳn với nhiều đình của các làng Bắc Bộ, đầu
vì kèo ở mái hiên chỉ được chạm khắc đơn giản hoặc không chạm khắc; xà ngang và
vì kèo của mái hiên đình Ước Lễ đều được chạm khắc rất tỉ mỉ, tinh tế. Trên nóc
đình, ngoài đôi rồng chầu mặt trời, còn có đôi cá chép uốn cong được ghép bằng
các mảnh sứ xanh lam. Hai đầu đình có hai bầu rượu tròn cao ngất là những chi
tiết độc đáo, riêng biệt, đặc sắc của kiến trúc đình Ước Lễ mà ở một số đình nổi
tiếng như Tây Ðằng, Ðình Bảng không có. Ðôi cá chép để trên nóc đình chắc có
liên quan đến sự tích “cá vượt vũ môn” để nêu cao tinh thần hiếu học cho dân
làng Ước Lễ.
Tam quan
Tam quan của Đình làng Ước Lễ gồm 6 cột trụ, 4 trụ nhỏ, 2 trụ
to. Cổng chính không được thiết kế dưới dạng mái mà chỉ là một cây cổng sắt giản
dị. Hai cổng nhỏ hai bên được thiết kế dưới dạng 2 tầng tám hai, hai bên trụ là
hai câu đối chữ Hán. Hai cổng này có lối vào khá nhỏ.
Sân đình
Sau tam quan dẫn vào khu vực sân Đình. Sân Đình được lát gạch
khá rộng, vào những vụ gặt, nơi đây thường trở thành địa điểm để bà con cô bác
phơi thóc. Đây là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hoá, thể dục thể thao
của người dân làng Ước Lễ.
Hoạ tiết điêu khắc
Kiến trúc hoa văn hoạ tiết trong Đình được chạm khắc theo
phong cách thời nhà Nguyễn, với những đường nét vô cùng tinh xảo. Những họa tiết
điêu khắc hình rộng, lân, phương càng mang thêm dấu ấn trang trọng cho ngôi
đình.
Qua cửa đình làng là các bộ câu đối khảm trai trên các cột
đình, năm 1985 bị kẻ xấu trộm ra đầu làng cậy lấy trai. May mắn thay dân làng
phát hiện và cứu lại được. Năm 1995, các bộ câu đối được phục hồi và trở lại đẹp
như xưa. Các bộ câu đối này đều ca ngợi công lao hy sinh anh dũng của những vị
anh hùng dân tộc thế hệ trước, đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, tiêu biểu
là người anh hùng Chí Trung Anh Linh.
Trong tấm bia dựng ở quán Hội Linh ở
cuối làng do Tiến sĩ Nguyễn Danh Thực soạn thảo, còn ghi lại bài minh ca ngợi
quê hương Ước Lễ bằng lời hay ý đẹp:
Thanh Oai là thắng địa
Ước Lễ vốn danh hương
Kính nghĩ miền Tịnh Độ
Tạo lập ra Bảo phường.
Nguy nga thay cung điện,
Lộng lẫy kìa hành lang.
Cửa mở ra bốn phía
Cây mọc thẳng trăm hàng
Sản vật nhiều quý lạ
Con người thực hiền lương.
Người dân Ước Lễ từ bao đời nay cần cù chăm chỉ làm ăn, hiền
hậu hòa thuận. Kinh tế của gia đình tương đối phát triển, nhà dùng của dân đều
xây gạch lợp ngói. Nghề phụ nổi tiếng của làng là làm giò chả. Đường làng ngõ
xóm từ cổ xưa đã lát gạch phẳng phiu, gần đây lại được tu sửa rất khang trang.
Cổng làng xây rộng rãi, trên nóc cổng còn đặt tấm biển ngạch
美俗可風
(Mĩ tục khả phong) rất hoành tráng. Các cụ địa phương cho biết, biển ngạch này
được triều đình nhà Nguyễn ban tặng cho vào đời vua Tự Đức (1848-1883). Bên
ngoài cổng còn một đôi câu đối đắp vôi gạch rất đặc sắc, có thể là có một không
hai.
Thâm nghiêm kín cổng cao tường, thương cổ nguyện tàng kỳ
hóa;
Xôn xao trước thầy sau tớ, mà xa phục quá thử kiều.
深嚴僅槓高墻商賈願藏其貨
嗔嗃𠠩偨𢖕伵馬車復過此橋
Nói đặc sắc có một không hai, bởi vì câu đối này ở mỗi vế có
12 chữ mà 6 chữ trên là chữ Nôm, 6 chữ dưới là chữ Hán. Xin tạm dịch là:
Thâm nghiêm kín cổng cao tường, bán buôn xen vào chợ búa;
Xôn xao trước thầy sau tớ, ngựa xe qua lại cầu này.
