Đình và Đền làng Bùi Xá, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên thờ phụng vua Triệu Việt Vương cùng nhị vị thần là Đông Hải Đại vương, Quý Minh Đại vương.
Trích lục Thần tích làng Bùi Xá, tổng Phù Khê, phủ Khoái
Châu, tỉnh Hưng Yên, nay là làng Bùi Xá, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh
Hưng Yên
Sau khi vua Lý Nam Đế lên ngôi được 8-9 năm, nhà Lương lại cử
Tiêu Tư làm tiên phong, Bá Tiên làm tướng thống lĩnh, dẫn quân 20 vạn đến đánh
để rửa mối hận trước đây. Nam Đế bèn cùng với Quang Phục cự chiến, mấy trận
không phân thắng thua. Nam Đế bèn cho Quang Phục dẫn một đại quân trở về giữ
huyện Đông An, phủ Khoái Châu. Còn Nam Đế giữ vùng Dã Năng. Quân Lương lại tiến
đánh. Nam Đế lại chạy về động Khuất Liêu, bị phát bệnh lam chướng mà mất.
Còn Quang Phục ở huyện Đông An, thấy trong huyện có đầm Nhất
Dạ tại đất xã Vĩnh Hưng (tức xã An Vĩnh). Đầm này chu vi không biết bao nhiêu dặm,
cỏ lác mọc rậm rạp. Bốn bề bùn lầy sình trũng. Bên trong có một chỗ nhỏ có thể ở.
Quang Phục bèn lập đồn lớn ở trong đầm.
Ngài lại đi khắp nơi trong huyện (tức huyện Đông An) tìm nơi
đất nào có hình thế tiện lợi để lập cung mà ở. Một hôm đi đến xã Bùi Xá tổng Đại
Quan, thấy hình rồng rắn bao bọc, núi sông quanh co, bèn lập một ở nơi đó để
năm tháng có thể nhàn du thưởng ngoạn.
Việc xong lại đóng đồn quân ở đầm Dạ Trạch, thường cùng tướng
Lương là Trần Bá Tiên cự chiến vài chục trận. Quân Lương đều thua. Thường khi dẫn
quân đánh quân Lương thì thấy có một lão ông, râu tóc dài khỏe, thân thể kỳ dị,
cao hơn 9 thước, cầm một cái dùi sắt, theo khói sương trong đầm mà lên, tiếng
như chuông lớn, hình như sắt trắng, đánh quân Lương thua to.
Sự việc xong ông lão lại cùng với Quang Phục đi dạo, nói cười
vui vẻ như anh em cùng một bọc đến chơi vậy. Phàm khi Quang Phục có việc bị
quân Lương tập kích thì đều đến báo trước thời gian. Nếu Quang Phục gạn hỏi họ
tên, duyên cớ thì đều không báo sự thực. Một hôm Quang Phục đi đến cung sở ở xã
Bùi Xá. Nhân dân đang làm lễ đón mừng thì bỗng thấy lão ông từ bên ngoài đi đến.
Quang Phục bèn mời vào trong ngồi. Lão ông nói rằng:
- Tôi vốn là thanh khí chốn bèo nước, là dòng dõi một bầu
trăm trứng họ Hùng trước đây, cũng là phúc thần của Bùi Xá (xem tích Lạc Long
Quân lấy tiên nữ Âu Cơ, sinh hạ một bầu trăm trứng, nở ra điềm trăm trai, đều
có tư chất hơn người, anh hùng vượt đời. Đến khi trưởng thành Vua bèn phong hầu
lập bình phong, chia nước làm 15 bộ. 50 người con theo cha về biển làm thủy thần.
50 người con theo mẹ lên núi làm sơn thần).
Tôi là Đông Hải Đại
vương, là người con thứ 10 trong số 50 người con về biển, họ Hùng tên Chiểu, ở
giữ biển Đông nên gọi là Đông Hải Đại vương. Sau lại kiểm giữ đầm Nhất Dạ ở Sơn
Nam, làm thần ở Bùi Xá trong đầm Dạ Trạch. Sau này cùng ngài được cùng hưởng
trong dân nên mới đến báo tin. Nay là lúc nghiệp làm vương tất sẽ thành.
Ngài nên chọn ngày
trai giới cầu đảo với Trời. Tất Hoàng thiên sẽ cho Quý Minh Đại vương là Hữu
kiên thần của Tản Viên Sơn Thánh, cưỡi rồng đến để cho ngài móng rồng làm đồ
quý thiên ban, tất nghiệp vương có thể thành.
Còn quân Lương không thể vây được. Nếu được như vậy thì cùng
phụng thờ vị Quý Minh Đương Lai, có việc lành dữ như thế nào thì tôi cùng với
Quý Minh tất báo cho, lại càng tăng thêm điều tốt. Từ nay, tôi có việc trên
thiên đình, không thể cùng nhau gặp mặt như ngày trước.
