Đình làng Vân Cẩm được xây dựng vào cuối thế kỷ 17. Đình thờ hai vị thần Cao Sơn – Quý Minh. Theo truyền tích, thần Cao Sơn – Quý Minh thuộc Tướng của đời Hùng Vương thứ 18 đã có công chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở xã Đông Lỗ, huyện
Hiệp Hòa có lẽ duy nhất chỉ có đình Vân Cẩm là còn lưu giữ được nhiều cổ
vật bằng giấy. Hiện trong đình còn bảo lưu được chín đạo sắc phong cổ được ban
tặng dưới các triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn. Đây là những cổ vật quý có
niên đại trên 100 năm tuổi vẫn được nhân dân địa phương bảo quản gìn giữ tốt.
Đình Vân Cẩm thờ thần Cao Sơn, Quý Minh dưới thời vua Hùng
đã có nhiều công lao với dân với nước. Ngôi đình được xây dựng từ lâu đời và đã
được tu sửa lớn ở thời Nguyễn và các giai đoạn sau này.
Dấu hiệu nhận biết ngôi đình cổ hiện nay thể hiện ở nguồn
tài liệu, hiện vật còn lưu giữ trong đình như chín đạo sắc phong cổ, trong đó đạo
sắc có niên đại sớm nhất là đời vua Quang Trung thứ 5-1792... ngai thờ, bài vị
thời Nguyễn, hệ thống khối đá xanh thời hậu Lê kê ở sân đình, bát hương cổ....
Trải thời gian với sự tác động của thiên nhiên, con người, ngôi đình không còn
bảo lưu được bộ khung vì mái như thủa ban đầu, duy chỉ có tòa hậu cung còn bảo
lưu được một số nét kiến trúc cổ của thời Nguyễn.
Tòa tiền đình đã được đại trùng tu lại vào những năm gần
đây. Bình đồ kiến trúc đình Vân Cẩm hiện nay kiểu chữ đinh gồm tòa tiền đình ba
gian hai chái, bốn mái đao cong nối tòa hậu cung hai gian. Phần khung liên kết
vì mái tòa tiền đình theo kiểu con chồng trụ giá chiêng, các cấu kiện không chạm
khắc.
Phần liên kết vì mái tòa hậu cung theo kiểu con chồng trụ
giá chiêng, vì nách liên kết theo kiểu con chồng các cấu kiện kiến trúc không
chạm khắc. Trong đình còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật quý có giá trị
nghiên cứu khoa học như sắc phong, ngai thờ, bài vị, hương án, bát hương cổ...Đình
Vân Cẩm là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống
của nhân dân địa phương.
Hội lệ hàng năm được tổ chức ngày 12 tháng Giêng và ngày 16
tháng Tám âm lịch với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc
văn hóa dân tộcnhư nghi lễ rước kiệu và tế thánh các trò chơi dân gian đánh đu,
đấu vật, chọi gà, cướp cầu, đi chữ...buổi tối có các gánh hát tuồng, hát nhà
tơ, hát ca trù tại sân đình....
Đình Vân Cẩm không nổi trội về mặt kiến trúc nghệ thuật chạm
khắc nhưng lại có giá trị về mặt lịch sử văn hóa. Hiếm thấy ngôi đình nào ở địa
phương còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như đình Vân Cẩm trong đó phải nói tới
chín đạo sắc phong cổ.
Đạo sắc thứ nhất ban tặng vào ngày 4 tháng 12 năm Quang
Trung thứ 5 (1792). Sắc phong cho Đương cảnh tá phụ Cao Sơn.
Đạo sắc thứ hai ban tặng vào ngày 4 tháng 12 năm Cảnh Thịnh
thứ nhất (1793). Sắc phong cho Đương cảnh tá phụ Cao Sơn hiển ứng phù vận, hộ
quốc an dân...
Đạo sắc thứ ba ban tặng vào ngày 11 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ
2 (1821). Sắc phong cho xã Vân Cẩm theo lệ cũ phụng thờ thần Cao Sơn đại vương
vì thần đã có công giúp nước, che chở muôn dân (Vân Cẩm xưa là xã Vân Cẩm thuộc
huyện Việt Yên).
Đạo sắc thứ 4 ban tặng vào ngày 1 tháng 8 năm Thiệu Trị thứ
4 (1844). Sắc phong cho xã Vân Cẩm theo lệ cũ phụng thờ Cao Sơn thượng đẳng thần.