Lễ hội đình Ước Lễ
Hiên đình cũng được xây
cất rất cao. Đặc biệt ở thềm tàu mái đình làm bằng gỗ dài hơn 12 mét, rộng
0.5mét che nắng mưa gió hắt vào đình. Trên tấm thềm tàu lớn rộng ấy dân làng
cho chạm khắc năm bài thơ cổ, lời lẽ rất hào tráng. Bức ở giữa viết theo lối chữ
Lệ, bốn bức còn lại viết theo lối chữ Thảo rất sinh động. Đứng dưới nhìn lên quả
giống như rồng bay phượng múa, đã giúp cho đình làng Ước Lễ càng thêm uy nghi cổ
kính. Nhận thấy đây là những tư liệu quý có thể giúp chúng ta hiểu biết thêm về
làng Ước Lễ giầu truyền thống văn hóa này.
Toàn văn là:
Biển gỗ Đình Ước Lễ
Bức 1
Phiên âm:
Thiên thu nhất dạ tĩnh vô vân
Đoạn tục hồng thanh đáo hiểu văn
Dục ký chinh nhân vấn tiêu tức
Cư diên thành ngoại hựu di quân
Giáp Dần thu nguyệt Bái đề
Dịch nghĩa:
Một đêm thu tĩnh lặng chẳng có gợn mây
Tiếng chim hồng văng vẳng đến sớm vẫn thấy
Muốn gửi cho người hành chinh, hỏi thăm tin tức
Thấy chỉ nán lại ngoài thành rồi lại chuyển quân.
Tháng mùa thu năm Giáp Dần bái đề
Bức 2
Phiên âm:
Phù vân bất cộng thử sơn tề
Sơn ái thương thương vọng chuyển mê
Hiểu nguyệt sơ sơ phi thụ lý
Thu hà cách tại sổ phong tê.
Hạ Cát Nhật bái đề
Dịch nghĩa:
Những đám mây nổi chẳng thể sánh với núi này
Sắc ráng núi xanh xanh chuyển ra mờ mịt
Trăng sớm mới nhô lên bay vào lùm cây
Sông thu cách đây mấy đỉnh về phía tây
Ngày tốt mùa hè bái đề
Bức 3
Phiên âm:
Đồng câu thủy bắc
Thạch cổ sơn đông
Tinh thần đương tất mão chi khư
Phong tục thị Đường Ngu chi quốc
Tiếp yên quang tấn xưng thiên tử chi cựu đô
Nhi hướng thuật hữu cao nhân chi giáp đệ
Tường phong không hộ
Thụy khí xung đình
Phương tửu mãn nhi lục thủy xuân.
Dịch nghĩa:
Nước Đồng Câu chảy về bắc
Núi Thạch Cổ hướng sang đông
Sao sáng đúng ở khu vực sao Tất sao Mão
Phong tục là của nước Đường Ngu
Tiếp ánh sáng lại gọi là cựu đô thiên tử
Mà hướng về thuật lại việc thi đỗ của Cao nhân
Gió lành thổi vào nhà vắng
Khí tốt phủ khắp sân vườn
Chén rượu thơm đầy tràn mà nước xanh đượm sắc xuân.
Bức 4
Phiên âm:
Hành tận Giang Nam sổ thập trình
Hiểu phong tàn nguyệt nhập hoa thanh
Triều Nguyên các thượng tây phong cấp
Đô nhập trường dương tác vũ thanh.
Liên nguyệt trọng, kính thư
Dịch nghĩa:
Đi khắp Giang Nam mấy chục độ đường
Gió sớm thổi trăng tàn vào hoa tươi mát
Trên gác Triều Nguyên gió tây thổi gấp
Đều vỗ vào cành dương nghe như tiếng mưa
Tháng hoa sen (tháng 6) kính thư.
Bức 5
Phiên âm:
Hồng y lạc tận ám hương tàn
Diệp thượng dương quang bạch lộ hàn
Việt nữ hàm tình dĩ vô hạn
Mạc giao trường tụ ỷ lan can
Liên nguyệt sơ cát bái thư
Dịch nghĩa:
Vỏ áo đỏ rụng hết hương kín đã tàn
Nắng thu soi hạt sương lạnh trên tàu lá
Cô gái nước Việt dấu tình cảm đã vô hạn
Chớ để cánh tay áo dài quện vào lan can.
Ngày tốt mồng 1 tháng hoa sen (tháng 5) bái thư./.
Sự kiện – Thành tựu
Năm 1986, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình làng Ước
Lễ là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.