Nói xong, ông lão bay lên không mà đi. Ngài Quang mới biết
đó là thủy thần cùng mình đi dạo, nay đến giảng dạy cho. Bèn gọi nhân dân Bùi
Xá đến hỏi. Dân đều nói trước đây quả có phụng thờ Đông Hải Đại vương. Nguyên
là vì dân nghèo không thể sửa chữa được đền miếu nên trải qua thời gian đã bị hỏng
nặng. Ông Phục nghe lời bèn khấn rằng:
- Nếu quả đúng như lời, thần xin sửa chữa đền miếu để cùng
phụng thờ.
Bèn chọn ngày trai giới, lập đàn dâng lễ cáo tế trời đất, cầu
đảo bách thần. Ba ngày đèn hương không dứt. Bỗng thấy trời đất mù mịt, mây gió
nổi lên. Có một vị thần tướng cưỡi rồng vàng từ trên trời hạ xuống, đứng trên
đàn. Ông Phục đại bái ở trước. Thần tướng mới nói rằng:
- Ta là Quý Minh Đương Lai (Xét xưa cha của ông Quý họ Nguyễn,
mẹ họ Tạ, nằm mộng thấy hai con hổ nhập vào, có thai mà sinh một bọc hai con
trai. Người anh tên Sùng công, là Cao Sơn Đại vương. Người em tên Hiển công, là
Quý Minh Đại vương. Tản Viên Sơn cùng là ba người anh em, là con chú con bác.
Sau gọi là Tả hữu lưỡng kiên thần), cho khanh một vật để làm nỏ thần báu vật trời
ban. Cho dù có giặc mạnh cũng không phải lo lắng vậy.
Bèn tháo móng rồng mà trao cho ông Phục. Ông làm lễ bái tạ.
Quý Minh cưỡi rồng biến mất. Ông Quang Phục rất mừng, bèn lệnh cho chế tạo nỏ
thần vuốt rồng, tự lập là Triệu Việt Đại vương, hướng nỏ vào đâu thì quân Lương
đều tự khắc dạt ra, không dám đến gần.
Do cảm đức lớn của đức Đông Hải, Quý Minh và từ lời không thể
đổi của đức Đông Hải nên Ngài cho trùng tu miếu điện ở xã Bùi Xá, viết thần hiệu
hai vị Đông Hải, Quý Minh để phụng thờ (thời cổ người còn thuần phác, theo sự
việc thật mà đến, nên có chữ Đương Lai, có lẽ là theo nghĩa thứ hai là đến), để
sau này khi ngài trăm tuổi làm nơi hương lửa hưởng thần.
Cho phép Bùi Xá dùng tô thuế, phục dịch, mua thêm ruộng công
để làm dân thang mộc, cùng phụng thờ hai vị Đông Hải, Quý Minh. Bốn mùa tám tiết
hương lửa theo như nghi thức. Người đời sau có thơ rằng:
Sơn thuỷ tòng lai tương biệt thú
Như hà sơn thuỷ đắc đồng nguyên
Giả lệnh tại đương thì giả
Cảm vấn chư công đắc minh.
Dịch nghĩa:
Sông núi theo đi mà chia biệt
Tại sao sông núi lại cùng nguồn?
Nếu là thủ lĩnh đương thời đó
Dám hỏi các ngài rõ không?
Vua từ đó lấy làm đắc chí, mới đi chu du thiên hạ, xem sông
hỏi bến, tản bộ núi rừng. Lúc thì thổi sáo đánh đàn, thơ sách đối với trời đất,
phượng hát loan ca, thanh sắc Bồng Lai, chủ trương ba lá vượt bồng, năm hồ
trăng gió, dấu tiên tại đình thuyền câu, hai gương cảnh tượng xe mây nếp cũ. Nước
xanh, núi đẹp đều tụ lại với đất trời. Thánh ở Tây, thần ở Bắc, ra vào chốn
phong cảnh trời Nam.
Theo dấu tiên ông mà đi khắp quê nhà nước cũ. Núi sông Thần
Phù, Yên Tử, Cao Đê, mặt trời hồng, đám mây trắng, gió trăng cuốn Hoa Quật,
Long Biên. Trên dưới non xanh nước biếc. Ở ngôi được khoảng 10 năm, thiên hạ
thái bình, xem thấy lũ cướp đều lánh xa, bọn giặc đều yên. Không người nào
không thỏa lòng sinh. Không vật nào không yên mà không dưỡng. Công thành, trị định.
Việc cơ yếu thành hòa hợp, hưng khởi mà trị. Cũng đều do có nỏ rồng trời ban xếp
đặt vậy.
Vua từ khi có được báu vật của trời đâm ra thêm kiêu ngạo, lại
đam mê yến tiệc, không lo việc quốc chính. Thiên tai báo nguy cũng là điềm báo
trước. Thiên mệnh đến mức trọng thì không thể dùng trí lực mà tranh giành được.
Người em của Tiền Lý Nam Đế là Lý Phật Tử với con trai tên Nhã Lang có tấm lòng
đế vương, kiêm tài văn võ, tích trữ quân lương để khôi phục họ Lý, trí mưu đều
lớn, dũng lược hơn người, dẫn quân đến đánh Triệu Việt Vương, mấy trận đều bị
thua.