Đạo sắc thứ 5 ban tặng vào ngày 20 tháng 12 năm Tự Đức thứ 3
(1850). Sắc phong cho xã Vân Cẩm theo lệ cũ phụng thờ Cao Sơn tôn thần, nguyên
được gia tặng danh hiệu Hiệp linh phù chính phu uy đôn tĩnh, hùng tuấn trác vĩ,
thượng đẳng Thần.
Đạo sắc thứ 6 ban tặng vào ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ
33 (1880). Sắc phong cho xã Vân Cẩm theo lệ cũ phụng thờ Hiệu linh đôn tĩnh,
hùng tuấn trác vĩ Cao Sơn Thượng đẳng thần.
Đạo sắc thứ 7 ban tặng vào ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ
2 (1887). Sắc phong cho xã Vân Cẩm, theo lệ cũ phụng thờ Cao Sơn thượng đẳng thần,
gia tặng thêm mỹ tự cho thần là Dực bảo trung hưng Thượng đẳng thần.
Đạo sắc thứ 8 ban tặng vào ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3
(1909). Sắc phong cho xã Vân Cẩm theo lệ cũ phụng thờ Cao Sơn thượng đẳng thần
và Quý Minh thượng đẳng thần.
Đạo sắc thứ 9 ban tặng ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9
(1924). Sắc phong cho xã Vân Cẩm theo lệ cũ phụng thờ Cao Sơn tôn thần và Quý
Minh tôn thần, nguyên được gia tặng danh hiệu Thanh lãng cao diệu, địch cát
khác tĩnh, dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.
Đây là những văn bản truyền mệnh lệnh của nhà vua sắc phong
cho thần Cao Sơn, Quý Minh những người có công với dân với nước được thờ trong
đình Vân Cẩm. Sắc phong làm bằng chất liệu giấy dó mỏng có màu vàng nhạt, dai
và bền có kích thước khoảng 133cm x 53cm.
Đây là một loại giấy được sản xuất bằng kỹ thuật cổ truyền đặc
biệt. Loại giấy này quý, để làm được đòi hỏi rất nhiều công phu, nguyên liệu
dùng để vẽ lên bề mặt giấy là vàng, bạc và kim nhũ. Nhờ nguyên liệu này mà giấy
sắc ở đình Vân Cẩm có hình thức và màu sắc đẹp, bền.
Các đạo sắc ở đây đã tồn tại trên trăm năm mà vẫn còn bảo
lưu được gần như nguyên vẹn, duy chỉ có hai đạo sắc dưới thời Tây Sơn bị rách một
phần góc. Giấy sắc ở đình Vân Cẩm được các nghệ nhân vẽ theo kiểu vẽ chạy và vẽ
đồ. Vẽ chạy là vẽ ra hình rồng mây, hình triện, hoa văn. Vẽ đồ là theo nét vẽ
chạy mà tô kim nhũ, vàng bạc…
Trên mỗi sắc phong ở đình Vân Cẩm đều có dấu ấn uy quyền của
các vị vua cai trị được thể hiện khá rõ rệt. Ở đây có thể thấy rõ các loại giấy
sắc phong khác nhau. Sắc phong dưới thời Tây Sơn đời vua Quang Trung và Cảnh Thịnh
có viền mép xung quanh in triện hoa chanh và hồi văn phía trước vẽ một hình rồng
lớn ẩn trong mây gọi là Long ám và các dấu chấm tròn, mặt sau vẽ hình nhị linh,
hai con vật linh Ly, Phượng trong bộ tứ linh hình vân mây, bốn góc và ở chính
giữa in hình chữ Thọ.
Sắc phong dưới thời Nguyễn đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự
Đức...đều sắc phong cho bậc Thượng đẳng thần, mép viền in triện hoa chanh và hồi
văn, mặt trước vẽ một con rồng lớn, ẩn trong mây, gọi là Long ám, mặt sau vẽ
hình Tứ linh (Long-Ly-Quy-Phượng), ở bốn góc vẽ hình chữ Thọ, chính giữa vẽ hai
chữ Thọ liền nhau gọi là song Thọ.
Trong mỗi bản sắc ở cuối văn bản có ghi niên đại tuyệt đối đến
tận ngày, tháng, năm. Niên đại của sắc phong được ghi gồm niên đại triều vua
ban sắc, tháng ngày ban sắc. Thông qua nội dung sắc phong ở đình Vân Cẩm có thể
cho ta hiểu biết về địa lý, lịch sử, văn hóa dân gian của vùng đất con người
nơi đây; đồng thời còn thể hiện đặc trưng của thư pháp Hán Nôm và sự biến đổi
qua các thời kỳ lịch sử.
BBT (st)