Đình Chiền xã Nội Hoàng huyện Yên Dũng thờ phụng thần Cao Sơn Đại vương – Quý Minh đại vương và Đổng Đĩnh đại vương, những vị thần đã có nhiều công lao đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, được các triều đại phong kiến Việt Nam ghi nhận và phong thần.
Là một trong những làng cổ của huyện Yên Dũng, làng Chiền xã
Nội Hoàng hiện còn bảo lưu được rất nhiều những giá trị lịch sử và những phong
tục đẹp từ xa xưa.
Lễ rước kiệu trong Ngày hội đón nhận Bằng công nhận DTLSVH
đình Chiền năm 2010
Làng Chiền trước kia thuộc xã Nội Hoàng, tổng Phúc Tằng huyện
Yên Dũng, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc. Ngày nay làng Chiền là một trong sáu
thôn của xã Nội Hoàng huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, nằm ở chân núi Nham Biền,
nơi có địa thế “Long Hổ quần tụ” với thế sông uốn lượn mở ra và thế núi sừng sững
chầu lại. Làng Chiền hiện có 265 hộ dân với trên 1000 nhân khẩu sinh sống.
Trải qua thời gian, do cuộc sống mưu sinh từ làng Chiền người
dân đã tiến hành khai hoang, mở đất lập nên những thôn mới như thôn Si, thôn
Giá. Tuy 3 cành mà chung một cội. Sự gắn bó máu thịt của người dân ở 3 thôn nơi
đây được thể hiện rõ nhất trong những ngày sự lệ.
Với thôn Chiền có thể nói đây là một vùng quê có lịch sử lập
làng từ rất xa xưa và hiện còn bảo lưu và gìn giữ được rất nhiều nét cổ kính của
một vùng quê trấn Kinh Bắc.
Đình làng Chiền xã Nội Hoàng( Yên Dũng)
Nổi bật giữa trung tâm của làng Chiền là ngôi đình. Đình tọa
lạc trên một thế đất cao nhìn ra hướng Tây Nam. Phía trước đình là đường liên
thôn, ba mặt xung quanh đình là khu dân cư sum vầy đông đúc. Đình thờ thần Cao
Sơn – Quý Minh đại vương và Đổng Đĩnh đại vương, đây là những vị thần đã có nhiều
công lao đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, được các triều đại phong kiến Việt
Nam ghi nhận và phong sắc.
Theo tư liệu của dòng họ Dương thôn Chiền: vào thời Hậu Lê,
họ Dương ở thôn Chiền có ông Dương Quốc Chính làm quan trong triều đã có công
xây dựng và tu sửa ngôi đình. Hai tấm bia đá hậu thần dựng vào năm Vĩnh Khánh
(1729) hiện còn được lưu ở đây có nội
dung cho biết về ghi nhớ công lao của các vị hậu thần đã có công lao với làng
và các quy định của làng trong các ngày sự lệ diễn ra tại đình.
Như vậy có thể khẳng định đình Chiền đã được khởi công xây dựng
từ thời Hậu Lê và đã được tu sửa, tôn tạo lớn ở thời Nguyễn và các giai đoạn
sau này. Trải qua năm tháng và chiến tranh ngôi đình đã từng bị thực dân Pháp
phá hủy.
Năm 1999, cán bộ và nhân dân làng Chiền đã bỏ tiền của, công
sức, chung tay dựng lại ngôi đình. Đình Chiền được thiết kế hình chữ Đinh bao gồm
tòa tiền đình ba gian hai chái nối với tòa hậu cung ba gian.
Trong đình hiện còn lưu giữ được rất nhiều tài liệu, hiện vật
quý như ngai thờ, bài vị, hương án, bát bửu, bia đá, hoành phi, câu đối. Đình
Chiền vừa được Sở Văn hóa thể thao du lịch Bắc Giang xếp hạng là di tích lịch sử
văn hóa cấp tỉnh.
Hội làng Chiền diễn ra trong ba ngày 8, 9 và mùng 10 tháng 8
âm lịch hàng năm để dân làng tưởng nhớ tới các vị thành hoàng có công với quê
hương, đất nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Hội làng Chiền có những tục riêng biệt mà ít nơi có, đó là tục
thui trâu tế thần, tục rước cỗ về đình. Lệ làng từ xưa quy định ngày hội làng
phải làm lễ thui trâu để tế thành hoàng.
Ngay từ sáng sớm hôm khai hội, đại diện Ban tổ chức lễ hội của
thôn đã tập trung đông đủ để làm lễ thui trâu. Trâu được chọn mua về giết, đem
thui rồi mổ thịt làm cỗ tế các vị thành hoàng, sau đó chia đều cho các hộ dân để
làm cỗ trong ngày hội lệ.
Trâu để làm lễ phải là trâu mộng to, khỏe, béo, người dân
nơi đây quan niệm như vậy mới là điều thành kính với thành hoàng, tăng thêm phần
trang trọng, thiêng liêng và đem lại sự may mắn cho dân làng trong cả năm.
Ngày khai hội cũng là ngày làng tổ chức lễ rước cỗ về đình.
Cỗ được ba thôn Chiền, Si, Giá sửa soạn gồm có xôi, gà, thủ lợn, hoa quả…Đội rước
cỗ tập trung tại một địa điểm, sau đó rước về đình lễ thánh.
Đi đầu đám rước của mỗi thôn là một gia đình tiêu biểu được
làng bầu chọn, suy tôn. Lệ làng ở đây quy định: gia đình được chọn để rước cỗ
phải là gia đình có vợ chồng song toàn, thọ từ 75 tuổi trở lên, sống hòa thuận,
chấp hành tốt chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hương ước của
thôn làng. Đó là một vinh dự của gia đình đồng thời có ý nghĩa giáo dục lớn đối
với các tầng lớp nhân dân không ngừng vun đắp hạnh phúc gia đình trọn vẹn.
Thui trâu và rước cỗ là hai lệ tục độc đáo ở đây vốn có từ rất
xa xưa được lưu truyền cho đến ngày nay. Hội làng Chiền được tổ chức xung quanh
khu vực đình trong 3 ngày với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như bịt mắt
đập niêu, đánh cờ, chọi gà, bắt vịt… thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Những năm gần đây Ban tổ chức lễ hội của thôn Chiền cũng đã
tổ chức thêm chương trình hát quan họ trên thuyền, giao lưu văn hóa văn nghệ
vào buổi tối ngày bế mạc để tăng thêm phần sinh động cho lễ hội.
Trong phong trào phát triển kinh tế và xây dựng văn hóa mới ở
thôn Chiền xã Nội Hoàng không thể không nói tới vai trò của Chi bộ thôn cùng sự
đoàn kết chung lòng keo sơn gắn bó của nhân dân.
Chi bộ thôn Chiền nhiều năm đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh,
luôn đi đầu trong các hoạt động phong trào của xã, đặc biệt 8 năm liền thôn được
công nhận danh hiệu là làng văn hóa cấp tỉnh. Những truyền thống văn hóa tốt đẹp
từ ngàn đời của ông cha được lưu truyền trong mỗi người dân đã giúp cán bộ và
dân làng ở đây xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Xuân Mừng