Nhã Lang trong lòng biết vua Triệu có báu vật trời ban, tuy
có trí dũng cũng không thể vây được, bèn nói với cha rằng:
- Thần xem nước Triệu tất có cơ thần, thuật lạ. Nay nếu hết
sức mà công đánh tất sẽ hao tướng mất quân, cũng không thể thành công được. Chi
bằng hãy dùng mưu mà lấy. Thần sẽ cầu hôn với con gai vua Triệu là Quả Nương, rồi
thần vào ở rể làm con tin, tất sẽ biết được thực hư vậy.
Phật Tử đồng ý, bèn mang lễ cống đến giảng hòa với vua Triệu,
nói:
- Xưa Vương cũng là danh thần của Nam Đế ta. Nay Vương có
con gái Quả Nương cùng với Nhã Lang đồng tuổi. Dám xin cầu để kết nghĩa Tấn Tần,
mà tăng thêm tình thân vậy.
Triệu Vương đồng ý. Khi ấy có các đình thần ra sức can gián,
nhưng cuối cùng Vương không nghe, nói:
- Ta có nghĩa với Tiền Lý Đế, lại có thần nỏ vuốt rồng, ai
làm gì được?
Một hôm Vương nằm ở Bùi Xá miếu sở phụng thờ hai vị Đông Hải,
Quý Minh, bỗng mơ thấy hai vị đến ban cho Vương một bài thơ. Vương trong mộng mở
ra xem, thấy trong có 4 câu thơ:
Nhị thập niên gian tắc du vương
Thiên hạ dĩ định khả tri tường
Nam bang hồi Lý gia Phật tử
Long trảo hoàn quy tại Nhã Lang.
Dịch nghĩa:
Hai mươi năm đó đã xưng Vương
Thiên hạ định rồi, biết rõ ràng
Nước Nam về tay Lý Phật Tử
Móng rồng quay trả ở Nhã Lang.
Khi ấy Vua ở ngôi đã được 20 năm. Một hôm Nhã Lang tráo đổi,
lấy trộm vuốt rồng, rồi quay về báo với Phật Tử. Phật Tử bèn dẫn quân đến đánh.
Triệu Vương thua chạy. Phật Tử lên ngôi tự lập là Hậu Lý Nam Đế. Nam Đế nghĩ đến
chữ nghĩa cha con, quân thần bèn cắt giới từ Thượng Cát, huyện Từ Liêm về phía
Tây cho Nhã Lang ở. Từ Thượng Cát về phía Đông Nam Việt ở, gọi là Quân Thần.
Sau khi Vương mất ở nơi yên nghỉ cuối cùng thì nhân dân xã
Bùi Xá cảm ơn đức bèn viết thần hiệu mà lập miếu thờ phụng, giữ được hương lửa
vạn đại vô cùng. Từ đó về sau trải Đinh, Lê, Lý, Trần bốn họ khai sáng cơ đồ,
thường có việc hộ quốc bảo dân nên có nhiều đế vương gia phong mỹ tự để muôn
năm cùng an hưởng với nước nhà. Tốt thay!
Xã Bùi Xá phụng thờ.
Tiệc lớn cùng với các chữ húy Đông, Hải, Quý, Minh, Quang,
Phục cùng màu đỏ và tía là húy kỵ.
Chính lệ sự thần ngày 1 tháng 5.
Ngày 2 tháng 2 là tiệc lớn mở sắc.
Năm Hồng Phúc thứ nhất ngày tốt tháng giữa xuân, niên hiệu
vua Lê Anh Tôn.
Hoàng triều Vĩnh Hựu năm thứ nhất ngày tốt đầu xuân niên hiệu
vua Lê Ý Tông.
Chánh hội Hoàng Văn Tiệp, Thư ký Lê Văn Chấn, Lý Trưởng Lê
Văn Trong ký.
Câu đối ở mặt ngoài nghi môn
夜澤戰功留青史
歷朝封贈趙越王
Dạ Trạch chiến công lưu thanh sử
Lịch triều phong tặng Triệu Việt Vương.
Câu đối ở mặt bên của nghi môn
敵掃萬兵名已古
澤城一夜昔猶今
Địch tảo vạn binh danh dĩ cổ
Trạch thành nhất dạ tích do kim.
Câu đối ở mặt chính của trụ đền
夜澤回功留至地
當朝稱帝趙越王
Dạ Trạch hồi công lưu chí địa
Đương triều xưng đế Triệu Việt Vương.
Câu đối ở mặt bên trụ biểu của đền
李朝微將傳今古
護國庇民最英灵
Lý triều vi tướng truyền kim cổ
Hộ quốc tí dân tối anh linh.
Câu đối bên trong đền
萬古越王芳名傳歷史
千秋夜澤偉跡勝梁兵
Vạn cổ Việt Vương phương danh truyền lịch sử
Thiên thu Dạ Trạch vĩ tích thắng Lương binh.